Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Quá khứ nào đang trở lại?

Quá khứ nào đang trở lại?
Nguyễn Thị Hậu - Có nên làm “sống dậy” những giá trị văn hóa của quá khứ nhưng không còn hợp thời, thậm chí “giá trị” ấy còn dung dưỡng, khuyến khích những hành vi tâm lý xấu trong xã hội hiện nay? Các giá trị tinh thần tốt đẹp của truyền thống mất đi, con người sẽ phải tìm đến và tin vào những giá trị “ảo”, dần dần sẽ làm băng hoại xã hội!
Từ năm 2010, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra lễ khai ấn đền Trần và nhiều lễ hội khác đã không còn giữ đúng hình thức và nội dung đã được lưu truyền hay ghi chép trong sử sách. Thế nhưng vì sao mỗi năm các lễ hội này lại càng phát triển hoành tráng, lãng phí thời giờ, tiền bạc, công sức của xã hội, biến chất về ý nghĩa, mang nặng yếu tố tiêu cực hơn?

“Công bộc của dân” làm ảnh hưởng tâm lý toàn xã hội

Hiện nay tâm lý truyền thống “tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã sống lại và phát triển nhờ hàng loạt lễ hội mở ra với mật độ dày đặc trong một thời gian không dài, quy mô tổ chức ngày càng lớn, ngoài phạm vi làng xã. Hầu hết lễ hội đều do các cấp chính quyền nhà nước tổ chức và cử hành nên phần nghi lễ trước đây trang nghiêm, giản dị, vừa phải thì nay trở thành phần chính, được cử hành một cách chính thức. Ý nghĩa của nghi lễ đã thể hiện, đáp ứng những nhu cầu “chính thống” của xã hội. Do đó không lạ khi lễ khai ấn đền Trần lại trở thành lễ cầu xin thăng quan tiến chức. Đây là tâm lý của một bộ phận không nhỏ công chức nhà nước nên có ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội nói chung. Người xưa nói “ấn tín” là để chỉ đạo đức, trách nhiệm của người giữ ấn. Nhưng nay những “công bộc của dân” mấy ai quan tâm đến việc tạo dựng và gìn giữ uy tín, đạo đức?

Mặt khác, việc các công chức nhà nước bỏ nhiệm sở đổ xô đi dự lễ khai ấn và nhiều lễ hội khác cho thấy mặc dù chúng ta luôn nói đến công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhưng không biết đến bao giờ tác phong văn minh công nghiệp mới trở thành nếp sống của xã hội ta?

Đánh mất các di sản văn hóa, xô con người vào chỗ vô đạo đức

Những lễ hội có các hành vi chém giết động vật, tranh cướp “lộc thánh”… nếu trước đây mang tính biểu trưng văn hóa thì nay lại mang tính thực dụng. Việc nhúng tiền vào máu động vật bị giết hay rải tiền lẻ ở đền, chùa để cầu may; việc để cho con trẻ chứng kiến, người lớn thì reo hò nhìn con vật chết dần không thể hiện sự “thiêng liêng” như ý nghĩa vốn có. Nếu nhìn rộng hơn ra xã hội, ta không khó để nhận ra những hành vi “buôn thần bán thánh”, coi thường đạo đức luật pháp, dửng dưng, trơ lỳ cảm xúc trước bất công, trước hành vi bạo lực của con người với con người, như những vụ “mất chó, giết người đền mạng” xảy ra gần đây.

Nếu cứ tiếp tục tổ chức rầm rộ lễ khai ấn và những lễ hội thế này thì việc hằng năm người dân ùn ùn kéo đến lễ hội sẽ không chỉ làm cho ý nghĩa của lễ hội tiếp tục biến dạng mà thực chất nó phản ánh thực trạng và những “nhu cầu” xã hội hiện nay. Đó là: Các lễ hội truyền thống không còn giá trị đích thực, chúng ta đang làm mất di sản văn hóa của chính chúng ta. Các giá trị tinh thần tốt đẹp của truyền thống mất đi, con người sẽ phải tìm đến và tin vào những giá trị “ảo”, dần dần sẽ làm băng hoại xã hội! Và Nhà nước đã cho thấy không thể quản lý được các lễ hội nếu cứ tổ chức tràn lan và tùy tiện như vậy. Những tệ nạn đã xuất hiện trong các lễ hội sẽ rất khó bị dẹp bỏ, chưa kể nó sẽ biến tướng và xuất hiện thêm những tệ nạn mới.

Quá khứ phải là nguồn mạch trong lành để nuôi dưỡng tâm hồn con người hiện tại và tương lai. Chúng ta không thể thải những rác rưởi vào đó để biến quá khứ thành “ao tù nước đọng”, bởi vì chúng ta đang sống trong thời đại toàn cầu chứ không phải sống trong một cái làng tù túng ngày xưa.

Nguyễn Thị Hậu
(Pháp Luật TP)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét