Thứ Hai, 16 tháng 3, 2015

Mẹ không muốn anh hùng

Hôm kia tình cờ xem vtv1 thấy trong 1 bộ phim lịch sử Việt Nam có đoạn 1 bà cụ ở Cao Bằng (hay Bắc Kạn ?) ngồi bên bếp lửa hoang sơ trong một ngôi nhà sàn rách nát giữa một thung lũng heo hút. Cụ vừa còng lưng thổi lửa nấu xoong cơm đen nhẻm, méo mó, vừa trả lời phỏng vấn. Cụ là người đã đón, nuôi Bác Hồ những ngày Bác mới về nước (năm 1941-1942); nội dung trả lời phỏng vấn là ca ngợi công lao trời biển của Bác, của Đảng đối với đất nước và gia đình cụ. Nhìn ngôi nhà, xoong cơm, mình cứ nghĩ không biết chúng có hơn gì ngôi nhà, xoong cơm của cụ hơn 70 năm trước ?
Mẹ không muốn anh hùng
Hoàng Xuân Khám Phá - Có tượng đài nào mang lại hơi ấm cho mẹ? Có những ai đã từng ca tụng sự anh hùng của mẹ ngồi lại với mẹ bên mâm cơm? Như bất cứ người phụ nữ nào, mẹ chẳng muốn thành anh hùng.
Ngôi nhà lụp sụp. Tối. Ngay giữa nhà, đập vào mắt là bàn thờ lớn bằng gỗ tạp. Trên ấy lủ khủ bát hương. Quanh vách, cũng chập chờn bóng tối như thế, dày đặc những tấm giấy ghi chiến công bọc trong khung kính.

Xế dưới chân bàn thờ một quãng, có một ông táo nhỏ. Một niêu cơm nhỏ xíu, một niêu cá kho cũng nhỏ xíu. Một vầng cơm nguyên vẹn không được xới, dấu muỗng khoét vào in rõ như điêu khắc.

Đó là nhà của mẹ Ngư, người mẹ được phong Bà mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh Bình Thuận cách đây nhiều năm. Khi đó, tôi là phóng viên của Đài truyền hình Bình Thuận, chúng tôi tháp tùng một đoàn cán bộ tỉnh đi úy lạo các gia đình có công của tỉnh nhân ngày thương binh liệt sĩ 27/7. Có sữa, có quà, có tiền, có rất đông quan chức của tỉnh và huyện và xã, tất cả đều ôm vai, vuốt lưng bà mẹ lưng còng.

Khoảng nửa tiếng, đủ quay phim xong, chúng tôi lại đi. Đến bà mẹ khác. Tiếp tục úy lạo, tiếp tục chụp hình và quay phim.

Còn mẹ Ngư tiếp tục ở lại với bàn thờ tám đứa con và người chồng đã mất trong chiến tranh với la liệt bằng khen ghi công đóng khung kính treo kín vách, với niêu cơm cứng ngắc giữ nguyên vẹn dấu cái muỗng khoét. Dấu ấn đơn giản nhưng cùng tột của sự cô quạnh.

Mỗi năm, vào vài dịp cần được cổ vũ nào đó, mẹ Ngư lại được lên truyền hình. Người ta cần mẹ ở đó như một tấm gương nêu cao sự hy sinh để tiếp tục kêu gọi động viên những sự hy sinh khác, dù thời cuộc đã thay đổi. Nhưng với những người mẹ mất con, không bao giờ sự hy sinh ấy lại trở thành niềm tự hào. Không người mẹ nào tự hào vì có nhiều con cháu đã chết cả.

Những tượng đài lớn nhất không mang được hơi ấm nào vào ngôi nhà chập chờn bóng tối của những bà mẹ mất sạch con. Những tháp truyền hình cao nhất thế giới có thể phát đi những bộ phim bi tráng ca ngợi tấm lòng vĩ đại của người mẹ, nhưng không ai trong vô số quan chức từng trịnh trọng ôm lấy mẹ Ngư trước truyền hình đó ngồi lại với mẹ bên mâm cơm. Một nồi cơm được xới tơi ra, đơm vào nhiều bát như tất cả mọi bà- mẹ- không- anh -hùng nào cũng đều được có trong mỗi bữa ăn.

Mẹ, như bất cứ người mẹ nào, chỉ cần có từng ấy. Mẹ đâu có muốn thành anh hùng?


http://khampha.vn/toi/me-khong-muon-anh-hung-c8a317441.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét