Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Lại “nóng” chuyện sáp nhập ngân hàng

Lại “nóng” chuyện sáp nhập ngân hàng
Linh Trang - (TBKTSG) - Thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) giữa Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) lại được dư luận làm nóng những ngày gần đây. Nếu thương vụ này chính thức được thực hiện, cả hai bên sẽ đều đạt được những lợi ích nhất định. Dự kiến trong thời gian tới, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục là tâm điểm của ngành ngân hàng.
PGBank đã có thời điểm đăng thông tin trên trang web của 
mình về việc sẽ sớm về một nhà với VietinBank. Ảnh: T.L
Đôi bên cùng có lợi
Những ngày đầu năm mới, các phương tiện thông tin đại chúng lại ồ ạt đưa tin về việc sáp nhập giữa ngân hàng VietinBank và PGBank. Đây không phải là thông tin mới khi từ tháng 4-2014, PG Bank đã có thời điểm đăng thông tin trên trang web của mình về việc sẽ sớm về một nhà với VietinBank.

Phương án sáp nhập khi đó cũng đã được nêu ra cụ thể là VietinBank sẽ phát hành thêm cổ phiếu để sở hữu 99% vốn của PGBank với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu đảm bảo không thấp hơn 0,82 cổ phiếu PGBank lấy một cổ phiếu VietinBank. Khi đó, PGBank sẽ là đơn vị thành viên trực thuộc VietinBank, theo mô hình ngân hàng trong ngân hàng.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà PGBank vài ngày sau đó đã gỡ thông tin trên khỏi trang web của mình, đôi bên lại phủ nhận phương án sáp nhập cho tới gần đây khi Chủ tịch HĐQT của VietinBank là ông Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ sớm công bố kế hoạch sáp nhập với PGBank thì thương vụ này mới “nóng” trở lại.

Trên thực tế, nếu thương vụ trên diễn ra, đôi bên sẽ cùng có lợi. Về phía PGBank, với vị thế là một ngân hàng có quy mô vốn (đạt 3.000 tỉ đồng) và tổng tài sản (hơn 22.000 tỉ đồng vào thời điểm cuối quí 3-2014) nhỏ hơn VietinBank rất nhiều (chỉ bằng 1/12 vốn điều lệ và khoảng 1/30 tổng tài sản của Vietinbank tại thời điểm cuối năm 2014) thì sáp nhập sẽ là con đường sớm muộn sẽ phải thực hiện trong bối cảnh cạnh tranh ngành ngân hàng ngày càng gay gắt. Nếu không sáp nhập, PGBank sẽ khó lòng đáp ứng được tiêu chí tăng vốn điều lệ mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra trong thời gian tới khi cổ đông lớn nhất của ngân hàng này (chiếm 40%) là Petrolimex hiện chỉ muốn bán bớt cổ phần chứ khó lòng rót vốn thêm dưới sức ép thoái vốn ngoài ngành mà Chính phủ đặt ra.
Về phía VietinBank, với định hướng trở thành một ngân hàng ngang tầm khu vực - mục tiêu vốn luôn được NHNN ủng hộ thì M&A với các ngân hàng bé hơn sẽ là bước “đi tắt đón đầu” để hiện thực hóa tham vọng trên. Hiện vốn điều lệ của VietinBank đã đạt mức hơn 37.000 tỉ đồng, lớn nhất trong hệ thống ngân hàng hiện nay, trong khi tổng tài sản đạt gần 661.000 tỉ đồng, chỉ đứng sau Agribank nhưng vẫn dẫn đầu trong khối các ngân hàng cổ phần.

Mặc dù việc tăng trưởng quy mô vốn và tổng tài sản của VietinBank trong các năm gần đây khá tốt nhưng hạn chế của ngân hàng này là vẫn chủ yếu tập trung vào mảng bán buôn, chưa chú trọng nhiều đến mảng bán lẻ. Mà muốn phát triển bán lẻ, cần có hệ thống mạng lưới dày đặc để phát triển. Sáp nhập với các ngân hàng bé hơn sẽ giúp VietinBank nhanh chóng mở rộng mạng lưới tại một vài khu vực trọng điểm (như trường hợp của PGBank là khu vực đồng bằng sông Cửu Long).

Thế mạnh của PGBank là có cổ đông lớn Petrolimex với nguồn tiền gửi dồi dào, lực lượng cán bộ nhân viên, mạng lưới đơn vị thành viên và đại lý trải rộng trên cả nước. Đây là một lợi thế không nhỏ giúp PG Bank hấp dẫn VietinBank. Ngoài ra, nếu sáp nhập, khả năng VietinBank đàm phán với các cổ đông của PGBank về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu có thể sẽ có nhiều thuận lợi do Petrolimex hiện đang ở thế rất cần đối tác để thoái vốn khỏi PGBank.

M&A sẽ còn tiếp tục sôi động
Tính đến thời điểm này, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng được đánh giá là đã tạm kết thúc giai đoạn 1, các ngân hàng đã hết thời hạn “tự nguyện” sáp nhập hoặc tái cấu trúc. Trong thời gian tới, tái cấu trúc sẽ đi vào chiều sâu với trọng tâm là xử lý sở hữu chéo và nâng cao năng lực tài chính của các ngân hàng. Thậm chí, NHNN cũng sẽ trực tiếp xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.

Sau giai đoạn 1 tái cơ cấu được tám ngân hàng, mục tiêu sáp nhập thêm 6-7 ngân hàng yếu kém trong năm 2014 đã không thực hiện được. Vì vậy, có thể sáu tháng đầu năm 2015 sẽ là khoảng thời gian thuận lợi để NHNN thúc đẩy tiến trình trên. Ngoài trường hợp của VietinBank và PGBank, một số thương vụ được báo chí nhắc đến nhiều trong thời gian qua là M&A giữa Vietcombank và SaigonBank, Sacombank và SouthernBank, BIDV và MHB, Maritime Bank và MDB.

Các ngân hàng trong danh sách M&A trên có trường hợp không hẳn là đang gặp khó khăn trong hoạt động hay tình hình tài chính kém lành mạnh cần phải sáp nhập với ngân hàng lớn hơn để tồn tại, tuy nhiên điểm chung của nhóm ngân hàng này là quy mô vốn điều lệ hiện tại còn khá nhỏ (từ 4.000 tỉ đồng trở xuống) trong khi các cổ đông lớn đều không muốn hoặc không đủ tiềm lực để rót thêm vốn. Do vậy sớm hay muộn, các ngân hàng này cũng sẽ gặp trở ngại trong tồn tại và cạnh tranh với các ngân hàng khác. Bên cạnh đó, quá trình M&A hiện đang nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ rất lớn từ cơ quan quản lý thị trường nên trong thời gian tới, nhiều thương vụ sẽ chính thức được “chốt sổ”.

http://www.thesaigontimes.vn/127174/Lai-nong-chuyen-sap-nhap-ngan-hang.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét