Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Khủng hoảng xanh và xử lý đỏ

Khủng hoảng xanh và xử lý đỏ
Nguyễn Hùng, BBC Tiếng Việt - Hà Nội là thủ đô của cả nước, trung tâm chính trị của Việt Nam và người ta có quyền hy vọng lãnh đạo Hà Nội cũng tương đối khá. Nhưng cuộc khủng hoảng cây xanh mà một số người coi là "thảm sát" cây cho thấy chính quyền có vẻ khá lạc hậu. Nếu ở Việt Nam có những chính trị gia đối lập có lẽ họ đã gọi các vị quan ở thủ đô là chính khách analogue trong thời đại digital như từng xảy ra ở thủ đô của nước Anh.
Nhiều trẻ em xuống đường bảo vệ cây hôm 22/3 ở Hà Nội

Lửa cháy đổ dầu?

Khi một cuộc khủng hoảng xảy ra, điều thông minh nhất mà lãnh đạo nên làm là coi như mình không biết gì cả và tìm hiểu thật kỹ xem sự thật nằm ở đâu. Từ đó người ta sẽ cung cấp thông tin chính xác cùng những giải pháp nhằm hạ hỏa dư luận.

Cách Hà Nội làm trên thực tế như đổ dầu vào lửa.
Mở đầu là tuyên bố hôm 17/3 của Phó ban tuyên giáo Hà Nội, ông Phan Đăng Long, rằng việc chặt cây mà một số nguồn nói đã lên tới 1-2.000 cây xanh, "là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền" và không cần phải hỏi người dân.
Sang ngày 18/3, khi cộng đồng mạng nóng ran với các trang và bài phản đối chặt cây, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trả lời thư ngỏ của nhà báo Trần Đăng Tuấn mà không có lời lẽ nào nhằm làm dịu đi phản ứng bất bình của công chúng cho dù chuyện ông trả lời thư ngỏ có thể coi là sự tiến bộ.
Cũng trong ngày 18/3, Chính quyền Hà Nội có công văn gửi báo chí nói thành phố chủ trương bỏ đi những cây "già cỗi, sâu mục, cong nghiêng ảnh hưởng giao thông, cây chết và gần chết, nhiều cây không thuộc chủng loại cây xanh đô thị."
Nhưng những bức ảnh chụp cây bị chặt cho thấy những thân cây khỏe mạnh và người ta cũng đặt ra câu hỏi liệu có thể xảy ra chuyện toàn bộ cây của một con phố, chẳng hạn phố Nguyễn Chí Thanh, đều thuộc dạng như thành phố nói.
Người dân cũng bắt đầu xuống đường dán các dòng chữ "Xin đừng giết tôi", "Tôi đang khỏe mạnh – Xin đừng giết tôi" lên các thân cây ở Hà Nội.
Mặc dù số cây bị chặt có thể đã lên tới hàng ngàn, Chủ tịch Hà Nội vẫn khẳng định tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban nhân dân hôm 19/3 rằng không có chiến dịch chặt hạ cây, không có "lợi ích nhóm" và phản ứng của người dân là do họ không có thông tin đầy đủ.
Bí thứ Hà Nội Phạm Quang Nghị trong hôm 19/3 cũng nói với các cựu quan chức của chính quyền rằng "Để có được những tuyến phố đẹp với những hàng cây đẹp, cao đều, thẳng tắp giống như tuyến phố Phan Đình Phùng hiện nay, không bây giờ thì sau này, không phải năm nay thì một vài năm sau, chắc chắn chúng ta phải chấp nhận bỏ ra một khoảng thời gian vài ba năm để thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh đô thị cho phù hợp quy hoạch, mỹ quan".
Trước sức ép liên tục từ dư luận, Hà Nội tổ chức họp báo hôm 20/3 do Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng chủ trì, nhưng các câu hỏi về chuyện rà soát cây để thay thế ra sao, tại sao những cây khỏe mạnh cũng bị chặt, tổng cộng đã chặt bao nhiêu cây, cây chặt xong mang đi đâu, kinh phí liên quan tới chặt và thay cây như thế nào đều không có câu trả lời.

Ngăn cản tuần hành vào thảo luận

Tới Chủ Nhật, 22/3, đông đảo người dân đã không chịu khoanh tay ngồi nhìn những gì đã và đang diễn ra dù Chủ tịch Hà Nội lệnh ngừng chặt cây từ hôm 20/3.
Chính quyền đã lệnh cho lực lượng dân phòng gây áp lực để người dân tập trung quanh hồ Thiền Quang phải giải tán cho dù họ chỉ ở trên vỉa hè chứ không cản trở giao thông dưới lòng đường.
Chính quyền được cho là đã sách nhiễu những bạn trẻ xuống đường bảo vệ cây
Một người tham gia tuần hành hôm 22/3 cũng nói xe 'thương binh' đã lao lên vỉa hè để cản trở cuộc tụ họp và một người xưng là thương binh nói sẵn sàng "đánh chết" những ai chống lại họ.
Trong những ngày qua lực lượng công an cũng được cho là đã sách nhiễu các bạn trẻ, nhất là các sinh viên, học sinh, tham gia chiến dịch bảo vệ cây.
Cây viết Đoan Trang thậm chí đã phải viết bài hỏi đáp về chuyện công an có quyền lực tới đâu để giải đáp các câu hỏi của các bạn trẻ lo lắng khi bị công an hạch sách.
Còn tại cuộc tọa đàm 'Từ Đề án 6.700 nhìn lại quy hoạch cây xanh Hà Nội', điện đã bị cắt chỉ riêng tại nơi xảy ra sự kiện này trong khi các nơi xung quanh vẫn có điện bình thường, theo một nhà báo có mặt tại chỗ.

Những câu hỏi chưa có lời đáp

Để dập tắt đám cháy người ta cần rút bỏ nhiên liệu hoặc dưỡng khí.
Chính quyền Hà Nội chỉ có thể tác động nhiều tới nhiên liệu trong đám cháy mà họ đã châm ngòi còn dưỡng khí lại do người dân và báo chí tạo lên.
Trong trường hợp này việc đình chỉ các lãnh đạo cấp phòng ở một sở dường như chưa đủ như nhà thơ Trần Đăng Khoa ví von "việc con voi cuối cùng xử phạt một con muỗi".
Khi chính quyền còn chưa trả lời được những câu hỏi căn bản trong vụ chặt cây, nhiên liệu của đám cháy vẫn còn đó.
Cụ thể là ai là người ký duyệt dự án, ai giám sát thực hiện, các công ty tham gia chặt và thay cây được chọn theo tiêu chí nào, ai thẩm định chi phí các công đoạn để đảm bảo sát giá thị trường, ai kiểm soát các nguồn kinh phí cả từ ngân sách và các nhà tài trợ.
Hiện cũng đang có những người cho rằng Hà Nội thực hiện việc chặt cây nhanh một cách đáng ngạc nhiên.
Nhưng liệu có nhất thiết phải chặt hàng ngàn cây với tuổi đời gộp lên tới hàng vạn năm như vậy?
Những cây to như thế này vẫn có thể được di chuyển từ nơi này sang nơi khác
Giả sử buộc phải thay thế liệu người ta có thể hoán chuyển những cây có giá trị này đi nơi khác vào một thời điểm mà các cây thay thế sớm có thể tỏa bóng mát và cung cấp dưỡng khí cho thủ đô.
Khi học tiếng Nga ở Hà Nội nhiều năm trước, hồi Hà Nội còn nghèo nhưng xanh và yên bình hơn nhiều, tôi đã học thành ngữ 'việc chạy bay khi gặp tay thợ khéo'.
Chính quyền Hà Nội có vẻ có nhiều 'thợ khéo' khi chặt cây nhưng lại thật vụng về trước cơn khủng hoảng xanh mà chính họ tạo ra.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2015/03/150323_khung_hoang_xanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét