Chất thôn dã Việt trên đất Mỹ
Ngọc Lan/Người Việt FLORIDA (NV) – Một tấm nhựa cũ trải đại xuống nền đất, trên phơi nhúm hạt giống dành cho vụ mùa sau, mặc cho gió bụi tạt ngang, thổi dọc. Một “chái bếp” thoang thoảng mùi chó mèo, lờ mờ ánh sáng. Vương vãi trên khoảng sân đầy cỏ dại là những dụng cụ làm nông, những vật dùng ít xài tới nằm chỏng chơ. Buồn.Nụ cười miền Tây trên đất Mỹ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Những bộ “đồ bộ” mềm như lụa ngày xưa. Những giọng miền Tây ngọt ngào như nước dừa xiêm…
Những hình ảnh đó tôi tình cờ bắt gặp được ở Wimauma, ở Homestead trong chuyến công tác xuôi về tận miền cực Nam Hoa Kỳ - tiểu bang Florida, để ngỡ ngàng, để xao xuyến, để nhớ ơi là nhớ hình ảnh của ông nông dân, của một miền quê, một vùng thôn dã ngày nào ngỡ chỉ còn trong ký ức.
Nhưng hơn hết, câu chuyện của ba anh em nhường nhau thời gian học đại học để có người phụ ba má làm vườn. Để rồi khi tất cả đều cầm được mảnh bằng 4 năm trên tay, lại cùng đồng lòng ở lại trong một ngôi nhà, để tiếp tục sát cánh trong công việc làm ăn, càng khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn về chất Việt của những người tưởng chừng đã bén rễ nơi đây.
Người làm nông “thấy rau cỏ lên là vui rồi”
Chất dân dã đậm nét Việt đầu tiên mà tôi nhìn thấy trên đất Mỹ này là từ ông Mười Nguyễn, một nông dân trồng rau ở Wimauma, Florida, sang Mỹ năm 1989, do con bảo lãnh.
Ông Mười Nguyễn, một nông dân trồng rau ở Wimauma, Florida. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Wimauma là một thị trấn nghèo, rất nghèo, với khoảng hơn 6,000 dân. Dẫu vậy, vùng quê mà mức thu nhập tính theo đầu người chỉ hơn một nửa số thu nhập bình quân của dân Florida này lại được một số người Việt chọn làm nơi mưu sinh bằng công việc trồng rau bán sỉ, một nghề được đánh giá là “không chỉ cực mà còn khổ lận!”
Nhìn ông Mười đầu đội nón lá, chân mang ủng, áo bạc màu cài măng-sét che nắng gió, bao tay gọn gàng, bước ra khỏi chiếc máy cày với nụ cười tươi nguyên, thật khó mà đoán được ông đã ở tuổi ngoài 75.
Ông Mười kể trước 1975 ông “đi nghĩa quân ở miền Trung, tỉnh Khánh Hòa, rồi làm ủy ban xã, đến 75 thì thôi.”
Sang Mỹ, ông “đi làm miết cho một hãng máy bay bên North Carolina. Đến năm 2001, sự kiện 9-11 xảy ra, kinh tế rớt xuống, lúc đó cũng 62 tuổi, lỡ cỡ rồi, nên họ cho nghỉ hưu luôn.” Vừa nghỉ hưu, nghe người hàng xóm rủ xuống Wimauma, giao cho mảnh vườn 10 mẫu để trồng rau. Ông Mười nhận lời, thế là trở thành “nông dân” đến giờ.
Những tháng gần cuối năm, chưa đến 7 giờ tối mà bóng đêm đã phủ trọn vẹn không gian nơi đây. Vắng vẻ và yên ắng đến lạ. Trong ngôi nhà cũ kỹ như thiếu bàn tay chăm sóc, bề bộn những thứ chủ nhà cứ ngại vứt bỏ, nên chất nơi này một chút, để nơi kia một chút, ông Mười nói như phân bua bằng giọng hiền khô, “Suốt ngày ở ngoài vườn, chiều tối mới vô nhà ăn cơm rồi ngủ nên nhà cửa không chu đáo lắm.” Dù vậy, ông cũng không quên mời, “Cháu ở lại ăn cơm, chú nấu.”
Khung cảnh chung quanh ngôi nhà tôi tả ở đầu bài, chính là nơi ông Mười đang sinh sống.
Dù không muốn ăn cơm, tôi vẫn muốn ở lại để được nghe người nông dân già kể chuyện làm nông trên xứ Mỹ. Mỗi ngày của ông bắt đầu khi trời hừng sáng. Thức dậy tập thể dục, “ngày nào cũng tập hít thở”, rồi ăn sáng, và bắt đầu ra vườn, không cày xới thì trải bao, không đi đường ống tưới tiêu thì xăm lỗ gieo hạt, phun thuốc trừ sâu, cuối tuần thì cắt rau cho vào thùng để xe nhận hàng đến lấy. Trên mảnh vườn có diện tích 10 mẫu tây, chỉ có ông cùng một người thanh niên gốc Hispanic phụ giúp. Lúi húi ngoài vườn cho đến khi tối mịt mới vô nhà nghỉ ngơi. Cặm cụi nấu cơm rồi lại lủi thủi ăn. Bữa cơm đạm bạc, đôi khi chỉ có bầu bí hay rau lang luộc chấm với tương chao, rồi cũng qua bữa.
Từ mười mấy năm qua, ông cứ sống vậy, một mình, vợ con vẫn ở North Carolina, “có dịp gì thì về, không thì cả năm mới về nhà một lần.” Ông “khoe” có “4 người con, 3 trai, 1 gái, không ai theo nghề này. Đứa làm kỹ sư, người làm y sĩ, người học dược mới ra trường. Vợ vẫn còn đi làm hãng bên North Carolina.”
“Sống vậy buồn không?” – “Lúc đầu cũng buồn nhưng riết quen.”
“Vậy chú trò chuyện với ai?” Tôi lại tò mò. “Hầu như không có nói với ai. Có mấy người làm nông trại bên cạnh, thỉnh thoảng mới qua nói chuyện với họ. Mỗi ngày chỉ có nói dăm ba câu với thằng Mễ làm chung, có khi cũng chẳng nói.”
Ông bảo lúc đầu cũng “sợ ma,” sợ tiếng cú kêu, chó sủa, gió rít, nhưng lần lần cũng quen.
“Nói ngay ra thì mình cũng thích nghề này, làm thì cũng làm một mình, không phải cạnh tranh không bon chen, va chạm với ai. Chỉ cần thấy rau cỏ lên thì thấy vui rồi.”
Nghe tôi hỏi, “So với thời gian làm hãng và mười mấy năm làm vườn chú thấy cái nào thích hơn?”
Ông cười hiền lành, “Đi làm vườn thời gian thoải mái hơn, đi làm hãng thì đâu ra đó. Lương bên làm vườn cũng được gấp đôi đi làm hãng. Nhưng làm nông thì Thứ Bảy, Chủ Nhật, lễ lạt còn làm nhiều hơn ngày thường để chuẩn bị rau. Nhà mobile home của chủ cho ở, ăn uống thì rau có sẵn, tôi cũng ít ăn thịt, tiền làm ra gửi về phụ vợ con trả tiền nhà. Niềm vui là với cây cỏ, vậy thôi.”
Ngoài việc trồng cây cỏ làm niềm vui, giải trí của ông là xem chút sách báo, coi TV, đọc kinh Phật.
Nhìn mênh mông đất trời, những thửa đất vừa cày, những luống rau vừa thu hoạch, những hàng mướp trổ đầy hoa đầy trái, xa xa những ngôi nhà “green house” đang được chuẩn bị cho cây trồng mùa Đông, tôi vừa cảm nhận cái thoáng đãng, tĩnh lặng, bình yên của miền thôn dã, vừa lại nhớ ầm ầm tiếng xe chạy, tiếng chuyện trò ríu rít, nhớ những đêm nhạc nhẽo tưng bừng nơi phố thị.
Thôi, mai tôi đi về, không muốn làm người nông dân, dù sự trong lành nơi miền quê này vẫn được giữ hoài trong ký ức.
Khi các cử nhân tài chánh, kiến trúc cùng lo việc vườn
Khác hẳn với sự quạnh vắng, đơn sơ, đạm bạc nơi vườn rau của ông Mười Nguyễn, chất thôn dã Việt được tạo nên bởi sự đầm ấm, khắng khít của cả nhà ba thế hệ càng rõ rệt hơn tại khu vườn trái cây của gia đình bà Chín Nguyệt ở Homestead.
Homestead thuộc Miami Dade County của tiểu bang Florida, nơi được rất nhiều người Việt Nam biết đến bởi nơi đây có nhiều vườn trái cây bát ngát cả trên trăm mẫu do người Việt làm chủ. Lớn nhất trong số này chính là vườn của gia đình bà Chín Nguyệt.
Bà Chín Nguyệt, chủ vựa trái cây Chín Nguyệt ở Hometead, Florida, vẫn giữ nguyên phong cách dân dã Nam Bộ sau 20 năm sống tại Hoa Kỳ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
Như lời bà Chín giới thiệu “vườn rau không đã là 70-80 mẫu, riêng trái cây phải hơn 100 mẫu, đi cả ngày không hết các vườn đâu.”
Dù đã được giới thiệu trước rằng sự thành công của vựa trái cây này chính là do sự đồng lòng chung sức của cả gia đình, từ lớn tới trẻ, hoặc nói nôm na như bà Chín là “do chồng siêng, con trai chịu khó nên thành công”, nhưng quả thực có tận mắt chứng kiến cách hành xử, nghe được những câu chuyện đối đáp trong gia đình, mới càng thấy chất thôn dã miền Tây đáng yêu đến mức nào trong sự gắn bó của gia đình này.
Ông bà Chín có ba người con, người con gái đầu là Mai, người con trai giữa là Thắng, và cô con gái út là Trân.
Thắng đến Mỹ năm 1994, khi đang học lớp 11, vậy mà đến giữa năm 2008 mới lấy xong bằng 4 năm cho ngành kiến trúc, tốt nghiệp sau cùng trong số ba chị em.
“Tại sao vậy?” - “Vì em nhỏ nhất nên chị và anh nhường em học đại học full-time, trong lúc anh, chị lo tiếp với ba má công việc làm vườn nên em ra trường trước. Em ra trường mới đến chị học tiếp. Chị ra trường thì mới đến anh học cho xong.” Minh Trân, người con gái út, tốt nghiệp cử nhân kế toán, trả lời thay cho anh trai.
Bà Chín nói một cách tự hào, “Tôi nói với tụi nó qua đây phải đi học, không học thì qua đây làm gì.”
Làm cha mẹ ước ao cho con là vậy. Nhưng con cái nhìn cha mẹ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, quần quật từ sớm đến tận khuya thì lòng dạ nào yên tâm chuyện học. Thế là họ tự chia nhau, người này phụ ba má kiếm cơm cho người kia học. Người kia học xong thế chỗ giúp gia đình để người khác tiếp tục đèn sách. Cứ vậy mà lần lượt họ đều đỗ cử nhân.
Thắng Đặng tốt nghiệp đại học kiến trúc nhưng theo nghiệp cha mẹ tiếp tục gáng vác chuyện làm nông tại Florida. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Anh Thắng học xong thì chị Mai đi lấy chồng. Lúc em muốn đi ra ngoài làm thì chị Mai sanh con. Giờ anh Thắng cũng có vợ, con chị Mai còn nhỏ, nếu em ra ngoài làm hay đi lấy chồng thì ai lo. Thôi, hy sinh ở giá luôn chứ kiếm người có học chịu vô đây cùng mình làm farm ở đâu ra.” Trân nói tiếp câu chuyện một cách hóm hỉnh.
Thắng vừa ngồi ăn tô hủ tíu Mỹ Tho của má nấu, vừa nghe em gái kể, tủm tỉm cười tiếp lời: “Giữa nghề làm farm và nghề kiến trúc em theo học thì nghề nào cũng cần có thời gian đầu tư hết. Thế nên khi nào cần dành nhiều thời gian cho cái này thì phải lơ cái kia, có mùa em lấy 2 lớp, khi bận quá có lúc em không lấy lớp luôn.”
Nghe tôi hỏi, “Thắng tốt nghiệp kiến trúc nhưng lại ở nhà phụ ba má làm nông thì có nhớ nghề không?” Thắng cười.
“Nghề kiến trúc cũng do đam mê mà em học nhưng mà giờ thì không có cơ hội làm nghề đó. Vừa làm vừa học như vậy mà không bỏ học là cũng bởi do em có sự đam mê với nghề kiến trúc. Tuy không đi theo đường đã học nhưng kiến thức vẫn ở đó. Người ta làm farm thì cần có người, hoặc là bỏ tiền ra mướn người làm, nhưng tất cả em làm được hết, design, set up mọi thứ. Thành ra chuyện học của mình cũng không uổng.” Người đang thay ông bà Chín cáng đáng công việc ngoài vườn phân tích.
Thật vậy, nhìn những dãy nhà kho do chính tay “ kiến trúc sư” Thắng thiết kế và xây cất, mới biết qua 14 năm lều chõng quả không uổng phí tí nào.
Trúc Mai, người chị lớn, trong lúc vừa chuẩn bị thức ăn cho đứa con trai trạc 5 tuổi, cũng hòa vào câu chuyện, “Làm ở đây suốt cả 7-8 tháng liền không có lấy một ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật đâu, từ sáng đến tối, lúc nào cũng tấp nập khách khứa, không ai rảnh, thì làm sao có đứa nào nghỉ được.”
Tốt nghiệp đại học nhưng chị em Trúc Mai (trái) đều đồng lòng chung sức phụ giúp công việc nông trại của gia đình tại Homestead, Florida. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)
“Nhà này giờ không ai có ý định đi làm ở ngoài hết. Mỗi năm từ Tháng Mười đến Tháng Ba thì còn được nghỉ Chủ nhật hay Thứ Bảy, chứ còn từ Tháng Ba đến Tháng Mười thì cứ 7 ngày một tuần, từ sáng đến chiều. Ba má bắt đầu từ 6 giờ sáng, tụi em thì 8 giờ. Kết thúc khi 6 giờ, có khi 8 giờ, 10 giờ tùy theo hàng nhiều hay ít thì cứ cố gắng làm cho đủ xe cho người ta. Có nhiều khi mấy anh em làm đến 12 giờ luôn. Nhưng được cái là mình làm ở nhà, mình ở tại đây nên cứ ở trong nhà, xe tới thì mang hàng ra thôi.” Trân giải thích thêm lý do vì sao cả nhà cần tề tựu trong công việc chăm sóc và điều hành vựa trái cây này.
Giải trí của Trân cũng khá bình dân, mang đậm chất quê “Khi nào vắng hàng thì em đặt vé bay đi đâu chơi, một tuần là đủ vui rồi, xong trở về làm tiếp. Còn thường ngày chỉ làm xong thì đi ngủ, không bạn bè, không đi club gì hết. Mấy anh em rảnh nữa thì thay phiên nhau bay về Việt Nam chơi. Hết vợ chồng anh đi thì đến em dẫn ba má đi, rồi đến vợ chồng chị em đi.”
“Giải trí của gia đình em chỉ là khi rảnh thì đi ra ngoài đi ăn chung, chứ cuộc sống ở đây thì chỉ có vậy thôi.” Trúc Mai tiếp lời.
Hơn hai mươi năm gia đình bà Chín định cư tại Mỹ, nhưng để tìm ra một chút gì đó là chất Mỹ trong ngôi nhà này là điều rất khó. Ngoại trừ một chuyện khá thú vị mà tôi được Thắng kể “Ba má em trồng bạt ngàn là khổ qua, nhưng cả ba chị em không ai ăn được hết. Đắng lắm!”
Từ cách bày biện, tổ chức gia đình, cho đến chuyện chăm nom bếp núc, cách chung sống, quan tâm nhau, tất cả đều toát lên tố chất Việt Nam thân thiết. Ngay cả các con bà Chín tuy đã trưởng thành, mỗi khi tiêu xài gì cũng điều có thói quen xin phép ba má trước. Đất lề quê thói vẫn còn tồn tại ở trong một gia đình Việt Nam trên đất Mỹ.
Và đó cũng là lý do tôi nhớ hoài khi tôi cùng bà Chín từ vườn bước vào nhà quá giấc ăn trưa, nhìn thấy con trai, bà Chín hỏi, “Con ăn cơm chưa?” Cậu con trai lễ phép, “Dạ thưa má, con ăn rồi” trước khi nói thêm “Giờ con chạy ra vườn coi người ta cắt khổ qua nha má!”
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=202598&zoneid=1#.VOkphHyUdQE
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét