Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Tôi muốn BT Đinh La Thăng ‘ra đường’ nhiều hơn nữa

Tôi muốn Bộ trưởng Đinh La Thăng ‘ra đường’ nhiều hơn nữa
Mấy bữa nay, thiên hạ bàn tán sôi nổi việc Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng được một đại biểu quốc hội góp ý “Nên ở nhà xây dựng một cơ chế để tự người ta làm hơn là ra đường giải quyết các việc cụ thể, vụn vặt”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trong một lần đi kiểm tra thực tế, nghe báo cáo tình hình thi công quốc lộ 14 qua Tây nguyên - Ảnh: Ngọc Anh
Bộ trưởng Đinh La Thăng trong một lần đi kiểm tra thực tế, nghe báo cáo tình hình thi công quốc lộ 14 qua Tây nguyên - Ảnh: Ngọc Anh
Dư luận chia là 3 phe rõ rệt. Phe đông nhất ủng hộ tác phong xông xáo, sâu sát và giải quyết kịp thời của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Phe ít hơn thì phản đối, cho rằng làm vậy chẳng khác nào đốc công, không phải là bộ trưởng. Phe đông vừa thì trung dung, phải kết hợp cả việc “ở nhà” và “ra đường” sao cho hài hòa và hiệu quả.

Ngẫm nghĩ, cha ông mình hay thật, khi dạy cháu con đối nhân xử thế “Ở sao cho vừa lòng người? Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Xã hội nào cũng có người thế này, kẻ thế khác. Mọi người không thể phớt lờ nhưng cũng không thể suốt đời chỉ lo đối phó với dư luận. Hơn tất cả là sự phán xét của lương tâm chính trực, không a dua ba phải. Nếu lãnh đạo suốt ngày chỉ “ra đường” thì nguy thật vì lấy ai điều hành và chỉ đạo bộ máy? Nhưng càng nguy hơn nếu lãnh đạo cứ ru rú trong nhà, không biết ngoài đường mưa hay nắng? Loại “chính khách phòng lạnh” (thế giới gọi là chính khách sa lông) ở nước ta hơi bị nhiều. Họ, chính là tác giả của các nghị định, chỉ thị kiểu “đùng một cái”, làm khổ từ người dân đến doanh nghiệp.

Trộm nghĩ, các nhà lãnh đạo dứt khoát phải “ra đường”. Tùy theo lĩnh vực mà ra nhiều hay ít thôi. Nếu lãnh đạo không dám hay không chịu ra đường thì có thể là sợ nắng, ngại nóng hoặc không rành chuyên môn vì gặp chuyện cụ thể không biết giải quyết thế nào. “Ở nhà” có thể chỉ đạo chung chung, chứ “ra đường” là phải cụ thể. Chỉ sợ hăng quá, suốt ngày ra đường, cầm tay chỉ việc, giành hết chuyện của cơ sở. Giao thông là lĩnh vực nóng của đất nước với quá nhiều vấn nạn. Nếu bộ trưởng không chỉ “ra đường” mà còn “đi thực địa” thì dân tình sẽ bớt khổ bởi “những công trình giao thông hành dân xuyên thế kỷ”, không thể nào hình dung “nỗi khổ nhà mặt tiền”, thường xuyên bị đào xới… Với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, dù không “ở nhà”, bộ trưởng vẫn có thể chỉ đạo, thậm chí họp từ xa, biết rõ thuộc cấp đang làm gì. Nếu không “ra đường”, chỉ “ở nhà” nghe báo cáo như lâu nay thì làm gì có đổi mới. Tôi muốn Bộ trưởng Đinh La Thăng “ra đường” nhiều hơn nhưng phải đảm bảo nhiệm vụ tư lệnh ngành. Muốn các nhà lãnh đạo khác cũng phải chịu khó “ra đường” để gần dân hơn, hiểu và biết dân đang cần gì ở mình.

Vua chúa ngày xưa còn phải cải trang vi hành, hà cớ chí mới bộ trưởng đã không chịu “ra đường”? Hà cớ gì cứ “ra đường” là “tiền hô hậu ủng”, tốn kém, phô trương, lại tạo cơ hội cho cấp dưới dối lừa, đối phó. Phải “ra đường” bất ngờ và tự nhiên thì mới biết sự thật, thường rất khác xa các báo cáo. Tôi rất thích phong cách của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khi còn làm chủ tịch UBND thành phố, ông thường bất ngờ “đột kích” thăm các cơ quan. Nhớ lần ông đạp xe sườn ngang, mặc đồ thanh niên xung phong đến thăm báo Khăn Quàng Đỏ và Ban Thiếu Nhi Thành Đoàn năm 1978. Ngày 7.11 vừa qua, phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nhờ bất ngờ “ra đường”, xuống quận 12 và Hóc Môn, vào tận nhà dân kiểm tra mới phát hiện “báo cáo 99% hộ dân ngoại thành có nước sạch là không tin được”. Ông đã phê bình thuộc cấp và chỉ đạo khắc phục cụ thể, nếu không muốn bị cách chức.

Bản thân tôi, cũng từng bị góp ý là làm CEO lữ hành sao còn kiêm hướng dẫn viên. Có người còn bảo tôi hạ thấp vai trò giám đốc? Tôi biết tỏng là nhiều người nói vậy vì họ không thể làm hướng dẫn viên như tôi. Nghe thì cứ nghe, nhưng tôi vẫn làm theo ý mình vì có lợi cho công ty và bản thân. Nhờ đi tour trực tiếp, tôi biết rõ hướng dẫn viên lẫn khách hàng và cả đối tác hơn các giám đốc khác. Có gì là quyết ngay, không cần xin ý kiến. Đi tour, tôi làm nhiệm vụ hướng dẫn viên nhưng khi gặp sự cố hoặc cần giải quyết việc gì thì tôi là giám đốc. Nhờ đi tour, tôi làm quản lý tốt hơn, đi dạy có nhiều thực tế, viết báo sống động hơn và học được nhiều thứ hơn. Có ai hỏi gì về du lịch là dẫn chứng ngay thực tế với các số liệu cụ thể, không chung chung.

Từ trải nghiệm bản thân, tôi mong Bộ trưởng Đinh La Thăng và các nhà lãnh đạo khác chịu khó “ra đường” mỗi tuần để giải những việc mà dân “kêu trời chưa thấu”. Song song, phải đảm bảo vai trò tư lệnh ngành với các quyết sách từ thực tiễn có được khi “ra đường”.

Nguyễn Văn Mỹ* (TNO)
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20141120/toi-muon-bo-truong-dinh-la-thang-ra-duong-nhieu-hon-nua.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét