Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Các ông nghị cần ngủ nhiều gật ít?

Các ông nghị cần ngủ nhiều gật ít?
Câu chuyện về một số đại biểu Quốc hội Việt Nam ngủ say sưa trong một vài kỳ họp được truyền hình trực tiếp trên VTV3 hiện đang được cộng đồng mạng quan tâm bình luậnChỉ trong vòng vài giờ từ khi đăng lên trang Facebook của BBC Tiếng Việt, hai bức hình ‘Nghị ngủ gật’ đã thu hút 1 triệu lượt xem.

Đại biểu Quốc hội Việt Nam ngủ gật, trong khi 
Tổng thống Obama cũng ngáp ở Hội nghị Đông Á 2012
Ý kiến chê bai cũng nhiều, như "Đi đêm nhiều thiếu ngủ", hay "Nhà Quốc Hội mới xây, hàng nghìn tỷ, mát thế không ngủ hơi phí..." hoặc thông cảm, "Ai chưa từng ngủ gật trên giảng đường giờ Triết học Mác Lê Nin thì hãy trách các vị này".

Nhưng ý kiến bênh các vị dân biểu Việt Nam cũng có.

Chẳng hạn Facebooker Đặng Thuận Vũ viết: "Hầu hết các đại biểu quốc hội đều lớn tuổi, các bạn cứ thử họp từ sáng đến trưa, nghỉ một chút rồi lại họp từ trưa đến chiều, vấn đề nào cũng căng đầu ra để tiếp nhận thông tin rồi suy nghĩ. Thử liên tục trong ba tuần, các bạn thấy thế nào?"

Và một hướng bình luận nữa là cho rằng vì nội dung họp hành thực chất không có gì nên có đại biểu lăn ra ngủ.

Bạn Nguyễn Tuấn Thành viết: "Vì toàn văn bản soạn trước, ai cũng được biết trước thì thảo luận gì, thức làm gì."

Ách Rô thì có lời bình: "Ngay cả những người thanh niên khi dự quốc hội còn buồn ngủ nữa mà. Diễn văn dài dòng, không thực tế, họ đọc lên cũng chỉ để hoàn thành cuộc họp thôi. Nếu ngôn ngữ chính trị thú vị thì chả có trường hợp này."

Thực ra, tôi không chê trách gì nhiều chuyện một số người đi họp, dù là họp công ty hay họp Quốc hội mà mệt quá rồi ngủ gà ngủ gật.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tại các cuộc họp châu Âu, trong Quốc hội Hoa Kỳ, đôi khi ta thấy các chính trị gia bị chụp hình đang ngủ gật.

Các ông Barack Obama, Bill Clinton, Gordon Brown đều từng bị chụp hình ngủ gật.

Bà Hillary Clinton hồi còn làm Bộ trưởng Ngoại giao cũng bị phó nháy ghi cảnh ngáp dài khi ngồi ngay cạnh bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện.

Riêng điểm này thì tôi hoàn toàn thông cảm với bà Clinton vì ai từ Âu Mỹ bay sang châu Á công tác đều bị lệch múi giờ và phải cố gắng giữ không ngủ gật khi họp hành.

Nhưng hồi 2012, một dân biểu Quốc hội Anh, ông Stephen Pound bị phê là 'thiếu nhạy cảm' vì ngủ trong giờ thảo luận về cái chết của hai quân nhân Anh bị giết ở chiến trường Afghanistan.

Ngủ ngắn cũng tốt

Một nghiên cứu của Đại học McGill, Canada đăng trên forbes.com còn cho rằng nghỉ ngơi bằng cách ngủ ngắn, đi dạo, nghe nhạc 15 phút có thể tăng hệ số thông minh, IQ lên 10%.


Thủ tướng Đức Angela Merkel ngáp sau khi phát biểu ở hạ viện ngày 4/6/2014

Các cuộc thảo luận, chất vấn chính phủ là biểu hiện cho công chúng thấy tính dân chủ tăng lên trong chính trường Việt Nam như đã được quốc tế ghi nhận.

Nhưng sự ‘thiếu ngủ’ hay 'gà gật' khi thảo luận, thiếu tập trung vào các chủ đề một cách ngắn gọn, chính xác là điều đang rất cần được cải thiện.

Chẳng hạn sự chính xác về ngôn ngữ như trường hợp Thượng tọa Thích Thanh Quyết chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tạo điều kiện cho người đứng đầu chính phủ nói về Sáu chữ định hình quan hệ với Trung Quốc.

Nếu các báo Việt Nam hôm 19/11 tường thuật đúng thì “Thượng tọa cho biết, sống phúc âm trong lòng dân tộc, nhưng cả dân tộc nói hoặc không nói ra, người dân đều thấm thía cái giá của hòa bình ổn định. Từ khi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, sự kiên quyết của toàn Đảng, toàn dân là một tín hiệu rất tốt cho vượng khí của nước nhà, xong cử tri muốn được nghe trực tiếp từ Thủ tướng...”

Không hiểu nhà sư này vì thiếu ngủ hay không mà lại dùng từ ngữ bên Công giáo (sống Phúc Âm) chứ không nói một cách bình thường hoặc theo tôn giáo của ông là đạo Phật?

Tôi chỉ mong các đại biểu Quốc hội có cơ hội ngủ thêm vào những giờ họp ít nội dung để có sức khoẻ và sự minh mẫn để chất vẫn mạnh mẽ, sắc bén hơn nữa.

Thiếu ngủ cũng khiến người ta lan man.

Chẳng hạn Đại biểu Thân Đức Nam đặt câu hỏi quá dài, khiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải giải thích lại cho dễ hiểu: "Thủ tướng hỗ trợ giải quyết nợ xấu như thế nào?", theo báo Việt Nam.

Xem ra vai trò của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ còn rất cần thiết để câu hỏi có chất lượng hơn.

Nếu so với ở Anh thì vị thế của ông Nguyễn Sinh Hùng không chỉ là Chủ tịch Nghị viện (Speaker of Parliament) mà còn như cả Lãnh tụ Hạ viện (The Leader of the Commons), có trách nhiệm nhắc nhở, chấn chỉnh các thành viên thuộc đảng của mình trong các kỳ họp.

Với cả sự tôn trọng cho công việc lập pháp, hành pháp tại Việt Nam, tôi chỉ mong các đại biểu Quốc hội có cơ hội ngủ thêm vào những giờ họp ít nội dung để có sức khoẻ và sự minh mẫn để chất vấn mạnh mẽ, sắc bén hơn nữa.

Tức là ngủ thì tốt nhưng đừng cái gì cũng gật.

Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com
(BBC)
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2014/11/141120_vn_sleeping_parliamentarians

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét