Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

“Vài người ốm, không thể bắt cả làng uống thuốc”

Cải cách thủ tục hành chính:
“Vài người ốm, không thể bắt cả làng uống thuốc”
Chúng ta phải bỏ tư duy quản lý chỉ để quản. Nếu quản lý chỉ là áp đặt, siết chặt thì không thúc đẩy sự phát triển. Chỉ thực sự quản cái gì cần thiết, liên quan đến lợi ích quốc gia, bao gồm cả an ninh quốc phòng. Kế đến là “quản” lợi ích của cộng đồng theo nghĩa rộng, như là sức khỏe, an toàn hệ thống. Chứ không thể chỉ vì một vài doanh nghiệp, vài người dân vi phạm mà siết chặt tất cả. Không thể chỉ vì có vài người ốm mà bắt cả làng phải uống thuốc.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế, nguyên Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Sau chỉ đạo trực tiếp và quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ, ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Liên tục các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư công bố cắt giảm thủ tục hành chính. Có những lĩnh vực như thuế, cắt giảm tới 50% thời gian, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giảm từ 1/3 đến một nửa thời gian; thủ tục trong lĩnh vực xây dựng cũng được hứa hẹn giảm 30-50%, tức là giảm từ 2-3 năm làm thủ tục cho doanh nghiệp. Thế nhưng đó là về mặt thủ tục, số giờ cắt giảm theo lý thuyết. Vấn đề là thực thi thế nào. Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế, nguyên Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đã trao đổi với NCÐT về nội dung này.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, một loạt các bộ ngành đã cắt giảm thủ tục hành chính. Ông bình luận gì về những động thái này?

Đây là những sự tiếp nối. Thứ nhất là tiếp nối từ Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính mà Chính phủ triển khai trong mấy năm qua. Ba kết quả mà Đề án 30 đạt được bao gồm công khai các bộ thủ tục hành chính; thực hiện cắt giảm các thủ tục không hợp lý, hợp pháp; và từng bước tiến tới đưa thủ tục hành chính vào quy trình giám sát chặt chẽ.

Bình luận thứ hai là các bộ ngành đang thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về nhiệm vụ và nâng cao chất lượng phát triển bền vững về nâng cao vị thế cạnh tranh quốc gia. Đây là Nghị quyết có hai điểm đáng chú ý mà từ trước đến giờ ít thấy. Ðầu tiên là đặt năng lực cạnh tranh của Việt Nam vào mối tương quan với các nước trong khu vực và thế giới. Việc thế giới xếp năng lực cạnh tranh của Việt Nam không phụ thuộc vào chúng ta tự đánh giá thế nào, mà phụ thuộc vào sự đánh giá của các chuyên gia, các tổ chức quốc tế. Đây là lần đầu tiên Nghị quyết 19 đặt vấn đề chúng ta phải cải thiện năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong năng lực cạnh tranh với khu vực, đặc biệt là khu cực ASEAN. Kế đến, Nghị quyết 19 giao nhiệm vụ cụ thể. Đặc biệt là định lượng hóa các thủ tục cần cắt giảm, những hồ sơ cần rút gọn. Đây không chỉ là trách nhiệm lớn của các ngành địa phương mà là của cả các Bộ.

Bình luận thứ ba liên quan đến việc thực hiện của các bộ ngành, liên quan đến việc thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Qua theo dõi, chúng tôi thấy việc cải cách hành chính cấp tỉnh chỉ thực hiện tốt nếu kết hợp cải cách hành chính bộ, ngành. Dù bộ có cải thiện cũng mới là trong khu vực của bộ. Sắp tới chúng ta sẽ phải cải cách bằng cách ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện các bộ, ngành đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Vấn đề là thời gian giảm, chứ không phải chỉ là cắt giảm được bao nhiêu thủ tục?

Đây là vấn đề đúng. Một chuyên gia nói rằng, kinh nghiệm không bằng tư duy, quy mô không bằng tốc độ. Cho nên tốc độ trong thời đại cạnh tranh hiện nay là vấn đề sống còn. Với thời gian thì người dân có thể khai thác được thời cơ. Nếu rút gọn về thời gian có thể nâng cao được năng suất lao động. Hiện năng suất lao động của nước ta so với khu vực là khá thấp.

Chúng ta cũng nhìn thấy có mối quan hệ tương quan giữa thời gian và thủ tục, giữa thời gian và hồ sơ, giữa thời gian và chi phí. Do đó nhấn mạnh về rút ngắn thời gian cũng đồng nghĩa với cắt giảm thủ tục hồ sơ không hợp lý, không cần thiết và quá sức của người dân.

Ai sẽ là người giám sát việc cắt giảm thủ tục hành chính sao cho hiệu quả?

Theo tôi là nội bộ phải giám sát. Điều này đòi hỏi nâng cao tính kỷ luật hành chính. Vấn đề là Chính phủ cần chỉ đạo chặt chẽ. Bên cạnh đó, những cơ quan dân cử cũng phải tham gia giám sát. Đó là Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội. Đây là những tổ chức có chức năng giám sát và phản biện.

Cùng với đó, các đơn vị liên quan đến thủ tục hành chính, liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cũng cần tham gia giám sát. Một là Mặt trận tổ quốc Việt Nam, với tư cách là tổ chức giám sát, phản biện lớn nhất; hai là các hiệp hội, đặc biệt là VCCI, cũng phải tham gia giám sát.

Nhiều năm qua, thi thoảng người dân và doanh nghiệp lại phải giật mình với giấy phép con. Vấn đề này phải giải quyết thế nào?

Có hai vấn đề khiến việc giám sát thực hiện cắt giảm thủ tục không chặt chẽ. Một là việc “đẻ” ra các thủ tục, nhưng thủ tục này lại không nằm trong các văn bản pháp luật mà do cơ quan, cán bộ công chức không có thẩm quyền tự tiện đặt ra.

Theo tôi, hiện tượng này diễn ra là do những tổ chức giám sát ở địa phương có vấn đề. Giám sát phải ý thức rằng liệu cơ quan này có thẩm quyền đặt ra các giấy phép đó hay không? Nếu không có thẩm quyền thì giám sát phải thay mặt cho người dân để khởi kiện, hoặc trước hết là yêu cầu rút bỏ.

Thứ hai, một số cơ quan có thẩm quyền, trong quá trình xây dựng các quy định, “đẻ” ra thủ tục nhằm duy trì quyền lực hoặc thông qua đó để duy trì lợi ích nào đó. Do đó, về hình thức văn bản là phù hợp, nhưng bản chất lại không hợp lý, không thúc đẩy được sự phát triển. Nếu không bảo vệ được người dân và doanh nghiệp thì sẽ không thể tạo điều kiện để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động của họ.

Câu chuyện cắt giảm thủ tục hành chính quan trọng hơn là ở tư duy. Nhà quản lý phải thay đổi, không chỉ là “quản”, mà còn phải đồng hành, coi người dân và doanh nghiệp là đối tác?

Chúng ta phải bỏ tư duy quản lý chỉ để quản. Quan điểm này xuất phát từ thời bao cấp tập trung. Bây giờ vẫn ăn sâu một số cán bộ làm chính sách. Nếu quản lý chỉ là áp đặt, siết chặt thì không thúc đẩy sự phát triển. Chỉ thực sự quản cái gì cần thiết, liên quan đến lợi ích quốc gia, bao gồm cả an ninh quốc phòng. Kế đến là “quản” lợi ích của cộng đồng theo nghĩa rộng, như là sức khỏe, an toàn hệ thống. Chứ không thể chỉ vì một vài doanh nghiệp, vài người dân vi phạm mà siết chặt tất cả. Không thể chỉ vì có vài người ốm mà bắt cả làng phải uống thuốc.

Quan trọng hơn, quản lý phải hiểu theo nghĩa thúc đẩy, hỗ trợ, song hành, để từ đó thấu hiểu hoàn cảnh người dân, doanh nghiệp và đặt mình vào vị trí của họ.

Nhiều người thắc mắc là theo quy định, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nhưng có những công chức đùn đẩy, thực thi thiếu trách nhiệm. Vậy khi người dân và doanh nghiệp bị “hành” thì góc độ pháp lý, ông thấy gì về điều này?

Thứ nhất, Hiến pháp đã quy định người dân và doanh nghiệp bình đẳng trước pháp luật. Thứ hai, khi người dân bị xâm hại, họ có thể thông qua cơ quan dân cử để can thiệp. Nếu là doanh nghiệp thì có thể thông qua Hiệp hội doanh nghiệp. Chúng ta có Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo nên những tổ chức đại diện cho người dân và doanh nghiệp có thể thay mặt họ để khiếu nại. Chúng cũng có Tòa án hành chính, là cơ quan giải quyết tranh chấp nếu quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.

Như vậy là khung pháp lý đã có. Vấn đề là cơ quan thực thi phải gương mẫu thực thi, để người dân và doanh nghiệp có niềm tin được bảo vệ quyền lợi. Các tổ chức đại diện cho người dân và doanh nghiệp cần phải kiên quyết đứng ra để bảo vệ chứ không hoạt động hình thức.

Nếu người thực thi chính sách máy móc và cứng nhắc thì sẽ ảnh hưởng thế nào đến lòng tin vào bộ máy?

Chúng ta đã, đang và sẽ làm nhiều thủ tục hành chính. Hiện khung khổ pháp luật có, quyết tâm cũng có. Vấn đề là phải quy trách nhiệm cụ thể. Chúng ta đang cố gắng đi theo hướng này để tránh kiểu thành công là chung của cơ quan, và khuyết điểm cũng là trách nhiệm tập thể. Nếu quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan tổ chức thì sẽ có những cá nhân tốt được tin cậy và cá nhân xấu bị chê trách.

Ðiều này cũng có nghĩa là phải có quá trình đào thải trong lực lượng công chức, như Thủ tướng từng nói là ai không làm được thì nghỉ. Quy trách nhiệm cụ thể thì mới biết ai làm được, ai không làm được. Làm vậy mới tôn vinh những người nhiệt thành, công tâm với nhân dân; và vạch mặt chỉ tên những người lợi dụng áo công quyền để trục lợi trên lợi ích của người dân và doanh nghiệp. 

 Vũ Dũng
(Nhịp Cầu Đầu Tư)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét