Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

Trào lưu sống thử ở Việt Nam

Trào lưu sống thử ở Việt Nam
Phương, 27 tuổi, từng sống thử với bạn trai người nước ngoài gần hai năm, trước khi đi du học. Cô dọn đến ở cùng anh bạn trai tại một khu chung cơ cao cấp ở Hà Nội. Phương: Chúng em sống như các cặp đôi bình thường. Bọn em có một phòng ngủ, một phòng bếp, một phòng khách. Chúng em chia sẻ các chi phí dành cho cuộc sống chung. Anh ấy trả tiền nhà còn em trả tiền hoá đơn và tiền thuê người giúp việc.

Báo chí Việt Nam có không ít các bài viết chỉ trích trào lưu sống thử, cùng hàng loạt các câu chuyện cảnh tỉnh về sự thiệt thòi của các cô gái lỡ dại sau khi tình yêu đổ vỡ. Tuy nhiên, trào lưu sống thử ngày càng phổ biến. Đối với nhiều người, sống thử còn được coi là cần thiết để dẫn tới hôn nhân.

Trào lưu sống thử ở Việt Nam được cho là bắt đầu trong giới sinh viên vào thập niên 90, và được gọi là “tình yêu bếp dầu”. Hiện chưa có một số liệu thống kê của các cơ quan hữu quan về tình trạng này, tuy nhiên các con số không chính thức đều cho thấy trào lưu này ngày càng lan rộng.

Một thống kê tại đại học Mở, Hà Nội, vào năm 2010 thì có tới một phần ba sinh viên sống thử trước hôn nhân. Trước đó 5 năm, một nghiên cứu khác ở TP HCM thì cho thấy tỷ lệ sống thử ở giới trẻ là 5%. Một khảo sát không chính thức của một blogger có khoảng 3,000 người tham gia thì phần lớn người tham gia ủng hộ việc chung sống trước hôn nhân.

Hiện không có một tài liệu nào khẳng định được độ chính xác của những con số trên. Tuy nhiên, mức độ phổ biến của trào lưu này có thể được giải thích một phần là do thái độ cởi mở của thanh niên trước vấn đề tình dục trước hôn nhân. Theo một phúc trình của bộ Y tế năm 2013 gần một nửa thanh niên ở Việt Nam chấp nhận quan hệ tình dục trước khi kết hôn.

Thử như thật

Phương, 27 tuổi, từng sống thử với bạn trai người nước ngoài gần hai năm, trước khi đi du học. Cô dọn đến ở cùng anh bạn trai tại một khu chung cơ cao cấp ở Hà Nội.

Phương: Chúng em sống như các cặp đôi bình thường. Bọn em có một phòng ngủ, một phòng bếp, một phòng khách. Chúng em chia sẻ các chi phí dành cho cuộc sống chung. Anh ấy trả tiền nhà còn em trả tiền hoá đơn và tiền thuê người giúp việc.

Phương là con một tuy nhiên do bản tính tự lập, cô thuê nhà ở riêng từ lâu. Quyết định ở cùng bạn trai thì bố mẹ không hay biết vì theo cô nói, bố mẹ Việt Nam nào thì cũng sẽ phản đối việc sống thử như thật này.

Hà Phương: Nói thật ra là thanh niên Việt Nam, riêng việc không phải ở nhà (với bố mẹ) đã là thoải mái hơn rất nhiều rồi. Cộng với việc đi chơi, đi du lịch với bạn bè cũng không phải lo lắng gì nữa. Thỉnh thoảng chúng em cũng mở tiệc, mời bạn bè về nhà chơi. Ở với bố mẹ thì không làm được như vậy.

Phương cho biết quyết định sống với bạn trai khá sớm khi hai người vừa mới yêu nhau được vài tháng. Dù vậy, Phương và bạn trai đã có ý định kết hôn nên sớm muộn gì hai người cũng phải sống chung.

Minh Thuỳ, 30 tuổi, cũng chung sống với bạn trai sau 3 năm hẹn hò. Khi đó, hai người đã có ý định sẽ làm đám cưới và kết hôn. Việc sống thử là để xem hai người có hoà hợp hay không.

Minh Thuỳ: Trước đó, em có lên nhà bạn ấy rồi, cũng có gặp bố mẹ bạn ấy. Thực ra bố mẹ cũng nói là bạn ấy lười lắm, không sống được với nó đâu, nhưng khi sống với nhau thì thấy bạn ấy cũng không quá lười. Bạn ấy cũng có giúp đỡ, ví dụ như nấu nướng, ở nhà thì cắm cơm, dọn dẹp.

Lợi hay hại?

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vẫn liên tục kêu gọi việc giữ gìn phẩm chất công, dung, ngôn, hạnh tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Hội này coi việc sống thử là “kiểu sống gia đình không bình thường” và là “một vấn đề xã hội nan giải”. Họ cho đây là “câu chuyện đau lòng” về sự xuống cấp về đạo đức, sự “tha hoá về nhân cách” một một bộ phận phụ nữ. Hội kêu gọi phụ nữ Việt Nam giữ phẩm hạnh, nhân cách của các cô gái trung hậu đảm đang.

Tâm Phan, nhà văn có ba cuốn sách ăn khách về tình yêu, tình dục và nuôi con, thì cho rằng xã hội không nên coi sống thử là một việc xấu.

Tâm Phan: Tôi nghĩ rằng nhiều người có thành kiến với sống thử, vì họ nghĩ rằng sống thử là sinh hoạt tình dục đều đặn và thường xuyên với một người. Thực tế thì không cần phải sống thử thì nhiều đôi yêu nhau vẫn sinh hoạt bình thường, chỉ khác là địa điểm thay đổi nay nhà nghỉ này, mai nhà nghỉ khác. Vậy thì sống thử, sống chung một nhà và chia sẻ trách nhiệm với nhau thì vẫn tốt hơn là đưa nhau đi hoang. 

Sống thử ở các nước phương Tây là chuyện không hề hiếm. Chẳng hạn như ở nước Mỹ, trào lưu này bắt đầu rộ lên từ những năm 60 cùng thời điểm với phong trào nữ quyền lên cao, giải phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc truyền thống về tình dục. Khi đó, có khoảng 10% các cặp đôi chung sống trước hôn nhân. Số liệu mới nhất gần đây là có tới 60% các cặp sống thử. Phần lớn những người quyết định sống thử với nhau là đã nghĩ tới chuyện kết hôn, ít nhất là trong một mối quan hệ lâu dài. 64% người được hỏi trong một khảo sát của Pew Research cho hay họ chỉ góp gạo thổi cơm chung khi có ý định nghiêm túc với nhau.

Sống thử giúp cả hai biết được những thói quen, mới lộ ra được cái xấu mà bình thường chỉ hẹn hò hàng ngày không thể nào biết được. Phương cho hay nhờ sống với bạn trai cô mới biết anh đi uống rượu thường xuyên. Nhưng anh cũng có nhiều ưu điểm khác là không lăng nhăng và biết chăm lo cho cô.

Phương: Phải ở với nhau mới có những xích mích, va chạm, cọ xát thì mình mới thực sự hiểu được là sống với người này, rằng nếu tương lai mà làm chồng mình thì sẽ gặp những vấn đề như thế này, thế kia, như vấn đề tài chính hay thói quen là họ không nhường nhịn mình chẳng hạn. Những cái đấy phải ở với nhau thì mới lộ ra được.

Chỉ nên sống thử khi có ý định “sống thật”

Phương cho biết sống thử cùng người yêu là điều quan trọng vì tất cả các cặp tình nhân phải thử xem có hợp nhau về ba vấn đề quan trọng đó là tình dục, tiền bạc và việc sinh con cái.

Phương: Về tình dục, nó đòi hỏi các cặp đôi lắng nghe nhau. Khi mình sống với bạn trai mình lâu dài thì cuộc sống tình dục sẽ thay đổi ra sao, và người bạn của mình có chịu thay đổi, chịu lắng nghe những mong muốn, suy nghĩ của mình hay không.

Còn tiền bạc cũng nên rõ ràng, ai phụ trách cái gì, ai chi tiêu cái gì. Giả sử một người không có thu nhập thì cũng phải rõ ràng, thẳng thắn với nhau hoặc trong tương lai có kế hoạch gì với nhau thì phải rõ ràng, phải bỏ ra số tiền nhất định để dành, phải có kế hoạch. Còn về con cái thì cũng phải thống nhất về cái mốc thời gian của mình. Ví dụ như em thì em muốn có con trước 30 tuổi.

Tâm Phan thì cho rằng chỉ nên sống thử khi hai người có ý định nghiêm túc với nhau.
Tâm Phan: Nếu như yêu đương, tìm hiểu ở mức nông cạn thì không nên sống thử. Sống thử chỉ dành cho hai người yêu nhau và muốn tiến tới hôn nhau, thậm chí là đính hôn rồi thì mới nên dọn vào sống thử.

Chị Tâm Phan cũng nhận định rằng sống thử không có nghĩa là sống lâu dài, chỉ cần vài tháng là đủ hiểu hai người có hợp nhau không.

Tâm Phan: Sống thử không cần phải một thời gian dài, sống thử chỉ cần một tháng, hai tháng, ba tháng là đủ biết người kia như thế nào rồi, khi đó có thể quyết định được luôn. Không ai sống thử cả bảy năm trời cả.

Chị Tâm Phan khuyên các cô gái không nên tự trói buộc, không nên cố khi biết rõ rằng hai người không hợp nhau khi sống chung.

Tâm Phan: Thời gian sống thử chỉ có vài tháng, không thể gọi đó là một đời chồng được . Cũng chẳng có ai ghi lại rằng cô này đã sống thử với anh này vào thời điểm này và chẳng ai có list chẳng hạn như 100 anh sống thử với cô này cả.

Giống như bất cứ các mặt hàng trước khi mua để dùng, ta cũng phải ngắm nghía, thử mãi trước khi quyết định bỏ tiền mua. Vậy thì tại sao, khi lấy cả một con người về sống trăm năm, ta không thử trước, chị Tâm Phan đặt câu hỏi. Theo chị, sống thử chỉ có lợi mà không có hại. Khi một cặp đôi quyết định kết hôn thì việc đúng đắn là sống thử trước với nhau.

Tuy nhiên, các nhà xã hội học cũng cảnh báo về tình trạng sống thử mà không có kiến thức nhất định, dẫn tới những hậu quả ảnh hưởng lâu dài. Theo một thống kê của Quỹ Dân số Thế giới năm 2013, Việt Nam nằm trong số 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, trong đó ở TP HCM tình trạng phá thai phổ biến nhất cả nước. Giới trẻ cũng kém hiểu biết về an toàn tình dục, dẫn đến tình trạng bệnh lây lan về tình dục tăng cao. 


Trong khi đó, khi sống thử không hợp nhau, các cô gái vẫn là người chịu thiệt thòi nhiều hơn cả.

Hoài Vũ, phóng viên RFA
2014-10-12 

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/WomenMagazine/cohabi-befor-marriage-10122014055100.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét