Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

Tản mạn về GÓP Ý

Tản mạn về GÓP Ý
Trịnh Khả Nguyên/ Quê Choa: Lâu nay các vị nhân sĩ, trí thức cũng đã góp ý về các vấn đề lớn như giáo dục, luật pháp, kinh tế, thể chế... bằng các Thư Kiến Nghị (TKN) hoặc Thư Thỉnh Nguyện (TTN).. Họ là những người hiểu biết tường tận trong từng lĩnh vực trên nên các TKN, TTN cũng rất sắc sảo, chân thành. Tất cả họ, đúng như cách nói của Tổng bí thư yêu cầu đổi mới cơ bản toàn diện thực sự, không cải cách vụn vặt, chắp vá hay  thay từ đổi ngữ. Nhưng quan trọng là lãnh đạo có nghe không. Lịch sử cho thấy rằng hai lần “điều trần,  kiến nghị” không được lắng nghe là hai lần đất nước bị thiệt thòi lớn.
Trong các trụ sở, cơ quan thường có một quyểnsổ(vở học sinh) treo trên tường,ngoài bìa ghi ba chữ (chân phương) ”SỔ GÓP Ý”.Dần dần, để bề thế hơn, người ta thay “SỔ” bằng “HỘP/HÒM/THÙNG- THƯ GÓP Ý”. Dù “ sổ” hay “ hộp” thì công dụng của chúng như nhau là vật chứa các ý kiến của công dân gởi đến các giới chức liên quan. Chắc từ khi lập ra cái “sổ” rồi đến cái “hộp” cũng có nhiều người đã góp ý.

Nếu lập ra “ sổ/hộp góp ý” mà không mở ra xem,hoặc xem rồi “quên luôn” thì lập cũng vô ích. Cũng như lập ra “NHÀ TIẾP DÂN”, tiếp mà không giải quyết thì tiếp cũng như không. VTV trong bản tin mới đây cho biết cả nước có đến 200.000 đơn khiếu nại chưa được giải quyết nên nhân dân đã mang hồ sơ lên “Nhà tiếp dân trung ương”. Trong chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời” vào đêm 21.9.2014, phóng viên trình bày với ông Chánh thanh tra (CTT) rằng có trường hợp người dân đã chờ 16 năm, có trường hợp “nhà tiếp dân”địa phương làm thủ tục chuyển hồ sơ của đương sự lên “ trên” cách đây 3 năm, nhưng vẫn ... chờ.

 Phóng viên hỏi, nghe nói, ông CTT đã ăn bánh mì để (tranh thủ) giải quyết hồ sơ cho dân và liệu ông chánh thanh tra có can đảm (chữ của người viết) ăn bánh mì như vậy để giải quyết các trường hợp tiếp theo không( ý nầy không nghe ông CTT trả lời). Nếu thật thế thì giải quyết hết 200.000 hồ sơ  ít nhất cũng ăn cả chục nghìn ổ bánh mì !.

Góp ý qua họp thư là  tự nguyện, ai muốn thì góp, nhưng có những trường hợp phải tham gia dù không “góp”. Còn nhớ cách đây hơn một năm, các chủ hộ đều  được “ mời” đi họp để góp ý sửa đổi hiến pháp. Vị chủ tọa tuyên bố đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Buổi họp kéo dài 2 giờ, 4/5 thời gian ấy vị chủ tọa đọc “Bản dự thảo” lần lượt  chương 1,2,3... điều 1,2,3 ... đôi khi có a,b, c nữa. Hết một chương/phần ông dừng lại hỏi Bà con ai có ý kiến gì về chỗ nầy? – Thôi, thông qua. Đọc hết chương cuối, ông lại Các cụ, các bác, các chú, các mẹ, các anh, các chị có ý kiến gì không?-Không! - Cám ơn bà con. Mọi người ra về  khỏe re.

Một số người cho rằng chỉ có 2 giờ, nghe đọc tràng giang  nhớ cũng không kịp lấy đâu mà góp. Vâng, có văn kiện nào của đất nước quan trọng hơn “hiến pháp” đâu  nên chi muốn “góp” cũng khó, phải có thời gian đọc, suy nghĩ. Ông bà từng dạy,  “lễ”  phải có lòng thành, đừng đuổi gà qua đám giổ, thánh thần không chứng giám  mà người thường cũng chế nhạo, mất công lại mang tội (làm trò).

Lập ra “Sổ/Hộp Thư Góp Ý, Nhà Tiếp Dân” là việc của nhà nước. Nhưng nhân dân, nhất là các nhân sĩ xưa nay, đôi khi cũng tự động góp ý với nhà nước  qua các Bản Điều Trần (BĐT), Thư Kiến Nghị(TKN) hoặcThư Thỉnh Nguyện (TTN).

BĐT của cụ Chu Văn An (CVA) là bản  văn đầu tiên của nhân sĩ  góp ý với triều đình(chính quyền) về  việc nước. Nó (có lẽ) là tiền thân của  Thư Kiến nghị, Thư thỉnh nguyện. Sổ góp ý .
  
Có hai BĐT nổi tiếng trong lịch sử mà ta hay nghe nói đến. Bản thứ nhất là của cụ Chu Văn An  dâng lên vua nhà Trần trong lúc đất nước rối ren, triều chính bị bọn gian thần, tham quan lộng hành. Cụ điều trần xin chém đầu 7 gian thần để dân, nước được yên . Nhưng vua không nghe nên đất nước ngày một suy đồi, dẫn đến nhà Trần mất ngôi và cái họa lớn nhất là tạo cớ cho nhà Minh đem quân sang đánh chiếm, đô hộ nước ta. 

Bản điều trần thứ hai là của Nguyễn Trường Tộ (NTT) gởi lên vua Tự Đức, yêu cầu bỏ bớt những lý thuyết lạc hậu lỗi thời, những kinh điển, thánh hiền dạy , lo học hỏi canh tân đất nước theo  các nước phương tây.  Vua và một số quan ( bảo thủ) cho đó là những ý “phản động” không nghe. Nhưng kịp khi biết  ra thì đã muộn, nước  bị Pháp xâm chiếm. Đã thế, khi bị mất một phần lãnh thổ, ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ,  họ vẫn còn muốn “cầu hòa”.

Nhưng cũng khoan trách triều đình nhà Nguyễn. Khi ấy, thế kỷ 19, rất thiếu thông tin, họ có đi đâu, quanh quẩn trong mấy bức trường thành của hoàng cung, một mực tin vào kinh kệ thánh hiền, mặt khác họ  đang mê mãi  mũ cao áo dài, thơ phú, họ chưa bao giờ thấy đèn điện, ô tô.thì làm sao tin nỗi lời của NTT. Chỉ tội cho NTT vì biết trước, nói thật mà hàm oan. Còn bây giờ, thế kỹ 21, có người đang hưởng tất cả các tiện nghi hiện đại nhất của thế giới (tư bản), biết được mọi biến động trên toàn cầu. Có kẻ đã đi(chơi/du lịch/học tập/công tác) Tây, Mỹ, Tàu... biết rõ sự tình  nhưng lại không chịu  tin, chỉ lo bảo vệ vững chắc cái...sổ hưu. Té ra, họ còn tệ hơn những người sống cách đây gần hai thế kỷ.

Hai BĐT của hai cụ CVA và NTT dâng lên các lãnh đạo cách nhau gần 600 năm,nhưng giống nhau là xuất hiện khi đất nước  rối ren,các BĐT đều kiến nghị  những  thay đổi cách ‘trị quốc”và cũng (rủi ro) giống nhau là đều không được nghe. Khi đất nước có vấn đề thì thường có các BĐT hay KN và ngược lại, khi có BĐT hay KN thì biết được đất nước có vấn đề, cũng như khi đau thì mới đi tìm thầy thuốc và khi ai đó đi tìm thầy thuốc thì chắc là sức khỏe của họ không ổn.

Trong những lần gặp các đồng nhiệm nước ngoài, các vị lãnh đạo đều yêu cầu họ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, nhưng  với trong nước lại chủ trương kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chuyện khác, chẳng hạn VN đang nhờ một số nước giúp  hoàn thiện hệ thống  luật pháp, nhưng lại chủ trương ta  là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

 Phát biểu tại Đại hội 8 MTTQVN, ông TBT kêu gọi MT phản biện sắc sảo, chân thành. Trước đó trong bài tổng kết kỳ họp thứ 9 khóa 11 của ĐCS, khi đề cập đến giáo dục, ông TBT cũng yêu cầu đổi mới cơ bản toàn diện. Cứ theo từ mà hiểu  thì “phản biện sắc sảo, chân thành” là  góp ý cho rõ ràng, chính xác, thật lòng không né tránh, khôngchiếu lệ. Còn “đổi mới cơ bản toàn diện” là bỏ cái cũ thay bằng cái mới, thay  từ gốc(cơ bản) và thay hết(toàn diện). Như thế, “đổi mới” mạnh hơn “cải cách”,vì “cải cách” là sửa cái cũ để dùng lại. 

Và lâu nay các vị nhân sĩ, trí thức cũng đã góp ý về các vấn đề lớn như giáo dục, luật pháp, kinh tế, thể chế... bằng các TKN, TTN. Họ là những người hiểu biết tường tận trong từng lĩnh vực trên nên các TKN, TTN cũng rất sắc sảo, chân thành. Tất cả họ, đúng như cách nói của TBTyêu cầu đổi mới cơ bản toàn diện thực sự, không cải cách vụn vặt, chắp vá hay  thay từ đổi ngữ. Nhưng quan trọng là lãnh đạo có nghe không. Lịch sử cho thấy rằng hai lần “điều trần,  kiến nghị” không được lắng nghe là hai lần đất nước bị thiệt thòi lớn.

Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét