Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Sẽ được gì khi dùng ngân sách xử lý nợ xấu?

Sẽ được gì khi dùng ngân sách xử lý nợ xấu?
TRẦN GIANG BizLIVE - Khi chủ nợ và con nợ đều là Nhà nước thì việc dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu là rất dễ. Câu hỏi đặt ra là sẽ được gì khi dùng ngân sách xử lý nợ xấu? TS. Võ Trí Thành cho rằng cần phải bỏ ngay quan điểm cứ làm gì liên quan đến tiền lại đến ngân hàng. 
Gần 4 năm, tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước bắt đầu công bố nợ xấu (năm 2011), đến nay, câu chuyện trong mỗi diễn đàn, hội nghị vẫn chỉ quẩn quanh trong câu hỏi xử lý nợ xấu thế nào? Tại sao, sau gần 4 năm vòng vo với nhiều giải pháp xử lý nợ xấu, nay lại quay về điểm xuất phát với giải pháp từ ngân sách?...

Trong khoảng thời gian ấy, có bao nhiêu doanh nghiệp bị phá sản, bao nhiêu người lao động bị mất việc làm, bao nhiêu tệ nạn xã hội phát sinh và bao nhiêu cơ hội kinh doanh tốt đã rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài…

Chủ nợ và con nợ đều là Nhà nước

Trả lời vấn đề này, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng cần phải hiểu tính chất nợ xấu của Việt Nam, đó chủ yếu là nợ của doanh nghiệp nhà nước. Còn các ngân hàng thương mại, những ông chủ của các ngân hàng hay cũng là Nhà nước.

“Do chủ nợ và con nợ đều là Nhà nước nên việc lấy tiền ngân sách để xóa nợ là rất dễ. Nhưng ngân sách lấy đâu ra tiền? Đến việc chi mấy chục tỷ ra để cải cách tiền lương cho năm 2015 còn không bố trí được thì lấy đâu ra mấy trăm tỷ để xử lý nợ xấu?”, ông Ánh bình luận.

Theo ông Ánh, với tính chất nợ như vậy, nên việc xử lý nợ xấu của Việt Nam cũng không giống các nước khác. Do nợ xấu tập trung nhiều ở DNNN, nên nhà nước có thể khoanh nợ và giãn nợ thì tính chất và quy mô nợ xấu sẽ thay đổi.

Nếu là vậy, tại sao lại không làm ngay từ đầu? Câu trả lời thế nào ai cũng hiểu, vì sẽ tác động trực tiếp tới năng lực tài chính của các ngân hàng, hay nói đúng hơn, xóa nợ xong, vốn điều lệ của các ngân hàng còn lại bao nhiêu?

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2010, các tập đoàn kinh tế nhà nước chi 10.128 tỷ đồng vào lĩnh vực ngân hàng. Đến nay, dù đã thoái vốn, nhưng tỷ lệ này giảm rất ít, chỉ 2.830 tỷ đồng. Như vậy, hiện số vốn đầu tư của DNNN vào các ngân hàng, công ty tài chính khoảng trên 10.000 tỷ đồng.

Trong đó, có những khoản đầu tư lớn, như: Tập đoàn Dầu khí sở hữu 52% cổ phần PVcomBank và 20% của Oceanbank, Tập đoàn Điện lực (EVN) sở hữu 16% vốn điều lệ ABBank, VNPT nắm 9% vốn điều lệ Maritime Bank, Petrolimex nắm 40% cổ phần PG Bank, Tập đoàn Bảo Việt nắm lượng cổ phần chi phối tại BaoVietBank, Viettel năm 15% cổ phần của MB…

Đặt bên cạnh nguồn tiền đầu tư vào ngân hàng của các doanh nghiệp nhà nước là các khoản nợ xấu phát sinh sẽ cho thấy một đáp án rất khả quan. Ví như Vinalines, Vinashin với khoản nợ xấu phải khoanh lại là mấy chục tỷ đồng. Hay như vụ Huyền Như, bầu Kiên, Agribank với sai phạm hàng nghìn tỷ đồng… Nếu khoanh nợ, giản nợ thì vốn điều lệ thực của các ngân hàng là bao nhiêu? Rõ ràng, câu chuyện nợ xấu bây giờ là “tiền tươi”.

Được gì khi dùng “tiền tươi”?

Mặc dù rất nỗ lực gỡ những vướng mắc về hành lang pháp lý, nhưng với năng lực tài chính, thì VAMC vẫn không đủ để xử lý nợ xấu. Sự thật này cũng đã được chính Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, thừa nhận tại phiên trả lời chất vấn Thường vụ Quốc hội cuối tháng 9 vừa qua “Dù có tăng lên 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ, so với con số 200.000 tỷ đồng nợ xấu cũng là con số rất nhỏ bé”. Do vậy, với tính cấp bách của vấn đề nợ xấu, cho dù VAMC vẫn chưa làm được phần việc tiếp theo là bán nợ (do thiếu hành lang pháp lý) đã bị nhiều ý kiến gạt bỏ.

“VAMC đang thiếu năng lực, nguồn lực, quyền lực và pháp lực. Thiếu tất cả mọi thứ, vậy có thể kỳ vọng gì vào VAMC như hiện nay?”, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý chinh sách kinh tế Trung ương (CIEM) nêu quan điểm.

Gạt bỏ VAMC và dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu, đó là nhiều ý kiến của các chuyên gia. Điều này cũng được hiện thực hóa bằng một kiến nghị của Bộ kế hoạch và đầu tư, khi thay mặt Chính phủ trình lên Thường vụ Quốc hội, về việc dùng một phần ngân sách xử lý nợ xấu.

TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế đặt vấn đề: Sẽ được gì khi dùng ngân sách để xóa nợ xấu cho doanh nghiệp nhà nước? “Câu chuyện nằm ở chỗ, trước đây, chúng ta không có nợ này là nợ quốc gia. Nay dùng ngân sách trả nợ thì điều này đồng nghĩa với việc còn đây là nợ công, nợ quốc gia. Quan điểm tiền hậu bất nhất này gây bức xúc dư luận”, ông Doanh bình luận.

Câu hỏi của ông Doanh cũng gợi mở nhiều điều. Một chuyên gia ngân hàng cũng đặt vấn đề: Liệu việc dùng ngân sách xử lý nợ xấu có thể giải quyết được niềm tin của xã hội?
“Đây chính là vấn đề. Xã hội này đang thiếu niềm tin. Dư luận xã hội đang ngập những câu hỏi mà phần thì chưa có đáp án, phần thì chưa thỏa mãn với câu trả lời”, vị này bình luận.

Câu chuyện có thể bắt đầu từ con số nợ xấu. Bắt đầu từ năm 2011, khi Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên công bố con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng là hơn 4% thì ngay sau đó, một con số khác cũng chính từ cơ quan này đã cho thấy sự bất nhất về con số, đó là 8%. Con số này được Cơ quan thanh tra giám sát NHNN đưa ra.

Sự chưa thống nhất từ con số nợ xấu này, cho đến nay, vẫn chưa hề được giải quyết. Thị trường vẫn luôn tồn tại nhiều con số nợ xấu, một con số được đưa ra bởi thống kê từ các TCTD, một con số được đưa ra bởi NHNN và con số của các tổ chức nước ngoài…

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đưa ra con số nợ xấu theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 7/2014 là 4,11% tổng dư nợ. Còn theo con số mà Thống đốc trả lời tại phiên chất vấn thường vụ Quốc hội, là nợ xấu sẽ giảm từ 8% xuống còn 6% vào cuối năm nay.

Con số nợ xấu không thống nhất này nói lên điều gì? Một sự thật là không ai biết con số nợ xấu thật là bao nhiêu. Còn con số được công bố thì không ai tin. Đây là vấn đề niềm tin và để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước có đủ năng lực làm việc đó. Câu chuyện còn lại là của cơ quan này.

Một vấn đề nữa là bao giờ sẽ thôi dùng ngân sách xóa nợ xấu? Đó là một vấn đề cần được giải quyết, bởi với cách hành xử hiện nay, thì câu chuyện đang quay về năm 1992, ngân hàng được coi như một ngân sách thứ 2, cứ làm gì cần tiền mà ngân sách không có thì lại vay ngân hàng.

“Thời đó, khi đầu tư công, ngân sách không có đã vay ngân hàng. Hứa là sẽ trả, nhưng đến nay Chính phủ chi bao tiền để trả nợ đầu tư công? Không trả được lại thành nợ xấu. Giờ đây, lại nổi lên vấn đề vay tiền làm đường, đóng tàu sắt. Hứa vay là sẽ trả, nhưng bao giờ trả lại là câu chuyện. Khi không trả được lại thành nợ xấu”, một chuyên gia ngân hàng bình luận.

TS. Võ Trí Thành, cũng cho rằng cần phải bỏ ngay quan điểm cứ làm gì liên quan đến tiền lại đến ngân hàng.

Tư duy này cần phải thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào lại là một câu chuyện khác. Do vậy, rất có thể sẽ dùng ngân sách để xóa nợ xấu cho doanh nghiệp nhà nước nhưng sau đó lại chẳng được gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét