Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

“Kinh tế Trung Quốc không thể vượt Mỹ”

“Kinh tế Trung Quốc không thể vượt Mỹ”
Ông Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới bình luận, kinh tế Trung Quốc không thể vượt Mỹ để đóng vai trò dẫn dắt thế giới, bản thân Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, kìm hãm sức tăng trưởng. Trung Quốc vượt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới
Báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế cho biết, Trung Quốc soán ngôi Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Báo cáo đã sử dụng thuyết sức mua tương đương để so sánh nền kinh tế hai cường quốc, đơn thuần là sự so sánh mức giá hàng hóa tính bằng nội tệ và ngoại tệ… Ông bình luận như thế nào về thông tin này?Kết quả này có được chỉ dựa vào một cách tính toán còn nếu xét theo giá thị trường không phải.

Cách tính toán cho thấy, nếu tính một bát phở ở Việt Nam theo mệnh giá đồng USD, ở Việt Nam chỉ khoảng 1-2 USD nhưng ở Mỹ có thể là 5 USD. Đây chỉ là phép tính so sánh một sản phẩm tính với mức giá ở cả hai nước là bao nhiêu.

Ở Trung Quốc có 7 nghìn tỷ USD, ở Mỹ có 13 nghìn tỷ USD chẳng hạn, nhưng 7 nghìn tỷ USD ở Trung Quốc có thể mức sống rẻ nhưng nếu như mức sống đó chuyển sang Mỹ phải là 15 nghìn tỷ USD.

Theo đó kết quả chỉ để thưởng thức chứ không có ý nghĩa về mặt kinh tế nhiều. Để so sánh 2 nền kinh tế dựa vào thị trường lượng tiền có trong tay. Thực tế tiềm lực có hay không vẫn là tiền mang ra thị trường để mua, Trung Quốc vẫn chỉ có 7 nghìn tỷ USD còn Mỹ vẫn là 13 nghìn tỷ USD.

Có ý kiến cho rằng, sức mạnh của kinh tế Trung Quốc tạo ấn tượng về lượng nhưng yếu về chất, khẳng định đây vẫn là một nền kinh tế gia công và lắp ráp, không phải nền kinh tế phát minh và sáng tạo. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Trung Quốc vẫn đang ở giai đoạn cuối của mô hình phát triển dựa vào sức lao động, tài nguyên, tăng cường tín dụng… và đang chuyển sang giai đoạn ở cấp cao hơn là dựa vào công nghệ, kiểm soát ở tầng cao hơn chuỗi giá trị thế giới.

Tiềm lực của Trung Quốc đã gặp phải những giới hạn không thể tăng trưởng nhanh như trước đây mà cần chuyển đổi mô hình nhưng hiện chưa chuyển được và bản thân Trung Quốc cũng đang loay hoay.

Hiện trạng thực tế đang tạo ra khó khăn cho Trung Quốc. Thứ nhất, là nợ xấu rất cao. Nợ của các công ty Trung Quốc đã lên khoảng 6 nghìn tỷ USD, nợ của chính quyền là 1,6 nghìn tỷ USD, tổng nợ đã vượt cả GDP của Trung Quốc. Nợ này có vấn đề là nợ không tích cực do tăng trưởng bơm tiền ra rất nhiều.

Bất động sản thừa ế, công suất sản xuất thừa ế, các vấn đề về môi trường đang tăng mạnh và phải giải quyết mới đi tiếp được nhưng chưa có động thái nào từ phía Chính phủ Trung Quốc cho thấy có thể giải quyết được. Trong khi đó các khó khăn lại có vẻ lớn dần, vì vậy, tăng trưởng của Trung Quốc đang có xu hướng chậm lại.

Nếu sử dụng tiếp nguồn lực tài chính của Chính phủ, tiếp tục bơm và duy trì tăng trưởng cao sẽ rất khó vì nó làm căn bệnh càng ngày càng trầm trọng. Nên trong tương lai gần, Trung Quốc có thể đang bước dần đến sự “va chạm” vì vấn đề nợ đang gặp khó khăn, có những dấu hiệu cho thấy thị trường tài chính càng ngày càng khó khăn và khó kiểm soát.

Va chạm cụ thể là sẽ có một số cuộc vỡ nợ, tác động đến nền kinh tế Trung Quốc thậm chí kinh tế thế giới cũng sẽ ảnh hưởng.

Nguyên nhân dẫn đến khó khăn của Trung Quốc bắt nguồn từ đâu?

Nguyên nhân bắt nguồn từ mô hình tăng trưởng của Trung Quốc, là tăng trưởng nóng, bơm tiền vào, khai thác tài nguyên và sử dụng lao động giá rẻ để làm thuê cho nước ngoài.

 
Tính theo giá trị thị trường nguyên bản của đồng nội tệ Trung Quốc, quốc gia này vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn đuổi kịp Mỹ (Nguồn: BI)
 
Đến thời điểm này lao động Trung Quốc đã tăng giá, tài nguyên dần cạn kiệt, tài chính bơm vào mãi tạo sự thừa ế về công suất sản xuất, thừa ế bất động sản tạo ra bong bóng và nợ xấu tồn đọng vì vậy không thể bơm tiền, nhưng nếu không bơm tiền lại không phát triển được.

Các doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu đánh giá ngày càng thấp về môi trường đầu tư tại Trung Quốc và có xu hướng rút khỏi Trung Quốc, vì sao?

Triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc đang giảm dần và bản thân những chính sách của Trung Quốc tạo cho các nhà đầu tư nước ngoài cảm giác không công bằng với các công ty nước ngoài, Trung Quốc tìm cách thiên vị và tăng sức mạnh cho công ty Trung Quốc.

Đồng thời các nguồn tài nguyên khoáng sản khai thác trước đây, lao động giá rẻ không còn là ưu thế, tất cả đang tăng cao từ thuế tài nguyên do ảnh hưởng đến môi trường, chi phí lao động tăng… Đầu vào đang tăng và môi trường ứng xử của Chính phủ với họ không tốt nên tháo chạy là đúng.

Ngoài ra, về mặt quan hệ với Nhật Bản, những động thái gây hấn cũng tạo ra cho các nhà đầu tư cảm giác môi trường không thuận lợi.

Theo ông, trong tương lai kinh tế Trung Quốc có thể vượt Mỹ không?

Việc Trung Quốc vượt Mỹ để đóng vai trò dẫn dắt thế giới thì không thể nào được. Về khía cạnh kinh tế, Trung Quốc phải tự vượt qua những khó khăn hiện tại của họ, tận dụng quy mô lớn về mặt quy mô tuyệt đối có thể nhưng thu nhập quốc dân theo đầu người thì còn rất lâu mới vượt được Mỹ.

Ngay như con số đóng góp vào GDP thế giới, hiện Trung Quốc hiện cũng đang thấp hơn Mỹ đến 6,5 nghìn tỷ USD.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyên Thảo
(BizLIVE)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét