Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Hàng dỏm Trung Quốc vào Việt Nam do… chính sách

Hàng dỏm Trung Quốc vào Việt Nam do… chính sách
Trong buổi ăn trưa làm việc với các doanh nhân CLB LBC mới đây, bên cạnh một cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh chuyện học được gì từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, các thành viên đã có chia sẻ về cách làm ăn của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam.

Tại TP.HCM, cộng đồng người Hoa chỉ chiếm 7% dân số, nhưng doanh nghiệp người Hoa chiếm 30% trên tổng số doanh nghiệp có mặt tại thành phố, nhiều công ty làm ăn thành công như Biti’s, bút bi Thiên Long, Dệt Thái Tuấn, Thép Hữu Liên – Á Châu, Kinh Đô… 5 nguyên tắc kinh doanh và những câu chuyện sống động về các ông chủ người Hoa được bàn luận là những gợi ý cần thiết cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tín, Gia, Cần, Tương, Yêu nghề kinh nghiệp là 5 nguyên tắc đã ăn vào trong máu của các thế hệ kinh doanh người Hoa. Tại sao người Hoa tạo được những đế chế? Chính là nhờ họ chỉ tập trung một nghề và chuyên tâm với nghề ấy suốt một đời, suốt nhiều đời, đó là lý do ông Lý Ngọc Minh đã đặt tên cho dòng sản phẩm đầu tiên của mình là Lý. Ngày xưa ai cũng nghèo, không có tiền mua nguyên vật liệu, nhưng dân làng sẵn sàng bán thiếu cho ông Lý Ngọc Minh thời khởi nghiệp nhờ uy tín của người cha. Theo ông Vưu Khải Thành: “Giữ chữ tín để đi được đường xa”.

Tôn trọng chữ “Gia”, gia đình ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên dù có lúc lục đục, nhưng chưa bao giờ xảy ra mâu thuẫn trong kinh doanh nhờ biết tôn trọng ý kiến của người anh cả là Trần Kim Thành. Vô cùng nghiêm khắc trong chuyện dạy con, ông Lý Ngọc Minh bắt con phải đi lên từ một nhân viên bình thường. “Tỉ phú do cần, đại phú do thiên” là câu châm ngôn để răn dạy con cái trong nhà. Ông Lương Vạn Vinh dù là một ông chủ nhưng sẵn sàng xách cả vali nước rửa chén qua Myanmar bán từng chai để tiếp thị…

Người Hoa sẵn sàng giúp công việc làm ăn chứ không cho tiền, với người mới mở cửa hàng, các chủ vựa sẵn sàng bán thiếu, chở hàng tới cho gối đầu, đỡ đần nhau khi thịnh khi suy. Ông Trần Kim Thành từng giúp ông Kao Siêu Lực lúc khó khăn dù hai người cùng kinh doanh một ngành nghề. Với người Hoa, cái gì cần xài, không sợ tốn kém, cái gì lãng phí khó mà móc được “hầu bao” của họ.

Buổi trò chuyện đã trao đổi sôi nổi trước vấn nạn mà chị Đỗ Duy Hiếu, giám đốc điều hành Thép Việt đặt ra về chuyện cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường thép: “Gia đình tôi cũng rất tin vào những giá trị truyền thống, trân quý những giá trị văn hoá kinh doanh của người Hoa, và tin là khi mình làm sản phẩm có chất lượng, làm dịch vụ tốt sẽ bán được hàng. Nhưng tôi học ở nước ngoài về đã được 6 năm, thấy điều đó dường như không được đúng cho lắm. Đôi khi trong công việc phải đối mặt với những điều sống còn của sản phẩm mình thì vấn đề đạo đức được giữ tới đâu? Làm không đúng với lương tâm thì không thể, mà không làm thì chết? Dù ngành thép có những tiêu chí rất rõ ràng về chất lượng nhưng người ta vẫn có thể làm rất nhiều cách để ra một “kết quả đẹp” trong khi sản phẩm của người ta không đẹp”.

Anh Antoine Trần cho rằng: “Phải cân bằng giữa chất lượng và khả năng sống sót. Việt Nam đã phải mất một thời kỳ bài học cho chính người dân để biết chọn lựa sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, sản xuất một gói mì khác với sản xuất thép, đợi cho đến khi người dân ý thức được thì doanh nghiệp tổn thất lớn vô cùng. Gia đình tôi học được ở người Hoa nhiều lắm, nhưng đó là tinh thần của người Hoa trước 1975. Còn bây giờ chữ Tín, chữ Gia, chữ Cần, chữ Tương không còn như trước đây… Nếu LBC khôi phục được những giá trị này từ những hoạt động thiết thực của mình thì đó là điều rất đáng phải làm”.

Tranh luận về các tác phẩm Mặt dày tim đen, Tam quốc @ diễn nghĩa… đề cập đến những thủ đoạn tàn nhẫn của người Trung Quốc, anh Lý Huy Sáng, tổng giám đốc công ty gốm sứ Minh Long, cho rằng: “Bản chất người Hoa không phải xấu đến vậy. Cái làm thay đổi người Hoa phải chăng do chính sách quốc gia. Rõ ràng người Hoa ở Đài Loan, Hong Kong, Singapore khác với người Hoa ở Trung Quốc. Chính sách nào tạo ra tư duy đó…”

Ông Hồ Quỳnh Hưng, tổng giám đốc công ty Điện Quang, chia sẻ: “Trung Quốc cũng có rất nhiều doanh nghiệp làm ăn chân chính, không phải tất cả đều là hàng dỏm. Nhưng vì chính sách Việt Nam đã cho hàng tiểu ngạch dễ dàng quá nên hàng xấu họ đẩy qua đây hết. Còn các nước châu Âu, Mỹ cũng đầy hàng Trung Quốc, nhưng đều là hàng chất lượng. Chính Nhà nước làm không nghiêm với hàng dỏm của Trung Quốc nên gây khó cho doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng. Chính phủ phải có nhiều chính sách tốt hỗ trợ cho doanh nghiệp, mới có được những thương hiệu toàn cầu”.

Chị Cao Ngọc Dung, chủ tịch HĐQT PNJ, cũng bảo vệ những giá trị cốt lõi: “Phân tích người Hoa ở Việt Nam, những giá trị tinh thần của đạo Khổng rất gần với giá trị người châu Á. Văn hoá gia phong xuất phát từ văn hoá nền tảng, nếu văn hoá nền bị xuống cấp sẽ kéo theo hệ luỵ tất cả mọi ngành, dẫn đến làm ăn gian dối, tư tưởng thực dụng, coi đồng tiền là tất cả. Để một công ty trường tồn phải xuất phát từ văn hoá nền tảng, làm ăn chân thực, dù có sóng gió vẫn giữ được giá trị cốt lõi”.

Hương Xuân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét