Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Góp tiền xử lý nợ xấu: Cái lý của người nghèo

Cái lý của người nghèo
Rất nhiều phóng viên nghị trường vào buổi sáng 30.9.2014 đã cẩn thận gỡ băng ghi âm để nghe lại một câu của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý khi ông đề xuất biện pháp xử lý nợ xấu. Dẫn “trường hợp Hàn Quốc”, nơi “nhà nước coi nợ xấu là vấn đề của toàn xã hội nên đã kêu gọi người dân góp tiền vàng để giải quyết nợ xấu”, ông Lý đặt câu hỏi gợi ý: Liệu chúng ta có học tập được không?
Một phát biểu nghị trường hoàn toàn nghiêm túc chứ không có vẻ gì là đùa cợt ở đây cả. Và kết quả, đến ngay tắp lự: Thể hiện trong sự cười cợt của dư luận. Điệu cười mà người ta thường chỉ dành cho những cái ngớ ngẩn một cách khôi hài. Người dân không thể yêu, không thể gật đầu tự nguyện góp tiền vàng, thực chất là mồ hôi nước mắt, để trả giá cho những sai lầm khách quan thì ít, chủ quan thì nhiều.

Nhưng xét về mặt lý thuyết kinh tế, ông Lý có cái lý của mình, và cái lý ấy không sai. Không sai như lời Bộ trưởng Thăng từng nói: “đóng phí là yêu nước”. Không sai như chuyện Bộ trưởng Tiến từng khoe “gia đình dòng họ tôi góp vàng cho Chính phủ” từ những ngày đầu lập quốc, để kêu gọi nhân dân, trong phạm trù “cả hệ thống chính trị” cần “vào cuộc” cùng với Chính phủ trong thời buổi khó khăn này.

Xét cả trên thực tế, cho dù Công ty mua bán nợ VMC, sao chép theo mô hình KAMCO của Hàn Quốc, đang mua lại nợ xấu của các ngân hàng thì bản chất tiền nào cũng là tiền của dân cả thôi. Bởi mỗi người dân, đóng thuế trong mỗi ly café sáng, nộp phí ở việc mua một mớ rau, hay thậm chí chắt chiu từng đồng lương hưu còm cõi gửi tiền tiết kiệm để góp chung vào NSNN cũng đang là hình thức chung sức góp tiền xử lý nợ xấu. Gián tiếp qua thuế, phí, hay trực tiếp bằng vàng tiền, chung quy cũng đều là đóng góp cả.

Nhưng sẽ rất khó để có thể tái lập một “tuần lễ vàng” hay gần hơn, rất khó để có một chị ve chai Nguyễn Thị Quí, nghèo như chị Dậu của một thời “tắt đèn”, sẵn sàng tự nguyện dành mồ hôi nước mắt và cả niềm tin vào những điều tốt đẹp để… giải quyết nợ xấu.

Năm ngoái, khi mang 500 ngàn đồng, số tiền của 20 ngày công mồ hôi nước mắt đến góp đá xây Trường Sa, người phụ nữ chân chất ít học ấy tâm sự rất thật rằng chị chẳng biết Trường Sa là gì, nhưng chị cảm thấy phải có trách nhiệm với những người lính ngoài đảo, cần có trách nhiệm với đất nước.

Nợ xấu, tệ hại thay, lại không phải là tổ quốc thiêng liêng. Bởi căn nguyên của nợ xấu là một thời “ra ngõ gặp ngân hàng”, là việc nhà băng vung tay quá trán.

Người dân không thể yêu, không thể gật đầu tự nguyện góp tiền vàng, thực chất là mồ hôi nước mắt, để trả giá cho những sai lầm khách quan thì ít, chủ quan thì nhiều.

Và xem ra, trong trường hợp này, cái lý của “những chị Dậu” mới là cái lý đúng!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét