Thứ Ba, 14 tháng 10, 2014

Chợ cua giống ở miền Tây

Chợ cua giống giá 500 đồng/con ở miền Tây
Cứ đầu tháng 10, khi mùa nước nổi tràn về cũng là lúc người dân ở cửa biển Trần Đề, Sóc Trăng đổ xô mang xiệp đi săn cua con giống bằng đầu đũa, rồi bán giá 500 đồng/con.
Tờ mờ sáng, người dân ven cửa biển Trần Đề đi theo kinh Tiếp Nhựt ra cửa biển săn cua giống tự nhiên. Dụng cụ săn cua rất đơn giản gồm một chiếc vợt đường kính khoảng 20 - 30 cm gọi là xiệp, một chiếc thau nhựa nhỏ để đựng cua và cà mèn đựng đồ ăn dùng cho bữa trưa. 

Khi thủy triều lên xấp mặt nước, họ bắt đầu lội đất sình vào khu rừng bần ngay cửa biển để xiệp cua. Người săn cua xúc xiệp vào các bụi cỏ, tảo biển ngập trong nước. Cua con khi nở ra còn nhỏ đều bám vào cỏ và bị xúc cả cua lẫn tảo cho vào thau nhựa. 

Sau 5 tiếng đồng hồ, một người có thể bắt được từ
 70 đến 100 cua con cua nhỏ xíu bằng đầu đũa. 

Anh Huol người Khmer hào hứng khoe thành quả với hơn 100 cua giống xúc được. 

Sau khi xiệp, họ vội vã vào thị trấn để bán ngay cho lái, phiên chợ buôn cua giống diễn ra chóng vánh chỉ trong một tiếng đồng hồ. 

Điểm họp chợ là cầu kinh Tiếp Nhựt trên tuyến quốc lộ 91C, Nam Sông Hậu cách trung tâm thị trấn Trần Đề chừng 3 km về hướng Định Châu. Cua giống được mua gom về bán lại cho các chủ trại nuôi ở trong vùng. 

Không khí hết sức náo nhiệt và khẩn trương. Người xúc cua kiếm lái quen để bán cho được giá. Lái cũng kiếm người quen để gom đủ hàng giao cho khách. 

Đầu tiên cua được gỡ nhẹ ngàng ra khỏi rong tảo, công đoạn này phải cẩn thận hết sức vì cua con rất dễ bị chết nếu mạnh tay. 

Sau đó, cua được cho vào một dĩa lớn để thuận tiện đếm và phân loại. Giá cua dao động từ 500 đến 700 đồng/con. 

Việc bắt cua rất cực nhọc, còn người dân làm nghề này hầu hết là người nghèo, khó khăn. Do đó họ phải đếm kỹ để không bị thiếu sót. 

May mắn người xiệp cua sẽ bắt được loại lớn hơn, bán với giá 2.000 - 7.000 đồng/con. 

Khi mọi người đếm lại cua thường hô to số lượng để người bán kiểm chứng nên không khí rôm rả cả một khúc đường. 

Tuy nhiên, vài năm gần đây, số lượng cua ngày càng giảm dần do nhiều người đi xiệp nhưng mùa nước nổi vẫn là mùa kiếm cơm của người dân vùng sông nước ĐBSCL. 

Hải An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét