“Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”
Có những văn bản đưa ra lấy ý kiến dân nhưng không cập nhật liên tục, không ghi rõ dự thảo lần thứ bao nhiêu, thời gian ban hành lúc nào. Vì vậy, không thể thấy dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã “lớn lên” như thế nào.Ảnh minh họa: moj.gov.vn
Những gương mặt học sinh trẻ măng đứng lên nói cho các đại biểu Hội đồng nhân dân nghe về những nỗi gian truân, những mong muốn của chính các em về việc học. Những gương mặt phụ huynh ưu tư chia sẻ nỗi lo lắng khi nghe tin chính quyền dự định tăng học phí. Ở một tỉnh miền núi, mấy chục chủ hộ ngồi quây quần trong một nhà dân được mượn, còn ở nơi khác, bên hiên nhà, người dân đóng góp ý kiến về các chính sách hỗ trợ nông dân vùng cao, về chương trình hỗ trợ nhà ở.
Trong hội nghị tham vấn do một Ủy ban của Quốc hội tổ chức, các đại biểu đã lặng đi khi người phụ nữ ngồi xe lăn kể về những nỗi gian truân của người khuyết tật và bật khóc. Hàng chục cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, với những phiếu hỏi thu nhận được rất nhiều ý kiến của doanh nghiệp trong hai lần xây dựng, sửa đổi Luật Doanh nghiệp 2000 và 20005.
Đó chỉ là một vài trong số nhiều hình ảnh, câu chuyện đáng nhớ, đọng lại trong tâm trí nhiều người từ các cuộc tham vấn nhân dân do các cơ quan của Quốc hội, HĐND tiến hành trong những năm gần đây. Đáng nói hơn, sau đó, những nỗi gian truân, ưu tư, mong muốn, lo lắng của người dân đã được lắng nghe, tiếp nhận, chuyển hóa thành quyết sách ở tầm địa phương hoặc cả quốc gia, tùy vào phạm vi điều chỉnh của chính sách.
Thực tiễn cho thấy, tham vấn không phải là phép mầu, nhưng là chiếc cầu nối chính quyền với người dân. Tham vấn tạo điều kiện cho người dân phát biểu ý kiến về những vấn đề quốc kế, dân sinh để chính quyền trực tiếp lắng nghe, chắt lọc, tiếp thu. Điều quan trọng là làm sao để người dân được dự phần như người chủ trong quá trình tạo ra các sản phẩm chính sách công.
Tham vấn là nguồn thu thập thông tin kiểm chứng, bổ khuyết việc thiết kế chính sách, giám sát việc thực thi chính sách ở các giai đoạn. Cơ quan ban hành chính sách có thêm nhiều căn cứ, lý lẽ và thông tin hơn trước khi quyết định và giám sát, làm cho quyết định hàm chứa nhiều thông tin hơn. Tham vấn đã kéo chính sách sát với cuộc đời hơn, đồng thời, lại nâng chính sách lên tầm nhìn cao hơn, rộng hơn, bao quát hơn.
Tham vấn tạo điều kiện cho chính quyền tương tác với các nhóm dân cư tham gia vào chính sách một cách bình đẳng, như là đối tác với nhau. Nhờ đó, nó tạo sự ủng hộ đối với chính sách, pháp luật, thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật; đồng thời làm cho chính quyền quan tâm hơn đến nhu cầu, lợi ích của nhân dân.
Chính vì được tham gia, được nói, được lắng nghe, được tiếp thu, dĩ nhiên lòng tin của những em học sinh, các vị phụ huynh, người nông dân, người khuyết tật, và nhiều người dân khác vào Quốc hội, HĐND được tăng lên rất nhiều. Trong khi đó, như các nhà nghiên cứu nhận xét, niềm tin là một dạng vốn xã hội rất lớn. Nói ngắn gọn, tham vấn ý dân có tác dụng quảng bá chính sách và tạo sự đồng thuận trong xã hội về chính sách được ban hành.
Bên cạnh những mảng sáng như vậy, vẫn còn những mảng tối đan xen trong quá trình tham vấn.
Dự thảo cấm bán bia hơi vỉa hè khi mới đưa ra lấy ý kiến đã vấp phải sự phản đối của đông đảo dư luận. Ảnh: Báo Công an nhân dân
Theo một khảo sát năm 2011 và 2912 của VCCI, hoạt động lấy ý kiến của các bộ, ngành có điểm thấp nhất trong số các hoạt động được chấm điểm; tất cả các Bộ đều không đạt điểm trung bình. Nhiều khi, việc lấy ý kiến vào các dự thảo không phản ánh được sự chủ động của nhân dân.
\Một khảo sát khác cho thấy chỉ có 3% người được hỏi trả lời rằng họ đã từng đóng góp ý kiến cho một dự thảo văn bản pháp luật. Đối với từng nhóm đối tượng cần tham vấn, quá trình lấy ý kiến từ trước tới nay cũng chưa tạo sự bình đẳng, chủ yếu lấy ý kiến các nhà quản lý ở các cấp nhiều hơn các nhóm khác, nhất là những người dân bình thường chịu ảnh hưởng từ cơ chế, chính sách. Ngay cả trong từng nhóm cũng có sự khác biệt về điều kiện tham gia đóng góp ý kiến.
Trên thực tế, việc lấy ý kiến nhân dân ở ta còn hình thức. Có những dự thảo đã được giải trình, tiếp thu xong mới nhận được báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và người hoạt động thực tiễn, sự phản hồi và tiếp thu của các cơ quan nhà nước đối với các ý kiến đóng góp là khâu yếu nhất trong quá trình tham vấn. Những người đã đóng góp ý kiến và công chúng nói chung không được biết ý kiến nào đã được tiếp thu, ý kiến nào không được tiếp thu, tại sao.
Một chuyên gia lo ngại: “Họ có thể được mời dự họp, đóng góp ý kiến nhưng việc có tiếp thu ý kiến đóng góp đó hay không lại là chuyện khác; mời họp hành cũng nhiều nhưng tiếp thu thì rất ít”. Văn bản được ban hành không thấy sửa đổi theo các ý kiến góp ý, vẫn bất cập và không tháo gỡ được khó khăn cho người dân.
Tính công khai, minh bạch trong tổ chức lấy ý kiến nhân dân còn kém, ví dụ văn bản đưa ra lấy ý kiên không được cập nhật liên tục, không ghi rõ là dự thảo lần thứ bao nhiêu, cũng như không ghi ngày tháng năm ban hành dự thảo.
Vì vậy, không thể thấy được dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã “lớn lên” như thế nào. Nhất là tài liệu công bố tới người dân thường dài, cách thể hiện khó hiểu, quá dài và “đọc hoài không hiểu” thì có cũng vô ích, lại tốn kém lãng phí, người dân không thể đóng góp ý.
Còn tiếp
Nguyên Lâm
(Tuần Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét