“Xóm ghệ” miền Tây
Nằm trên con đường huyết mạch nối Cần Thơ - Long Xuyên - Kiên Giang, lại ở địa thế “một bước qua tỉnh khác”, nên cả một khu vực trở thành điểm “cát cứ” của gái giang hồ từ rất xưa và nổi tiếng tới tận bây giờ. Một thời, khi bị kiểm tra, “gái giang hồ” và khách làng chơi cứ thế ùm xuống sông - Ảnh: Tiến Trình “Thủ phủ mại dâm”, “xóm đèn màu”, “xóm ghệ”, “xóm dù”, thậm chí là “xóm đĩ”… Người ta có nhiều tên để ám chỉ về một cái xóm nổi tiếng tại ấp Vĩnh Qui (xã Vĩnh Trinh, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ). Người dân ở đây chỉ còn lắc đầu với những biệt danh “một thời để nhớ” này. Những biệt danh ấy tồn tại từ trước “tiếp thu”, kéo dài qua nhiều trạng thái xã hội, những thăng trầm, nổi trôi của phận người.
Vĩnh Qui nằm nép bên QL80, đường chính từ TP.Cần Thơ về Rạch Giá. Người cao tuổi nhất cũng không biết được những cô gái làng chơi có mặt ở đây từ lúc nào. Một tú bà có “thâm niên” bảo rằng, nghề "buôn hương" ở đây đã có từ “trào ông Diệm”. Vĩnh Trinh nằm trên trục lộ xe, lại gần các điểm đóng quân; về Cần Thơ hay Rạch Giá, Long Xuyên cũng gần nên xóm trở thành điểm hẹn của binh lính Sài Gòn tìm gái. Những cô gái làng chơi từ khắp nơi tìm đến Vĩnh Trinh ngày càng nhiều. Quen đường, các tay chơi cũng tìm đến đây. Người Vĩnh Trinh hiền hòa bỗng chốc bị tai tiếng như là “xóm chứa gái”.
Một số gia đình đã bắt tay với những cô gái giang hồ. Nhà chứa chuyên nghiệp mọc lên, rồi dần dần “lây” qua các nhà lân cận. Đến khi những cô gái trong xóm lớn lên tập tành phấn son, xiêu lòng đón khách thì nhiều hộ dân ở đây trở nên điềm nhiên với chuyện xảy ra trước mắt. Sau năm 1975, nhiều gái giang hồ tiếp tục trôi dạt về “địa chỉ quen thuộc” này, kéo theo những thôn nữ "chân còn đóng phèn" tìm tới Vĩnh Qui như là nơi kín đáo để kiếm tiền. Chẳng những thế, các "đàn chị” đã tập cho những cô gái quê biết phấn son, rượu bia, ma túy... rồi dần gia nhập vào đội ngũ tiếp khách vốn đã hùng hậu ở Vĩnh Trinh. Đến đây thì xóm Vĩnh Qui trở thành địa chỉ "khét tiếng".
Chị Trần Thị Thơi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Trinh, bảo rằng mại dâm đã “mọc thành rễ” ở đây. Thời gian trước, đi ngang qua “xóm đèn màu” thì hình ảnh quen thuộc là những cô gái ngồi dưới những cây dù to để gọi khách. Số tiền đi khách nói chung là rẻ mạt. Nhưng vì khách tới lui nườm nượp nên các chủ chứa cứ sống phây phây. “Một người làm được, có ăn, thì những nhà khác làm theo, riết rồi người ta gọi khu này là khu “chứa đĩ cả xóm”, chủ tịch phụ nữ xã đỏ mặt kể. “Đi công tác với các đơn vị khác, mỗi lần nhắc tới Vĩnh Trinh là người ta lại hỏi đến chuyện đó, mình cũng ngại”. Chị Thơi nói trong số các “kiều” ở đây, có nhiều người rất đẹp, đến là phụ nữ mà chị còn thấy thích, thấy tiếc...
Bà T.T.B, người từng là tú bà ở đây nói những cô gái mới lớn ở địa phương, đua đòi, đã gia nhập vào hàng ngũ gái giang hồ từ các nơi tìm tới “làm ăn” ngày càng nhiều, khiến xóm nhà gần cây số trở nên đông đúc. Khách nam qua lại được chèo kéo như rao hàng ở chợ. Rồi bắt đầu có cạnh tranh. Để gây chú ý, các chủ chứa thắp lên đèn màu. Để thêm hình thức phục vụ, các quán bia có tiếp viên mọc lên. Người ta cho rằng, “mô hình” quán bia ôm cũng khởi thủy từ đây, trước khi nó nhanh chóng lan rộng đi khắp nơi. Bà B. nói ban đầu xã cũng cấp giấy phép cho các quán hoạt động, thu thuế. Thế rồi chỉ một thời gian “bia ôm mọc lên rần rần”, tai tiếng khắp nơi buộc lãnh đạo địa phương phải ra lệnh rút giấy phép.
"Đánh trận” mại dâm
Nhưng để dẹp một quán bia ôm thì dễ, còn để giải tán một động chứa thì lại là chuyện khác. Bà L.T.H, một tú bà khét tiếng ở Vĩnh Qui, kể lại ban đầu ít “ghệ”, ít khách thì còn dễ “làm ăn”. Khi hoạt động mại dâm trở nên quy mô hơn, tai tiếng như cồn, công an tăng cường kiểm tra thì chuyện “mần ăn” không còn... lén lút được nữa. Các chủ chứa cũng nghĩ ra nhiều cách “đánh bài ngửa” với lực lượng công quyền. Như động của bà H. được thiết kế với nhiều lớp cửa sắt. Mỗi khi các “ghệ” dẫn khách vào hành sự thì bà khóa trái các cửa lại. Còn cửa phía sông chỉ khép hờ. Mỗi khi kiểm tra, lực lượng công an đợi chủ nhà mở cửa thì phía sau, các “em” cứ trần như nhộng mà nhảy xuống sông. Bà H. kể, thường thì khách chỉ ở yên khi bị kiểm tra. Nhưng nhiều khách hốt hoảng nên cũng “bay” theo các em. Trong một lần như thế, một vị khách tên P. có lẽ quá căng thẳng nên lao xuống nước khi bị kiểm tra, mà quên mình... không biết lội. Phải đến 3 ngày sau, người ta mới phát hiện thi thể tay chơi xấu số ở cách đó không xa.
Đó là chuyện hy hữu, còn phần lớn vì không bắt được quả tang nên chủ động chối bay. Chỉ với biện pháp đối phó đó, động của bà H. tồn tại trong thời gian dài và “mô hình” này được nhân ra ở các động khác trong xóm.
Ông Hà Thanh Nhựt, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, nguyên là Trưởng công an xã Vĩnh Trinh (năm 2004 - 2009) nhớ lại, nhiều lúc lực lượng dày công theo dõi nhưng khi đột nhập vào thì chuyện đã rồi. Những nông dân chân chất ngày nào đã hóa thành tú bà, tú ông chuyên nghiệp thì họ cũng trở nên khó đối phó, dù lực lượng truy quét phần lớn cũng là những người quen mặt, biết tên.
Nhiều lần đột nhập các “động” không thành, ông Nhựt và các đồng sự đã thay đổi phương án, “vừa cứng vừa mềm”. Từ việc cho người giả làm khách làng chơi cho đến dùng biện pháp mạnh của... lính đặc công. Trong những cuộc đi “phá động”, lực lượng công an chia làm “hai mũi giáp công”. Mũi trên lộ phải mang theo búa tạ, kềm cộng lực để phá cửa sắt. Mũi dưới sông đón lõng, phòng khi các “em” phi xuống sông thì kịp thời có mặt để vớt lên. Ông Nhựt nhớ lại, với biện pháp như đánh trận ấy, mà lực lượng công an đã dẹp được 23 động chứa. Hàng chục tú ông, tú bà lần lượt lãnh án. Các em thì đi "phục hồi nhân phẩm". Thế nhưng lớp “đào” này đi thì lớp “đào” khác tới, lớp “tú” này bị bắt thì “tú” khác nổi lên. Kinh nghiệm hơn, khôn khéo hơn...
Mãi đến năm 2007, ngọn lửa chớp nhoáng đã thiêu rụi 14 căn nhà lá ven sông ở Vĩnh Qui, ngay khu nhà được xem là “trung tâm đèn màu”.
Cùng với hàng chục tú bà, tú ông, gái bán thân lớp đi tù, lớp cải tạo bắt buộc, lớp chết vì AIDS... Những biến cố dồn dập khiến nhiều người đã nghĩ xóm nhỏ vốn chẳng mấy yên bình này bắt đầu một trang khác.
“Xóm ghệ” miền Tây - Kỳ 2: Di cư ra “tam giác vàng”
Bị truy tơi tả ở Vĩnh Trinh (Cần Thơ) và nhất là ngọn lửa định mệnh thiêu rụi 14 căn nhà khu “trung tâm đèn màu” năm 2007, những tưởng “xóm ghệ” nổi tiếng nhất miền Tây này sẽ đi vào dĩ vãng, nhưng...
Theo lời kể của những người từng sống ở ấp Vĩnh Quy, vụ hỏa hoạn là do M., một cô gái làm nghề “buôn hương”, trong một lần bất cẩn để điếu thuốc hút dở bén lửa phát cháy. Ngọn lửa nhanh chóng lan rộng, thiêu rụi 14 căn nhà. M. được đưa ra khỏi đám cháy lúc đang mê man (có người nói đang phê thuốc), sau đó bị đưa đi giáo dục bắt buộc 2 năm... Còn các hộ dân bị cháy nhà được di dời vào khu tái định cư mới xây dựng cách đó không xa. Theo lời một người từng là chủ chứa trong xóm, việc di dời này cũng đồng nghĩa dẹp luôn cái “nhưn” của “xóm đèn màu”, vì một chốt công an nhanh chóng được lập lên tại khu vực bị cháy. Lực lượng công quyền mạnh tay hơn, một loạt tú ông, tú bà xộ khám…
Cà phê “tam giác vàng”
Cái “nhưn” không còn, nhưng không có nghĩa “xóm đèn màu” bị diệt tiệt. Khoảng năm 2007 - 2009, những cuộc “di cư” âm thầm diễn ra. Để rồi đến một ngày người ta giật mình nhìn lại thì một “xóm đèn màu” khác đã hình thành cách nơi cũ chỉ vài cây số, ngay tại vùng đất có biệt danh “tam giác vàng”. Gọi “tam giác vàng” vì đây là khu vực hình tam giác có cạnh đứng là một đoạn của QL80, giáp ranh ấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh Trinh) tại cầu số 6. Địa hình thì có vẻ lọt thỏm vào H.Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ), nhưng lại do một ấp của xã Phú Thuận (H.Thoại Sơn, An Giang), cách đó một con sông, quản lý. Sự dị biệt này vô tình đã tạo thuận lợi cho “xóm đèn màu” mọc lên, bởi lực lượng công quyền TP.Cần Thơ ở gần đó không thể bước chân qua địa bàn của An Giang “đánh” động chứa như trước đây, trong khi xã Phú Thuận lại cách trở một con sông…
Xóm mới, mô hình “làm ăn” cũng mới. Việc tổ chức hành sự ngay tại chỗ chứa như ở Vĩnh Trinh ngày nào dễ gặp rủi ro, nên các chủ quán ở “tam giác vàng” đổi chiến thuật, săn “em út”, phần lớn là các cô gái còn rất trẻ, ở những vùng quê nghèo khó tới đây với danh nghĩa bán cà phê. Khi có khách, họ dẫn đến các nhà trọ gần đó hành sự. Nhiều ngày điều tra ở đây, chúng tôi ghi nhận được 3 nhà trọ là P.T, B.D và B.H lúc nào cũng nườm nượp gái giang hồ và khách làng chơi. “Làm ăn được”, người ta thấy có những người từ bên này Cần Thơ chuyển khẩu đến “tam giác vàng” để mở quán đèn màu. Đến thời điểm này, khu vực “tam giác vàng” đã gần như thay thế Vĩnh Quy đình đám một thời, trở thành khu đèn màu nổi tiếng ở miền Tây.
Sống như đời “nô lệ”
“Đều trời hết, ai cũng biết”
Làm việc với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lãm, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (H.Thoại Sơn, An Giang), cho biết thời gian trước xã đã cử 2 tổ công tác thường xuyên kiểm tra giờ giấc hoạt động của các điểm cà phê trên địa bàn “tam giác vàng”. “Xử phạt thì nhiều, nhưng chưa rút giấy phép trường hợp nào, do các điểm này chấp hành tốt (?)”, ông Lãm nói, nhưng cũng thừa nhận: “(Tình hình mại dâm) không thể nói không có, đều trời hết, ai cũng biết…”.
Cách thức các tú ông, tú bà số trói buộc gái “buôn hương” cũng tinh vi, quỷ quyệt hơn trước. Thậm chí, nhiều cô bị đối xử tàn độc không khác nô lệ của những chủ quán ở đây.
Ở “tam giác vàng”, ai cũng biết chị em ông Bé N. từ Vĩnh Quy chuyển qua. N. săn được các cô gái thuộc hàng trẻ đẹp nhất các quán ở đây, trong đó có 3 cô quê ở Long Bình (H.An Phú, An Giang) là cần câu tiền của y. “Hàng” của y có nhiều loại giá, từ 200.000 - 500.000 đồng mỗi lần đi khách. Trong đó, có một cô giá 500.000 đồng vì mới “khui hàng”. Một cô gái ở đây nói, cô bé bị người nhà gá cho N., hắn dẫn đi bán trinh cho một đại gia với giá 20 triệu, xong lại mang về “tam giác vàng” tiếp tục “khai thác” với giá cao. Quy tắc của N., cũng như nhiều tú ông, tú bà ở đây là “trói” các cô gái bằng việc cho gia đình các cô mượn một số tiền, rồi buộc các cô làm trả nợ, vừa được tiếng “ân nhân” vừa không sợ gái trốn. Như L. quê ở H.Hòn Đất (Kiên Giang), N. cho mẹ L. vay 100 triệu để xây nhà. Từ đó, L. phải tiếp khách ngày đêm rồi đưa hết tiền cho N. trừ nợ. Mỗi ngày em phải tiếp hàng chục lượt khách, nhưng số nợ thì bản thân em và gia đình không biết đã trừ được bao nhiêu, chỉ biết Bé N. nói “chưa đủ”, vậy là lại tiếp tục phải đi khách.
Cùng hoàn cảnh L., gia đình cô gái tên N. (quê H.An Phú, An Giang) cũng xem Bé N. là “người tốt”, là “ân nhân” với số tiền y đưa trước, mà không biết rằng con của họ phải ngày đêm đi khách để mang tiền về cho y. N. cũng như những cô gái khác ở đây rất sợ Bé N. vì y rất hung bạo. N. kể, có lần một cô gái chiều khách nên về trễ một tí, y đã đánh cô thừa sống thiếu chết. Cô này sau đó bỏ trốn, nhưng gia đình cô thì không thể trốn đi đâu được với khoản nợ treo lơ lửng.
Không phải gặp một chủ chứa hung bạo và quỷ quyệt như Bé N., nhưng số phận của L., cô gái duy nhất tại quán cà phê của một tú bà tật nguyền, không vì thế mà ít hẩm hiu hơn. Không vay được tiền của chủ quán, mẹ của em lại bắt mối với một người cho vay bạc góp ở khu “tam giác vàng”. Mỗi tháng mẹ L. ở TP.Long Xuyên đều đặn tới gặp chủ nợ để lấy tiền, còn L. mỗi ngày phải đi khách ít nhất 6 lần mới đủ đóng tiền góp. L. tâm sự làm “nghề” này phải son phấn để “bắt mắt” khách, nhưng nhiều khi em không dám mua một thỏi son, một hộp phấn vì sợ không đủ tiền góp. Có lần em bị bệnh phụ nữ kéo dài 3 tháng, nhưng không dám nghỉ một ngày vì sợ nợ chồng nợ sẽ không sao trả được.
Thảm nhất là những cô gái “ăn lương” của chủ chứa. Mỗi tháng, các cô được trả 5-7 triệu tiền “lương”. Nhưng ngược lại các cô phải tiếp khách suốt ngày đêm cho chủ, thậm chí những ngày kinh nguyệt cũng phải liên tục tiếp khách...
“Xóm ghệ” miền Tây - Kỳ 3: Hết mại dâm đến ma túy
Trải qua nhiều biến cố, thị phi, những cuộc đời tan nát... nhưng cơn bão vẫn chưa qua ở nơi một thời bị liên tưởng như là “làng nghề” mại dâm, là “cái nôi” của những “mô hình” kinh doanh tình dục ở miền Tây.
“Lánh nạn”
Vĩnh Quy giờ không còn là nơi bu bám của các cô gái bán thân. Thay vào đó, những cô gái trẻ đã tìm về khu “tam giác vàng”, hướng QL80 về Rạch Giá để “hành nghề”. Dù không bì kịp khu đèn màu Vĩnh Quy ngày truớc, nhưng khu “tam giác vàng” cách đó không xa vẫn là “nhân bản” đầy tai tiếng của “thủ phủ mại dâm” ngày trước. Cùng với sự khôn ngoan của các tú ông, tú bà, sự thiếu can thiệp hiệu quả của chính quyền địa phương… đã duy trì một khu vực hoạt động mại dâm tai tiếng nhất miền Tây. Thế nhưng, những cô gái giang hồ bản xứ ở Vĩnh Trinh một thời lừng lẫy, giờ qua thời xuân sắc đã “mất giá” phải ngược ra hướng Ngã ba Lộ Tẻ, nơi có khu công nghiệp, có nhiều khách vãng lai để kiếm sống. Phần vì nhiều cô không dính lao lý thì cũng bị lực lượng công quyền, hoặc đã có chồng, có con… đành bẽ bàng phải đi xa kiếm sống ở những khu tối tăm, mại dâm rẻ mạt. Và cũng phần vì trong số họ, không ít người đã trở thành nô lệ của ma túy.
Khi “cơn bão” mại dâm đã qua, người dân Vĩnh Trinh chưa kịp nhẹ nhõm thì nỗi lo khác lại ập tới. Lần lượt những người trẻ tại ở Vĩnh Trinh ra đi vì AIDS. Một cán bộ xã liệt kê: “Con bà L. 2 đứa; con bà P. 2 đứa, con ông H.1 đứa; Th. “cùi” trong Kinh 11, H. ở Kinh 5 Bờ Ớt…”. Đó là chưa kể với những người đang phải chống chọi với căn bệnh quái ác này. Thế nhưng, AIDS có đáng sợ nhưng người dân Vĩnh Trinh còn có nỗi sợ khác lớn hơn: xì ke. Khi không còn kiếm được tiền từ bán dâm, nhiều người, trong đó có gái giang hồ, các tú bà lại lao vào kiếm tiền bằng buôn ma túy. Trong số các con nghiện ngoài gái điếm, khách chơi, có cả học sinh, nông dân, người nghèo khó… Ở xứ sở mà thỉnh thoảng người ta lại thấy có người ngã lăn ra vì bị sốc ma túy, lại thấy người bỏ xác vì ma túy thì mới thấy nỗi bất an lại len lỏi vào đời sống người dân ở đây thế nào.
Ma túy hoành hành
Anh Trương Minh Thắng, cán bộ công tác xã hội ở Vĩnh Trinh nhớ lại: 1 người chết gần cây xăng, 1 người chết gần trụ sở Cựu chiến binh, 1 người ngã ngang trên đường sùi bọt mép… tất cả đều do sốc thuốc. Mới đây, một con nghiện từ đầu Kinh 17 đối diện bị sốc thuốc đã đâm đầu thẳng vào nhà anh. Khi anh bắt đầu các bài cấp cứu thì một con nghiện khác đã lập tức xốc gã lên xe bỏ chạy thục mạng vì sợ anh Thắng là công an. Bản thân vợ anh Thắng cũng từng cứu 2 trường hợp bị sốc ma túy. Nhà anh Thắng là điểm cung cấp kim chích cho các con nghiện của một dự án giúp đỡ cộng đồng. Anh cho biết mỗi lần anh bỏ vào thùng phía trước nhà 50 kim, ống chích, nhưng có khi chỉ qua ngày đêm là hết. Đau đớn hơn, những con nghiện hay lui tới nhà anh Thắng để lấy kim rồi lôi kéo cả con gái mới lớn của anh. Khi biết vụ việc, anh Thắng phải cho con nghỉ học để đi cai nghiện bắt buộc. Hiện con anh đã hoàn thành cai nghiện và đang giúp cha, mẹ tuyên truyền chống ma túy cho người dân trong xóm.
Thời gian dài, số con nghiện tại Vĩnh Trinh tăng chóng mặt. Những con nghiện này lại lôi kéo các con nghiện khác. Vĩnh Trinh lại trở thành nơi cung cấp ma túy cho con nghiện kể cả ở nơi khác tới. Vừa “lùa” được các động chứa mại dâm ra khỏi Vĩnh Trinh, Công an Cần Thơ lại phải đau đầu với những phương án dẹp ma túy tại vùng quê này. Một lần nữa, địa bàn giáp ranh lại trở thành trở ngại cho lực lượng công quyền. Nhưng với sự kỳ quyết của Công an Cần Thơ, một loạt các ổ nhóm ma túy ở Vĩnh Trinh bị triệt xóa. Nhiều kẻ buôn bán cái chết trắng phải vào tù. Trong đó có những người từng sống dựa vào buôn bán thân xác của phụ nữ.
Trung tá Đặng Văn Ngọ, Trưởng công an xã Vĩnh Trinh, thừa nhận nếu như 3 năm nay không xử lý án mại dâm thì án ma túy lại nổi lên như một thực tế nhức nhối. Trung tá Ngọ cho biết chỉ trong năm 2012 đã đưa đi cai nghiện trên 20 trường hợp. Còn theo anh Trương Minh Thắng thì số mới đăng ký cai nghiện hiện đã gần 30 người.
Bà Trần Thị Thơi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Trinh, cho rằng phần lớn những người dính dáng tới mại dâm, rồi ma túy là những người không nghề, không đất, hoặc thanh niên đua đòi, khờ khạo bị dụ dỗ. Cũng đã có nhiều dự án như dạy nghề cho người dân ở đây kiếm kế sinh nhai. Thế nhưng, các dự án tỏ ra thiếu hiệu quả khi nhiều người học nghề rồi cũng bỏ do những người này cho rằng kiếm tiền không đủ sống. Bà Thơi cho biết qua nhiều người ở đây mong mỏi có được số vốn để làm ăn, buôn bán… nhưng vốn về địa phương thì ít, trong khi quá đông người thất nghiệp.
“Để Vĩnh Trinh hay sắp tới là khu “tam giác vàng” gần đó (xã Phú Thuận, H.Thoại Sơn, An Giang) trở lại yên bình như những vùng quê khác của miền Tây hiền hòa, thì ngoài việc triệt xóa các tụ điểm, những người có trách nhiệm cũng đừng quên sau đó những người này làm gì để sống”, một người dân ở Vĩnh Trinh tâm sự.
Nhóm phóng viên CT-XH
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130612/xom-ghe-mien-tay-ky-3-het-mai-dam-den-ma-tuy.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét