Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

“Các cân đối lớn của Việt Nam đều méo mó hết”

Tôi không đồng tình với nhiều nhận định trong bài dưới đây. Đặc biệt không tán thành đánh giá “Các cân đối lớn của Việt Nam đều méo mó hết” của TS Võ Trí Thành. Những phân tích chứng mình của TS Thành không thuyết phục. Theo tôi, nền kinh tế nước ta đã thực sự đến đáy vào năm 2013, đã lập lại được những cân đối cơ bản nhất của nền kinh tế, dù rằng đó là những cân đối ở trình độ thấp, chưa bền vững. Do đó cân đối tạm thời chỉ đảm bảo được tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 5-6% cho ba năm 2014-2016. Trên cơ sở những cân đối vĩ mô lớn đã có năm 2013, hoàn toàn có thể tái cơ cấu kinh tế toàn diện nền kinh tế, tạo nền tảng cân đối vững chắc và hiệu quả để nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP trong những năm tiếp theo (từ 2017). Xem thêm các bài viết cũ của tôi: Kinh tế vĩ mô: Những điểm sáng 2013 và định hướng 2014 ; Kinh tế vĩ mô: Khái quát 2013 và định hướng 2014 ; Các cân đối và quan hệ vĩ mô chủ yếu của nền KTQD ; Trả lời bạn đọc: Chúng ta đang đình đốn, chạm đáy ?
“Các cân đối lớn của Việt Nam đều méo mó hết”
VŨ MINH - Việt Nam đang mắc phải những “khuyết tật” không chỉ trong quá trình tái cơ cấu mà cả trong việc đưa ra những “đại kế hoạch” phát triển kinh tế. TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, các cân đối lớn của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đều méo mó hết, trong đó, rủi ro lớn nhất là ngân sách và nợ công.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển
cho rằng, Việt Nam đang mắc phải những "khuyết tật".
Tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 đang diễn ra ở Ninh Bình, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khẳng định: Việt Nam đang mắc phải những “khuyết tật” không chỉ trong quá trình tái cơ cấu mà cả trong việc đưa ra những “đại kế hoạch” phát triển kinh tế.

Lúng túng...

Ông Tuyển cho rằng, hiện chúng ta vẫn đang quá lúng túng trong việc xử lý nợ xấu. Nền kinh tế Việt Nam đã thực sự đến đáy vào năm 2013 và đang phải vật vã đi lên với không nhiều nội lực thật sự mạnh.

Theo ông Tuyển, nhiều người đang có cơ hội kinh doanh, hoặc muốn đầu tư kinh doanh, kể cả mua nợ xấu nhưng lại không tiếp cận được vốn đặc biệt là vốn vay tín dụng, với lãi suất quá cao.

Nền kinh tế đang quá phụ thuộc vào khu vực FDI kể cả xuất khẩu lẫn sản xuất công nghiệp, trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước ngày càng yếu đi. Do đó, việc tăng trưởng của FDI không làm cho tăng trưởng nền kinh tế mạnh mẽ được.

Ông Tuyển kiến nghị, trong điều kiện như hiện nay, chúng ta đang xuất siêu, việc điều chỉnh tỷ giá là cần thiết không chỉ có lợi cho xuất khẩu mà còn đối với cả việc thu hút đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam, đặc biệt là trong việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Ở một góc nhìn khác, theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, nền kinh tế Việt Nam đang vật lộn với việc phục hồi, với những nỗ lực hạ cánh mềm song việc thực thi chưa “nhuyễn”

Ông Thành cho rằng, các cân đối lớn của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua đều méo mó hết, trong đó, rủi ro lớn nhất là ngân sách và nợ công.
Về nợ công có 3 rủi ro lớn nằm ở doanh nghiệp nhà nước, tài chính ngân hàng và nợ tổng thể của cả quốc gia.

Không những thế, độ tăng của bánh nợ đang tăng rất nhanh. Đặc biệt, dòng tiền để trả nợ cũng đang có vấn đề

Việc ổn định kinh tế vĩ mô đã có cải thiện song thiếu vững chắc, cơ hội kinh doanh thấp do tổng cầu liên tục giảm. Mức tăng tổng mức bán lẻ thực giảm từ trên 10%/năm còn khoảng 5,5% năm 2013 và 6% đến quý III/2014.

Cùng với đó, tổng đầu tư giảm từ trên 40% GDP xuống còn 30%/GDP năm 2013 và 2014. Doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng dù lãi suất đã giảm đáng kể do nợ xấu lớn và có xu hướng tăng.

Mặt khác, “những cải cách cơ cấu nhìn chung nhất là với doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm chạp, giảm lòng tin, dù có ý chí chính trị, chương trình và cả một số cơ chế khá mạnh để thực thi”, ông Thành phân tích.

Ở khu vực tài chính ngân hàng, chúng ta đã tránh được sự đổ vỡ của hệ thống, bắt đầu sắp xếp lại được 1 số ngân hàng yếu kém. Nhưng thách thức vẫn còn rất lớn, đặc biệt là câu chuyện nợ xấu vẫn chưa xử lý được, nợ xấu đầu năm đến 2014 tiếp tục tăng.

Phải trả giá...

Ông Thành cho rằng, chúng ta phải trả giá cho phục hồi, chỉ có chấp nhận trả giá thì mới có thể thay đổi được những vấn đề căn bản của Việt Nam hiện nay.

Trong khi đó, ông Tuyển khẳng định, chúng ta không tạo ra được những tiền đề cho những mục tiêu lớn, những trụ cột kinh tế.

Về kết quả của bức tranh tái cơ cấu nền kinh tế, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định, tái cơ cấu ở Việt Nam vẫn chưa đụng đến mô hình tăng trưởng, trong khi đây chính là cốt lõi của kịch bản tái cơ cấu.
Ông Thiên ví von: “Có những con bệnh khi sắp chết thì phải cho uống thuốc độc, loại thuốc độc đó mới đủ mạnh để triệt hạ ngay mầm bệnh đang hoành hành kia”.

Cũng theo ông Thiên, có nhiều lý do khiến tiến trình tái cơ cấu diễn ra chậm như thiếu kết cấu hạ tầng, cơ chế cạnh tranh và năng lực cơ bản khác như: Cấu trúc doanh nghiệp, nhân lực, tính liên kết hội nhập….

Không những thế, quy mô doanh nghiệp ngày càng nhỏ đi, số lượng doanh nghiệp “hy sinh” ngày một tăng lên, trong đó có cả những doanh nghiệp có quy mô lớn, có đủ sức chịu đựng trước khó khăn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu đang tiếp tục tăng, nền kinh tế đang yếu đi, cục máu đông nợ xấu lại phình to ra.

Đặc biệt, “việc cho vay sân sau đang không kiểm soát được nhưng số lượng đó lại cực kỳ lớn”, ông Thiên tiết lộ.

Quan điểm của ông Thiên, nếu vẫn giữ tình hình như hiện tại, các đại kế hoạch của Việt Nam như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mục tiêu cổ phần hóa… sẽ rất khó thực hiện theo đúng mục tiêu.

Các năm trước thường chỉ được mười mấy doanh nghiệp, năm 2013 cố gắng lắm cũng chỉ được hơn 70 doanh nghiệp. Nhưng 2 năm từ giờ đến 2015 mỗi năm phải cổ phần hóa tới hơn 200 doanh nghiệp.

Mục tiêu đó của chúng ta có thể nói là cực kỳ tham vọng! Các chỉ tiêu kinh tế trong năm tới chắc chắn sẽ phụ thuộc nhiều vào việc xử lý những vấn đề nêu trên, ông Thiên khẳng định.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét