Họ sẽ nói gì tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu?
NGUYÊN HÀ: Họ - những chuyên gia kinh tế khá quen thuộc như Trương Đình Tuyển, Lê Đăng Doanh, Trần Du Lịch, Trần Đình Thiên, Võ Trí Thành... là những người đã nhiều lần cùng bàn thảo, tranh luận rất sôi nổi từ khi tái cơ cấu nền kinh tế mới bắt đầu khởi động.
Ông Trương Đình Tuyển phát biểu tại
Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014 - Ảnh: CK.
Chiều 26/9, họ lại cùng về Ninh Bình để tham dự Diễn đàn Kinh tế Mùa thu 2014, với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế: Kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản", do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đồng tổ chức. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu tranh luận trực tiếp vào sáng 27/9, cũng đã có thể hình dung phần nào quan điểm của họ, thông qua các tham luận gửi về diễn đàn.Ngay đầu cuốn kỷ yếu là bài viết của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển.
Nửa năm trước, tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014, ông Tuyển đã nhận được những tiếng vỗ tay kéo dài cho một phát biểu rất ngắn gọn với nhấn mạnh: thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải bao gồm thị trường, nhà nước, và xã hội dân sự.
Ở bản tham luận "Kinh tế Việt Nam 2014 và triển vọng 2015" tại diễn đàn lần này, ông Tuyển đặt việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế lên đầu tiên, trong các biện pháp trung dài hạn để thúc đẩy tăng trưởng.
Và gạch đầu dòng thứ nhất của biện pháp này, là xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải dựa trên ba trụ cột (là thị trường, nhà nước và xã hội), coi đây như tiền đề quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế.
Một trong số các vị đại biểu lên tiếng sớm nhất “đòi” tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế tại nghị trường ngay từ giữa năm 2008 là chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch.
Tháng 4/2013, khi Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân chọn chủ đề "Tái cơ cấu nền kinh tế - một năm nhìn lại", TS. Trần Du Lịch cho rằng chính xác là 5 năm nhìn lại, nếu tính từ khi các vị đại diện cho dân lên tiếng.
Thế nhưng, đến tận diễn đàn này, “ông nghị” Trần Du Lịch nhận xét tại bản tham luận: cho đến thời điểm hiện tại chủ trương tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa thực sự đi vào thực tiễn.
Người liên tục lên tiếng cho “đổi mới lần hai” là nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Lê Đăng Doanh.
Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014, TS. Lê Đăng Doanh phát hiện rằng, liên tục các đại hội Đảng từ 1986 đến 2011 đã có nghị quyết về công nghiệp hóa, và không hề có nghị quyết nào về bất động sản hay đầu tư chứng khoán.
Nhưng trong thực tế, thì thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán đã bùng phát dữ dội và thu hút được một số vốn khổng lồ, làm giàu cho một số người, nhưng gây ra bong bong bất động sản, đầu cơ chứng khoán, đóng góp vào khủng hoảng ngân hàng, nợ xấu.
Cải cách cơ bản hệ thống đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, hệ thống đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, theo vị chuyên gia này là đòi hỏi rất cấp thiết, khi Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi quan trọng.
Nay, bình luận về kết quả tái cơ cấu ba lĩnh vực trọng tâm, TS. Doanh cho rằng các đề án tái cơ cấu mang tính chất "chữa cháy", tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách, nổi cộm.
Bởi vậy, các vấn đề cơ bản, giải quyết nguyên nhân sâu xa dẫn đến những mất cân đối và nổi cộm này của nền kinh tế như khuyết tật của thể chế (tổ chức, luật pháp, nhân sự) đến thay đổi chính sách, động lực đòn bảy để thay đổi động cơ, hành vi của doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa được đề cập đến.
Cho đến nay, các đề nghị về một đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, có xét đến các tác động liên ngành chưa được chấp nhận và chưa được xây dựng. Và đó chắc chắn không phải là một ưu điểm, chuyên gia Lê Đăng Doanh sốt ruột.
Mặt khác, việc thay đổi các chính sách đòn bẩy, cải cách thể chế để chuyển động lực phát triển kinh tế hiện nay chủ yếu dựa vào các mối "quan hệ", khai thác nguồn tiền vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, khai thác chênh lệch giá của đất đai, tài nguyên mỏ, rừng, biển… sang phát huy khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cũng chưa được đề ra, theo phân tích của ông Doanh.
Trong khi đó, tổng quan chung về tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2012 - 2014 là nội dung TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam sẽ trình bày ngay phiên thứ nhất của diễn đàn.
Nửa năm trước, ở Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014, ông Thiên từng băn khoăn tại sao vấn đề quan trọng sống còn, cấp bách như tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng, được thảo luận khoa học rất nhiều, được dành quyết tâm cao ít thấy mà mãi không triển khai được, vẫn chưa nhận được câu trả lời thuyết phục.
Và ông Thiên chỉ ra một trong các nguyên nhân là tái cơ cấu chắc chắn sẽ đụng chạm mạnh đến các nhóm lợi ích. Tuy nhiên, sự “va đụng” này cũng chưa được nghiên cứu sâu để có các chính sách ứng xử, đối phó để vượt qua một cách thích hợp.
Cho đến tối 26/7, bài tổng quan chưa xuất hiện ở cuốn kỷ yếu. Nhưng ở bản tham luận “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Các điểm nghẽn và giải pháp thúc đẩy”, Viện trưởng Thiên cùng các cộng sự cho rằng, quá trình tái cơ cấu khu vực này từ 2011 tới nay hầu như vẫn dậm chân tại chỗ.
Số đầu mối đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước vẫn không thay đổi, các cơ quan đảm nhiệm chức năng quản lý nhà nước tiếp tục kiêm nhiệm đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước.
Một trong những trở ngại được nêu tại tham luận là Chính phủ vẫn chưa rõ ràng được chức năng quản giám của những người đại diện trực tiếp vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp và chức năng quản lý của những người điều hành doanh nghiệp nhà nước.
Các tác giả tham luận cho rằng Chính phủ cần mạnh dạn đổi mới tư duy về quản trị doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể là nên thuyết phục từ bỏ chức năng đại diện quyền chủ sở hữu của các bộ/ngành và địa phương sẽ giúp cho họ tập trung và chuyên môn hoá nhiều hơn vào việc xây dựng các chính sách quản lý và giám sát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét