Khi các quan né sốc... về hưu
Một vài "quan bác" trước khi về hưu ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm con, cháu trong nhà hay các mối quan hệ vào các chức vụ quan trọng trong cơ quan. Mới đây, dư luận xôn xao khi báo chí đưa tin cựu Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng sau 8 tháng về hưu đã được bầu làm Ủy viên HĐQT và là nhà tư vấn của Công ty Đèo Cả vốn được chính ông ký tá giao dự án quan trọng khi còn tại vị. Sự vụ này gợi cho nhiều người suy ngẫm về câu chuyện quan chức Nhà nước ở VN khi về hưu.
Tranh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ
Hưu là hết? Đó là câu cửa miệng của nhiều người về hưu, đặc biệt là những người vốn có chút chức sắc khi còn công tác. Vì thế, không có gì khó hiểu khi ở nhiều nơi, tiệc chia tay về hưu là một sự kiện lớn. Ví như gần đây là thông tin, ảnh chụp tiệc chia tay linh đình, thuê cả "dàn nhạc thính phòng", của một vị nguyên quan chức ngành thuế thành phố. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là chi phí cho tiệc từ đâu?
Thông thường, mỗi tiệc chia tay là khách mời sẽ kéo tới cả trăm người, có quà tặng, phong bao, cụng ly tiễn đưa. Còn những người "được" chia tay hẳn đều ngậm ngùi, vì tiệc tàn cũng là hết. Thực sự là hết!
Bởi còn tại vị là còn lương cao, còn bổng lộc, còn quyền lực, v.v... "Về vườn" rồi chỉ còn lương ba cọc, ba đồng, bổng hết, lộc tàn. Từ mức thu nhập có thể đến hàng chục, hàng trăm triệu một tháng, mà giờ đây chỉ còn lại dăm bảy triệu một tháng chòng chọc lương hưu. Đó là chưa kể "còn duyên người đón kẻ đưa, hết duyên đi sớm về trưa một mình", về hưu rồi không còn mấy ai săn đón, lại qua thưa gửi.
Chính vì tương lai nhuốm màu u ám này nên những năm tại vị cuối cùng của một số quan chức nhà nước thường là khoảng thời gian "chuẩn bị hạ cánh" êm ái, tránh sốc về hưu.
101 chiêu giảm sốc
Nhiều phương pháp "né sốc" về hưu đa dạng đã được áp dụng.
Chẳng hạn, chiêu "trẻ hóa" khi sắp về hưu bằng cách làm lại giấy khai sinh để kéo dài thêm năm công tác. Hồi tháng 2 năm nay, báo chí đưa trường hợp Viện trưởng Viện KSND một tỉnh làm lại giấy khai sinh để "trẻ lại" 4 tuổi vào những tháng cận kề tuổi nghỉ hưu (từ năm sinh 1952 thành 1956) [1].
Một số khác thì nằng nặc xin cơ quan cũ cho ở lại để làm "tư vấn", "cố vấn"... vì kinh nghiệm nhiều, quen biết lắm mà giờ nghỉ cũng phí hoài. Trong khi ở chính cơ quan đó có khi "đốt đuốc" cũng không thấy chính sách chế độ cho họ, đành phải đi tìm ra cách nào đó.
Những ai không còn cách nào nữa, buộc lòng phải hưu thì cố gỡ. Cái gỡ dễ thấy nhất là một vài "quan bác" trước khi về hưu ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm con, cháu trong nhà hay các mối quan hệ vào các chức vụ quan trọng trong cơ quan, "cơ cấu cài cắm".
Đầu tháng 9 vừa qua, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch một thành phố chính thức nhận hình thức xử lý phê bình rút kinh nghiệm do đã ký 21 quyết định bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp phòng ban và tương đương trước khi về hưu [2].
Trước đó, dư luận cũng xôn xao khi hay tin một vị nguyên tổng thanh tra Chính phủ bị phát hiện trong vòng 6 tháng trước khi "hạ cánh" đã ký tới 60 quyết định bổ nhiệm cán bộ.
Chiêu tiếp theo là gỡ nhà cửa, như sự việc ở khu nhà công vụ tại Hoàng Cầu, Hà Nội mà báo chí phản ánh. Trong số 80 căn hộ ở đây hiện có nhiều trường hợp cán bộ về hưu lâu năm nhưng chưa trả nhà, có nhiều trường hợp để cho con cháu, người thân. Thậm chí có nhiều trường hợp đã mất nhưng vợ con người được giao nhà công vụ vẫn ở lại, có nhiều nhà chỉ khóa cửa để đó.
Về doanh nghiệp làm lãnh đạo
Một trong những lựa chọn của các quan chức khi hưu là về doanh nghiệp nhận vị trí lãnh đạo, cố vấn, như trường hợp của cựu bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng ở công ty Đèo Cả.
Doanh nghiệp dường như rất "khoái" quan chức về hưu, vì họ vừa có kiến thức, vừa am hiểu luật pháp, vừa có sẵn những quan hệ có thể giúp đỡ DN trong nhiều hoạt động. Hơn nữa, mời cựu quan chức cấp cao làm việc cũng là một cách quảng cáo tên tuổi hữu hiệu cho doanh nghiệp.
Đối với bản thân các quan chức về hưu, nhiều người cảm thấy còn đủ sức khỏe, năng lực và muốn tiếp tục làm việc thì đây cũng là một lựa chọn tốt, chỉ cần tuân thủ đúng nguyên tắc, quy định pháp luật.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dư luận không khỏi băn khoăn về điều gì ẩn chứa sau những quyết định về doanh nghiệp làm lãnh đạo này. Chẳng hạn, liệu khi còn đương chức, những người này có từng giao dịch hay làm ăn ngầm nào với DN theo kiểu "lót ổ" chuẩn bị về hưu hay không?
Ví như liệu việc đi làm sau hưu của họ có vi phạm vào Nghị định 102 CP hay không? Văn bản này quy định thời hạn không được kinh doanh trong lĩnh vực có trách nhiệm quản lý đối với những người là cán bộ, công chức, viên chức sau khi thôi giữ chức vụ.
Nghị định 102 CP chia 4 nhóm bị khống chế thời gian từ lúc về hưu đến khi tham gia thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp ngoài nhà nước. Trong đó, nhóm một gồm các công chức thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Thương mại; Tư pháp; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Những người thôi giữ chức vụ thuộc các lĩnh vực này không được kinh doanh trong thời hạn từ 12 - 24 tháng. Các nhóm còn lại bị khống chế thời gian 6 - 18 tháng.
Trên thế giới, nhiều quan chức, thậm chí tổng thống các nước như Pháp, Mỹ, v.v... sau khi về hưu vẫn có thể đàng hoàng đi làm diễn giả hay viết sách kiếm tiền, với thu nhập có khi còn cao hơn cả khi đang tại vị.
Còn ở VN, chức tước thường được gắn với bổng lộc nhiều hơn rất nhiều mức lương trên giấy tờ. Bởi vậy, dù có lương hưu cao hơn dân thường gấp đôi ba lần, nhưng với một số quan chức, cũng chẳng thấm là bao so với thu nhập khi đương chức. Có lẽ, chính những chêch lệch "một trời một vực" đó đã làm nảy sinh tình trạng "sống gấp", trục lợi trước và ngay sau khi quan chức về hưu.
Nguyễn Anh Thi
----
[1] Viện trưởng Viện KSND tỉnh "trẻ lại" 4 tuổi đã nghỉ hưu, Lao động, 17/02/2014.
[2] Giám đốc Sở ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm trước lúc nghỉ hưu bị phê bình, Thanh niên, 10/09/2014.
(Tuần Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét