20 năm sau, Việt Nam so với thế giới ra sao?
"Tôi kỳ vọng là báo cáo này sẽ thuyết phục được chính cộng đồng trẻ ở VN, những người hiện nay mới 30-40 tuổi, thậm chí là thế hệ 20-30, bởi sau 20 năm nữa, họ sẽ là lãnh đạo đất nước này". Phần 1: VN tăng trưởng đứng thứ hai thế giới?
LTS: Đầu tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cùng Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg đã chủ trì cuộc họp lần thứ nhất về Báo cáo Việt Nam 2035.
Tuần Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế độc lập, một trong những người được mời tham gia báo cáo này.
Xin giới thiệu phần 2 cuộc trò chuyện.
Ngồi trong nước đoán 20 VN nữa thế nào là không thể
Với các phân tích ở phần trước, bà nhìn nhận kết quả bản báo cáo sẽ được đón nhận thế nào?
Người chịu trách nhiệm đặt hàng về phía Chính phủ đã nói rõ rằng báo cáo này là một sản phẩm khoa học, chứ không làm văn bản để phục vụ Đại hội Đảng, hay Nhà nước.
Còn việc làm thế nào để đưa các nội dung đó vào thành chiến lược, chính sách lại phụ thuộc vào tính thuyết phục của bản báo cáo, với nhiều tầng lớp khác chứ không phải chỉ với lãnh đạo.
Riêng tôi, tôi kỳ vọng là báo cáo này sẽ thuyết phục được chính cộng đồng trẻ ở VN, những người hiện nay mới 30-40 tuổi, thậm chí là thế hệ 20-30, bởi sau 20 năm nữa, họ sẽ là lãnh đạo đất nước này. Những người trẻ có cái nhìn mở hơn và khát vọng cao hơn nhiều so với lứa chúng tôi.
Bà chờ đợi nhận được sự quan tâm, đóng góp từ giới trẻ? Làm cách nào để họ đóng góp?
Người chủ trì báo cáo là một vị Phó Thủ tướng đã đưa ra một đề xuất rất khả thi là hình thành một trang mạng riêng cho chủ đề này để huy động sự tham gia đóng góp của rất nhiều người, nhất là những có trí thức hiểu biết sống ở khắp nơi trên thế giới.
Càng có hiểu biết trong từng lĩnh vực sau 20 năm sẽ ra sao, sẽ càng có được các đóng góp hữu ích. Nhất là VN đặt trong khu vực và thế giới sau 20 năm nữa sẽ có hình ảnh ra sao, nếu ngồi trong nước thuần túy mà nghĩ ra rất khó.
Tôi nghĩ đây là cách tiếp cận rất tốt.
"Để đi theo hướng... con rồng"
Bà nghĩ gì về tính khả thi trong ý kiến của người chủ trì cuộc họp, đó là VN trong 20 năm tới phải tăng trưởng 9% mới hy vọng thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình?
Đó là con số thực tế cần phải đạt được nếu VN muốn thoát bẫy thu nhập trung bình và đi theo hướng của các con rồng, mặc dù cực khó.
Tôi hiểu câu nói đó của Phó Thủ tướng là nhấn mạnh tới cái quyết tâm vượt lên, và điều quan trọng đặt ra bài toán thay đổi cách làm. 9% đạt được bằng năng suất lao động, chất lượng lao động, bằng hiệu quả thay đổi một cách vượt bậc của nền kinh tế, công nghệ, và tính cạnh tranh.
Sau khi bàn bạc, chúng tôi thống nhất rằng cải cách thể chế sẽ là thông điệp xuyên suốt của báo cáo này, và là chất gắn kết giữa các chủ đề khác nhau. Trong đó, đến năm 2035, theo tôi, nền kinh tế thị trường ở VN sẽ là nền kinh tế thị trường theo hướng hiện đại, chứ không nhấn mạnh quá định hướng riêng biệt của VN.
Vậy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ được hiểu như thế nào?
Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã nêu rõ vấn đề này. Thủ tướng nhấn mạnh tới cải cách thể chế và xây dựng kinh tế thị trường đầy đủ, trong đó nhà nước phân phối lợi ích của phát triển.
Định hướng XHCN là khẳng định vai trò của nhà nước khi khắc phục những khiếm khuyết của thị trường và làm VN phát triển theo những tiêu chí như công bằng, bền vững và bao trùm. Bao trùm sẽ khắc chế bớt những khoảng cách giàu nghèo quá đáng, quá thiên lệch.
Định hướng XHCN không phải khăng khăng giữ kinh tế nhà nước là chủ đạo, mà coi nhà nước là kiến tạo phát triển, như Thủ tướng đã nói, tức là tạo ra thể chế, môi trường để phát huy mọi nguồn lực của đất nước phục vụ phát triển.
Riêng bà, bà nhìn nhận về VN năm 2035 sẽ như thế nào?
Số phận của đất nước, khát vọng phát triển cho dân tộc VN được ngẩng mặt lên với thế giới, cho nước VN được sánh vai với các cường quốc năm châu, như Bác Hồ đã nói, phải là mục tiêu chung của tất cả mọi người, trong nước, ngoài nước, đoàn kết người Việt với nhau.
Đa dạng là tất yếu nhưng vẫn phải có sự thống nhất trong mục tiêu chung.
Tại cuộc họp trên, tôi có nói hiện nay VN có hơn 4 triệu người ở nước ngoài, nhưng đến 2035 sẽ có nhiều hơn, bởi thế giới toàn cầu hóa, con người trở thành công dân toàn cầu. Ví dụ 2015 người Việt có kỹ năng có quyền đi làm việc tại các nước ASEAN và như vậy họ sẽ là công dân của 600 triệu người ASEAN.
... Người VN lúc đó không chỉ là những người xuất khẩu lao động, mà còn là những chuyên gia, quản trị, nhà đầu tư... có đóng góp thực sự cho sự phát triển của thế giới. Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn (người có khả năng được đề cử giải Nobel) nếu chỉ giảng dạy, nghiên cứu ở Việt Nam không thì khó có được những thành tựu như vậy.
Chúng ta phải học người Israel, sống trên khắp thế giới, nhưng ngoài việc đóng góp cho cái nơi họ đang sống, họ có khát vọng và đóng góp cho đất nước Israel vô cùng lớn, họ giúp cho Israel đứng vững và phát triển giữa thế giới Ả Rập và vượt qua được bao nhiêu thách thức khắc nghiệt của đất nước Israel.
Nước VN bây giờ đến giai đoạn cần sự thay đổi mạnh mẽ, nếu mỗi người không tham gia suy nghĩ và đóng góp nhiều hơn thì rất khó có thể đạt được mục tiêu phát triển tốt, nguy cơ VN rơi vào bẫy thu nhập trung bình, thậm chí trung bình thấp (3.000 đô la trở xuống) là nguy cơ hiện hữu.
Xin cảm ơn bà!
Huỳnh Phan(Thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét