Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

Hoa bất tử có thật

Hoa bất tử có thật
Gia đình tôi ở trong số những gia đình phải tha hương, lìa bỏ làng mạc tổ tiên, họ hàng xóm giềng và nếp sống quen thuộc nhiều năm mà đi xa. Riêng cha tôi thì trước khi gặp lại mẹ tôi, đã có một số năm phải bôn ba khắp xứ Đông Dương cũ, rồi lưu lạc qua Trung Quốc, rồi trôi dạt vào đất Nam Bộ, sống chết, no đói trông cậy vào bàn tay và số phần. Mãi tới khi tôi lên sáu, gia đình tôi mới có một mái nhà riêng, cha mẹ tôi mới có một nghề nghiệp ổn định. Đó cũng là năm tôi bắt đầu đi học.
Cha mẹ tôi thường kể cho anh em tôi nghe những câu chuyện về làng quê cũ của ông bà. Đó là những câu chuyện rời rạc về đất, về người, về sinh hoạt của một vùng quê xa xôi được kể đi kể lại nhiều lần. Kể trong bữa cơm, Kể vào một đêm trăng, vào một ngày giỗ, Tết hoặc vào một lúc nào đó bất kỳ mà một việc gì, một chuyện gì đột nhiên gợi nhớ. Lâu ngày, những mẩu rời rạc ấy in vào trí nhớ tôi, vừa tự chắp nối lại và không biết tự bao giờ đã hình thành trong tôi một cái làng quê quen thuộc mà tôi chưa từng trông thấy.

Đó là một cái làng nhỏ nằm ven sông Luộc, một dòng sông nhánh của sông Hồng, ẩn sau hai con đê trong, ngoài chắn lụt. Ở đó, người ta làm ruộng, trồng cây ăn trái, trỉa bắp, đậu, trồng khoai, nuôi cá trong ao nhà và đặc biệt là trồng đay, mua cói từ một huyện biển cùng tỉnh về dệt chiếu. Khu nhà ở của ông bà nội tôi vốn là một khu ruộng được các bậc tiền bối vượt đất lên thành thổ cư, chung quanh có ao cá và vài chục gốc nhãn lấy giống từ xứ nhãn Hưng Yên nổi tiếng bên kia sông về trồng. Đất đai nhà cửa của ông bà ngoại tôi thì ở sâu hơn tận cuối làng.

Giống như bao người làng khác, những người đàn ông, đàn bà, trẻ con có hiểu biết và sức lực đến mức nào đó, đều phải tham gia vào một công đoạn của nghề dệt chiếu truyền thống. Làng tôi nổi tiếng là một làng chiếu từ bao đời, nghe nói ngày xưa đã từng được làm chiếu cho vua chúa. Ngày nay, khắp một vùng châu thổ sông Hồng, chiếu đơn, chiếu đậu của làng tôi vẫn có mặt, tung hoành ngang dọc trên thị trường. Tuy nhiên, chính cái nghề tuuyền thống này lại đã làm cho nhiều người đàn ông không thể nào đạt tới chiều cao trung bình vì từ nhỏ đã phải cực khổ vác cói, vác đay oằn nặng đôi vai. Ở đó cũng có nhiều người, cả đàn ông lẫn đàn bà, tuổi mới ngoài năm mươi mà lưng đã còng, tưởng chừng thân hình có thể gập đôi lại, vì trải qua mấy mươi năm ngồi bên go chiếu. Cả làng thờ ông quan trạng đã truyền dạy nghề chiếu trong một ngôi đình cổ kính. Người ta kể truyền khẩu nhiều chuyện về ông trạng ấy. Chẳng hạn chuyện khi ông đi sứ Trung Quốc lần đầu, đã quan sát được dụng cụ dệt chiếu nhưng còn quên một bộ phận nào đó. Tới lần đi sứ thứ nhì, ông bèn ngỏ ý thèm ăn rau muống, rồi khi gắp, ông cố ý gắp một cọng rau dài để có thể ngửa cổ, bề ngoài là ăn rau một cách dung tục, kỳ thực là để có thể nhìn cái bộ phận dệt chiếu mà chủ nhà treo trên sà nhà để giấu nghề. Những chuyện truyền khẩu khác cũng chẳng thiếu. Như chuyện người đàn bà nọ ở làng bên, mấy lần sinh con trai đều không nuôi được bèn lấy đất sét gắn vào mí mắt xác đứa trẻ sau cùng trước khi chôn, ít lâu sau ở làng này có người sinh được đứa con trai nơi mí mắt có một vết chàm đỏ như đất sét. Người ta gọi đó là chuyện lộn con...

Có lần tôi hỏi cha tôi:
- Làng quê mình chắc phải đẹp lắm phải không cha? Chắc phải vui lắm phải không cha?
Cha tôi đang vui chợt buồn. Giọng ông trầm hẳn đi và cũng chậm rãi hẳn đi như đang cố nén một tình cảm không bình thường:
- Không đâu con ạ. Làng quê mình chẳng có gì đẹp đẽ như con tưởng, mà lại có nhiều chuyện buồn hơn chuyện vui nữa kìa...
- Thế tại sao mỗi khi kể chuyện làng quê, con thấy cả cha lẫn mẹ đều hào hứng, vui vẻ hẳn lên?

Cha tôi mỉm cười, giọng ông vẫn trầm và chậm:
- Đó là vì cha mẹ phải sống xa làng quê nên lòng canh cánh nhớ. Sự nhớ nhung làm cho người ta thấy mọi kỷ niệm cũ đều trở thành đẹp đẽ cả.

Ngày ấy, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa câu trả lời của cha tôi, chưa thể hiểu thế nào là mãnh lực kỳ diệu của tình yêu quê hương, làng xóm...

Nhưng từ ngày ấy, tôi bắt đầu để ý hơn đến nơi mình đang sống, một xóm ngoại ô tỉnh lỵ miền Đông. Những hình ảnh nơi đây dần khắc đậm nét trong tâm trí tôi. Đó là con đường xuyên qua xóm tuy là quốc lộ nhưng bề ngang chỉ có tám mét, dài không quá hai cây số mà có đến những hai khúc quanh, cứ như là một con người hiếu động phải cựa mình qua lại mới thỏa lòng. Đó là những ngôi nhà lợp tôn, lợp ngói xây dựng trên nền đất của một khu rừng cao su cũ hoặc trên ruộng lúa được đổ đất núi lên cao bằng mặt đường. Những năm chưa có điện, đêm đêm những ngọn đèn dầu mờ tỏ cùng ánh trăng, ánh sao, tiếng máy thu thanh chạy pin hay bình ắc quy lẫn với tiếng trẻ con nô đùa, tiếng cãi vã; đôi khi là tiếng ếch nhái, tiếng dế rích đêm mưa. Đó là những gánh hàng rong nào bún riêu cua, tàu hũ... mà người bán là những phụ nữ nghèo có tiếng rao lanh lảnh lại đượm buồn. Sáng sáng, người đưa báo dừng xe đạp trước cửa nhà khách mua báo tháng, trao tận tay một hai tờ nhật báo hoặc ném vào sân nhà vắng chủ. Còn ông bán bánh mì thì cong lưng đạp chiếc xe đạp nơi yên sau khoác cái thùng tôn gò hình chữ U ngược đựng bánh mì nóng, xíu mại, giò chả, đồ chua, xì dầu, muối tiêu cùng những mẩu giấy báo rọc nhỏ xíu bằng lòng bàn tay...

Và cứ thế, ngày qua ngày, tháng tiếp tháng, năm nối năm, những hình ảnh của cái xóm nhỏ tôi sống và lớn lên dần dần in đậm nét vào trí nhớ tôi. Dẫu sau này tôi từng có dịp đi nhiều nơi khác trên đất nước, thấy mỗi nơi đều có nét đẹp quyến rũ, nhưng cái xóm nhỏ của mình vẫn rất riêng không gì thay thế được. Nó đã trở thành một phần đời tôi.

Tuổi già dần chồng chất lên cuộc đời gian khổ của cha mẹ tôi. Nhưng mỗi khi nhắc đến cái làng quê bên dòng sông Luộc với những người dệt chiếu, nhắc đến những đổi thay của cái xóm nhỏ gia đình tôi đã ở mấy mươi năm, tôi vẫn thấy ông bà đầy hào hứng và quyến luyến. Cha tôi không nói với tôi như ngày tôi còn nhỏ mà ông nói cô đọng hơn:
- Đó là quê hương!

°
Gia phả:
Viễn An Phủ quân là cháu của Lại Phong hầu ở kinh thành Thăng Long, một hôm gặp Từ Hạnh, cô gái làng chiếu lên kinh thành bán chiếu. Nhan sắc và sự đoan trang của Từ Hạnh làm lòng Viễn An xao xuyến. Chàng nhờ người thư tín mai mối. Từ Hạnh nhắn đáp: "Tôi còn song thân tại quê nhà, lại tha thiết yêu quê cha đất tổ. Nếu chàng có lòng thương, xin mới về bổn quán cùng chung sống, tôi mới dám nhận lời". Viễn An nghe theo tiếng gọi trái tim, trình thưa với Lại Phong hầu và được phép đem lễ vật về làng chiếu cầu hôn.

Từ đó, Viễn An trở thành người làng chiếu, giã biệt chốn kinh thành hoa lệ, chẳng màng công danh chức tước, xe ngựa xênh xang. Viễn An sống đạm bạc, làm việc như bao người làng chiếu, lại đem chữ thánh hiền giảng dạy cho lũ trẻ.
Bài "Gia huấn" của Viễn An được truyền lại mười mấy đời sau mà những người đàn ông nối dòng đều tiếp nhận như một hành trang cơ bản trước khi vào đời:

Trung hiếu một lòng
Thanh liêm phải giữ
Kinh sử làu thông
Phụng thờ tiên tổ
Chân thành đôi chữ
Chung thủy nhất tâm
...
Cha tôi, một trong những người đàn ông đời thứ mười hai, ngoài bài "Gia huấn" hành trang ấy, còn được học hết bậc sơ học thời Pháp thuộc làm lưng vốn vào đời. Cái lưng vốn ấy trong hoàn cảnh một làng quê nghèo nàn xa vắng đã là một gia tài bảo đảm vị trí trên trước so với nhiều người, nhưng nó lại chẳng thấm vào đâu khi chìm trong xã hội đô thị đã tiếp nhận văn minh phương Tây, chỉ vài năm lại có những đổi thay kỳ diệu về khoa học kỹ thuật. Con chim mang chí lớn rời bỏ cái tổ nhỏ của mình, mong ngang dọc đất trời, đã không lường được sức mạnh đôi cánh mình lại quá nhỏ bé, mỏng manh trước khoảng trời nhiều mưa bão. Bi kịch ấy là cuộc đời của cha tôi, dẫu đôi khi ông không giấu sự tự hào là mình vẫn tồn tại hiên ngang, nhưng làm sao chẳng ngậm ngùi và nung nấu ngày phục chí. Ông ngầm rèn luyện cho tôi những gì ông tự thấy một loài chim cần phải có để được gọi là đại bàng.

Cha tôi không thể trợ lực cho tôi trong việc học chữ. Biết thế nên ông quan tâm nhiều đến việc giáo dục đạo đức cho tôi. Ở trong trường, tôi cũng như bao đứa học trò nhỏ khác từng thuộc vanh vách, hiểu cặn kẽ từng chữ, từng ý của những câu cách ngôn dạy điều hay lẽ phải. Cha tôi chỉ làm sao cho mớ lý thuyết ấy không còn khô cứng nữa. Ông lấy những diễn biến trong cuộc sống làm cho chúng sống động hẳn như con bướm từ trong trang sách chấp chới cánh bay ra khoảng không, như cánh hoa từ tấm ảnh thoát ra lay động và tỏa hương...

Một ngày gần tết năm ấy, tôi xin phép cha mẹ vào rừng chặt mai vàng cùng mấy đứa bạn. Khu rừng không xa nhà tôi lắm, chỉ chừng ba cây số, nên cha tôi không phải lo lắng. Ông chỉ hỏi:
- Chừng nào thì con về?
Tôi đáp chắc mịch:
- Tụi con chỉ đi chừng hai tiếng đồng hồ thôi. Thế nào khoảng mười giờ, mười rưỡi con cũng về tới nhà thôi.
Chúng tôi đi. Đường không xa lắm, cũng không đến nỗi khó đi. Bạn bè tôi nhiều đứa đã biết khu vực có mai, cả bọn cứ đạp xe một mạch tới nơi. Thật là cả một rừng mai! Những gốc mai rừng to bằng bắp chân tôi, nhiều gốc bị chặt gần sát đất mà vẫn đâm lên những nhánh mới mập mạnh, tươi xanh. Tất cả đều chi chít những búp nụ. Những cái búp nụ nhòn nhọn, nhỏ như hạt đậu xanh ấy chẳng bao lâu sẽ bung ra mỗi búp dăm nụ mai xanh mởn. Có lẽ vì còn quá sớm nên khu rừng chưa có mặt những người lớn chuyên nghề chặt mai rừng đem về phố bán. Tuy nhiên, nơi một đôi gốc cũng đã có dấu vết của dao rựa hay cưa sắt. Chúng tôi phân vân mãi mới quyết định cứ chặt mỗi đứa ít nhánh, nếu không giữ được tới Tết thì chơi bông mai nở sớm vậy!

Sau khi chặt mai xong, cột vào yên sau mấy chiếc xe đạp đàng hoàng rồi, cả bọn đi sâu vào trong rừng chơi. Chúng tôi gặp một con gà rừng lẻ bầy. Cả bọn bảo nhau vây bắt con vật, quyết đem về nấu cháo ăn liên hoan. Con gà trừng bị thương một chân nhưng đôi cánh vẫn giúp nó bay xa, nó làm cho chúng tôi đến mệt nhoài mới vồ bắt được. Nó dãy dụa, kêu quang quác. Người nó nóng như có lửa, da nó đỏ như màu ớt, mắt nó long lanh như có nước mắt.

Thời gian qua nhanh khi người ta vui vẻ. Tôi quên hẳn lời hẹn với cha tôi, cứ theo chân bạn bè quanh quẩn trong rừng mãi tới khi mặt trời lên tận đỉnh đầu, đứa nào cũng đói bụng và mệt nhoài mới chịu kéo nhau về.

Vừa ra khỏi bìa rừng một quãng, chưa kịp đến quốc lộ, chúng tôi đã trông thấy mấy người lớn với vẻ mặt đầy lo lắng đạp xe trờ tới. Có người kêu lên mừng rỡ. Có người giận dữ la lối con. Có người nóng nảy xông tới và một đứa trong bọn tôi bị ăn bạt tai. Phần tôi, cha tôi chỉ đứng im lặng nhìn tôi, mắt ông như là đang ứa lệ và ông nuốt nước bọt như để tự nén tình cảm không hiểu là mừng vui, trách giận hay bực tức...

Về đến nhà, tôi mới biết là không chỉ cha tôi mà cả gia đình tôi đều lo lắng, mong đợi. Mẹ tôi la tôi một chặp. Cha tôi, mãi tới trước khi đi ngủ tối hôm ấy mới nói riêng với tôi:
- Từ lần sau, con đã hẹn thì phải nhớ đúng hẹn.
Tối hôm ấy tôi đã khóc trên giường ngủ của mình.

Sau này, có một chuyện đã xảy ra mà tôi nhớ mãi. Cha tôi cũng chẳng bao giờ quên, mỗi khi có dịp ông lại nhắc. Đó là một buổi chiều tan học, trên đường về, tôi đạp xe ngang sân vận động và thấy trong đó có đá banh. Lúc đó vừa khi người ta "xả cổng" cho những người không mua vé vào xem tự do. Mấy đứa bạn rủ tôi vào xem, nghe nói đây là trận đấu giữa hai đội banh nổi tiếng. Tôi đã rẽ xe vào tới cổng sân vận động thì dừng lại. Tôi nhớ tới buổi sáng vào rừng lấy mai dịp Tết trước và biết rằng gia đình sẽ phải bị một phen lo lắng nữa khi thấy đã quá giờ tan học mà tôi vẫn chưa về. Tôi nói với bạn bè:
- Để tao đạp lẹ về xin phép cha mẹ tao đã.
Không thèm nghe ý kiến của bạn bè, tôi đạp xe về nhà với tốc độ nhanh nhất. Tôi xin phép và cha tôi cho phép. Tôi lại đạp xe tới sân vận động với tốc độ nhanh nhất. Nhưng... trận đá banh đã kết thúc rồi! Người ta ùn ùn kéo nhau ra cổng sân vận động, trong đó có cả đám bạn tôi. Bọn nó tiếc cho tôi không được xem những phút cuối đầy kịch tính: đội thua đã gỡ hòa vào phút cuối cùng của trận đấu. Tôi cũng lấy làm tiếc lắm nhưng lòng tôi hoàn toàn thanh thản.

Nhiều năm đã qua đi, mỗi khi nói đến chuyện giờ giấc, cha tôi thường kể cho những người trong gia đình nghe chuyện tôi không tự tiện đi xem đá banh khi chưa xin phép, như một chuyện làm gương. Chuyện chẳng có gì, lại làm cho tôi thấy ngường ngượng, nhưng thú thật là tự đáy lòng, tôi thầm hãnh diện và sung sướng như thuở được cha mẹ hay thầy cô khen ngợi việc gì đó.

Mẹ tôi còn ít chữ hơn cả cha tôi. Bà chỉ biết đọc, biết viết. Mẹ tôi đã trải qua thời con gái sau lũy tre làng, lớn lên theo chồng lưu lạc nhiều nơi nhưng đi đâu cũng chỉ quanh quẩn trong nhà với bao việc vặt vãnh lo cho chồng con. Dường như cuộc đời bà đã sớm chia ra cho người thân và không giữ lại cho mình chút riêng tư nào nữa. Cuộc sống còn lại của mẹ tôi là những kỷ niệm ở cái làng chiếu xa xôi, là chuyện sinh nở anh em tôi, chuyện nuôi nấng hai đứa, chuyện món ăn trong gia đình, chuyện vải vóc, quần áo và đôi khi, chuyện trên những chuyến tàu từ tỉnh này qua tỉnh khác mà gia đình tôi đã trải.

Trong việc dạy dỗ con cái, cha tôi thường lấy lời lẽ ôn hòa khuyên bảo, thỉnh thoảng ông có phạt cũng chỉ là bắt con quỳ trước bàn thờ gia tiên một lúc. Mẹ tôi tính nóng nảy hơn. Có chuyện gì anh em tôi làm quấy hoặc không vừa lòng bà, mẹ tôi thường quát mắng giận dữ. Tuy nhiên, sau lúc ấy, mẹ tôi dịu đi rất nhanh cứ như bà sợ con cái buồn và sợ. Khi nghe bà nói một câu tương tự như: "Mặc quần áo đi chợ tỉnh với mẹ" là chúng tôi hiểu ngay rằng mình đã được tha lỗi và chắc chắn trong chuyến đi chợ tỉnh ấy thế nào cũng được ăn phở tô đặc biệt hoặc ăn mì thêm hoành thánh, ăn sâm bổ lượng chi đó. Hơn thế, chúng tôi còn có thể được may sắm quần áo mới, mua đồ chơi... Ngày ấy, trong trí óc non nớt của tôi, có lần lâu quá không được dẫn đi chợ tỉnh, tôi đã cố tình gây ra một lỗi lầm để mẹ tôi la mắng và sau đó đã đạt dược ý muốn!

Mùa hè ở miền Nam là mùa mưa. Những buổi chiều hè mà mưa dầm thật đáng chán. Anh em tôi bị cơn mưa cầm chân trong nhà. Em tôi là gái còn có trò chơi cho khuây khỏa, chứ tôi là trai, rộng chân tay đã quen, cảm thấy bực bội lắm. Đã thế, mẹ tôi lại thường bảo:
- Nhổ tóc sâu cho mẹ rồi mẹ thưởng tiền!

Ồ! Được thưởng tiền thì tôi rất thích. Nhưng làm cái việc nhổ tóc sâu thì tôi chẳng khoái chút nào. Dù sao, tôi vẫn không thể cãi lời. Tôi đi tìm hai hột thóc hoặc hai cái vỏ trấu làm "dụng cụ" nhổ tóc sâu rồi hỏi mẹ:
- Nhổ bao nhiêu sợi hả mẹ?
Thí dụ mẹ tôi nói:
- Năm mươi!
Tôi liền kỳ kèo:
- Hai mươi đi mẹ!

Cuối cùng hai mẹ con thỏa thuận một con số nào đó, chẳng khác chuyện trả giá khi đi chợ.
Mẹ tôi ngồi trên ghế dựa, xỏa tóc. Một chân bà co lên ghế, ống quần đen chỗ đầu gối là nơi tôi đặt từng sợi tóc sâu nhổ được lên để đếm. Tôi vén tóc mẹ, xăm xoi tìm những sợi tóc bạc và ngắn, nếu là màu hung râu ngô thì càng tốt, đích thị tóc ngứa. Mỗi lần tìm được một sợi tóc sâu, tôi khẽ lùa một hột thóc xuống phía dưới, kế đó đặt hột thứ nhì lên, kẹp sợi tóc và "Bựt!", tôi nhổ sợi tóc sâu khỏi mái tóc của mẹ. Nơi ống quần đen của mẹ tôi, những sợi tóc sâu nằm ngang dọc trông rõ cả đâu là đầu tóc, đâu là chân tóc chừng một ly, lớn gấp đôi và như vẫn còn sự sống. Mẹ tôi đếm dần theo lời hô của tôi cho tới khi đủ số lượng như đã giao hẹn, rồi bà duỗi chân cho thoải mái và lấy tay phủi số tóc khỏi ống quần. Bà hay nói đùa: "Cho đám sâu bọ xuống đất!". Rồi bà lần trong túi ra những tờ giấy bạc, dúi vào tay tôi:
- Cầm lấy đi ông tướng!
Một hôm, trong lúc nhổ một sợi tóc sâu hơi dài, tôi làm sợi tóc bị đứt ngang. Tôi đã định bỏ đoạn tóc đứt đi không đếm nhưng rồi lại thử đặt nó lên ống quần mẹ tôi, rụt rè đếm một con số. Mẹ tôi lơ đãng đếm theo. Tôi nhổ nốt phần còn lại của sợi tóc. Lần này, tôi hết sức hồi hộp khi đếm tiếp. Tôi tưởng tượng sau tiếng đếm của tôi, mẹ tôi sẽ quay nhìn tôi, giận dữ quát mắng tôi về cái tội gian dối. Nhưng may quá, mẹ tôi vẫn hờ hững đếm theo.

Sau lần ấy, cái lần mà một sự tình cờ đã đưa tôi đến hành động gian lận trót lọt, tôi nảy ra một sự tính toán có lợi cho mình. Tôi tìm những sợi tóc sâu dài, cố ý nhổ đứt làm hai để mau đạt đến số lượng sợi tóc phải nhổ. Tôi yên trí là mẹ tôi không phát hiện. Nào ngờ lần gian lận thứ ba, tôi vừa đếm đến con số cuối cùng thì mẹ tôi thay vì đếm theo, đã đếm lùi đi hai số. Tôi đỏ mặt khi nghe mẹ tôi nói:
- Con bắt đầu gian dối từ bao giờ vậy?
Cũng may là mẹ tôi không quát mắng ầm ĩ.
Nhưng chỉ cần như thế, từ đó trở đi, tôi luôn nhủ lòng mình phải sống chân thật, căm ghét thói gian dối...

Năm tháng qua đi, qua đi... Tuổi thơ tôi lùi vào dĩ vãng, ngày một xa hơn. Dòng đời cuốn tôi theo nó với nhịp điệu hối hả, lạnh lùng, không hề nhân nhượng, đôi khi còn là tàn nhẫn.

Tôi đã có dịp về quê hương để tận mắt nhìn ngắm nơi đã chôn nhau cắt rốn của cha mẹ mình. Cái làng chiếu theo lời kể quả là nhỏ bé trong thực tế. Con đò ngang đưa tôi từ bến Xuôi qua bờ sông bên kia, đặt chân lên mảnh đất phù sa ruột thịt mà xa lạ, bơ vơ. Lúc ấy trời về chiều và con đường làng mà người lái đò cho tôi biết sẽ dẫn về nơi tôi muốn đến dài và xa tít tắp, len giữa hai bên là ruộng ngô. Tôi nhìn lên bầu trời, bắt gặp một cánh chim nhỏ lẻ loi mà thấy lòng được an ủi. Và tôi nghĩ đến ước mơ của cha tôi, muốn tôi trở thành con đại bàng xoải cánh che bầu trời quê mình một cách hãnh diện. Ước mơ ấy vô cùng đẹp đẽ. Có lẽ tôi mới chỉ là một cánh chim bình thường như cánh chim đang chao lượn kia, nhưng sự hãnh diện của "chim đại bàng" trong lòng tôi thì không thiếu. Tôi biết cha tôi cũng nghĩ thế. Ông cũng tự hào vì dù sao thì tôi cũng đã tự cất mình lên được khỏi mặt đất và bay bằng đôi cánh thật của mình.

Người anh họ và tôi lần đầu tiên biết mặt nhau. Anh nhìn sững tôi hồi lâu như muốn tìm từ nơi tôi những hình ảnh nào đó của dĩ vãng. Rồi anh vỗ vai tôi nói:
- Cuối cùng, chú đã thay mặt ông trở về quê cũ.
Anh đã đưa tôi vào ngôi nhà ngói ba gian cũ kỹ, thấp lè tè của cha ông để lại. Trong ngôi nhà đó, nơi bàn thờ gia tiên có treo bài "Gia huấn" viết bằng chữ quốc ngữ trên giấy điều lồng khung kính. Cũng vẫn là những gì tôi đã học thuộc lòng từ nhỏ:

Trung hiếu một lòng
Thanh liêm phải giữ
Kinh sử làu thông
Phụng thờ tiên tổ
...
Ngôi nhà đó còn có mấy cây cột tròn bằng gỗ lim bị băm nhiều vết dao chằng chịt. Người anh họ lặng đi một lúc mới kể cho tôi nghe chuyện về những vết thương trên gỗ ấy. Thời đấu tố địa chủ, anh họ tôi vốn là một cán bộ Việt Minh có nhiều thành tích cũng bị khép tội. Ông nội tôi không đủ "điểm" để quy là địa chủ nên một người trong họ đã đứng ra vu khống một điều gì đó để người ta có thể cộng thêm số "điểm"cần thiết. Gia đình anh họ tôi bị đuổi ra khỏi nhà mình, giao chỗ ở của mình cho ba gia đình khác, trong đó có gia đình người bà con đã tố gian. Tới thời sửa sai, anh họ tôi được phục hồi đảng tịch, ba gia đình kia phải trả lại nhà đã tức giận dùng dao chém nát mặt ngoài những cây cột lim tròn trước khi ra đi.

Những ngày ở quê, tôi được dẫn đi tất cả những nơi tôi từng nghe cha mẹ tôi kể. Tôi tới đình thờ Quan Trạng, ông tổ nghề dệt chiếu làng tôi và cảm nhận trong cái không khí trang nghiêm tuy hơi u uất và thiêng liêng ấy, có chút gì gần gũi thân thiết. Nhưng sau đó tôi đã lại hoàn toàn nghĩ khác đi, một sự xa lạ lạ lùng cứ chờn vờn quanh quất, khi tôi ngồi dưới gốc nhãn cổ thụ nhớ chuyện ngày xưa. Cha tôi thường kể thời thiếu niên của ông, khi những người anh chia nhau tất cả các gốc nhãn trong số gia tài ông nội tôi để lại, cha tôi là con út không được gì nên đã trả thù bằng cách đợi tới mùa nhãn, ông leo lên hết cây này đến cây khác hái nhãn ăn, mặc kệ những lời nhiếc mắng của các anh. Tôi cứ nghĩ, hành động của cha tôi ngày ấy đúng là một sự trả thù của trẻ con, nhưng việc khi ông lớn lên đã bỏ làng ra đi thì lẽ nào lại có thể bảo là ông nông nổi?
Anh họ tôi còn chỉ cho tôi xem một ngôi nhà đúc mái bằng có thể nói là khang trang nhất làng. Rồi anh cho tôi biết đó là cơ ngơi của gia đình người bà con đã tố gian ông nội tôi ngày trước. Anh hỏi tôi:
- Chú có tin thuyết ác giả ác báo không?

Tôi nuốt nước bọt, nghèn nghẹn nơi cổ. Tôi nhớ chuyện mình gian dối khi nhổ tóc sâu cho mẹ tôi thuở nhỏ và bài học chân thật mình ghi lòng từ ngày ấy. Người lớn rất khác trẻ con. Cuộc đời rất khác với những điều dạy dỗ. Tôi thấy khó mà trả lời nổi câu hỏi của người anh họ. Nhưng anh đã tự trả lời, gịong anh thật thản nhiên như của một ông tiên vừa đắc đạo dửng dưng trước mọi chuyện trần gian:
- Anh chẳng tin chút nào cái thuyết an ủi người lành ấy.
Cuộc đời chẳng hề nuông chiều cha mẹ tôi, cũng chẳng dành cho tôi chút nào ưu ái. Cha tôi tiếc mình chỉ có đôi cánh chuồn chuồn của tuổi nhỏ lắm ước mơ nên không thể tung mình lên tận trời cao cho thỏa chí. Nhưng dẫu sao đôi cánh chuồn chuồn ấy cũng giúp ông nhìn thấy một khoảng không gian tương đối rộng và cuối đời ông không hề phải ân hận là mình đã bỏ phí những việc có thể làm vì người khác mà sức mình có thể.

Tôi bay bằng đôi cánh của mình, bằng hành trang là những kỷ niệm về quê hương, nơi cha mẹ mình đã sinh ra và nơi mình đã sống, đã lớn lên; là bài "Gia huấn" truyền từ đời Viễn An Phủ quân, ông tổ của dòng họ; và bằng hai bài học không thể nào quên từ cha mẹ là luôn cố giữ chữ tín và quý trọng sự thật. Những cơn dông gió bão tố trong đời đã lắm phen làm điêu đứng đôi cánh nhỏ, nhiều lần quăng cánh chim ấy từ trên cao xuống đất toan hủy hoại đi một cuộc sống còn nhiều khát vọng. Nhưng "con đại bàng" trong ước mơ của cha tôi đã gượng lại được, lại vỗ cánh bay lên khoảng trời quê hương mình.

Cha mẹ tôi đã lần lượt qua đời. Tôi chọn tấm ảnh chụp hai ông bà đang cười phóng lớn để thờ. Cuộc đời không làm nên những nụ cười thường xuyên trên môi cha mẹ tôi. Nhưng những lúc nào đóa hoa đời ấy nở thì tôi luôn nhìn thấy nơi chúng sự thanh thản hài lòng.

Tôi luôn tin rằng nụ cười của người nào sống và đứng vững bằng chính sức mình, bằng những đức tính bất chấp thua thiệt; sống như con chuồn chuồn, con bướm, loài chim bay bằng chính đôi cánh của mình; thì tất cả đều là những đóa hoa đời bất tử./.

Khôi Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét