Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Những lý do tử tù không được đưa xác về mai táng

Những lý do tử tù không được đưa xác về mai táng
Sáng ngày 23/7, thi thể tử tù Nguyễn Đức Nghĩa đã được giao cho gia đình tại Bệnh viện 198 Bộ Công an để mai táng sau khi thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc. Việc cho phép thân nhân tử từ nhận tử thi về mai táng là một quy định mới của Luật thi hành án hình sự, thể hiện tính nhân văn, phù hợp với phong tục truyền thống. Thạc sỹ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm truyền thông Pháp luật Việt Nam) sẽ giới thiệu quy định về thủ tục nhận tử thi người bị thi hành án tử.

Ảnh minh họa

Thưa ông, tất cả các trường hợp sau khi thi hành án tử thì người thân đều được nhận tử thi về mai táng?
Thông tư liên tịch hướng dẫn tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đã quy định 3 trường hợp không được cho nhận tử thi người đã bị thi hành án tử hình như sau:

1. Tử tù phạm một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh theo quy định của Bộ luật Hình sự.

2. Tử tù bị bệnh truyền nhiễm theo quy đinh tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

3. Người xin nhận tử thi không phải là thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đã bị thi hành án tử.

Ông có thể nói rõ hơn về quy định tử tù bị “bệnh truyền nhiễm”, cụ thể là bệnh nào?
Các bệnh truyền nhiễm này được quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cụ thể:

a) Nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Bao gồm: Bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê - bô - la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh;

b) Nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota)”.

Làm sao thân nhân biết được người nhà của mình sắp bị thi hành án tử hình để viết đơn xin nhận tử thi?
Luật quy định trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thi hành án tử hình, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án phải thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của tử tù biết để làm đơn xin nhận tử thi.

Chánh án Toà án ra quyết định thi hành án tử hình có phải là Chánh án Toà án cấp phúc thẩm đã xét xử vụ án?

Thẩm quyền ra quyết định thi hành án tử hình không thuộc Chánh án Toà án cấp phúc thẩm đã xét xử vụ án. Khoản 1 Điều 54 Luật thi hành án hình sự quy định: “Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án tử hình. Quyết định phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định, họ tên, chức vụ của người ra quyết định; bản án, quyết định được thi hành; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị kết án”.

Đơn xin nhận tử thi của thân nhân phải được gửi đến đâu? Các nội dung mà đơn cần phải có?

Theo Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC thì:

- Đơn xin nhận tử thi của tử tù phải được gửi cho Chánh án Tòa án đã ra thông báo trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo.

- Đơn xin nhận tử thi về mai táng phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú. Trường hợp người chấp hành án là người nước ngoài thì đơn phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người chấp hành án mang quốc tịch và phải được dịch ra tiếng Việt. Đơn phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận tử thi, quan hệ với người chấp hành án; cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí.

Các thủ tục tiếp theo mà nhân thân cần chú ý sau khi đã gửi đơn xin nhận tử thi?
Một số thủ tục khác thân nhân cần chú ý sau khi đã gửi đơn xin nhận tử thi:

- Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Đơn của thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của tử tù, Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình phải thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hay không chấp nhận cho nhận tử thi về mai táng. Nếu không chấp nhận thì nêu rõ lý do. Trường hợp tử tù là người nước ngoài, thì Chánh án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Bộ Ngoại giao Việt Nam để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người đó mang quốc tịch;

- Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm thông báo cho người có đơn đề nghị ngay sau khi thi hành án để đến nhận tử thi về an táng.

- Việc giao nhận tử thi phải được thực hiện trong thời hạn 24 giờ đồng hồ kể từ khi thông báo và phải lập biên bản, có chữ ký của các bên giao, nhận; hết thời hạn này mà người có đơn đề nghị không đến nhận tử thi thì cơ quan thi hành án hình sự có trách nhiệm an táng. Không tổ chức việc giao nhận tử thi người đã bị thi hành án tử hình vào ban đêm (từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau).

Trường hợp không được nhận tử thi hoặc thân nhân của tử tù không có đơn xin nhận tử thi thi sau này, thân nhân có được nhận hài cốt về an táng?
Khoản 2 Điều 60 Luật Thi hành án Hình sự quy định: Sau 3 năm kể từ ngày thi hành án, thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đã bị thi hành án được làm đơn có xác nhận của UBND cấp xã nơi cư trú đề nghị cơ quan thi hành án hình sự nơi đã thi hành án cho nhận hài cốt. Đơn đề nghị phải ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận hài cốt, quan hệ với người bị thi hành án; cam kết bảo đảm yêu cầu về an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và tự chịu chi phí. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan thi hành án hình sự có trách nhiệm xem xét, giải quyết.

Trường hợp tử tù là người nước ngoài thì đơn đề nghị phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam của nước mà người bị thi hành án mang quốc tịch và phải được dịch ra tiếng Việt. Việc giải quyết cho nhận hài cốt do cơ quan quản lý thi hành án hình sự xem xét, quyết định.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Báo Pháp luật Việt Nam

http://baodatviet.vn/doi-song/nhung-ly-do-tu-tu-khong-duoc-dua-xac-ve-mai-tang-3059801/

1 nhận xét:

  1. Nhung qui dinh ngo ngan---pham toi xam pham an ninh quoc gia .pha hoai hoa binh,toi pham chien tranh --khi bi tu hinh ma tra xac ve cho nguoi nha -thi xac chet tiep tuc pham toi hay sao ma cam.

    Trả lờiXóa