Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Thăm bảo tàng ngay trong nhà của mình

Thăm bảo tàng ngay trong nhà của mình
GiadinhNet - Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có hệ thống bảo tàng bằng công nghệ 3D với không gian và hiện vật cực kỳ sống động. Bảo tàng này hứa hẹn nhiều điều thú vị, mà một trong số đó là khán giả có thể ngồi trong nhà mình vẫn xem được hiện vật.
Một góc bảo tàng 3D. 
Bảo tàng 3D đầu tiên ở Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những bảo tàng có số lượng, loại hình hiện vật phong phú, đa dạng với gần 200.000 hiện vật từ thời tiền sử đến ngày nay, trong có nhiều sưu tập quý giá: đồ đá, đồ đồng, đồ gốm … Trước đây, muốn xem các hiện vật, người xem phải đến bảo tàng, mua vé vào cửa, nhờ thuyết minh… mới có thể hiểu cặn kẽ về các hiện vật. Sự ra đời của bảo tàng theo mô hình 3D đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về hiện vật chỉ thông qua các thiết bị có nối mạng Internet.

Ths. Nguyễn Thúy Hà, Trưởng phòng Tư liệu - Thư viện cho biết, bảo tàng 3D được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia kết hợp với một công ty về đồ họa thực hiện. Bảo tàng này mới đi vào hoạt động được vài ngày nhưng đã thu hút được sự quan tâm của khá nhiều người. Dự án Xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã kế thừa phương pháp nghiên cứu, tính năng công nghệ mà các bảo tàng trên thế giới đã triển khai. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã cho ra đời bảo tàng dữ liệu 3D với mong muốn lưu giữ và phục vụ công chúng trong trường hợp chưa có điều kiện đến tham quan phần trưng bày thật tại bảo tàng.

Hiện tại, bảo tàng 3D đã giới thiệu 2 chuyên đề là Không gian Phật giáo và chuyên đề về đèn cổ. Kích hoạt vào bảo tàng 3D, người dùng hoàn toàn tự do “tham quan” và thưởng ngoạn gần 150 hiện vật đang được giới thiệu tại bảo tàng với không gian hoàn toàn giống như thật với phần trần nhà, nền nhà, tường vách và các tủ kính với đèn màu soi sáng các hiện vật với tỉ lệ chiều cao, hình dáng, màu sắc, hoa văn không khác gì các hiện vật thật ở bảo tàng. Điều đặc biệt là tại bảo tàng 3D còn có kèm thuyết minh bằng giọng nói và chữ viết giúp người xem hiểu cặn kẽ hơn về hiện vật.

Trên thế giới, công nghệ ứng dụng tương tác 3D trong việc xây dựng bảo tàng ảo và bảo vệ di sản đã được áp dụng khá nhiều song ở Việt Nam vẫn là một điều rất mới mẻ. Với dự án xây dựng bảo tàng 3D này, những người yêu bảo tàng và muốn tìm hiểu về cổ vật ở Việt Nam sẽ có những trải nghiệm mới. Đồng thời qua dự án này, các nhà quản lý hy vọng sẽ thu hút được nhiều hơn sự quan tâm của công chúng với bảo tàng.

Chị Thúy Hà nói: “Người xem được bổ sung những thông tin cô đọng, súc tích về nguồn gốc, xuất xứ, niên đại… của từng hiện vật; những bài nghiên cứu, những đoạn video… minh họa sinh động cho phần trưng bày 3D mà ở phần trưng bày thực tại chưa đáp ứng được. Những công nghệ xử lý hiện đại nhất cho phép bạn xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết của những cổ vật tuyệt đẹp, cảm nhận từng vết rạn, thậm chí phát hiện những chi tiết vô cùng tinh tế mà nếu thưởng thức tại bảo tàng thực sẽ không dễ được trải nghiệm. Bảo tàng ảo 3D cũng cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter nhằm kết nối những người yêu bảo tàng trên toàn cầu”.

Bảo tàng “ảo” sẽ “xóa sổ” bảo tàng thật?

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết sẽ tiếp tục đầu tư vào công nghệ 3D trong thời gian tới. Hiện tại, do mới triển khai nên bảo tàng 3D mới có 2 chuyên đề với số lượng hiện vật còn ít ỏi.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự ra đời của bảo tàng 3D với những đặc điểm hoàn hảo hơn hẳn bảo tàng ngoài đời về mặt thông tin nên đây cũng có thể là nguyên nhân khiến người xem càng “lười” đến bảo tàng thật.

Tuy nhiên, chị Thúy Hà cho biết, hoàn toàn không thấy lo ngại về “hậu quả” nói trên. Theo chị Hà, chính bảo tàng 3D sẽ là sự hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thực vì các thông tin trên bảo tàng 3D sẽ càng gợi trí tò mò cho người xem khiến họ muốn đến bảo tàng ngoài đời để xem xét thực tế. Hơn nữa, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cũng sẽ chỉ dành một số hiện vật để đưa vào dữ liệu trên bảo tàng 3D mà không phải là toàn bộ.

Hoàng Phương
http://hn.giadinh.net.vn/van-hoa/tham-bao-tang-ngay-trong-nha-cua-minh-20130819104848807.htm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét