TS Tô Văn Trường phỏng vấn TS Vũ Quang Việt về GDP
Ở Việt Nam, phải thấy là rất tốn kém khi phải chi cho hơn 60 cục thống kê, và hàng loạt thống kê quận huyện cấp dưới, nhưng những con số là kết quả của công việc khi đưa ra thì không ai tin nổi.
Ảnh TL (minh họa)
Tại hội nghị của ngành kế hoạch – đầu tư tổ chức ở TP. Đà Nẵng ngày 7.8.2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn chỉ ra rằng cách tính tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Thủ tướng chỉ thị phải sửa đổi cách tính GDP cho phù hợp với thông lệ chung của quốc tế.Người dân biết rất rõ, cách tính GDP từ trước đến nay là sản phẩm của tư duy nhiệm kỳ, bệnh thành tích, và hạn chế về chuyên môn của những người có trách nhiệm nhưng khó hiểu vì sao Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng phải chờ đến tận năm 2018 mới thực hiện đề án “Đổi mới quy trình tính biên soạn chỉ tiêu GDP cho các địa phương”?
Để rộng đường công luận, Một Thế Giới giới thiệu bài phỏng vấn tiến sĩ Vũ Quang Việt (ảnh dưới), nhà kinh tế gốc Việt đã từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Liên hiệp quốc, đã có nhiều công trình nghiên cứu và đóng góp cho tư duy kinh tế Việt Nam. Bài phỏng vấn này do tiến sĩ Tô Văn Trường thực hiện.
TS Tô Văn Trường: Theo tôi hiểu, nếu từng tỉnh tính GDP thì về nguyên tắc để có thể làm đúng, họ phải hành xử như một nước, kể cả thương mại giữa các tỉnh phải coi giống như thương mại giữa hai nước. Điều này là không thể. Anh có thể giải thích rõ hơn về các cách tính GDP?
TS Vũ Quang Việt: Có 3 cách tính GDP. Nói nôm na là: 1) Cộng thu nhập của các thành phần kinh tế lại; 2) Cộng chi tiêu cuối cùng của các thành phần kinh tế lại; và 3) Lấy giá trị sản xuất trừ đi chi phí sản xuất rồi cộng lại.
Cả 3 cách làm nói trên theo nguyên tắc phải bằng nhau. Nếu có sự sai biệt lớn thì phải xem xét lại số liệu và có thể phải thay đổi toàn bộ cách thu thập thông tin. Tính cho cả nước hay cho tỉnh cũng thế. Ngoài ra, nếu tính thêm các cân đối tài chính, để xem xét vay mượn nước ngoài, thì lại có thêm 1 phương pháp khác kiểm tra tính toán của 3 phương pháp trên.
Việt Nam hiện nay, chủ yếu dựa vào phương pháp thứ 3. Ở Trung ương thì còn có một số cách để kiểm tra nhưng ở tỉnh dùng phương pháp này thì lấy gì để kiểm tra tính chính xác?
Ngay cả việc kiểm tra so sánh giữa Trung ương và địa phương bằng cách cộng các địa phương lại cũng rất ít khi được làm, có lẽ vì ai cũng biết rõ sự khác biệt rất lớn, và mọi người đều cố tính lờ đi, và sử dụng số liệu ở địa phương như sự thật.
TVT: Vấn đề làm thống kê thì có đưa lên dư luận cũng không giải quyết được vì là vấn đề chuyên sâu và tổ chức. Trên thế giới, trừ vài nước bị ảnh hưởng của Liên Xô trước đây như Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Việt Nam và Trung Quốc việc thu thập và biên soạn thống kê là do trung ương làm. Không có cái gọi là cục thống kê tỉnh. Xin Anh cho biết một số bài học kinh nghiệm về tính GDP của các nước trên thế giới?
VQV: Việc tính GDP, RGDP theo giá thực tế hay giá so sánh ở Mỹ đều do Bureau of Economic Analysis (Phòng/Cục Phân Tích Kinh tế Liên Bang) tính. Họ tính cho cả liên bang, bang và các vùng đô thị. Việc thu thập thông tin cho liên bang và các bang đều do Cục Thống kê (Bureau of Census) đảm nhiệm. Hai cục này độc lập nhau vì ở Mỹ họ coi việc tính GDP là phân tích.
Ở Canada, thì việc tính là do Cục Thống kê Canada (Statistics Canada) thu thập và tính cho từng bang và từng tỉnh. Pháp cũng làm như thế.
Một số nước ở châu Âu như Hà Lan họ làm rất đơn giản là lấy GDP của cả nước phân bổ từng ngành xuống địa phương bằng tỷ lệ lao động (tính theo giờ), có nơi có điều chỉnh khác biệt về năng suất lao động. các nước khác như Đức thì cũng dùng phương pháp đó, nhưng cách thực hiện phức tạp hơn.
Khi tính GDP, RGDP theo giá cố định cho từng tỉnh thì có hai cách:
1. Đưa về giá cố định mọi hoạt động của từng địa phương rồi cộng lại để có cho cả nước. P là chỉ số giá. (X1/P1) + (X2/P2) = (X1+X2)/P. Đây là cách Canada làm. Cách làm này thì không cần chỉ số giá cho cả nước. P cho cả nước là chỉ số giá gián tiếp được rút ra sau khi có GDP theo giá hiện hành và GDP theo giá cố định.
2. Tuy nhiên, nếu chỉ số giá cả nước không dựa vào nguyên tắc theo cách làm thứ nhất nói trên mà dựa vào quyền số đã định trước đó và không còn chính xác vào lúc tính GDP thì có sự khác biệt giữa tổng RGDP và GDP theo giá cố định.
Như vậy, phải điều chỉnh cho bằng nhau. Tuy nhiên, ít có nước điều chỉnh, mà sự khác biệt được coi là sai số thống kê. Nếu sai số hơn 5% thì họ phải xét duyệt toàn bộ lại phương pháp cũng như cách thu thập thống kê. Khi xem xét so sánh, không phải đợi đến lúc có RGDP, tổng hợp lại, rồi mới xem xét. Cần phải xem xét ngay trong giai đoạn thực hiện từng ngành hoạt động vì mỗi ngành có những vấn để riêng của nó, nhất là dịch vụ có tính lưu động như xây dựng, thông tin, vận chuyển, tín dụng ngân hàng (có trụ sở ở một nơi nhưng lại phục vụ khách hàng ở địa phương khác ...). Như vậy, chúng mang tính xuất nhập khẩu.
Có thể nói nếu dùng phương pháp như trên, cách tính sẽ phức tạp vì như Việt Nam thì cần giá của từng sản phẩm (hoặc nhóm sản phẩm) cho hơn 60 tỉnh. Điều này không cần thiết với những hàng hóa và dịch vụ được tự do giao lưu, đưa đến sự khác biệt có thể lớn về mức giá (do chuyên chở và phí thương nghiệp) nhưng lại ít khác biệt về thay đổi chỉ số. Ngay cả ở Mỹ, khi tính RGDP theo giá cố định, họ cũng dùng cùng chỉ số giá cả nước nhưng áp dụng cho từng sản phẩm chi tiết nhằm bảo đảm kết quả đại diện cho cơ cấu sản xuất của bang, tuy rằng vẫn có thiếu sót là chúng không đại diện cho sự khác biệt về giá.
Nói như thế để thấy rằng các nước đều phải cân nhắc các yếu tố sau khi quyết định phương pháp sử dụng: chi phí phải trả để thu thập thống kê, độ chính xác cần thiết của thống kê, và thời gian cần thiết để có kết quả.
Ở Việt Nam, phải thấy là rất tốn kém khi phải chi cho hơn 60 cục thống kê, và hàng loạt thống kê quận huyện cấp dưới nhưng những con số là kết quả của công việc khi đưa ra thì không ai tin nổi.
TVT: Anh bạn tôi đố ai giải thích thuật ngữ "lương" của Việt Nam cho người nước ngoài hiểu được. Khái niệm này lại cũng không giống ai. Lương chắc có ảnh hưởng tác động như GDP. Anh có gợi ý gì về cách tính lương để các thống kê của Việt Nam được quốc tế hóa ?
VQV: Hệ thống tài khoản quốc gia của LHQ đã lý giải điều này từ lâu rồi. Hệ thống không dùng thuật ngữ “lương” (wages and salaries) mà dùng thuật ngữ thu nhập người lao động (compensation of employees), chúng bao gồm lương, phụ cấp, tiền thưởng, chi phí sức khỏe giáo dục mà nơi làm việc phải trả cho lao động và gia đình, chi phí hưu trí mà nơi làm việc phải trách nhiệm chi trả sau khi người làm việc đã về hưu.
Tính chi phí hưu trí này là phức tạp nhất. Và theo tôi hiểu, những chi phí mà lao động đã đóng vào quĩ hưu trí trong khu vực nhà nước là không đủ để trả cho người hưu trí sau này và ngân sách sẽ phá sản.
Như thế, nếu chỉ tính tiền hưu hiện đang đóng góp vào thu nhập lao động thì GDP nhỏ hơn mức nó phải là. Hay nói một cách khác, việc tính không đúng như thế đã làm cho chi phí khu vực công hiện nay bé hơn là sự thực.
Ngoài ra, có rất nhiều cái trong khu vực công hiện nay được coi chi phí dịch vụ (từ tham nhũng đến công trình nghiên cứu), nhưng thực ra là chi cho lao động.
TVT: Như vậy Anh có thấy Việt Nam cần cả một hệ thống to lớn để tính toán thống kê từ trung ương tới địa phương như hiện nay không? Và Anh đánh giá lợi hại như thế nào?
VQV: Nhiều người cho rằng cần phân quyền xuống địa phương thay vì tập trung hóa. Họ cần thống kê để điều hành ngân sách, làm kế hoạch phát triển. Nhưng thực tế ngược lại thế, con đẻ của hệ thống kê tới tận quận huyện và trước đây là xã là con đẻ của hệ thống kê hoặc tập trung, khi ông chủ ở phía trên muốn biết tận cái đinh, hạt gạo để ra lệnh và phân chia kế hoạch. Hệ thống này không cần trong một nền kinh tế phân quyền như tôi đã nói qua về cách làm ở Mỹ, Canada, Đức, vv...
Xưa nay, Cục thống kê các tỉnh vẫn dựa vào mẫu báo cáo của Tổng cục thống kế để thực hiện cho nên các sai lầm vừa qua, các con số ảo GDP có trách nhiệm của cả người quản lý và nhà chuyên môn ở trung ương và các địa phương.
Hiện nay ở Việt Nam, khi RGDP cộng lại theo giá thực tế thì sự khác biệt cũng lớn nhưng ít hơn khi cộng lại theo giá cố định. Điều đó, dẫn đến tốc độ tăng trưởng, khi tổng hợp các tỉnh lại, là trên 10% , trong khi kinh tế cả nước chỉ tăng khoảng 5-7%.
Tình hình tự lập của các tỉnh từ thống kê, ngân sách đầu tư bằng quyền phát hành trái phiếu, nhất là ra nước ngoài có lẽ sẽ dẫn đến sự phá sản kinh tế của cả nước vì cứ nhìn thống kê như hiện nay thì biết rõ rằng tính bịa đặt của địa phương sẽ như thế nào trong tương lai.
Nhưng Việt Nam có sẵn sàng chấp nhận nguyên tắc tự lập khi một thành phố rơi vào phá sản như ở Mỹ không? Nhiều thành phố ở Mỹ đã biến mất trên bản đồ vì không ai có nhiệm vụ phải cứu (họ tự lập). Một số thành phố ở Mỹ cũng đang phá sản.
GDP và lương của người lao động có mối quan hệ nhân quả. Detroit là một trong những thành phố lớn nhất của Mỹ đã và đang giảm dân số mạnh từ 1 triệu 800 ngàn người xuống còn khoảng 700 ngàn. Các công ty lớn về xe hơi như GM, Ford và các công ty phù trợ cũng bỏ đi, do đó, người dân cũng bỏ đi tìm nơi khác có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
TVT: Tôi không phải chuyên gia về kinh tế, chỉ vì yêu thích môn triết học và kinh tế nên hay tìm đọc các thông tin tư liệu ở trong và ngoài nước để ngẫm suy. Theo tôi biết Trung Quốc đã in cuốn sách của TS Vũ Quang Việt về quy trình biên soạn cách tính các chỉ tiêu về GDP. Tôi không hiểu vì sao Việt Nam phải chờ mãi đến năm 2018 mới thực hiện công việc đã biết sai nhưng lại chậm sửa?
VQV: Thông thường chỉ cần 6 tháng hay cùng lắm khoảng 1 năm là Tổng cục thống kê có thể tính thay cho các tỉnh. Nguyên nhân chậm trễ có thể do vấn đề tế nhị là lâu nay các tỉnh vẫn dựa vào chỉ số GDP để báo cáo thành tích. Ngoài ra, trình độ chuyên môn của những người có trách nhiệm chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế.
Xưa nay, Cục thống kê các tỉnh vẫn dựa vào mẫu báo cáo của Tổng cục thống kế để thực hiện cho nên các sai lầm vừa qua, các con số ảo GDP có trách nhiệm của cả người quản lý và nhà chuyên môn ở trung ương và các địa phương.
Cần phải thay đổi cách tính GDP càng sớm càng tốt vì nó tác hại không chỉ đến vấn đề đầu tư công dàn trải, lãng phí, không hiệu quả mà còn tác động xấu đến các quyết sách về chiến lược phát triển kinh tế của đất nước và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với quốc tế.
TVT: Xin cám ơn TS Vũ Quang Việt
TS Tô Văn Trường thực hiện
(Một Thế Giới)
http://motthegioi.vn/kinh-te/tran-tro-voi-gdp-99472.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét