Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Việt Nam: Chưa giàu đã già, lại nợ đầm đìa

Mỗi khi đọc những bài thế này mình hay nhớ lại bài viết cũ năm 1996 của mình nay không còn nữa. Bài đó dài 40 trang với tiêu đề "Việt Nam: Chưa thành rồng đã kiệt sức", để đáp lại cuốn sách của nhóm giáo sư Harvard: "Việt Nam: Theo hướng rồng bay". Sau này mình cùng GS Phạm Đỗ Chí khởi xướng làm 3 hội thảo và bộ sách "Việt Nam: Đánh thức con rồng ngủ quên". Khi làm mình đã nghĩ Việt Nam sẽ chả bao giờ thành rồng chứ chưa nói tới chuyện đã là rồng và đang ngủ, nhưng mọi người hy vọng vẫn có thể đánh thức con rồng Việt Nam đang ngủ quên trong hơn 200 năm qua. Xem thêm: Việt Nam năm Giáp Ngọ: Con ngựa gỗ
Chưa giàu đã già, lại nợ đầm đìa
So sánh Việt Nam với các nước trên thế giới về ba chỉ tiêu: thu nhập trung bình, tỷ lệ dân số già, và quy mô nợ công cho thấy Việt Nam khó tránh khỏi bẫy của quốc gia chưa giàu đã già, lại nợ nần nhiều. Việt Nam nằm ở nhóm có thu nhập thấp nhất nhưng lại có tỷ lệ dân số già cao hơn hẳn các nước trong nhóm, và lại có tỷ lệ nợ công cao không chỉ so với các nước trong nhóm mà thậm chí so với nhiều nước phát triển có thu nhập rất cao khác.

Rồng VN: Già, bụng phệ
Sẽ phải tăng thuế để trả nợ công?
Nợ công xét cho cùng cũng là nợ của người dân, tức cuối cùng người dân cũng phải “rút hầu bao” để trả các hóa đơn nợ cho Chính phủ thông qua các khoản thuế mà người dân phải nộp.
Trong tương lai khi các khoản nợ này đến hạn buộc Chính phủ phải tăng thuế để có nguồn thu trả nợ hoặc nếu không sẽ phải cắt giảm các khoản chi khác mới có tiền trả nợ.



Nếu các khoản chi thường xuyên là thứ tối thiểu để duy trì sự vận hành bình thường của bộ máy hành chính – mà thực tế ở Việt Nam đang ngày càng một phình to hơn và sẽ còn có nguy cơ phình to nữa – thì việc cắt giảm chi tiêu sẽ phải lấy từ chi đầu tư phát triển.

Hiện tượng này được gọi là sự chèn lấn đầu tư công do gánh nặng nợ công quá mức. Điều này đặt ra một thách thức rất lớn cho tăng trưởng trong tương lai nhìn ở góc độ chi cho đầu tư công. Nếu như trong định hướng tái cấu trúc đầu tư, Chính phủ đặt mục tiêu giảm dần vai trò của đầu tư công thì động lực tăng trưởng chủ yếu lúc đó sẽ đặt vào đầu tư của khu vực tư nhân. Nhưng với mức nợ công quá cao như hiện nay thì ngay cả đầu tư tư nhân cũng bị chèn lấn chứ không riêng đầu tư công.

Nợ công cao sẽ tiềm ẩn rủi ro vỡ nợ lớn và do vậy mà nhà đầu tư buộc phải yêu cầu một khoản bù đắp rủi ro tương xứng. Khoản bù đắp rủi ro này sẽ được cộng vào lãi suất trái phiếu khiến cho việc đi vay của Chính phủ trở nên đắt đỏ hơn. Mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế cũng sẽ tăng lên khiến cho tư nhân đi vay cũng gặp khó khăn, làm giảm động cơ đi vay do tỷ suất lợi nhuận của các dự án đầu tư lúc này sẽ không còn hấp dẫn hoặc thậm chí không có hiệu quả.

Các nhà đầu tư sẽ không có động cơ mở rộng quy mô đầu tư, họ chủ yếu duy trì hoạt động nếu như không muốn nói là có thiên hướng thu hẹp sản xuất. Sự bi quan về môi trường kinh doanh còn thể hiện ở chỗ các nhà đầu tư cũng như người dân sẽ kỳ vọng rằng trong tương lai Chính phủ sẽ phải tăng thuế để có nguồn tiền trả nợ. Bản chất của việc tăng thuế để trả nợ công chính là việc Chính phủ, với đặc quyền của mình, buộc người dân phải “trả nợ thay” cho Chính phủ. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu chính phủ thì điều này cũng có nghĩa là họ bị buộc phải “giảm nợ” cho Chính phủ.

Nói khác đi, với chính sách tăng thuế trong tương lai, Chính phủ sẽ lấy đi một phần thu nhập của người dân để trả các khoản nợ công. Nếu lấy quy mô nợ công hiện nay, khoảng 83 tỉ đô la Mỹ, chia cho dân số gần 90,7 triệu người, thì tính ra mỗi người dân đang gánh số nợ công tương đương 910 đô la Mỹ, tức xấp xỉ 55% thu nhập một năm. Tất nhiên việc so sánh này cũng chỉ có ý nghĩa tương đối vì nợ sẽ phải trả làm nhiều đợt trong tương lai và khi đó người dân sẽ kỳ vọng kiếm được thêm thu nhập.

Như vậy, điều quan trọng ở đây chính là khả năng người dân có kiếm được thêm thu nhập để chi tiêu và tích lũy trả nợ hay không.

Làm sao tăng thu nhập khi đã về già?

Xét về nhân khẩu học, từ năm 2007, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn được gọi là cơ cấu dân số vàng. Theo định nghĩa của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), dân số vàng được hiểu là giai đoạn dân số khi có hai người trong độ tuổi lao động mới có một người trong độ tuổi phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 60 tuổi). Còn cơ cấu dân số già (còn gọi là già hóa dân số) được chia thành hai giai đoạn: khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt 10% hoặc người từ 65 tuổi trở lên đạt 7% thì gọi là dân số đang già. Còn khi tỷ lệ này lần lượt đạt 20% và 14% thì là giai đoạn dân số đã già.



Thế nhưng lợi thế này có vẻ như đã hoặc có khả năng không được Chính phủ Việt Nam tận dụng và khai thác hiệu quả cho chính sách công nghiệp hóa của mình. Điều đáng quan tâm là hiện Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn dân số già hóa với tốc độ nhanh hơn bất cứ một quốc gia nào trên thế giới. Nhiều nghiên cứu ước tính Việt Nam sẽ cần khoảng 25-30 năm để chuyển từ dân số vàng sang già hóa dân số, thậm chí có thể chỉ khoảng 15 năm, trong khi nhiều nước như Pháp hay Thụy Điển lần lượt là 115 và 70 năm.

Tình trạng này không chỉ đặt ra thách thức cho Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách hưu trí cho người dân, từ đó làm tăng gánh nặng lên chi tiêu ngân sách như đã nói, mà còn là nguy cơ thiếu hụt lực lượng lao động, đặc biệt là lao động có năng suất cao cho chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á – Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. Điều đáng chú ý là tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam lại có xu hướng giảm. Nếu trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% một năm thì từ năm 2008 tốc độ tăng năng suất lao động trung bình chỉ còn 3,3% một năm. So sánh Việt Nam với các nước trên thế giới về ba chỉ tiêu: thu nhập trung bình, tỷ lệ dân số già, và quy mô nợ công cho thấy Việt Nam khó tránh khỏi bẫy của quốc gia chưa giàu đã già, lại nợ nần nhiều.

Như hình A cho thấy, năm 2013 Việt Nam ở cùng nhóm thu nhập với các nước như Lào, Campuchia, Ấn Độ, Philippines, Indonesia, tức các nước thuộc nhóm thu nhập trung bình từ 3.000-5.000 đô la Mỹ (tính theo ngang bằng sức mua PPP). Tuy nhiên, trong số nhóm nước này thì Việt Nam là nước có tỷ lệ dân số già cao nhất, khoảng 7% dân số trên 65 tuổi, trong khi Lào và Philippines chỉ là 4%; Campuchia, Indonesia, Ấn Độ chỉ 5%. Trong số các nước này thì có lẽ chỉ trừ Ấn Độ, còn lại thì Việt Nam đều có tỷ lệ nợ công trên GDP cao hơn.

Trong khi đó, Brazil cũng có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi như Việt Nam, và dù có tỷ lệ nợ công cao hơn đôi chút (67% so với 55% GDP), song thu nhập của nước này lại cao gấp hơn ba lần của Việt Nam. Đặc biệt, Brunei và Malaysia có tỷ lệ dân số trên 65 tuổi lần lượt chỉ 4% và 5% nhưng lại có thu nhập cao hơn hẳn Việt Nam, lần lượt gấp 15 và 5 lần; trong khi tỷ lệ nợ công cũng tương đương Việt Nam như đối với Malaysia hay thậm chí là rất thấp như đối với Brunei (chỉ 2,5% GDP).

Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc và rất nhiều nước phát triển khác có tỷ lệ dân số già lớn hơn Việt Nam nhưng lại có thu nhập cao hơn hẳn. Trong số các nước này thì Trung Quốc, Thái Lan, Chile, Nga, Hàn Quốc, hay thậm chí là Úc, Thụy Sĩ, Thụy Điển… đều có tỷ lệ nợ công thấp hơn so với Việt Nam. Singapore là nước có tỷ lệ nợ công cao nhất nhưng lại là nước có thu nhập cũng cao nhất trong số các nhóm nước được so sánh ở đây. Tương tự, Nhật Bản là nước có tỷ lệ nợ công cao nhất và cũng là nước có tỷ lệ dân số già lớn nhất, song cũng là một nước có thu nhập thuộc nhóm cao trên thế giới.

Việt Nam đang lẻ loi

Đặt Việt Nam vào trong bức tranh này để thấy rằng có quá nhiều rủi ro và thách thức đối với gánh nặng nợ công và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai. Xét trong mối quan hệ về thu nhập, già hóa dân số và tỷ lệ nợ công, thì Việt Nam đang nằm “lẻ loi” trong bức tranh so sánh. Tuy nhiên, sự “lẻ loi” của Việt Nam lại rất khác so với sự “lẻ loi” của Brunei, Singapore hay Nhật Bản như đã phân tích. Việt Nam nằm ở nhóm có thu nhập thấp nhất nhưng lại có tỷ lệ dân số già cao hơn hẳn các nước trong nhóm, và lại có tỷ lệ nợ công cao không chỉ so với các nước trong nhóm mà thậm chí so với nhiều nước phát triển có thu nhập rất cao khác.

Nguy hiểm hơn, như những gì đã phân tích, có khả năng vị trí của Việt Nam sẽ càng có xu hướng dịch chuyển về phía Đông – Đông Bắc (xem hình A, tức mức độ già hóa dân số nhanh hơn so với tốc độ gia tăng thu nhập) trong điều kiện nợ công tiếp tục phình to nhanh chóng, sang một vị trí “lẻ loi” mới. Rõ ràng, Việt Nam không bao giờ muốn mình ở vào một vị trí “ngoại lệ” kiểu như vậy. Xu hướng này có nguy cơ đưa Việt Nam rơi vào cái bẫy được gọi là “chưa giàu đã già, lại nợ đầm đìa”. Muốn thoát khỏi chiếc bẫy này, lựa chọn duy nhất đúng là Việt Nam cần phải có các quyết tâm và nỗ lực cải cách kinh tế mạnh mẽ và triệt để hơn nữa so với những gì đã và đang làm như hiện nay, đặc biệt đối với khu vực ngân sách và đầu tư công.

Việt Nam nằm ở nhóm có thu nhập thấp nhất nhưng lại có tỷ lệ dân số già cao hơn hẳn các nước trong nhóm, và lại có tỷ lệ nợ công cao không chỉ so với các nước trong nhóm mà thậm chí so với nhiều nước phát triển có thu nhập rất cao khác.

Đỗ Thiên Anh Tuấn (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright)
Theo TBKTSG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét