Chủ Nhật, 24 tháng 8, 2014

Tranh cãi nảy lửa về giọng nói của BTV thời sự

Tranh cãi nảy lửa về giọng nói của BTV thời sự
- Bản tin thời sự có sự xuất hiện BTV nói giọng Huế đã thu hút rất nhiều ý kiến phản hồi, bàn luận sôi nổi. Không nên địa phương hóa Đài Truyền hình Quốc gia / BTV Thời sự nói giọng Huế gây tranh luận cộng đồng mạng
BTV của Đài truyền hình quốc gia thì phải chuẩn
Sau Hoài Anh, có thêm nhiều BTV nói giọng Nam xuất hiện trên sóng VTVBản tin thời sự 12h ngày 6/8 với sự xuất hiện của BTV Anh Phương nói tiếng Huế trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi. Người khen vì cái lạ, người chê vì sự lệch chuẩn thông thường. Đặc biệt, ý kiến mới đây của NSƯT Kim Tiến, PTV kỳ cựu của VTV càng thổi bùng lên tranh luận trái chiều về chuyện 'địa phương hóa' giọng nói của các BTV trên sóng truyền hình quốc gia.

"Theo tôi, Đài truyền hình Việt Nam nên thường xuyên có những chương trình thời sự của địa phương do các địa phương làm để người dân được biết thêm tiếng địa phương nhưng người dẫn chương trình chung nên dùng giọng chuẩn (tạm gọi là giọng Bắc hoặc giọng Hà Nội như hiện nay). Lý do tại sao lại dùng giọng Bắc vì mọi người thấy hầu hết các bạn thi âm nhạc, hát tại các tỉnh thành dù là người Huế, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình thuận hay người Miền Nam cũng đều hát giọng Bắc đó thôi. Có ai hát giọng địa phương đâu trừ khi hát bài dân ca. Không phải giọng Bắc là chuẩn mực hơn giọng khác nhưng nó phổ biến hơn nên cũng nên lấy đó làm chuẩn", độc giả Huy nêu quan điểm.

Độc giả Thái Hương cho rằng: "Mình dân Nghệ nhưng cũng thấy không hợp lí. Nên nhớ VTV cho cả nước và người Việt ở nước ngoài, thậm chí người nước ngoài cũng theo dõi. Nói giọng đó sao họ nghe?".

Đồng quan điểm, độc giả có nickname Trần nói: "Không phải là phân biệt vùng miền nhưng chương trình thời sự vào lúc 19 giờ nên chọn các BTV nói giọng Bắc chuẩn, còn với chất giọng nói "rề rà" thì nên để vào tiết mục đọc chuyện "đêm khuya" thì hợp lý hơn".

Độc giả Phạm Văn Hiệp gửi ý kiến: "Người xưa có câu: 'Nhân bất thập toàn'. Nói cho cùng là không ai phát âm chuẩn cả, muốn chuẩn thì phải học hỏi, sửa chữa, rèn luyện mới có được. Khi làm công việc BTV của Đài truyền hình quốc gia thì phải chuẩn, nhất là báo nghe thì phải phát âm chuẩn. Tiếng Việt chúng ta rất giàu và đẹp, cho nên mỗi một người Việt đều phải có trách nhiệm làm cho nó đẹp hơn, chứ đừng làm méo mó nó.

Trước đây có BTV Hoài Anh phát âm nghe được, gần đây có Trần Long trong bản tin tài chính trưa là nghe rất hay, rõ ràng. Người khó tính đến mấy nghe Trần Long phát âm cũng rất hài lòng.

Còn lại, phần lớn BTV của Đài phát âm sai nhiều quá. Ví dụ: BTV phát âm không chịu phân biệt âm tr, ch; âm d, gi, r,... Còn về dấu thì dấu "hỏi" thì phát thành dấu "huyền". Ví dụ: "Kính chào quý vị khán "già" ; "câu hòi"; Boeing 777 phát thành "bày bày bày"; Nguyễn Ngọc Hảo phát thành "Nguyễn Ngọc Hào"; lời rao phát thành "lời "giao"; hát sẩm phát thành "hát "sầm""; chính phủ Nhật Bản phát thành "Chính "phù" Nhật "Bàn". Nghe rất khó chịu".

"Theo tôi miền nào cũng được nhưng phát âm phải chuẩn. Không thể phát âm từ "ăn" thành "ăng" hay "xin chào quý vị và các bạn" thì phát âm là "xin chào quý vị và các bạng" như cô BTV người Huế", độc giả Sơn phản hồi.

Đài truyền hình Việt Nam nên có BTV của 3 miền

BTV Anh Phương trong bản tin thời sự nói giọng Huế gây tranh cãi

Độc giả Lê Dũng cho rằng: "Đài truyền hình quốc gia thì phải mang tính toàn quốc. Giọng Huế đại diện cho một vùng ngôn ngữ rộng kéo dài từ Nghệ An đến Huế. Có một BTV giọng Huế trong bản tin thời sự là hợp lý. Người vùng miền khác cũng nghe và hiểu thôi".

"Phải đa dạng hóa ngôn ngữ thôi. Không phân biệt Bắc, Trung, Nam mà điều quan trọng là phát âm truyền cảm tới người nghe và không mắc phải lỗi chính tả", độc giả Ngọc Bảo phản hồi.

Bạn đọc Bảo Thiên cùng quan điểm: "Các vùng Bắc, Trung, Nam của Việt Nam là 3 miền có phát âm đặc trưng riêng, việc Đài THVN chọn để phục vụ khán thính giả cả nước là tốt. Không có quy định nào về việc đài quốc gia thì phải giọng Bắc. Giọng Bắc hay nam hay Trung mà L, N, CH, Tr loạn cả lên thì đến Tây nghe còn cười cho!"

Độc giả Hải Sơn lại cho rằng: "Theo tôi, tiếng phổ thông của Việt Nam là tiếng Việt, vì vậy tất cả những ai phát âm bằng tiếng Việt (không ngọng) đều có thể làm nghề phát thanh và chúng ta không được phân biệt đối xử. Mặc dù mình không phải là người Huế nhưng mình rất thích nghe giọng bạn Anh Phương phát thanh trên truyền hình: Rõ ràng- rành mạch- tròn vành- rõ chữ- lại còn có duyên.

"Tôi thấy đài truyền hình Việt Nam nên có BTV của 3 miền là hay nhất vì đây là đài Việt Nam chứ không phải đài Hà Nội mà bắt buộc phải giọng Hà Hội. Công nhận giọng Hà Nội phát âm chuẩn hơn nhưng không phải từ nào cũng đúng. Đài truyền hình Việt Nam nên có cả giọng Bắc Trung Nam để các địa phương có thể dễ nghe tiếng của nhau hơn chứ lúc nào cũng Hà Nội thì những tiếng khác không ai nghe được à? Tôi thấy là người Việt Nam mà không nghe được tiếng của nhau là một điều cực kỳ tệ hại", độc giả có nickname Polytest viết.

Độc giả Phụng Vũ cho rằng nên thay đổi để thấy được sự thú vị trong ngôn ngữ: "Mình cũng đi rất nhiều nơi rồi, cô ấy nói tiếng Huế nhưng đã được phổ thông hoá cho nhẹ bớt để mọi người dễ nghe, chứ nói đặc giọng Huế thì nhiều người nghe không hiểu hết được. Cũng nên thay đổi đôi chút xem sao".

NSƯT Kim Tiến cho rằng không nên địa phương hóa Đài truyền hình Quốc gia 

HK (tổng hợp)

http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/193560/tranh-cai-nay-lua-ve-giong-noi-cua-btv-thoi-su.html


Ý kiến bạn đọc (45)
Nguyễn Văn Dũng11 giờ trước
Ở trên thấy nhiều bạn comment kêu như vậy là phân biệt vùng miền những theo cá nhân mình đâu phải vậy. Đã là thời sự của cả nước thì người ở vùng nào dẫn cũng được nhưng phải đủ khả năng và giọng nói phải chuẩn để tất cả mọi người cả nước hiểu.
Phạm Phương11 giờ trước
Tôi không bình luận về chuyện vùng miền nhưng xin gửi tới mọi người câu chuyện nhỏ: Con gái tôi năm nay lên 5 tuổi, cháu thường xem phim Đô-rê-mon trên trang youtube được lồng tiếng bởi giọng miền Nam. Khi kể lại nội dung phim cho bố, cháu gọi Đô-rê-mon là "Mèo mái" theo giọng thuyết minh, tôi chỉnh lại cháu là " Mèo máy" cháu không chịu. Tôi đã phải mất một thời gian rất lâu mới giải thích được cho cháu hiểu đúng "mái" hay là "máy". Gia đình tôi hiện đang sống ở Huế. 
Uy Vũ10 giờ trước
Tốt nhất nên chọn giọng nói ở đâu nhiều người hiểu được nhất làm chuẩn mực và không nên pha tạp, đặc biệt đối với người lên sóng chương trình thời sự. Trong trường hợp này ý kiến của bác Kim Tiến là chuẩn rồi!!
Nguyễn Hữu Phong10 giờ trước
Sách giáo khoa cũng chỉ có chuẩn một loại chữ viết thôi. Ngôn ngữ cũng nên thế. Ở đây đừng so bì vùng miền, làm vậy là để có một cái chuẩn nhất định trong ngôn từ cũng như chữ. Ví dụ trong sách giáo khoa không thể gọi cái bát ăn cơm là cái chén giống Miền nam được, con ngan chứ không phải là con vịt xiêm...
Nam10 giờ trước
Không phân biệt nhưng nghe mấy BTV miền trong nói khó nghe, MC miền nam nói rề rà không lưu loát. Nên lấy giọng chuẩn miền bắc. Bởi đây không phải đài của địa phương.
Thien Toan10 giờ trước
Đã là đài phát thanh, truyền hình Trung ương, đại diện cho Quốc gia thì phát thanh viên, biên tập viên phải nói: (phát âm, ngữ điệu) chuẩn Tiếng Việt như từ điển tiếng Việt! Hơn nữa, văn nói và văn viết khác nhau, thời gian qua, tôi thấy đôi khi văn nói trên truyền hình, phát thanh lại sử dụng văn viết. Nên sửa đổi cho chuẩn mực đi ạ. 
vương kiệt11 giờ trước
Tôi đồng tình với bạn hung. Thử hỏi, nếu nói chuẩn thì chữ S, X, Ch, Tr các bác nói sai nhiều lắm
Nguyễn Huy Kỳ11 giờ trước
Tiếng Việt giàu và phong phú lắm, không có giọng nói nào là chuẩn cả, miễn sao anh noi tiếng phổ thông, khi đọc lên ai cũng hiểu cả là OK rồi. Nếu nói giọng Hà Nội là chuẩn thì người miền Nam họ đâu có nghĩ vậy, cũng như một ...
Do Quyen11 giờ trước
Tôi nghĩ giọng nào cũng được miễn là dễ nghe, dễ hiểu và có đủ phong thái
xuanphuc11 giờ trước
Tôi đồng ý với ý kiến của bạn Nguyễn Văn. Các phóng viên của VTV đâu sao không lên tiếng những đi lấy tin bài ở miền Trung, miền Nam gặp khó khăn gì khi mình hỏi mà phải mấy giây sau người ta mới hiểu. Theo tôi nên có giọng nói cả 3 miền trên VTV.
hai11 giờ trước
Có tài liệu nào nói giọng Hà Nội là giọng chuẩn không? AI chứng minh hay tự hiểu với nhau. Nói làm sao tròn vần rõ chữ có người hiểu là tốt rồi. Sao lại cứ có quan điểm giọng miền này miền khác.
Nguyễn Tuấn Ngọc11 giờ trước
Nhân ngày Quốc Khánh 2/9 tôi nói thế này. Bác Hồ nói giọng Nghệ An, nhưng Bác nói rõ ràng từng câu , rõ từng chữ. Khi đọc bản tuyên ngôn Độc lập Bác có hỏi: Tôi nói đồng bào có nghe rõ không? thì hàng ngàn người đồng thanh trả ...
Lê Dương11 giờ trước
Nếu thủ đô vẫn nằm ở Huế thì lúc đó giọng chuẩn quốc gia là giọng gì nhỉ? Quốc gia này đâu chỉ có mỗi người Hà Nội hay người Bắc? Phân biệt như thế hoá ra quá coi thường các vùng miền máu thịt khác của đất nước. Thật đáng buồn!
vớ vỉn10 giờ trước
@Lê Dương: khổ quá, ông này vẫn chưa hiểu vấn đề.
Lê Văn Bảy11 giờ trước
Tôi không sống ở HN cũng không phải người HN nhưng HN là thủ đô cả nước là trung tâm Văn Hóa chính trị , Xã hội thì việc ngôn ngữ HN lấy làm phổ thông là đúng, đừng tranh luận với nhau vùng miền.
Đinh Hương11 giờ trước
Tôi không có ý nghĩ phân biệt vùng miền,nhưng nghe BTV Anh Phương nói mà tôi không hiểu bạn đó nói gì.Chương trình thời sự, hơn nữa lại là Đài THTU thì nên để BTV giọng phát âm chuẩn nói, việc đa dạng vùng miền đã có các Đài TH địa phương rồi.
Nguyễn Văn Lộc11 giờ trước
Nếu muốn đa dạng hoá tiếng nói địa phương thì phải cho cả tiếng nói các dân tộc vào ? Có nên hay không ? Theo tôi nên nghe theo ý kiến của Nghệ sỹ Kim Tiến.
sanu11 giờ trước
Vùng nào cũng được , miền nào cũng OK , miễn sao đọc cho rõ , phát âm đúng là được
Binh11 giờ trước
Theo các bạn giọng nào là giọng chuẩn. Chắc gì mọng miền Bắc(Hà Nội) là giọng chuẩn.
Nam10 giờ trước
@Binh: Bạn định lấy cái gì làm chuẩn? Chắc bạn muốn nói người miền Bắc phát âm không phân biệt Chờ-Trờ, Rờ-Dờ, Sờ-Xờ...là không chuẩn à? Bạn hiểu sai rồi, cách phát âm các chữ cái ấy do người Pháp quy định khi đưa chữ cái La tinh vào VN để thể hiện cách phát âm của người Việt. Không thể lấy quy định của người Pháp để phán xét cách phát âm của người Việt từ ngàn đời nay được 
Nguyễn Hữu Phong10 giờ trước
@Binh: vậy bạn hãy đọc một đoạn văn bằng tiếng Huế hay Nghệ An cho học sinh lớp 2 nghe, xong đọc bằng giọng chuẩn Hà Nội xem em học sinh đó hiểu được giọng nào nhiều hơn là biết liền...
Thaibinh11 giờ trước
Nghệ sĩ Kim Tiến nói đúng, phải tìm người giọng chuẩn.
Tuấn11 giờ trước
Dân chủ một cách thái quá! Đến phương Tây_Đài Quốc gia cũng phải lấy giọng Thủ đô làm chuẩn, Đài truyền hình quốc gia chứ có phải đài địa phương đâu, bác nào thích nghe giọng địa phương thì chuyển qua Đài địa phương mà nghe....
Sông Hương11 giờ trước
Không có tiếng Huế, chỉ có giọng Huế và Tiêng Việt thôi!
macvancau@gmail.com11 giờ trước
Nói vậy thì chỉ có người HN mới được làm BTV hay sao ? Theo tôi thì việc này quá buồn cười và trẻ con.
Mai Phạm11 giờ trước
Giọng miền nào cũng được miễn là phải rõ ràng ,mạch lạc. Tôi thích Hoài Anh.
nguyễn hoàng nam11 giờ trước
BTV đài quốc gia nên nói giọng chuẩn HN & SG, vi dụ khi HTV tuyển dụng đều yêu cầu phát âm giọng SG chuẩn. Chỉ có đài HN & SG phát thanh viên nói giọng chuẩn Hà Nội , Sài gòn. Hoài Anh phát âm không phải là giọng SG.
Nguyễn Khắc Minh12 giờ trước
Đài truyền hình Việt Nam không phải là đài địa phương?
Phan Ngọc Thanh11 giờ trước
Theo mình nên có thêm PTV có chất giọng người Quảng Nam nữa. Vì Chất giọng này đại diện cho khu vực từ Đà Nẵng trở vào đến Khánh Hòa, đồng bào ở đây sẽ rất tự hào khi được góp thêm giọng nói quê mình trên sóng VTV.
Binh11 giờ trước
@Nguyễn Khắc Minh: Không phải là đài địa phương, nhưng đại diện cho mọi miền của đất nước. Vì vậy, nên sử dụng nhiều BTV của nhiều địa phương để làm phong phú chương trình. Tại sao chỉ có giọng miền Bắc mà không phải là miền Nam hay miền Trung? Miền nào giọng cũng chuẩn hết.
dào văn12 giờ trước
cho cả tiếng Quảng Nam cho phong phú
Sơn12 giờ trước
Ủng hộ chủ trương của VTV.
hung12 giờ trước
Không có chuyện phân biệt giọng nói vùng miền mà chỉ có đúng hay sai về phát âm và ngữ điệu mà thôi. Đã phát âm đúng thì ai cũng nghe được hết dù là giọng ở đâu cũng vậy thôi chứ đừng nói giọng Hà Nội phổ thông hơn thì ...
vớ vỉn11 giờ trước
@hung: thế nào gọi là đúng? Với ngôn ngữ thì "đúng" nhiều khi chính là "số đông".
Hạ11 giờ trước
@hung: Tôi đồng tình với ý kiến của Bạn !
trungdinhdinh12 giờ trước
không phải tranh cãi làm gì, BTV phát thanh và truyền hình là phải có giọng chuẩn là giọng Hà nội, phải rõ âm, tròn chữ, không có giọng địa phương nào khác cả, vì đọc phát thanh người nghe không nghe được hoặc không hiểu.
người miền Trung11 giờ trước
@trungdinhdinh: không nên phát biểu kiểu áp đặt như vậy. Không nên nói giọng HN là giọng chuẩn mà nên nói là giọng được nhiều người nghe và hiểu nhất.
Lisa Trương12 giờ trước
Mình thấy giọng Hà Nội cũng phát âm sai một số từ chứ có chuẩn hoàn toàn đâu ví dụ âm "ưu"thành "iu" như "ưu tiên" thành "iu tiên". Chữ "d" thành "gi" như tiêu dùng thành tiêu giùng...Vùng miền nào cũng phát âm sai một số từ nhất định.

1 nhận xét:

  1. Gịong miền Trung nói khó nghe quá, xin lổi sự thật mất lòng, như chử ĐU nói thành ĐỤ v.v..

    Trả lờiXóa