Không nên địa phương hóa Đài Truyền hình Quốc gia
Bản tin thời sự trưa 6/8, sự xuất hiện của BTV Anh Phương nói tiếng Huế trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam đã gây ra một cuộc tranh luận. Người khen vì cái lạ, người chê vì sự lệch chuẩn thông thường. Là phát thanh viên kỳ cựu của “nhà đài”, NSƯT Kim Tiến đã có những chia sẻ liên quan đến vấn đề này. BTV Thời sự nói giọng Huế gây tranh luận cộng đồng mạng / Kim Tiến: Giọng đọc huyền thoại trong nước mắt số phận
Lấy tiếng Thủ đô làm chuẩn
- Khi được nghe giọng Huế tại bản tin Thời sự của Đài truyền hình Việt Nam, bà cảm thấy như thế nào?
- Tôi không bày tỏ sự bất ngờ hay thán phục. Tôi cho rằng “nhà đài” không nên “mua” lấy sự phức tạp khi đưa thêm một giọng địa phương trên sóng quốc gia. Việt Nam có 54 dân tộc anh em với văn hóa và tiếng nói riêng, mang bản sắc văn hóa vùng miền. Với sự xuất hiện của tiếng miền Nam và giờ là tiếng miền Trung, trên Đài Truyền hình Quốc gia là điều dễ nhìn thấy. Nhà đài không nên địa phương hóa Đài Truyền hình Quốc gia bởi ở mỗi tỉnh đều có đài truyền hình địa phương vẫn đang hoạt động rất đều đặn. Đấy là chưa nói tới, nếu đi sâu vào nghề còn thấy nhiều phức tạp.
- Trước nay, chúng ta có lấy tiếng nói địa phương nào làm chuẩn không?
- Từ lâu nay, chúng ta luôn lấy tiếng Thủ đô (tiếng Hà Nội) làm chuẩn và dùng trên sóng phát thanh hoặc truyền hình quốc gia. Nhưng để phân biệt thế nào là tiếng Hà Nội cũng đã là cả câu chuyện dài trong khi tiếng nói này đang bị lai tạp. Tôi đã thấy có một số phát thanh viên nói giọng Bắc chứ không phải tiếng Hà Nội trên truyền hình bởi họ không được qua những khóa đào tạo, nói và đọc theo bản năng.
Khi nói điều này, tôi biết sẽ có những khán giả cho rằng tôi quá kỹ tính. Nhưng xin thưa rằng, việc này không thể đùa được. Nhà đài chọn phát thanh viên nói giọng Hà Nội chuẩn chính là đã truyền lại cho đời sau sự chuẩn mực trong phát âm tiếng Việt phổ thông. Con cháu chúng ta sẽ không thể biết được tiếng phổ thông phát âm như thế nào là chuẩn nếu chính các thế hệ đi trước không tạo nên quy chuẩn ngay trên Đài Truyền hình Quốc gia. Người làm báo hình, báo phát thanh ngoài việc đưa thông tin còn cần giữ gìn bản sắc ngôn ngữ tiếng Việt ngay từ những cái tin nhỏ nhất.
Nên chọn tiếng phổ thông nhất
- Nhưng cũng có khán giả đã phản hồi, họ thích sự phong phú về tiếng địa phương trên Đài truyền hình Quốc gia?
- Từ “phong phú” mà vị khán giả nói, theo tôi hiểu là họ muốn có nhiều tiếng nói địa phương. Như tôi đã nói, nếu tiếng miền Nam, miền Trung đã lên sóng thì sắp tới người dân tộc thiểu số nói tiếng Kinh cũng đòi hỏi tiếng nói của họ trên sóng truyền hình thì sao? Theo tôi, chúng ta nên xây dựng một nền tảng thống nhất bắt đầu từ chính “nhà đài”. Tôi không cho đó là cách làm phong phú Đài Truyền hình Quốc gia mà thực ra là một sự lãng phí. Với tiếng Huế, tiếng Sài Gòn đang lên sóng đều đặn, ai sẽ là người đứng ra khẳng định rằng phát thanh viên đó đang nói giọng Huế, giọng Sài Gòn chuẩn. Tôi chỉ dám nói rằng, các phát thanh viên này đang nói giọng miền Nam và miền Trung mà thôi.
- Vậy bà đặt ra tiêu chí nào cho các phát thanh viên?
- Tôi cho rằng, tính rõ ràng, mạch lạc bao trùm lên các loại hình báo chí từ báo hình, báo phát thanh đến báo mạng. Xét ở tiêu chí này, là người truyền thông, người đưa tin tức tới khán giả qua giọng nói thì phát thanh viên cần phải nói chuẩn tiếng phổ thông, phát âm, ngữ điệu phải thật đúng.
- Là phát thanh viên kỳ cựu, bà có kiến nghị nào với nhà đài không?
- Tôi cho rằng, lãnh đạo của Đài Truyền hình Việt Nam cần đứng trên lợi ích của quốc gia để lựa chọn việc nên hay không đưa tiếng địa phương trên Đài Truyền hình Quốc gia. Nền tảng đó phải được xây dựng giống như ngôi nhà xây trên nền tảng vững chắc chứ không phải xây trên cát. Khi đã mang tính đại diện cho một quốc gia thì “nhà đài” phải chọn tiếng phổ thông nhất để phát đi thông điệp trong và ngoài nước.
- Xin trân trọng cảm ơn NSƯT Kim Tiến!
Theo ANTĐ
Ý kiến bạn đọc (164)
Đào Sơn10 giờ trước
Tôi ủng hộ chon phát thanh viên Bắc, Trung, Nam luân phiên phát thanh trên Đài truyền, cũng như Đài Tiếng nói Việt Nam
Đinh Ngọc Trai10 giờ trước
Tôi nhất trí với nhà đài là nên có nhiều giọng vùng miền (3 miền đặc trưng), vì từ nhỉ tôi chỉ được nghe giọng Bắc bây giờ nghe giọng Nam, Trung thấy khó vì vậy cần phải mở rộng nhiều giọng để làm quen, đi xa đỡ bỡ ngỡ, lớp trẻ cũng được tiếp xúc ngay từ thủa nhỏ, tuy nhiên giọng phải đảm bảo chuẩn, dễ nghe, dùng từ phổ thông, giọng đọc truyền cảm, hình thức đẹp, trang phục phù hợp, trang điểm không cầu kỳ. các bạn chỉ cổ vũ cho giọng Bắc là không hợp lý vì đây là đài truyền hình Việt Nam chứ không phải truyền hình Hà Nội.
HHD10 giờ trước
Đúng, không nên địa phương hoá Đài truyền hình quốc gia. Ủng hộ phát thanh viên phải nói giọng chuẩn.
Hứa thị Ngọc Hà10 giờ trước
Tôi cũng đồng ý với ý kiến của chị Kim Tiến. Vấn đề là con cháu ta sau này còn có thể biết được đâu là giọng Việt nam chuẩn.
Trinh Xuan Quang10 giờ trước
Đài TH của TƯ cũng như các tỉnh có rất nhiều tiết mục vì vậy tuỳ tiết mục mà chọn các giọng đọc cho phù hợp. Tuy nhiên riêng chương trình Thời sự là chương trình mang tính chính thống quốc gia vì vậy tôi đồng ý với Kim Tiến “chọn phát thanh viên nói giọng Hà Nội chuẩn chính là đã truyền lại cho đời sau sự chuẩn mực trong phát âm tiếng Việt phổ thông. Con cháu chúng ta sẽ không thể biết được tiếng phổ thông phát âm như thế nào là chuẩn nếu chính các thế hệ đi trước không tạo nên quy chuẩn ngay trên Đài Truyền hình Quốc gia.”
tranminh10 giờ trước
Hãy giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt trên Đài truyền hình Quốc Gia nên bỏ tư tưởng vùng miền và lợi ích cá nhân.....
Lê mai Linh10 giờ trước
Tất cả các BTV, PTV ở các kênh truyền hình tiếng Việt đều nói tiếng Việt bằng giọng Huế, giọng Nam, giọng Bắc, chứ không nói tiếng Huế, tiếng Nam, tiếng Bắc đâu nhé nhà báo ơi.
vương kiệt11 giờ trước
Tôi là người nói giọng Bắc (quê Quảng Ngãi) nhưng tôi hoàn toàn phản đối cách giải thích của chị Tiến. Hiện nay trên đài truyền hình Trung ương rất nhiều giọng nói đâu phải Hà Nội chuẩn, nhiều khi còn bị "ỏn ẻn". Việc có nhiều giọng nói ở các miền khác nhau thì càng thêm phong phú cho nhà đài...Giọng của Hoài Anh trên đài rất được nhiều người ưa tích, các giọng nói của các vùng miền đều được miễn là dễ nghe, dễ hiểu..còn như thế nào là chuẩn thì cần phải xem lại?Có lần về quê ở Miền Trung khi nói chuyện bà con tôi đều nói sao chú nói chả nghe gì vậy? nên theo tôi chị Tiến cũng cần xem lại suy nghĩ của minh?
Phạm Văn Chì11 giờ trước
Đồng ý với chị Kim Tiến. Chúng tôi nghe Đài tiếng nói Việt Nam, sau này là nghe và xem Đại truyền hình VN từ những năm 50 của thế kỷ trước. Ngày trước vật chất kỹ thuật nghèo nàn nhưng nghệ thuật, trình bày rất phong phú, chuẩn mực. Bây ...
Nguyen Dinh Thang11 giờ trước
Hồi tôi mới ra miền bắc, nhiều lúc tôi không hiểu người ta đang nói gì vì họ nói quá nhanh.
Giọng nào11 giờ trước
Nếu chỉ có phát thanh viên nói giọng Hà Nội thì có phải là QUỐC GIA HÓA GIỌNG NÓI ĐỊA PHƯƠNG?
nguyen so11 giờ trước
tại sao nhà đài cứ mua cái vất vả cho mình,các giọng đọc mang âm sắc vùng miền không chuẩn khiến người nghe bức xúc.
Nguyễn Ngọc Tài11 giờ trước
Thế nào là giọng chuẩn Hà Nội, đã là quy chuẩn thì phải cân đo đong đếm được. Giọng nói của con người chỉ định tính chứ không định lượng được. Tóm lại cứ như hiện nay mà làm.
Thuy Duong11 giờ trước
Giọng Bắc, hay Trung, hay Nam mà dễ nghe còn đỡ. Có những phóng viên lên hình mà giọng thừa lưỡi, thiếu lưỡi như bị ngọng, thú thực là nghe ức chế không thể chịu nổi!
Hà Huyền11 giờ trước
Một số phát thanh viên phát âm tiếng Bắc rất kỳ, không liên quan đến cả chính tả đó ạ. Ví dụ:hưu - hiu, hươu - hiêu... thế này e "hỏng" hết khán giả nhí
Trần Thanh Tùng11 giờ trước
Cái chuẩn là do con người tự đặt ra. Chúng ta không nên quan trọng hoá vấn đề. Hơn nữa ngôn ngữ mang tính đại chúng do vậy nó nghiêng về số đông. Giọng miền Bắc, Trung, Nam đã tuân theo qui luật ấy! Cũng chính vì thế mà khi nghe 3 giọng đó mà quốc tế biết đến VN hình chữ S trải dài từ Bắc qua Trung và vào tận miền Nam. Nếu như ta quan trọng hoá giọng của một hoặc hai miền nào đó, có nghĩa là chúng ta vô tình địa phương hoá cho một vùng nhất định. Vậy sẽ mất đi ý nghĩa của một "đài quốc gia"! Bởi thiếu đi tính đại chúng, tính phổ biến vốn có của ngôn ngữ vì đài quốc gia hướng đến đối tượng khán, thính giả cả nước chứ không riêng gì chỉ "người Hà Nội"!
nguyenhung12 giờ trước
quá chuẩn, cái này là tiêu chuẩn của đài truyền hình cấp nhà nước trên toàn thế giới. Tôi đang có cảm giác, nhà đài mở rộng quá nhiều mảng, nhiều nội dung, nhiều kênh nên việc đầu tư cho phát thanh kênh VTV1 bị coi nhẹ. Cần tiếp thu ý ...
Phan Văn Toàn12 giờ trước
Tôi đồng tinh với Nghệ sỹ ưu tú Kim Tiến. Trên chương trinh thời sự mang tinh chính thống, Đài THVN nên chọn giọng đọc chuẩn của miền Bắc, đọc đúng chính tả, không nói nhầm lẫn giữa L với N, giữa Tr với Ch, giữa S với X,,, vân vân và v,v
c.nhung12 giờ trước
Mỗi quốc gia chỉ có một giọng nói phổ thông, đó chính là giọng người thủ đô, nước nào cũng vậy. ở VN giọng phổ thông là giọng người Hà nội. Tôi là người miền Trung nhưng tôi ủng hộ chị Kim Tiến. Đài THVN không nên đưa nhiều giọng nói vùng miền lên sóng quốc gia làm người ta không biết đâu là giọng nói phổ thông của VN.
Chị Kim Tiến nói rất đúng việc phải giữ tiếng chuẩn cho quốc gia VN trước hết để con cháu 54 dân tộc nghe đó để học chuẩn , sau nữa là người nước ngoài nghe và hiểu chuẩn . Tôi yêu tiếng Huế thiệt (nghe chị Thu Hiền hát giọng Huế hổng vô ) nhưng tiếng huế không diễn tả đúng dấu hỏi , ngã , sắc nên không làm chuẩn được .
Trả lờiXóaNghĩ rằng Trần Bình Minh cũng là tay thông minh. Qua sự việc này và nhiều sự việc khác của đài truyền hình Việt Nam, thì cu cậu cũng thường thôi. Bà Kim Tiến nói quá đúng , nhưng chắc gì đã được các con giời cho vào lỗ nhĩ .
Trả lờiXóaNói thật là giong Huế rât khó nghe, phát thanh viên phải để tât cả mọi người đều nghe được một cách rõ ràng chính xác , không phải vừa căng tai nghe vừa phải đoán ức chế lắm
Trả lờiXóa