Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Góc khuất đồi trụy của tiểu thuyết “đam mỹ”

Góc khuất đồi trụy của tiểu thuyết “đam mỹ”
(PetroTimes) - Ðam mỹ về cơ bản được hiểu là đam mê cái đẹp. Ðam mỹ phiên âm là danmei (tan mây), tiếng Nhật gọi là tanbi. Tiểu thuyết “đam mỹ” đang ngày càng phát triển với tốc độ chóng mặt, xuất hiện công khai trên thị trường sách Việt.
Ðiều đáng nói là dòng sách này thản nhiên cổ vũ và phô bày những câu chuyện cấm kỵ nhất trong văn hóa và đạo đức của người Việt. Ðiều đáng báo động khi dòng sách lâu nay vẫn được xem là “đồi trụy” đang được không ít nhà sách ngấm ngầm chạy đua mua bản quyền xuất bản và được PR rầm rộ trong thời gian gần đây. 

Mối nguy hại


Các tiểu thuyết “đam mỹ” bắt đầu thâm nhập và tạo nên cơn sốt trên các trang mạng Việt Nam từ khoảng 4-5 năm lại đây. Kể từ khi xuất hiện dòng tiểu thuyết này gần như ngay lập tức trở thành một trào lưu sống với rất nhiều cô gái. Có không ít bạn trẻ, ban đầu đến với “đam mỹ” vì tò mò, nghe lời rủ rê của bè nhưng chỉ sau một thời gian ngắn họ lập tức công khai và tự hào với việc nghiện sách “đam mỹ”. 

Ðam mỹ như một thứ virus lây lan nhanh chóng. Và điều đáng lo lắng nhất là độ tuổi đọc sách. Ðây là những chuyện dành cho tuổi 18+ nhưng đa số những độc giả đang là nữ sinh cấp 2, 3, lứa tuổi bắt đầu tiếp nhận những giá trị đạo đức để định hình phát triển nhân cách về sau.

Chỉ trong vòng chưa đến 5 năm, hàng ngàn tác phẩm, hàng trăm tác giả “đam mỹ” liên tục xuất hiện. Một cộng đồng các cô gái nghiện đam mỹ (được gọi là hủ nữ) hình thành, họ chờ đón từng bản dịch thô sơ trên mạng và bàn tán sôi nổi. Họ ăn, ngủ cùng với “đam mỹ” mà họ yêu thích. Và thực tế là họ không chỉ đọc mà họ còn bắt đầu sống một cuộc sống ảo chỉ có trong thế giới của “đam mỹ”. Càng ngày họ càng bạo liệt và biến thái hơn.

Những chi tiết gọi là “cẩu huyết” (máu chó) trong các đam mỹ thường rất kỳ lạ và vô lý lại thu hút các hủ nữ. Ðó là chuyện nhân vật bị hãm hiếp, bị hành hạ, bị bạo hành, bị giết chết đi sống lại, nhưng nhân vật bị hại ấy bỗng mang lòng yêu kẻ hành hạ mình. Trong tiểu thuyết đam mỹ không chỉ biến thái ở quan hệ nam - nam mà còn mang yếu tố bệnh hoạn như bạo dâm, khổ dâm, ác dâm, loạn luân, bầy đàn… Thế nhưng trong mắt các hủ nữ, những chuyện đó mới thực sự là dấn thân, là vượt qua mọi giới hạn.

Bạn thử nghĩ xem, so với một cô gái trẻ bình thường, một hủ nữ lại đam mê, tôn thờ thứ tình yêu và tình dục kỳ lạ giữa hai người đàn ông. Ðó hoàn toàn là nhận thức lệch lạc và biến thái. Và khi họ chìm đắm trong cái thế giới ảo diệu đó với toàn những điều vô lý, vô thực, các hủ nữ sẽ sống tách biệt và bất thường hơn những người xung quanh. Thay vì nhìn đời bằng con mắt nhiệt tâm trong sáng của tuổi trẻ, họ nhìn đâu cũng thấy những cảnh chia ly, hành hạ, bi kịch, đen tối. 

Và nhất là các hủ nữ có thú vui bệnh hoạn khi luôn huyễn tưởng về chuyện luyến ái. Rất nhiều hủ nữ tôn thờ chủ nghĩa độc thân, họ luôn rình mò và tưởng tượng những tình yêu nam-nam khi nhìn các chàng trai mà quên đi tình cảm nam-nữ ở lứa tuổi mà sẽ có những rung động đầu đời. Họ sống trong thế giới ảo của các đam mỹ, yaoi, manga… mà hầu như không để tâm vào thế giới thực mình đang sống.

Ðầu độc thế hệ trẻ

Làn sóng nghiện “đam mỹ” đã xuất hiện vài năm trở lại đây và vẫn đang tiếp tục len lỏi vào một bộ phận giới trẻ khi mà thị trường sách đang bão hòa với quá nhiều thể loại ngôn tình. Với chỉ một cú click chuột hay vào Internet là đã có thể đọc trọn một bộ truyện đam mỹ mùi mẫn và biến thái. Thậm chí vì doanh thu, lợi nhuận không ít các công ty sách còn đang có một cuộc chạy đua ngầm để phát hành những dòng sách đồi trụy này. Những cuốn sách như “Tuyệt sắc nô bộc”, “Yêu hồ tiểu bạch”, “Phong lộng”, “Mê dương”, “Tình nhân đệ đệ”, “Ðế vương nghiệp”… đã và đang ra mắt bạn đọc.

Ðiều đáng lo nhất là dù sách đã được dán nhãn 18+ nhưng chỉ cần có tiền hoặc vào mạng là tuổi 12, 13 tuổi cũng có thể sở hữu dễ dàng một vài cuốn đam mỹ, trở thành sách gối đầu giường. 

Trên các diễn đàn, những tâm sự hoang mang, lo lắng và “sốc” của các bà mẹ có con gái đắm chìm vào đam mỹ mới thấy mối nguy hại từ những sản phẩm văn chương độc hại này. Rõ ràng những đứa trẻ cũng hiểu rằng những câu chuyện trong này là biến thái, là đồi trụy và lệch lạc so với xã hội hiện tại nên chúng mới cài mã khóa cho ipad, smart phone, máy tính… vì sợ rằng khi phụ huynh đọc được những câu chuyện này chắc chắn sẽ cấm đoán. Thế nhưng vì tò mò, hiếu kỳ nên càng ngày độc giả trẻ tuổi mê sách đam mỹ ngày càng tăng. 

Thế nên, có không ít trường hợp phụ huynh còn sửng sốt vì phát hiện con gái mình vừa đọc truyện và vừa… “tự sướng”. Con gái đang tuổi ăn tuổi lớn phát triển bình thường bỗng dưng sống lối sống khép kín và tách biệt với thế giới bên ngoài. Bởi trong thế giới của “đam mỹ” không có những câu chuyện dành cho một cuộc sống bình thường mà toàn là những câu chuyện vô lý, kỳ quặc, biến thái và lệch lạc so với giá trị đạo đức. Những chuyện phá thai, đánh đập, bạo dâm, những dòng miêu tả cảnh làm tình giữa nam - nam… không phải là lạ trong đam mỹ.

Từ lâu những tác phẩm kinh điển đã không còn là sách gối đầu giường của nhiều bạn trẻ, thay vào đó những tác phẩm ngôn tình, đam mỹ sướt mướt luôn được thay thế. Tuy nhiên, so với sách ngôn tình, thì “đam mỹ” mới là thứ văn chương rất đáng sợ. Ngày lại ngày những cuốn sách này dần dần đầu độc giới trẻ, khiến cho họ trở nên mụ mị, chìm đắm vào một thế giới của những chuyện hoang đường. Thế nhưng, vì lợi nhuận, một số nhà xuất bản đang “mắt nhắm mắt mở” liên tục cho ra sách mới với số lượng ngày càng tăng. Liệu sẽ ra sao khi những cuốn sách mà trong đó những chuẩn mực về thẩm mỹ, nhận thức và đạo đức bị lệch chuẩn lại tiếp tục được xuất bản. Ðã đến lúc các nhà quản lý phải bắt tay vào cuộc, xem xét nghiêm túc dòng sách đam mỹ, để làm sao cho “văn chương không phải là liều thuốc độc”.
Ðam mỹ về cơ bản được hiểu là đam mê cái đẹp. Ðam mỹ phiên âm là danmei (tan mây), tiếng Nhật gọi là tanbi. Ðây là dòng văn học phi chính thống nhưng lại đang có tốc độ lan truyền chóng mặt trong một bộ phận độc giả trẻ. Nguồn gốc của đam mỹ xuất phát từ trào lưu văn học yaoi Nhật Bản. Yaoi là loại truyện nói về tình yêu đồng tính nam và có những cảnh 18+. Yaoi là từ viết tắt cho cụm từ “yama nashi, ochi nashi, imi nashi”, nghĩa là “không cao trào, không điểm nhấn, không ý nghĩa”. Khi đến với Trung Quốc, yaoi hóa thân thành đam mỹ. Tiểu thuyết đam mỹ phát triển cực thịnh ở Trung Quốc và biến hóa khôn lường với rất nhiều các trào lưu khác nhau.

Thanh Huyền
Năng lượng Mới số 348

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét