Du khách rời bỏ Pháp vì 'hội chứng Paris'
Nhiều du khách nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc và Nhật Bản, khẳng định sẽ không bao giờ trở lại thủ đô của Pháp sau khi đặt chân đến đây bởi họ sốc với “hội chứng Paris”. Tưởng Hà, một du khách 20 tuổi người Trung Quốc, cho biết anh rất thất vọng ngay sau khi đặt chân đến thủ đô hoa lệ của nước Pháp. Vừa xuống sân bay Roissy, đoàn của anh đã sốc khi hành lý của một người trong đoàn bị đánh cắp.Trong vài tháng qua, du khách than phiền về tình trạng chuột nhởn nhơ vui chơi như chốn không người ở bãi cỏ công viên tuyệt đẹp quanh các danh thắng ở Paris. Ảnh: AFP
Anh càng bất ngờ hơn khi đặt chân vào Paris. Thành phố không như những điều anh tưởng tượng qua sách vở, phim ảnh. Người ta vứt đầu thuốc lá bừa bãi trên đường phố.
“Tôi luôn nghĩ châu Âu rất sạch sẽ nhưng tôi nhận thấy Paris là một nơi rất bẩn và người Pháp thật sự không quan tâm đến chuyện sạch sẽ”, hãng Bloomberg dẫn lời Tưởng.
Móc túi, cướp giật hoành hành
Tưởng là một trong 900.000 du khách Trung Quốc đến Paris, chiếm hơn 50% tổng số 1,7 triệu du khách nước ngoài đến thăm Pháp. Dù khoảng 60% du khách Trung Quốc chỉ đến Pháp để mua sắm những nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Louis Vuitton, Chanel và Hermes nhưng họ chắc chắn cũng dành thời gian để thăm thú và cảm thấy thất vọng.
Bloomberg dẫn lời chủ tịch Hiệp hội Các công ty lữ hành Trung Quốc ở Pháp, ông Jean-Francois Zhou, khẳng định lượng du khách Trung Quốc đến Pháp không tăng nhanh như mọi năm một phần là do tâm lý quan ngại “hội chứng Paris”.
“Người Trung Quốc biết nước Pháp qua văn chương và những tiểu thuyết tình cảm lãng mạn. Tuy nhiên, họ thường phải kết thúc chuyến đi trong nước mắt và thề không bao giờ quay lại Paris”, ông Zhou nhấn mạnh.
Nạn móc túi ở Paris nhiều đến nỗi nhân viên Bảo tàng Louvre hồi năm 2013 phải đình công yêu cầu chính quyền Paris điều thêm cảnh sát để bảo vệ du khách. Ông Zhou cho biết vì thói quen mang theo nhiều tiền mặt trong người nên du khách Trung Quốc thường trở thành mục tiêu của những kẻ móc túi.
“Thỉnh thoảng du khách Trung Quốc trả tiền một cây kem bằng tờ 500 euro. Họ thường đổi một lượng lớn nhân dân tệ để giảm bớt phí đổi tiền và ít có thói quen dùng thẻ tín dụng như người châu Âu”, ông Zhou giải thích.
Trong tháng 5/2014, truyền thông Trung Quốc cho biết 48 du khách nước này bị cướp khi đang trên đường về khách sạn ở khu vực ngoại ô Paris. Cảnh sát trưởng quận 8 của Paris, bà Muriel Sobry, cho biết đỉnh điểm là vụ một nhóm du khách mất cắp ở Le Bourget, gần Paris. “Paris là một thành phố lãng mạn nhưng thật ngây thơ khi nghĩ rằng thành phố này không có tội phạm”, bà Sobry cho biết.
Theo Nhật Báo Thượng Hải, nữ du khách Trung Quốc tên Nhan Phi vừa bị cướp khi bước xuống xe buýt trước cửa khách sạn Kyriad Prestige hôm 16/8. Kẻ cướp đã lao đến giật túi xách, trong đó có hơn 1.600 USD, điện thoại di động và giấy tờ tùy thân.
Nữ cảnh sát trưởng Sobry khẳng định để đảm bảo an toàn cho du khách, chính quyền Paris đã điều cảnh sát lập trạm lưu động tại trạm xe buýt gần các khu đông khách du lịch ở thành phố này.
Du khách châu Á bị tổn thương
Không chỉ du khách Trung Quốc mà cách đây vài năm cũng đã có làn sóng du khách Nhật Bản sốc với “hội chứng Paris”. Nhiều du khách Nhật cho biết không muốn quay lại Paris vì giấc mơ về một “Paris hoa lệ” của họ đã biến thành “cơn ác mộng” khi thường gặp tài xế taxi thô lỗ, một phục vụ “gốc Paris” nói như hét vào mặt du khách bởi họ không nói rành tiếng Pháp.
Thậm chí, Đại sứ quán Nhật Bản ở Paris phải giải quyết cho một bác sĩ và y tá lên cùng chuyến để theo dõi sức khỏe cho 4 du khách bay từ Paris trở về Nhật vì họ sốc do “hội chứng Paris” hồi năm 2006.
“Hội chứng Paris” là do bác sĩ ngành tâm thần người Nhật đang làm việc ở Pháp, ông Hiroaki Ota, phát hiện lần đầu tiên vào khoảng 20 năm trước. Trung bình mỗi năm, khoảng 12 du khách người Nhật trở thành nạn nhân của hội chứng này. Chủ yếu họ là phụ nữ trên 30 tuổi. Họ thất vọng và sốc tâm lý vì đã kỳ vọng quá nhiều khi lần đầu tiên du lịch đến Paris.
Michel Lejoyeux, giám đốc khoa tâm thần bệnh viện Bichat ở Paris, nhận định đây không chỉ là vấn đề an toàn mà còn liên quan đến việc du khách có thể không còn sức chịu đựng khi đối diện với những thay đổi đột ngột lúc đến Paris như cảm xúc quá mức, bất đồng ngôn ngữ.
http://news.zing.vn/Du-khach-roi-bo-Phap-vi-hoi-chung-Paris-post448719.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét