Thứ Năm, 15 tháng 5, 2014

Chính quyền nên cho biểu tình ôn hòa’

Chính quyền nên cho biểu tình ôn hòa’
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh khuyên chính phủ nên cho phép biểu tình ôn hòa, tuy nhiên phải đảm bảo được trật tự, bảo vệ quyền sở hữu và tài sản của các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.Trao đổi với BBC Tiếng Việt vào hôm 14/5, ông cho biết vụ bạo động ở Bình Dương “gây tổn hại uy tín, môi trường kinh doanh của Việt Nam” và “đi ngược lại với tinh thần yêu nước” của người Việt.
Ảnh bên: Tôi không loại trừ khả năng họ sẽ dùng các biện pháp kinh tế. Nếu việc đó diễn ra, sẽ có tác động xấu đến kinh tế Việt Nam"-Tiến sỹ Lê Đăng Doanh - Ông cũng cho rằng căng thẳng gia tăng với Trung Quốc có thể gây ra các tác hại “tạm thời nhưng nặng nề” cho nền kinh tế Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Theo tôi biết thì ở miền bắc không có vụ bạo động nào, chỉ có ở Bình Dương thôi. Như ở Thái Bình thì biểu tình rất ôn hòa, tôn trọng phát luật, và không thấy có nói đến bạo động.

Tôi rất lấy làm tiếc về vụ bạo động quá khích ấy. Nó đã làm tổn hại uy tín, môi trường kinh doanh của Việt Nam, gây thiệt hại đến các doanh nghiệp Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, không có liên quan gì đến Trung Quốc cả.

Và kể cả chuyện hủy hoại và tấn công các doanh nghiệp Trung Quốc là hoàn toàn không phù hợp với tinh thần yêu nước và chiến đấu của Việt Nam.

Họ là doanh nghiệp, họ không phải chịu trách nhiệm với hành động của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Tôi hy vọng công an có thể tìm ra thủ phạm, trả lại một phần nào đó tài sản bị mất của các doanh nghiệp, và đưa ra các thông báo để trấn an nhà đầu tư, tránh gây tác hại lâu dài về môi trường đầu tư của Việt Nam.

BBCTrong những công ty bị phá hoại chỉ có số nhỏ công ty Trung Quốc, phần lớn còn lại là công ty Đài Loan. Liệu có một âm mưu nào đó chĩa vào họ không?

Theo tôi hiểu những người quá khích thấy có tiếng Trung là xông vào thôi, chứ họ không phân biệt Đài Loan hay Trung Quốc. Điều này rất là đáng tiếc, bởi luật pháp Việt Nam hoàn toàn bảo vệ quyền sở hữu và toàn vẹn tài sản của các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, nếu như không có các quyết định từ tòa án hay cơ quan pháp luật.

Vì vậy, tôi hi vọng vụ bạo động sẽ không ảnh hưởng lâu dài và mạnh mẽ đến môi trường kinh doanh của Việt Nam.

‘Biểu tình ôn hòa’

BBCCuối tuần qua có nhiều cuộc biểu tình diễn ra ba miền, có vẻ như được bật đèn xanh. Nhưng sau vụ việc ở Bình Dương, theo ông chính quyền sẽ có chính sách gì tiếp theo?

Như tôi hiểu bất kì cuộc biểu tình nào trên thế giới đều có lực lượng công lực đảm bảo an ninh. Tôi thấy các cuộc biểu tình (của người Việt) ở Đức, ở Paris thì đều có cảnh sát đứng ra bảo vệ tòa đại sứ.

Tôi hi vọng trong trường hợp này chính quyền tiếp tục ủng hộ nguyện vọng của người dân để bày tỏ lòng yêu nước và phản đối sự xâm lược của Trung Quốc, nhưng cũng bảo đảm được trật tự.

Tôi lưu ý là vụ biểu tình ở Thái Bình ngày hôm nay diễn ra một cách hết sức ôn hòa, trong vòng trật tự, và không để tại tác hại gì.

‘Vũ khí kinh tế’

BBCTheo ông, căng thẳng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam, khi hiện họ đang là đối tác thương mại lớn nhất và nằm trong top 10 nhà đầu tư ở Việt Nam?

Hiện nay không thể loại trừ nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ có các hành động khác để gây sức ép với Việt Nam. Căn cứ vào việc họ điều động thêm 90 tàu chiến và hành động hung hăng với tàu VN, chứng tỏ họ sẵn sàng dùng cả bạo lực.

Vậy nên tôi không loại trừ khả năng họ sẽ dùng các biện pháp kinh tế. Nếu việc đó diễn ra, sẽ có tác động xấu đến kinh tế Việt Nam.

Việt Nam trong năm 2013 xuất khẩu 13,3 tỷ đô la đến Trung Quốc, nhập khẩu khoảng 36, 9 tỉ đô la, chiếm 28% tổng nhập khẩu. Trong đó có linh kiện cho dệt may, da giày, nhà xưởng.

Vì vậy, nếu Trung Quốc đình chỉ xuất khẩu thì đối với họ chỉ mất 1% tổng xuất khẩu, còn VN mất 28% nhập khẩu. Nó có thể gây ra các tác hại tạm thời nhưng nặng nề.

Nếu việc đó diễn ra, thì Việt Nam sẽ phải tìm nguyên vật liệu ở nước khác. Hiện nay chúng ta có quan hệ thương mại với 240 nền kinh tế. Tôi hi vọng điều đó sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tự chủ hơn, xây dựng được công nghiệp phụ trợ cho công nghiệp dệt may, da giày của mình. Từ đó tiến tới một mối quan hệ cân bằng hơn với Trung Quốc.

Về lâu dài, tôi vẫn mong muốn Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục mối quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

'Đẩy nhanh TPP'

Theo tôi, nếu Trung Quốc gây sức ép sẽ thúc đẩy Việt Nam đàm phán mạnh mẽ và quyết đoán hơn để gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương) và kết thúc đàm phán thương mại tự do FTA với EU.

Còn RCEP (Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực) thì phải mất một thời gian lâu dài, và mới trong giai đoạn khởi động, chưa đi đến được các thỏa thuận ban đầu.

Hi vọng thời gian sẽ giúp hàn gắn vết thương (giữa Việt Nam và Trung Quốc) trong giai đoạn này (trước khi có những thỏa thuận).

Theo BBC 

1 nhận xét:

  1. Nếu dàn khoan TrQ cứ cắm ở đó thì vết thương sẽ mưng mủ sưng tấy thêm.

    Trả lờiXóa