Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

Ukraine: Israel lộ dạ phản trắc với Mỹ?

Chính biến Ukraine: Israel lộ dạ phản trắc với Mỹ?
Khi Mỹ kêu gọi đồng minh lên tiếng ủng hộ lập trường của mình với vấn đề Ukraine, lúc này Israel mới lộ lòng “bất trung” khi coi “Nga ngang Mỹ”
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu: "Mỹ đang gây sức ép nhầm chỗ"
Israel phản trắc?
Washington đã gia tăng sức ép đối với Tel Aviv nhằm đáp trả thái độ "trung lập" của các nhà lãnh đạo quốc gia này với cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Thông tin trên được tờ Vietnam+ dẫn theo báo Haaretz của Israel số ra ngày 13/4.

Bằng ngôn ngữ ngoại giao, Mỹ đã tỏ thái độ "thất vọng sâu sắc do thiếu sự ủng hộ của Israel đối với lập trường của Washington trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine và đại diện của Israel vắng mặt tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc để bỏ phiếu một nghị quyết về tình hình ở Crimea hồi cuối tháng Ba vừa qua.

Nhưng để chính xác nhất, có thể nói rằng Washington đã không thể che giấu sự phẫn nộ với việc Chính phủ Israel coi trọng quan hệ giữa nước này với Mỹ và Nga ngang nhau.

Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ phẫn nộ với Israel và buộc phải dùng đến hình thức tăng sức ép. Trước đó, hồi đầu tháng 3/2014, Mỹ đã kêu gọi Israel tập trung thúc đẩy vấn đề hòa bình Trung Đông, đặc biệt là mối căng thẳng giữa quốc gia này với Iran và Palestine.

Tuy nhiên, Israel đã thẳng thắn bác bỏ mọi yêu cầu của Mỹ. Thậm chí, Tel Aviv còn tuyên bố ngược lại tất cả các mong muốn của cường quốc này: “Mỹ đang gây áp lực nhầm chỗ. Sẽ không có việc thỏa hiệp chương trình hạt nhân với Iran, cũng sẽ không có hòa bình nếu Palestine không công nhận Israel là một quốc gia Do Thái.” – Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 4/3 phát biểu.

Giới phân tích nhận định, việc Israel trung lập trong vấn đề Ukraine nhằm trả đũa Mỹ đã gây sức ép về vấn đề hòa bình Trung Đông lên quốc gia này.

Vì sao Israel phải hai lòng?


Thực tế, Mỹ đang mong mỏi kết thúc những bất ổn ở Trung Đông để giảm bớt kẻ thù tại khu vực này, rộng đường tiến hành chiến lược chuyển trục một cách nhanh nhất tới châu Á – Thái Bình Dương, nơi đang ẩn chứa những phiền toái to lớn cho nước Mỹ hơn là một số tổ chức Hồi giáo cực đoan.

Để làm được điều đó, Mỹ đã thực thi hàng loạt chính sách mang tính xuống nước, nhường nhịn như đàm phán cởi mở về vấn đề hạt nhân Iran, đồng thuận với Nga việc không can thiệp quân sự vào Syria, rút quân khỏi Iraq, Afghanistan…

Tuy nhiên, để đạt đươc thành công cho tiến trình hòa bình Trung Đông này, một vật cản khiến Mỹ khó xử nhất lại chính là đồng minh thân cận của mình, Israel.

Quốc gia này đang có nền kinh tế hàng đầu khu vực. Song song với sự phát triển về kinh tế, sức mạnh quốc phòng của Israel cũng rất đáng gờm. Israel cho rằng với những tiềm lực như vậy, họ hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành một cường quốc tại khu vực, nắm giữ quyền chi phối, chỉ huy.

Đồng thời, khi Trung Đông tiến đến hòa bình, Israel cũng mong muốn đạt được quyền lợi, địa vị cao hơn tại khu vực này, thay vì việc giúp Mỹ trở thành bia đỡ đạn.

Israel mong muốn hòa bình cho Trung Đông phải đi kèm lợi ích của mình

Ngoài ra, dưới sự dìu dắt và nhào nặn của Mỹ, Israel đang biến thành một bản sao của cường quốc này tại Trung Đông. Nếu như Mỹ là quốc gia nhiều kẻ thù nhất trên thế giới, thì Israel cũng là kẻ thù của tất cả các quốc gia Hồi giáo tại khu vực.

Israel đang lo ngại việc Mỹ làm hòa với Trung Đông đang đẩy mình vào thế không nơi nương tựa. Bởi khi tiến trình hòa bình được thúc đẩy, Mỹ sẽ rút dần sự hiện diện tại khu vực.

Đến khi Israel nhận ra quyết tâm của Mỹ là không thay đổi, quốc gia này buộc phải tính những nước an toàn hơn cho mình. Trong khi đó, tại Trung Đông, khi Mỹ là kẻ thù của các quốc gia Hồi giáo, thì Nga đang nổi lên như một người bạn an toàn và tin cậy. Đơn giản, Nga luôn đi ngược lại lợi ích với Mỹ. Tại Afghanishtan, Iraq, Libya, Syria, Iran… đã đủ để làm minh chứng.

Với cái đầu nổi tiếng toan tính, thực dụng, và thông minh của người Do Thái, họ hiểu rằng chẳng dại gì gây thù chuốc oán với Nga trong bối cảnh người anh lớn không còn cùng mình chung lưng đấu cật.

Đỗ Minh Tú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét