Những tay cò ASIAD
Hai tuần nay dân ghiền thể thao, chính trị gia, văn hóa gia, luật gia, đại biểu gia, và kể cả đại gia cứ hóng vào báo chí để xem cuộc tranh cãi khá náo nhiệt giữa hai phía ủng hộ và chống lại việc tổ chức ASIAD tại Việt Nam vào năm 2019. Hình như chưa có cuộc tranh cãi nào tự do và công khai như thế. Vậy là tự do phát biểu chính kiến của mình đã được nâng lên tầm cao mới, vì trước một đề án quan trọng liên quan tới vận mệnh dân tộc
Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang trong một lần trả lời phỏng vấn AFP về vụ Việt Nam đăng cai tổ chức Asian Games vào năm 2019. AFP photo
Hình như chưa có cuộc tranh cãi nào tự do và công khai như thế. Vậy là tự do phát biểu chính kiến của mình đã được nâng lên tầm cao mới, vì trước một đề án quan trọng liên quan tới vận mệnh dân tộc, tới khuôn mặt chính trị, kinh tế và văn hóa nước nhà lại được tung hê hết để nói, để phản biện đối thủ. Thật đáng ngưỡng mộ cho tất cả mọi người tham gia, bất kể đền từ phía nào. Ấy là nhiều người nói thế.
Đàn bà chúng tôi không tranh luận, chúng tôi chỉ quan sát phẩm chất hàng hóa và giá cả của nó trước khi mua, và nhất là cái món đẹp rẻ bền này có thật sự cần thiết cho gia đình của chúng tôi hay không.
Nhất là cái món ấy lại rất là đắt tiền đối với ngân quỹ gia đình.
Phiên chợ họp vào ngày 18 tháng 3 giữa Quốc hội, ông Nguyễn Hồng Minh cầm món hàng ASIAD lật qua lật lại rồi cho biết lực lượng lực sĩ của Việt Nam quá mỏng và không hy vọng gì giật giải cao tại kỳ thế vận này. Vì vậy cây kèn của Việt Nam không thể thổi vang tại ASIAD. Kèn không thổi được thì mua làm gì, ý ông ấy nói thế.
Từ cây kèn, trong tư cách từng là vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, người từng nhiều lần làm trưởng đoàn thể thao VN tại các kỳ SEA Games, ASIAD, và đặc biệt cũng là người được Ủy ban Văn hóa giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội mời phản biện đề án đăng cai ASIAD hôm 18-3, ông Nguyễn Hồng Minh còn khẳng định rằng tại các kỳ ASIAD và Olympic trước đây thành tích của thể thao Việt Nam rất tệ và tụt hậu đối với các quốc gia có nền thể thao mạnh ở châu lục, ngay cả khi so với các quốc gia Đông Nam Á, thể thao VN cũng xếp sau Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines trong thi đấu ở ASIAD.
Một khách hàng sành điệu về các món thể thao Việt Nam như ông Minh đã nói như thế ắt phải xem xét lại món hàng này.
Giá của món ASIAD hiện nay là 150 triệu đô la. Cái khác của phiên chợ ASIAD với các phiên chợ khác là thay vì giảm giá người bán lại đòi tăng giá!
Theo những người ủng hộ thì 150 triệu là đủ thế nhưng những tay lõi đời thì cái món hàng này nếu chỉ 150 triệu thì là cái giá của lừa phỉnh, giá không bảo đảm chất lượng và khi có hư hao thì người bán không chịu trách nhiệm bảo hành.
Ý nói khi thực hiện nửa chừng thiếu tiền thì lại vòi nhà nước.
Các tay bán ASIAD với giá 150 triệu cho rằng chỉ cần tân trang lại những đồ cũ thì không bao nhiêu tiền, vì thế 150 triệu đảm bảo sẽ làm cho ASIAD ra trò.
Nhưng cái trò ấy bị ông Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn bác bỏ, ông ấy nói thế này: số lượng các công trình thể dục thể thao cho SEA Games 2003 và Asian Indoor Games 2009 đủ tiêu chuẩn, kích thước để thi đấu theo quy định quốc tế rất ít, chiếm tỉ lệ rất thấp so với tổng số công trình thể thao, chỉ khoảng 2%!
Vậy là quả lừa bị lật tẩy.
Hết tân trang lại giở trò hăm dọa. Mà cái này hình như “phê” hơn vì khách hàng bỏ tiền ra mua món hàng này đều là tai to mặt lớn cả. Mấy chị nhân viên nhà nước, công nhân cò con hay nông dân đều là đổ bỏ. Các vị quyền cao chức trọng có vẻ bị lung lạc qua vài phát biểu của những tay cò mồi (chợ nào lại không có cò mồi nhỉ)?
Tay cò mồi lớn nhất có lẽ là Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Lê Như Tiến, ông này nói: Đăng cai ASIAD 18 là cơ hội để tôn vinh VN, khẳng định vị thế của VN trên trường quốc tế. Vì khẳng định chúng ta có điều kiện đăng cai được nên Đảng và Nhà nước đã hoàn toàn nhất trí. Vì thế vào lúc này không nên đặt vấn đề là nên hay không nên nữa”.
Nhà mình nghèo nên mấy cái “khẳng định” này để dành lại cho anh Tàu được không? Mua món hàng khẳng định này về treo lên tấm vách bằng lá dừa nước của nhà mình vừa quái dị vừa làm hư vách. Cái khẳng định khi túng lại không biết làm sao mà ăn. Mua nó về chắc chắn thằng cha chồng mình bật ngửa ngay lập tức và sẽ phán một câu: đồ lú lẫn, con cái trong nhà quần không có mặc, cầu khỉ gãy gần hết, mua cái ngữ khẳng định này về làm gì?
Thế là không mua.
Đã nói là không mua mà tay cò mồi này còn lải nhải hoài, không nghe cũng không được, nữa này: “Trình độ VĐV, HLV và các nhà quản lý nhờ có sự kiện này mà có điều kiện trưởng thành, trình độ sẽ chạm tới đấu trường châu lục. Chúng ta được lợi không chỉ thể thao mà còn có cơ hội đón tiếp hàng trăm ngàn người từ các nước trong khu vực, châu lục. Nhờ đó phát triển du lịch, phát triển hàng không, nâng cao dịch vụ ngân hàng, khách sạn đi kèm”.
Ối cha mẹ ơi ông này đúng là cò cao thủ. 150 triệu mà đòi lấy đủ thứ từ châu lục này tới châu lục kia, từ phát triển này tới phát triển khác...thật có ú ớ cũng phải văng tục.
Một ông cò nữa cũng tương đối có số có má trong ngành thể thao là ông Hoàng Vĩnh Giang, một người trong đội tuyển cò có công mang ASIAD về cho Việt Nam phát biểu chắc như đinh đóng cột: 150 triệu là dư sức đủ với điều kiện nâng cấp và tiết kiệm.
Ôi ông ơi, mua hàng mà phải tân trang mới dùng được thì cái mặt hàng ấy phải là có vấn đề, ít nhất trong khâu chất lượng.
Trong các tay cò ấy có thêm cò luật sư. Luật sư Trần Viết Hưng, Phó Giám đốc Công ty Luật Trường Sa và Luật sư Trần Văn Đức - Đoàn Luật sư Hà Nội đều cho rằng những nhiều người chưa am hiểu về luật pháp: “Việc đăng cai ASIAD là thực hiện đường lối của Đảng, nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của cả Thành ủy Hà Nội, địa phương đăng cai chính. Chúng ta đã ký kết việc đăng cai ASIAD với Hội đồng Olympic châu Á (OCA) rồi thì không thể nào đơn phương rút lui được.
Cò này đem cả đảng, nghị quyết, rồi thủ tướng … ba thứ lại để bóp cho…ASIAD phải ra đời. Ông luật sự ơi, mời ông nghe ông Hoàng Vĩnh Giang nói đây:
“Có! Trường hợp đầu tiên là của Hàn Quốc. Đất nước kim chi tuyên bố bỏ quyền đăng cai giải năm 1970 do vấn đề tài chính và lo ngại nguy cơ chiến tranh với người láng giềng Triều Tiên. Thái Lan sau đó đã đứng ra nhận nhiệm vụ tổ chức thay.Năm 1978, Thái Lan lại sắm vai đóng thế khi liên tiếp 2 nước giành quyền đăng cai rút lui. Cụ thể, Pakistan đăng ký tổ chức ASIAD 8 nhưng xin bỏ vì khó khăn tài chính và xung đột với các nước Bangladesh, Ấn Độ.Singapore nhận thay thế vai trò chủ nhà nhưng nội bộ lại tranh cãi dữ dội. Cuối cùng, quốc đảo sư tử cũng xin bỏ. Nhờ Thái Lan "xung phong", ASIAD 1978 mới có thể diễn ra."
Hai lần đó OCA đều không phạt các quốc gia xin rút.
Pakistan khó khăn tài chánh còn Việt Nam hơn nước này về tài chánh ở chỗ nào khi chỉ có 150 triệu tới 300 triệu mà cãi nhau như mổ bò?
Một cò khác là GS.TS Dương Nghiệp Chí - người từng phục vụ 8 đời thủ trưởng Ngành TDTT. Ông này đưa ra ý tưởng dụ khách hàng rất táo bạo: đừng có mà đùn đẩy gánh nặng cho nước khác. Ông nói:
“Chúng ta luôn muốn hội nhập với thế giới thì cũng phải có trách nhiệm với phong trào chung, đừng xem việc đăng cai ASIAD là một gánh nặng rồi tìm cách đẩy gánh nặng đấy cho các nước khác. Nếu giờ chúng ta rút lui thì bạn bè châu lục sẽ nhìn chúng ta bằng ánh mắt như thế nào, uy tín của đất nước sẽ ra sao?”
Thưa ông cò Dương Nghiệp Chí, ông đã xác nhận đây là gánh nặng thì tại sao không khuyên khách hàng đừng mua nó vì mua về mà lại lên gân vì tinh thần quốc tế nên phải mua cái của nợ này để đỡ đần gánh nặng cho các quốc gia láng giềng thì mấy ai nghe? Ôi mấy anh láng giềng mà đọc được tiếng Việt thì chắc ngã lăn ra mà ... khóc.
Nhưng tất cả các cò ấy đều thua một anh cò bự, Cò Ngoại giao.
Bộ Ngoại giao đã có công văn trình chính phủ cho rằng nếu không tổ chức ASIAD thì Việt Nam sẽ gặp những khó khăn như: tốn kém về tài chính, mất uy tín, ảnh hưởng danh dự và hình ảnh quốc gia.
Yếu tố thứ nhất, “tốn kém về tài chính”: nếu bị OCA phạt chắc chắn là không nhiều nếu so với thiệt hại khi tổ chức ASIAD. Biết bao công trình thể thao trong các kỳ thi quốc tế được xây dựng tại Việt Nam đang bỏ hoang và nhiều chỗ không ai còn nhìn ra trước đây nó như thế nào. Mất uy tín chỉ là cách nói phủ đầu, hăm dọa. Nếu bất chấp dư luận cứ tổ chức có khi càng mất uy tín hơn bởi cơ sở hạ tầng không đáp ứng yêu cầu của quốc tế mà muốn làm cho bằng được thì nợ sẽ kéo tới, lúc ấy chỉ số uy tín có còn không?
Ngoại giao hiện đại không thể che mắt thế giới bằng loại uy tín ảo. Cứ nhìn đàn anh Trung Quốc và Nga mới đây, những số tiền khổng lồ bỏ ra cho các kỳ thế vận mang lại uy tín gì cho họ hay chỉ là những lời tự sướng của báo chí trong nước, còn ngoại quốc thì khen lấy lệ và im lặng mỉm cười cho các hành động chạy đua uy tín ngu ngốc này.
Chưa phú quý đã tập tành vay nợ làm điều lễ nghĩa chỉ lộ ra cái tư duy ễnh ương muốn phềnh bụng trước bò bất chấp làn da của mình có giới hạn tới đâu.
Còn “hình ảnh và danh dự quốc gia” thì Bộ Ngoại giao nên xem lại các vụ rửa tiền và buôn lậu sừng tê giác của đại sứ các nơi. Đó mới là “hình ảnh và danh dự quốc gia”. ASIAD có hay không chả đụng tới hai phạm trù này nếu lãnh đạo giỏi thuyết phục thế giới bằng sự chân thật của mình.
Từ giã phiên chợ trên đường về nhà cứ tự hỏi: ASIAD vẫn còn đó không mất đi đâu sao người ta lại cố cho bằng được phải mang nó về nhà. Nguồn lợi lớn nhất sẽ đến cho ai mà thiên hạ lại ùn ùn nhập cuộc làm cò như thế nhỉ?
Cánh Cò, Việt Nam 04/04/2014
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA
Ai biểu ngu xin đăng cai làm gì,đất nước nghèo mạt rệp mà chúng bay như kẻ mộng du.
Trả lờiXóaHoan hô Cánh cò ! Lập luận rất thuyết phục !
Trả lờiXóaRất đồng ý với quan điểm này của bạn
Trả lờiXóa