Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2014

Cần Thơ nhiều người bán thận để 'thoát nghèo'

Cần Thơ nhiều người bán thận để 'thoát nghèo' 
CẦN THƠ 5-4 (NV) - “Hàng chục người dân ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ vì hoàn cảnh khó khăn, âm thầm đi bán thận để lấy tiền, nhưng lại giả vờ làm đơn trình bày chính quyền địa phương là “hiến” thận cho người thân.”
Vết mổ trên bụng của một nông dân sau khi đã 
bán thận với giá hơn 100 triệu đồng. (Hình : Dân Trí)
Báo Dân Trí hôm Thứ Bảy 5/4/2014 tường thuật như vậy về một phong trào bán thận của nhiều người mà nguyên ủy chỉ vì quá nghèo, không có đường nào khác giúp họ giải quyết các khó khăn tài chính trong cuộc sống hàng ngày. Sự bế tắc thúc đẩy họ bán một phần thân thể, tương tự như bán máu lấy tiền.

Nguồn tin trên kể trường hợp một người đàn ông tên Tròn của xã nói trên có vợ có con cũng đã lớn, làm đơn với nhà cầm quyền địa phương “đi ra Bắc hiến thận cho người nhà” rồi sau đó “biệt vô âm tín”. Một người khác cùng xã, sau vụ việc, thì nhìn nhận đã bán đi một quả thận qua sự môi giới của 'cò”.

“Thấy người ta cần thận, còn tôi để giải quyết nợ nần trước mắt nên quyết định “hiến” thận”, ông Hồ Văn Tranh, ấp 6 xã Thạnh Phú được thuật lời trên tờ Dân Trí. Ông kể là sau khi hiến thận, ông nhận được số tiền 120 triệu đồng. Một người hàng xóm của ông Tranh cho biết em rể của ông Tranh cũng đã bán quả thận 9 tháng trước.

Tờ Dân Trí nói ông Lê Văn Thành ở xã nói trên có 2 người con trai đều bán thận nhưng cả gia đình và nhà cầm quyền địa phương không biết cho đến khi họ trở về nhà. Danh Lang, một người chủ gia đình với 5 miệng ăn lại không có đất canh tác, nợ nần chồng chất nên cách đây 2 năm đã bán đi một quả thận lấy 100 triệu đồng “hy vọng thoát nghèo. Tuy nhiên “sau khi bán thận sức khỏe anh giảm sút, tiền hết, còn cái nghèo thì vẫn đeo bám.”

Theo ghi nhận của báo Dân Trí, không phải chỉ có một vài người lẻ tẻ của xã Thạnh Phú bán thận mà trên thực tế, địa phương này có “hàng chục người lén lút bán thận” với giá từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng.

Tháng Bảy năm ngoái, báo Người Đưa Tin trình bày một phóng sự về một tổ chức “cò” khá quy mô đi từ bắc chí nam để tìm người bán thận và cả những bộ phận nội tạng khác. Họ ăn chịu với một số bác sĩ khoa ghép thận hay ghép tạng ở bệnh viện ngay cả Hà Nội ngụy trang dưới hình thức “hiến thận nhân đạo”. Một vụ mua bán thận khoảng 200 triệu đồng thì cò ăn trên dưới 50 triệu đồng.

Từ khi Việt Nam bắt đầu các chương tình cấy ghép nội tạng năm 1992 đến nay, số người được cấy ghép thận mỗi ngày nhiều lên. Theo các sự ước lượng, khoảng hơn 10,000 người bị suy thận mãn tính cần được ghép thận mỗi năm.

Một số người còn chạy sang bán thận ở Trung quốc hoặc con bệnh chạy sang đó để sử dụng dịch vụ cấy ghép thận. Tháng Tư năm ngoái, từng rộ lên câu chuyện thương tâm của một sinh viên 22 tuổi của trường Cao Đẳng Kinh Tế Công Nghiệp ở Sài Gòn. Cậu sinh viên này khi bán thận ở Trung quốc về nước với nhiều biến chứng rồi qua đời sau vài tuần lễ.

Việt Nam có luật về hiến tặng, cấy ghép mô, nội tạng, bộ phận cơ thể người nhưng quy định lỏng lẻo và cũng không thấy các biện pháp chế tài cụ thể. Các vụ “hiến tặng chui” với sự toa rập gián tiếp của bác sĩ vẫn diễn ra. (TN)


Đã 2 tháng nay người nhà Anh Lê văn Giòn, ngụ ở ấp 6, xã Thạnh Phú không liên lạc được với anh dù đã cố gắng bằng mọi phương tiện. Người nhà của anh Giòn tâm sự: “Nó đã có vợ, con. Con lớn năm nay 17 tuổi, nhưng nó thôi vợ 8 năm rồi. Mấy năm nay nó cũng đi làm tới lui, tết có về, cũng có liên lạc với gia đình, nhưng từ ra tết tới nay thì bặt vô âm tín”.
Cũng theo lời người nhà, chuyện anh Giòn làm làm đơn hiến thận gửi lên chính quyền địa phương, gia đình không biết gì, chỉ biết mồng 4 tết Anh Giòn được anh Tẹt (anh Tẹt là em rể của anh Giòn) chở đón xe đi đâu đó. Đến nay gia đình không liên lạc được với anh Giòn, và cũng không thấy anh Giòn liên lạc về nhà mà chỉ nghe anh Tẹt nói lại là anh Giòn lên Sài Gòn rồi đi Hà Nội và gặp người thân cũ để đi làm ăn.
Âm thầm bán thận… để thoát nghèo? - Ảnh 1
Vết mổ của một nông dân sau khi đã bán thận với giá hơn 100 triệu đồng. Ảnh: Phạm Tâm
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Bí thư Chi bộ ấp 6 cho biết: “Anh Lê Văn Giòn có làm đơn trình lên địa phương với nội dung là đi ra Bắc hiến thận cho người nhà, nhưng không được địa phương xác nhận, sau đó chúng tôi đã làm trình bày vụ việc gửi lên cấp trên báo cáo tình hình vụ việc”.
Anh Hồ Văn Tranh cũng ở ấp 6, xã Thạnh Phú là một trong những trường hợp đã bán thận cho biết: “Sau một thời gian đi làm ở TPHCM tôi quen biết với anh Nguyễn Quốc Lợi (37 tuổi) ở quận Nhà bè, TP HCM. Anh Lợi bị hư 2 quả thận. Thấy người ta cần thận, còn tôi để giải quyết nợ nần trước mắt nên quyết định “hiến” thận cho anh Nguyễn Quốc Lợi.
Anh Hồ Văn Tranh cho biết thêm: “Sau khi có quyết định “hiến” thận thì tự một mình âm thầm lên TP HCM, trong thời gian 3 tháng chờ bác sĩ thử máu, khám, xét nghiệm… toàn bộ chi phí nhà trọ, ăn uống đều có người ta lo hết. Họ cũng bảo sau khi “hiến” một quả thận xong, tôi sẽ nhận được số tiền 120 triệu đồng”
Tháng 1/2014 anh Tranh được đưa vào bệnh viện để mổ. Thời gian mổ và sau mổ anh ở lại bệnh viện một tuần, thời gian đó có người chăm sóc, nhưng anh không biết người đó là ai. “Lúc mới mổ xong, đang nằm ở phòng hồi sức thì có người lạ đến thăm tôi, họ giục tôi về quê vận động thêm người đi hiến thận”- Anh Tranh nói.
“Trước khi mổ họ còn động viên tôi là cứ yên tâm mổ đi, sau khi về họ sẽ tác động đến địa phương cấp cho tôi cái bảo hiểm... Bây giờ tôi chỉ làm được mấy việc nhẹ nhàng, đi đứng cũng chậm hẳn so với ngày trước”- Anh Tranh tâm sự.
Âm thầm bán thận… để thoát nghèo? - Ảnh 2
Anh Hồ Văn Tranh, một trong những trường hợp "hiến thận" tiếp xúc với PV chiều 4/4. Ảnh: Phạm Tâm
Tiếp xúc với PV, chị Nguyễn Thị Kim Duyên, hàng xóm của anh Tranh cho biết: Trước khi anh Tranh đi bán thận thì anh Bình (là em rể của anh Tranh) củng đã bán thận vào khoảng đầu tháng 9, anh Bình không phải dân địa phương ở đây, lâu lâu mới thấy ghé nhà anh Tranh. Còn anh Tranh là người An Giang mới nhập hộ khẩu về đây mấy năm nay. Hai vợ chồng anh Tranh chủ yếu làm mướn, xịt thuốc… Cũng theo lời chị Duyên từ ngày anh Tranh mổ thận về thì ít thấy anh ở nhà, mà thường xuyên đi TPHCM.
Tương tự, anh Tranh là trường hợp anh Danh Lang, do không có đất canh tác, không có việc làm nhưng nhà có tới 5 miệng ăn, nợ nần chồng chất, nên cách đây hơn 2 năm, anh Danh Lang cũng ở xã Thạnh Phú, đã bán đi một quả thận với giá 100 triệu đồng, hy vọng sẽ thoát nghèo, nhưng sau khi bán thận sức khỏe anh giảm sút, tiền hết, còn cái nghèo thì vẫn đeo bám.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Bí thư Chi bộ ấp 6 cho biết thêm: Trên địa bàn Ấp 6 đã có 3 trường hợp, 2 trường hợp đã bán và 1 trường hợp đã đi Hà Nội 2 tháng rồi. Trước tết Giáp ngọ 2014 có người làm đơn trình lên địa phương với nội dung là hiến thận cho người nhà, nhưng chúng tôi biết, họ không hiến mà là đi bán thận. Nguy hiểm hơn là những người đi bán thận bị tác động từ “cò” đã lỡ bán rồi không báo cáo với chính quyền địa phương mà còn lôi kéo thêm người khác”- Ông Hòa nói.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, thực tế không chỉ 3 trường hợp mà ở ấp này đã có hàng chục người lén lút đi bán thận (mỗi quả 100 đến 150 triệu đồng) mà chính quyền địa phương chưa kiểm soát được. Cụ thể gia đình ông Lê Văn Thành cũng ở xã Thạnh Phú, có 2 con trai đều đã bán thận nhưng gia đình và chính quyền địa phương không biết mà đến khi những người đi bán thận chung về kể thì gia đình mới giật mình. Vấn đề đặt ra là ai đứng đằng sau các vụ mua bán thận này?
Trao đổi với báo chí, ông Võ Hải Triều - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, cho biết: “Những người bán thận là những người nghèo, thiếu kiến thức về pháp luật. Mặt khác, những người bán thận thường là những người sống tạm trú không có đất. Chính vì nhà của họ là nhà tạm nên các hội, đoàn thể không thể đứng ra bảo lãnh cho họ vay vốn để làm ăn được. Tình trạng này chúng tôi phát hiện cách đây vài tháng và đã có báo cáo với cấp trên để có hướng xử lý”.
Theo Dân trí

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét