Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Năng lượng châu Âu: Thế thống trị của Nga

Câu chuyện năng lượng ở châu Âu: Thế thống trị của người Nga
Châu Âu rất khó xoay trở cả về chính trị và kinh tế khi Nga đã thực hiện thành công chiến lược bảo vệ thị trường khí đốt xuất khẩu tại EU. Việc Nga sáp nhập Crimea và đe dọa cắt đứt khí gas tới Ukraine, trạm trung chuyển giữa Nga và EU đã khiến nhiều người kêu gọi giảm dựa dẫm vào nguồn năng lượng Nga. Nhưng lựa chọn thay thế rất giới hạn và đắt đỏ.
Đường ống chở khí đốt Nga vào EU
Nhà cung cấp khí đốt thống trị ở châu Âu
Liên minh châu Âu đã có tiến bộ trong việc cải thiện an ninh năng lượng của mình sau 2 vụ tranh cãi giữa tiền mua khí đốt chưa trả giữa Nga và Ukraine hồi 2006 và 2009. Hai vụ đó đã dẫn đến việc gián đoạn tạm thời nguồn cung khí đốt cho Tây Âu .

Bằng việc cải thiện hệ thống ống dẫn, EU đã chuẩn bị tốt hơn cho các gián đoạn cung trong tương lai. Nhưng nhìn cơ bản thì họ chưa giảm thiểu được thị phần của Nga trong thị trường năng lượng châu Âu.

Tổng thống Nga tại lễ ký hiệp định chính thức hóa việc sáp nhập 
Crimea vào Nga, trước sự phản đối kịch liệt của EU và Mỹ

Nga ngày nay là nhà cung cấp lớn nhất của châu Âu đáp ứng được 1/3 tổng nhu cầu về dầu, khí, và than, với tổng giá trị nhập khẩu Nga là 250 tỉ USD, theo thống kê của Eurostat.

Hôm 21/3 các nhà lãnh đạo EU nói về quyết tâm chấm dứt hàng thập kỷ dựa dẫm vào khí đốt Nga sau vụ mâu thuẫn xoay quanh Crimea. Nhưng thực tế ở châu Âu khiến người ta nghi ngờ điều đó.

Một mặt người mua có thể chuyển đổi giữa các nguồn cung dầu và than khác nhau tương đối dễ dàng và nhanh chóng. Mặt khác, thị trường châu Âu nhập phần lớn khí đốt qua hệ thống đường ống từ một nhà cung cấp duy nhất, tập đoàn quốc doanh của Nga, Gazprom.

Nguồn cung khí đốt thay thế

Các nước Baltic là Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan dựa gần như hoàn toàn vào nguồn cung khí đốt Nga. Họ từng là thành viên của Liên bang Xô viết, nhưng nay là thành viên của EU và NATO.

Để giảm bớt việc quá dựa vào nguồn cung của Moscow, họ dự kiến xây dựng nhiều cảng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) diện nhỏ. Cheniere Energy là một công ty LNG của Mỹ đang đàm phán về việc cung cấp cho thị trường Baltic.

Các cảng biển đó là một con đường thay thế cho nguồn cung khí đốt của Nga vốn có thể bị dùng làm công cụ chính trị, nhưng khí hóa lỏng quá đắt để đáp ứng phần lớn nhu cầu.


Tàu chở khí hóa lỏng từ Na Uy đến Nhật Bản

Mỹ dự kiến xuất khẩu LNG vào các thị trường châu Á, bởi giá ở đây cao gần gấp đôi châu Âu, vậy châu Âu sẽ phải tăng ngang giá mới có được nguồn cung này.

“Nhập khẩu khí LNG ở châu Âu đã giảm dần từ đầu 2011, chạm đáy 9 năm vào 2013 trong khi nhu cầu châu Á và Mỹ La tinh tiếp tục tăng,” theo báo cáo tóm tắt thương mại toàn cầu của tập đoàn BG Group, một nhà vận tải khí hóa lỏng lớn. Họ dự báo xu hướng này sẽ không sớm thay đổi.

May thay, châu Âu có thể tiếp cận một nguồn khí đốt khác lớn hơn nhiều và gần hơn.

Gần một nghìn tỉ mét khối khí đốt có thể khai được đã phát hiện ở hải phận đảo Cypriot và Israel, đủ để cung cấp cho nhu cầu châu Âu trong hơn hai năm.

Mặc dù các dự án xuất khẩu mới ở giai đoạn đầu, cộng thêm các khó khăn về chính trị do bất ổn khu vực, các nỗ lực đang nhanh chóng triển khai để cung cấp cho thị trường châu Âu. Đặc biệt là khi Cyprus là một thành viên của EU.

Nhưng tiếp cận được nguồn khí đốt Địa Trung Hải này sẽ đắt giá. Ước tính chi phí phát triển dự án khí đốt xuất khẩu ở Cyprus đã ở mức 10 tỉ USD và là mức đầu tư lớn nhất trong lịch sử quốc đảo này.

Phát triển các cơ sở xuất khẩu khí đốt trong vùng này cũng gặp khó khăn về mặt chính trị.

Và cũng không phải dễ để cắt bỏ được mối quan hệ với Nga. Gazprom là một trong những công ty quan tâm tới việc phát triển mỏ khí ở đây cho xuất khẩu.

Thất bại của đá phiến và năng lượng thay thế

Mặc dù các nguồn dự trữ khí truyền thống của châu Âu đang giảm sút, một số người đã hy vọng có thể lặp lại được thành công của khí đốt đá phiến Mỹ.


Khai thác đá phiến dùng một lượng nước lớn để bơm dầu và khí từ dưới đất lên nên gặp nhiều phản đối của người dân địa phương

Ước tính châu Âu có ¾ trữ lượng so với Mỹ, địa chất ở đây phức tạp hơn và khai thác sẽ đắt hơn. Môi trường chính trị cũng khó khăn hơn khi chính phủ Pháp, Đức, và Bulgaria đã ngừng thăm dò vì sự phản đối của công chúng.

Các biện pháp để tăng thị phần của năng lượng tái tạo được cũng không giúp ích gì trong chuyện giảm sự thống trị nguồn cung của Nga.

Sản lượng của năng lượng tái tạo dựa vào điều kiện thời tiết, nên nó vẫn cần hỗ trợ của các nhà máy điện truyền thống như là than, hạt nhân, hoặc khí tự nhiên.

Than không được ưa chuộng vì mục tiêu giảm khí thải của EU. Viễn cảnh tăng sử dụng điện hạt nhân đã bị mờ đi khi Đức và các nước khác quyết định từ bỏ ngành này.

Lịch sử châu Âu cho thấy không dễ để thoát được vòng tay Nga.


Dự án Dòng chảy Phương Nam

Nỗ lực gần đây nhất của EU là đường ống Nabucco, dự kiến đáp ứng 5% nhu cầu cả châu Âu bằng nguồn cung Trung Á và phá được thế gần như là độc quyền nguồn cung ở Trung và Đông Nam Âu.

Nhưng chi phí vượt dự kiến, thiếu nguồn cung sẵn có, và áp lực chính trị của Nga khiến dự án thay thế nhỏ hơn là Đường ống Xuyên biển Adriatic được chọn. Nó sẽ chỉ đáp ứng được khoảng 2% nhu cầu EU với nguồn khí đốt Azeri qua Albania, Hy lạp vào Italy. Thị trường này vốn đã khá đa dạng về nguồn cung.

Thất bại của Nabucco dẫn tới Gazprom có thể tự do xây đường ống Dòng chảy phương Nam khổng lồ dự kiến đáp ứng 10% nhu cầu châu Âu. Khí gas sẽ được bơm qua biển Đen vào Đông Nam Âu ở cuối thập kỷ này, tiếp tục củng cố vai trò thống trị của Nga trong khu vực

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét