Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

FDI Việt Nam: Tham nhũng hơn đứt Lào, Campuchia

FDI Việt Nam:Quy mô tham nhũng hơn đứt Lào, Campuchia
(Doanh nghiệp) - Thu hút, quản lý dòng FDI vẫn hạn chế ở chính sách, quy định pháp luật chồng chéo, khó hiểu; vấn đề tham nhũng, cơ chế xin cho... FDI cân nhắc vào Campuchia, Lào: Báo động cho Việt Nam / FDI cân nhắc vào Lào, Campuchia: Việt Nam trả giá...
Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội 
Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Tâm An
Ngoài ra, việc chậm phát triển công nghiệp phụ trợ mặc dù đã được đề cập cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được nhiều chính là những bất cập đòi hỏi Việt Nam không nên thỏa mãn với con số đăng ký vốn FDI trong thời gian vừa qua, trong tương lai tốc độ tăng trưởng FDI sẽ gặp khó.

Quy mô tham nhũng hơn Lào, Campuchia!


Nhìn nhận về kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho thấy, năm 2013, trong số các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) được khảo sát có đến 54% doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam đã từng cân nhắc đầu tư vào Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt là Campuchia và Lào... thay vì con số 32% như thời điểm năm 2011, năm 2012, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết, con số chưa thể hiện nhiều việc môi trường đầu tư của Việt Nam đang xấu đi.

Ông Toàn phân tích, doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào nước nào cũng sẽ khảo sát, so sánh sau đó mới quyết định. Tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, trước đây có thể họ chỉ so sánh số lượng ít nhưng sang năm 2013 họ so sánh với nhiều quốc gia hơn.

Ông Toàn dẫn chứng, một doanh nghiệp lợi nhuận xuất phát từ nhân công giá rẻ họ sẽ tìm đến đất nước có nhân công giá rẻ, còn doanh nghiệp lợi nhuận xuất phát chủ yếu từ công nghệ và nhân công chất lượng cao thì họ sẽ chuyển đến đất nước có nhân công chất lượng cao hơn.

"Quan trọng nhất là họ lựa chọn nước nào để đầu tư, kết quả vốn đăng ký cũng như vốn đầu tư thực sự giải ngân so với các nước trong khu vực ở mức độ nào, tăng lên nhiều hay ít và tổng số vốn đó vào Việt Nam như thế nào mới là những chỉ số quan trọng", ông Toàn nói.

Liên quan đến hiệu quả dòng vốn FDI, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, hiện nay Chính phủ và các Bộ ban ngành của Việt Nam nói chung đang rất quan tâm đến hiệu quả đầu tư nước ngoài đem lại cho Việt Nam.

Là đồng vốn và việc giải quyết vấn đề lao động nhưng quan trọng hơn là đem lại cho Việt Nam vấn đề tiếp cận công nghệ mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, lan tỏa và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước từ đầu tư nước ngoài, kích hoạt hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và đem lại cho Việt Nam tham gia vào quỹ giá trị toàn cầu, giá trị gia tăng.

Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam ngang bằng với Campuchia và Lào, trong khi tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật Việt Nam bị đánh giá là hơn 2 nước này.

Ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định, cơ sở hạ tầng của Lào, Campuchia không thể hơn Việt Nam. Lý giải về kết quả trên, ông Toàn lập luận: "Chẳng qua hạ tầng Lào không bị quá tải như ở Việt Nam, đường xá thoáng hơn nên doanh nghiệp nước ngoài đưa ra cảm nhận như vậy. Thực tế, Việt Nam có cảng biển, cảng sông, cảng sân bay, các hệ thống đường bộ, đường sắt và đường xuyên Á…"

Về vấn đề tham nhũng, ông Toàn cho biết, Lào, Campuchia tình trạng tham nhũng thậm chí có thể công khai hơn Việt Nam song ông cũng đánh giá mức độ và quy mô khó có thể bằng Việt Nam.

"Tham nhũng tại Việt Nam vừa qua có những vụ, kể cả vấn đề sử dụng nguồn vốn ODA cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những vụ tham nhũng quá lớn có lẽ chưa phát hiện ra, nặng hơn nữa là động cơ tham nhũng cá nhân sẽ gây ra hậu quả lớn. Ví dụ ông kiếm 1 đồng nhưng có thể làm nhà nước mất đi 10 đồng", ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Việt Nam chưa nên thỏa mãn


Theo ông Nguyễn Văn Toàn, việc so sánh Lào, Campuchia, Myanmar với Việt Nam sẽ "hơi khập khiễng" vì phải so sánh khi có nhiều điểm tương đồng trong khi đó Việt Nam mở cửa hội nhập lâu hơn, lượng đầu tư lớn hơn.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, tốc độ tăng trưởng dần dần sẽ khó hơn và Việt Nam chưa nên thỏa mãn với thu hút FDI như hiện nay với con số trên 20 tỷ USD.

Thu hút, quản lý dòng FDI vẫn hạn chế ở chính sách, quy định pháp luật chồng chéo, khó hiểu; vấn đề tham nhũng, cơ chế xin cho, chủ nghĩa phong bì…

Ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, môi trường đầu tư của Việt Nam mặc dù đã nhiều lần đề cập phải cải thiện nhưng việc cải thiện đang gặp rất nhiều khó khăn, khó khăn cả ở vấn đề chính sách.

Ông Toàn lấy dẫn chứng, doanh nghiệp đầu tư Nhật Bản trong vấn đề sử dụng lao động, bản chất của người Nhật Bản vốn cần cù, chịu khó, muốn làm việc và họ muốn người lao động Việt Nam làm việc nhiều hơn.

Nhưng vấn đề Luật Lao động của Việt Nam liên quan đến Tổng Liên đoàn Lao động, Bộ Lao động Thương binh xã hội, liên quan đến cơ quan bảo vệ lao động không cho phép sử dụng lao động quá giờ, coi đây là hành vi khai thác cạn kiệt sức lao động nhân công.

Ông Toàn nhìn nhận, Việt Nam đã bám trên quan điểm bảo vệ quyền lợi người lao động một cách máy móc, thay vì cấm, có thể mở rộng và cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và công nhân do có nhiều người muốn làm thêm giờ để giải quyết vấn đề thu nhập. "Không nên nghĩ việc làm thêm giờ là người ta sang bóc lột mình", ông Toàn nói.

Ngoài vấn đề chính sách, cũng theo ông Toàn tính minh bạch, tham nhũng, chủ nghĩa phong bì, xin cho vẫn tồn tại trong quá trình thu hút và quản lý doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ mặc dù đã được đề cập đến cách đây hơn 10 năm nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Toàn, "Việt Nam chưa làm được mấy". Chính vì điều này, Việt Nam vẫn phải mở cửa, đưa ra những ưu đãi như các chính sách về thuế, đất đai với trường hợp các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nhân công chất lượng cao, áp dụng công nghệ hiện đại.

"Việt Nam không thể làm phụ trợ ngay cho Samsung được. Việt Nam kêu gọi Samsung vào, Samsung làm thì phụ trợ của họ sẽ giúp Việt Nam giải quyết được vấn đề nhân công, chất lượng nguồn nhân lực cao hơn, giá trị gia tăng cao hơn, đóng thuế nhiều hơn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trưởng thành. Vấn đề chỉ là thời gian", ông Nguyễn Văn Toàn nói.

Dự báo về hiệu quả thu hút doanh nghiệp FDI năm 2014, theo ông Nguyễn Văn Toàn, mặc dù đầu tư nước ngoài quý I/2014 đã giảm đi rất nhiều về vốn đăng ký, vốn giải ngân nhưng trong 3 tháng chưa nói nên điều gì, dòng vốn đang có xu hướng dịch chuyển từ những quốc gia mình đặt trọng tâm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, cùng với việc tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) xu hướng của năm 2014 sẽ có khởi sắc và giữ được đà năm 2013.

“Việt Nam không thua kém nhưng chắc chắn phải có bộ lọc tốt hơn, đầu tư theo quy hoạch, có tính lan tỏa, kết hợp với doanh nghiệp trong nước”, ông Toàn nói.

Tâm An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét