Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

Thất vọng về nhận định của giáo sư Kenichi Ohno

Tôi rất tán thành nhận định của TS Giang. Quá thất vọng về phát biểu của giáo sư Kenichi Ohno. Phần lớn các giáo sư nước ngoài sang VN đều không hiểu sâu về kinh tế VN, do đó nếu trong bài phát biểu phải có liên hệ với VN thì họ rất thận trọng, không tính đến đám giáo sư nịnh hót thì chuyên phát biểu loạn xạ để ca ngợi lấy lòng nước chủ nhà. Riêng giáo sư Kenichi Ohno đã từng nghiên cứu lâu năm về kinh tế VN, nhưng sử dụng số liệu và phân tích quá mơ hồ, kết luận thì quá mạnh. Đặc biệt, GS đưa ra 3 tiêu chuẩn để kết luận Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì quá hài hước. VN vừa mới bước chân vào câu lạc bộ các nước có thu nhập trung bình, đang củng cố thành quả để đi tiếp, đã làm gì mới đâu mà GS vội kết luận đã rơi vào bẫy.
Thất vọng!
Lê Hồng Giang: Bài phát biểu này của giáo sư Kenichi Ohno làm tôi thất vọng về vị giáo sư đã từng có nhiều đóng góp học thuật và chính sách kinh tế cho Việt Nam. Tôi không biết ông tính toán số liệu tăng trưởng tiền lương danh nghĩa thế nào mà trong ba năm 2009-2012 lương trung bình tăng (1+0.259)^3-1=99.56%, nghĩa là gấp đôi. Tôi không tin mặt bằng lương của VN tăng nhanh như vậy dù đây là lương danh nghĩa và lạm phát của Việt Nam khá cao trong giai đoạn đó. Một nền kinh tế bế tắc, năng suất thấp, thất nghiệp cao, hệ thống công đoàn yếu ớt làm sao lương bổng có thể tăng nhanh như vậy?

Ngay cả nếu coi con số tăng trưởng lương danh nghĩa là đúng, tôi cho rằng số tăng trưởng năng suất lao động 3,2% cho toàn bộ nền kinh tế mà giáo sư Ohno đưa ra là năng suất thực chứ không phải danh nghĩa. GDP danh nghĩa của Việt Nam tăng xấp xỉ 20 %/năm trong giai đoạn đó, trừ đi tăng trưởng lao động khoảng 2-3% (là cao) thì tốc độ tăng năng suất danh nghĩa không thể thấp như vậy. So sánh tốc độ tăng tiền lương danh nghĩa với năng suất lao động thực là so sánh cam với táo, đáng tiếc không ai đặt câu hỏi với giáo sư Ohno về điểm tương đối dễ thấy này.

Nhưng quan trọng hơn là lập luận của giáo sư Ohno về "bẫy thu nhập trung bình" hầu như không có giá trị gì. Khi nói về "bẫy" người ta phải chỉ ra cơ chế làm cho đối tượng bị "sập bẫy" không thể tự thoát ra được. Ví dụ khi nói về "bẫy đói nghèo" nguyên lý của nó là nước nghèo không có tiền đầu tư cho giáo dục và y tế nên thế hệ sau lại tiếp tục nghèo. Việc một nền kinh tế tăng trưởng chậm lại chỉ là biểu hiện chứ không phải nguyên nhân của bất kỳ cái bẫy nào cả. Một giai đoạn tăng trưởng chậm có thể chỉ đơn giản là mang tính chu kỳ chứ không phải đã rơi vào bẫy.

Đồng ý rằng năng suất tăng chậm và tiền đồng Việt Nam bị định giá cao làm sức cạnh tranh của Việt Nam giảm sút. Nhưng đó cũng không phải là cái bẫy, đó là chính sách kinh tế yếu kém/sai lầm cần phải thay đổi. 

Vậy nếu Việt Nam không chịu thay đổi (cứ tiếp tục tham nhũng, tiếp tục "nuông chiều" các doanh nghiệp nhà nước, tiếp tục giữ đồng Việt Nam cao giá...) thì kinh tế có rơi vào "bẫy" không thoát ra được hay không? 

Cũng không nốt, kinh tế Việt Nam có thể sẽ càng ngày càng mất tính cạnh tranh, nợ nần tăng cao, thâm hụt thương mại lớn... và đến một lúc nào đó sẽ xảy ra khủng hoảng. Nền kinh tế sẽ thoát ra khỏi cái "bẫy", nhưng không phải lên trên mà xuống dưới, quay về với cái "bẫy đói nghèo" thực sự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét