Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Vì Nga, Đức sẵn sàng quay lưng với Mỹ?

Cựu Thủ tướng Đức: Hành động của Nga ở Crimea là hoàn toàn dễ hiểu
(VnMedia) - Phương Tây chưa tiến đến giai đoạn mà ở đó các nước sẵn sàng áp đặt biện pháp trừng phạt về kinh tế đối với Nga, nữ Thủ tướng quyền lực của Đức – bà Angela Merkel cho biết đồng thời nói thêm rằng bà hy vọng sẽ tìm được một giải pháp chính trị cho tình thế bế tắc trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel chưa sẵn sàng mạnh tay với Nga
như lời kêu gọi khẩn thiết của Tổng thống Mỹ Barack Obama



Sau cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc ở thủ đô Berlin ngày hôm qua (26/3), Thủ tướng Đức tuyên bố, bà “không hề thích làm leo thang” căng thẳng trong quan hệ với Nga. “Ngược lại, tôi đang nỗ lực để làm dịu tình hình”, bà Merkel cho hay.

Nữ Thủ tướng Merkel tin rằng, phương Tây “chưa tiến đến giai đoạn áp đặt các biện pháp trừng phạt về kinh tế” đối với Nga như lời kêu gọi khẩn thiết của Tổng thống Barack Obama gần đây. “Và tôi hy vọng, chúng ta sẽ có thể tránh được điều đó”, bà Merkel nói thêm.

Berlin phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ kinh tế với Nga. Giá trị thương mại song phương giữa hai nước đạt khoảng 76 tỉ euro năm 2013. Ngoài ra, có khoảng 6.000 công ty Đức và hơn 300.000 công việc ở Đức đang phụ thuộc vào các đối tác Nga với tổng đầu tư lên tới 20 tỉ euro.

Đức hiện tại cũng là nhà xuất khẩu sang Nga lớn nhất trong Liên minh Châu Âu (EU). Các công ty sản xuất ô tô của Đức có thể sẽ là nạn nhân phải gánh chịu hậu quả đầu tiên nếu có thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga được thực thi bởi khoảng một nửa xuất khẩu của Đức sang Nga là trong lĩnh vực xe cộ và máy móc.

Tập đoàn Volkswagen, BMW, và hãng sản xuất xe tải MAN tất cả đều đang có chi nhánh tại Nga trong khi VW sẵn sàng bơm thêm 1,8 tỉ euro vào thị trường Đông Âu cho đến năm 2018, báo chí địa phương đưa tin. Tập đoàn Opel – một hãng sản xuất xe của Đức năm ngoái bán tới hơn 80.000 chiếc xe cho thị trường Nga, cho biết công ty này “đã cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi vì sự thay đổi của đồng rúp trong thời gian vừa qua".

Trong lĩnh vực bán lẻ, các cửa hàng Metro của Đức đang muốn chinh phục khách hàng Nga trong năm nay nhưng kế hoạch này hiện đang đối mặt với nhiều nguy cơ, tờ Der Spiegel đưa tin.

Hồi đầu tháng này, ngân hàng phát triển KfW của Đức đã hủy hợp đồng trị giá 900 triệu euro với ngân hàng VEB của Nga. Hợp đồng này là một sáng kiến đầu tư nhằm giúp đỡ các công ty cỡ vừa. Theo đó, người Đức sẽ phải đầu tư 200 triệu euro vào Nga.

Ngoài ra, Đức cũng phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga với khoảng 35% khí đốt cung cấp cho người Đức là từ Nga.

Cựu Thủ tướng Đức: Hành động của Nga ở Crimea là hoàn toàn dễ hiểu

Hành động của Moscow trong vấn đề Crimea là hoàn toàn dễ hiểu, cựu Thủ tướng Đức Helmut Schmidt đã nói như vậy đồng thời lên tiếng chỉ trích phản ứng của phương Tây đối với sự tái hợp của bán đảo trên với nước Nga.

Cách giải quyết vấn đề Crimea của Tổng thống Vladimir Putin là “hoàn toàn dễ hiểu”, ông Schmidt đã viết như vậy trên tờ Die Zeit – nơi ông đang làm việc như là một người biên tập.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt nhằm vào các chính khách, doanh nhân Nga mà Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đang áp dụng là “ý tưởng ngu ngốc”, cựu Thủ tướng Đức thẳng thắn chỉ trích.

Những biện pháp trừng phạt hiện nay chỉ mang tính biểu tượng nhưng nếu các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng về kinh tế được áp đặt thì “chúng sẽ tác động tới phương Tây mạnh như với Nga”, ông Schmidt cảnh báo. Vị cựu Thủ tướng Đức cũng tin rằng, việc phương Tây từ chối hợp tác với Nga trong khuôn khổ G8 là một quyết định hoàn toàn sai lầm.

“Sẽ là lý tưởng nếu các nước vẫn ngồi lại với nhau. Sẽ có tác dụng hơn nhiều nếu chúng ta xúc tiến hòa bình thay vì những lời đe dọa trừng phạt”, cựu Thủ tướng Đức Schmidt giải thích. Hơn nữa G8 bản thân nó cũng không quan trọng như G20 – nơi Nga vẫn là một thành viên, ông Schmidt nói thêm.

Theo ông Schmidt, tình hình ở Ukraine “nguy hiểm bởi phương Tây đang rất bối rối, khó chịu” và cảm giác đó dẫn tới “trạng thái tình cảm tương tự trong công chúng và giới chính khách Nga”.

Cựu Thủ tướng Đức từ chối không phỏng đoán về khả năng Nga triển khai quân đến các khu vực phía đông của Ukraine nhưng nói thêm rằng, phương Tây “đừng đốt lên lòng ham muốn của Nga”.

Ông Schmidt đảm nhiệm vị trí Thủ tướng Tây Đức từ năm 1974 đến 1982 đồng thời ông cũng từng kinh qua những vị trí cấp cao như Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Kinh tế của Đức.

Crimea và thành phố Sevastopol đã chính thức được sáp nhập vào Liên bang Nga hôm 21/3 sau khi Tổng thống Putin đặt bút ký sắc lệnh hoàn tất thủ tục. Bán đảo Crimea đã quyết định ly khai khỏi Ukraine sau khi phe đối lập với nhiều thành phần theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã thực hiện một cuộc đảo chính, lật đổ chính quyền của Tổng thống Viktor Yanukovich. Chính quyền lâm thời mới ở Kiev đã có chính sách thể hiện sự phân biệt đối xử người gốc Nga ở Ukraine. Crimea có tới gần 60% người dân là người gốc Nga.

http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_2318939/vi_nga_duc_san_sang_quay_lung_voi_my.html

1 nhận xét:

  1. Khí đốt là huyết mạch của nền kinh tế Nga. Một khi Âu Châu và Ukraine có nguồn cung ứng khác thay thế,kinh tế Nga sẽ suy sụp (Mỹ sẻ là nhà sản xuất dầu khí theo lời Obama). Chính cơm,áo,gạo,tiền mới làm nên sự hưng phấn trong cuộc sống vì dân Nga không thể ôm lấy Crimea để thỏa mãn tự ái dân tộc. Khi thiếu bánh mì,họ sẽ bỏ rơi Putin./.

    Trả lờiXóa