Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Tại sao Việt Nam vẫn cần có luật về hội?

Tại sao Việt Nam vẫn cần có luật về hội?
Hiện có nhiều ý kiến khác nhau về việc Việt Nam có cần một Luật về hội hay không. Có người cho rằng, nếu không có Luật về Hội xã hội dân sự sẽ khó phát triển. Có người lại cho rằng một Luật về hội là không cần thiết, ít nhất trong thời gian hiện tại, vì Luật ra đời có khi lại “trói” nhiều hơn “mở”. Như vậy, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ảnh: các tổ chức phi chính phủ tổ chức lấy ý kiến 
người dân tộc thiểu số về Hiến pháp sửa đổi (nguồn: internet)
Trước hết, chúng ta hiểu xã hội dân sự là những không gian của người dân, tập hợp với nhau dưới nhiều hình thức, cùng hành động vì một mục tiêu cụ thể. Những không gian dân sự này nằm ngoài nhà nước và thị trường.
Ở Việt Nam, có thể điểm qua một số loại hình tổ chức xã hội dân sự đang tồn tại. Nhóm thứ nhất, đó là các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, hay Hội luật gia, Hội nghiên cứu đông nam á, và Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Đây là những hội thành viên, được thành lập bởi nhà nước, nhận kinh phí hoạt động từ nhà nước và triển khai các hoạt động của nhà nước. Nhiều người cho rằng những tổ chức này không phải là xã hội dân sự, nhưng trong bài này tôi tạm xếp họ thành một nhóm để dễ thảo luận.

Nhóm thứ hai là các tổ chức khoa học và công nghệ hoạt động phi lợi nhuận, được thành lập theo luật khoa học và công nghệ. Các tổ chức này tự nhận mình, và cũng được nhìn nhận bởi xã hội, như các tổ chức Phi chính phủ (NGO) vì tính tương đối độc lập của chúng. Về tư cách pháp nhân, các tổ chức này phải đăng ký dưới một ‘cơ quan chủ quản’ như Hội nghiên cứu đông nam á hay Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Về chiến lược hoạt động, nhân sự và tài chính, các tổ chức này tự chủ, không (được) nhận tiền từ ngân sách nhà nước. Nhưng vì có tư cách pháp nhân, nên họ có thể nhận tiền tài trợ từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để hoạt động. Giám đốc các tổ chức này do Hội đồng sáng lập chọn và đề xuất lên cơ quan chủ quản, và thường được phê duyệt.

Nhóm thứ ba là các tổ chức cộng đồng, hoạt động tự nguyện, gắn liền với các nhu cầu của một nhóm người dân. Các tổ chức này rất đa dạng, tồn tại ở cả thành thị lẫn nông thôn. Các mô hình phổ biến như câu lạc bộ nghệ thuật, nhóm hành động vì môi trường, tổ hợp tác kinh tế, hoặc câu lạc bộ của các cụ hưu trí. Các tổ chức cộng đồng tự do thành lập, tự do hoạt động và tự do giải thể. Họ không có nhu cầu đăng ký tư cách pháp nhân và không muốn được/bị chính quyền quản lý.
Vai trò của các tổ chức XHDS có thể trải trên một phổ rộng

Về vai trò chức năng, theo Hannah, các tổ chức xã hội dân sự phân bố trên một phổ khá rộng, từ cực phải đó là cung cấp dịch vụ cho thành viên (như các tổ chức cộng đồng), hay triển khai các hoạt động của nhà nước (như các tổ chức chính trị xã hội đang làm), đến các hoạt động vận động, giám sát, phản biện chính sách, và phản kháng xã hội ở cực trái. 

Theo một số học giả, xã hội dân sự có ích nhất cho sự phát triển của xã hội khi nó đóng vai trò vận động, giám sát và phê phán chính sách của nhà nước. Trên thực tế, các tổ chức xã hội dân sự luôn hướng tới vai trò trung tâm đó, còn nhà nước, đặc biệt trong những nhà nước thiếu dân chủ, luôn muốn xã hội dân sự tập trung vào việc cung cấp dịch vụ.

Ở Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các tổ chức cộng đồng không gặp khó khăn gì về khung pháp lý. Họ hài lòng với sứ mệnh mình đang làm, và nhà nước cũng hài lòng với vai trò họ đang đảm nhiệm. Chỉ có các tổ chức phi chính phủ đang phải loay hoay với sứ mệnh tồn tại của mình, cũng như khung pháp lý hiện đang áp lên họ. Về thực chất, việc hình thành và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ hiện tại đang gặp những vấn đề gì?

Thứ nhất, quá trình thành lập các tổ chức phi chính phủ là khả thi với bằng chứng có gần 1000 tổ chức được đăng ký ở những cơ quan chủ quản khác nhau. Tuy nhiên, việc thành lập thường phụ thuộc vào quan hệ cá nhân, hoặc năng lực vận động tốt của Ban sáng lập. Có nghĩa, chỉ những tầng lớp trung lưu và có nguồn lực trong xã hội mới thành lập được tổ chức của mình. Những nhóm yếu thế hơn, không có nguồn lực hoặc quan hệ rất khó khăn khi thành lập tổ chức. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng ngay trong xã hội dân sự nơi có sứ mệnh đại diện cho tiếng nói của người yếu thế.

Thứ hai, những đối tượng “nhạy cảm” hoặc “chủ đề nhạy cảm” theo chủ quan của cơ quan nhà nước sẽ gặp muôn vàn khó khăn khi thành lập tổ chức, thậm chí bị từ chối vì lý do không rõ ràng. Nói cách khác, chỉ những tổ chức được xem là “triển khai các hoạt động của nhà nước” hay “cung cấp dịch vụ cho cộng đồng” thì được phép thành lập. Những tổ chức có sứ mệnh hoạt động độc lập, hướng tới giám sát và phê phán chính sách, thường khó vượt ải đăng ký.

Thứ ba, nếu không có Luật về hội, việc thành lập các Hội thành viên hoạt động độc lập (khác với các tổ chức đoàn thể) là không tưởng. Điều này dẫn đến độc quyền trong xã hội dân sự. Ví dụ, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam là duy nhất, nếu phụ nữ muốn tham gia hội thì chỉ có một lựa chọn dù họ có đồng ý với tôn chỉ mục đích và phương thức hoạt động của Hội phụ nữ hay không. Điều này cũng đúng cho Công đoàn, cho Hội nông dân, và Đoàn thanh niên. Rõ ràng sự độc quyền về hội hạn chế quyền thành lập và tham gia Hội của người dân, dẫn đến hoạt động hội không hiệu quả trong việc bảo vệ quyền của nhân dân.

Dù khó khăn, một số tổ chức phi chính phủ đang cố gắng thực hiện sứ mệnh giám sát và phê phán chính sách. Tuy nhiên, họ chỉ là những tổ chức phát triển, hoặc các tổ chức chuyên môn luôn ở thế yếu so với các cơ quan nhà nước. Họ được tham vấn vì quan hệ cá nhân, năng lực chuyên môn, hoặc do các nhà tài trợ nước ngoài kết nối với cơ quan chính phủ. Tất cả những cơ hội này hoàn toàn có thể biến mất nếu chính phủ thấy không cần thiết phải lắng nghe các tổ chức phi chính phủ, hoặc khi thấy ý kiến của các tổ chức phi chính phủ đi ngược lại quan điểm và nghị quyết của Đảng và nhà nước. Do hạn chế về tài chính, không có quyền lực chính trị (vì không có thành viên) nên khi bị gạt ra ngoài lề, các tổ chức phi chính phủ chỉ có thể im lặng.

Rõ ràng, việc không có Hội thành viên hoạt động độc lập, người bị thiệt thòi trước tiên là nhân dân. Ví dụ, một chính sách giáo dục có thể ảnh hưởng đến tương lai của hàng triệu học sinh và sinh viên, một chính sách nhập khẩu thực phẩm có thể ảnh hưởng đến hàng triệu nông dân, nhưng do không có Hội đại diện cho quyền lợi của mình, sinh viên và nông dân không được thông tin đầy đủ về ảnh hưởng của chính sách. Thêm nữa, là các cá nhân đơn lẻ, họ không thể phản hồi hiệu quả cho chính phủ. Điều này chắc chắn sẽ khác đi, nếu có những Hội với hàng chục ngàn hoặc hàng trăm ngàn thành viên nêu ý kiến. Khi đó các cơ quan nhà nước phải lắng nghe và có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết và thay đổi. Hội thành viên làm tăng quyền lực của các tổ chức xã hội dân sự, để cuối cùng giúp tìm ra giải pháp tốt nhất cho xã hội và đất nước.

Như vậy, với khung pháp lý không hoàn thiện hiện tại, các tổ chức phi chính phủ vẫn có thể hoạt động, tham gia cung cấp dịch vụ, vận động xã hội và chính sách. Tuy nhiên, khi hoạt động của họ vươn ra các vùng bị nhà nước cho là nhạy cảm, không mong đợi thì khả năng họ bị hạn chế hoạt động hoặc loại bỏ ra khỏi các cuộc tham vấn chính sách, cắt đứt quan hệ với truyền thông nhà nước là hoàn toàn có thể. 

Điều này dẫn đến việc tự kiểm duyệt của các tổ chức phi chính phủ trong việc phê phán hoặc bày tỏ chính kiến khác với các cơ quan công quyền. 

Đây chính là lý do cần phải có Luật về hội để các tổ chức phi chính phủ có thể giám sát và phê phán chính sách của nhà nước một cách độc lập, trung thực mà không bị ngăn cản, và các Hội thành viên có thể thành lập để nâng cao nhận thức xã hội, cũng như cân bằng quyền lực với các cơ quan công quyền, nhằm tạo ra các kênh đối thoại để tìm ra những giải pháp tối ưu cho sự phát triển của đất nước và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Bình Lê (Diễn ngôn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét