Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Lại mưa, lại có người chết nhưng có sao đâu

Trong khi quan chức Philippines tuyệt thực phản đối thế giới bàng quan với biến đổi khí hậu thì ở Việt Nam, cứ mưa bão là có người chết, nhà cửa ngập lụt, nhưng quan chức trung ương dường như vẫn bình chân như vại. Xem thêm ở cuối bài: Cả tàu ngựa đau, hai con vẫn thản nhiên ăn cỏ. Nghe các quan ngoại giao đi họp quốc tế về khoe "Ta nói mạnh, nói thẳng, tiếng nói của ta có sức mạnh, có trọng lượng và được hoan hô trên các diễn đàn quốc tế...", mình những muốn ói mửa.
Mưa trắng trời miền Trung, 5 người chết trong lũ dữ
Đến 20h ngày 15/11, miền Trung vẫn mưa nặng hạt. Nước ở các con sông tại Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam tiếp tục dâng cao. 5 người chết, 2 mất tích trong lũ dữ.
Nước ngập trên khắp các con đường ở TP.Huế. 
Mưa xảy ra từ hơn 16h chiều kéo dài đến 20h vẫn chưa ngớt.
Tại Thừa Thiên-Huế: Mưa trắng trời
Từ 4h chiều nay 15/11, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế mưa lớn kéo dài, khiến nước từ thượng nguồn đổ về nhanh, nhấn chìm nhiều khu vực.
Theo ghi nhận, đến khoảng 20h ngày 15/11, tại TP.Huế và một số vùng lân cận, nước lũ dâng cao, ngập nhiều trục đường chính khiến giao thông đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Nhiều nhà dân bị nước tràn vào, sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, một số nơi còn bị mất điện. Dự báo nếu mưa tiếp tục lớn, nửa đêm nay hoặc sáng ngày mai, TP.Huế sẽ bị ngập trắng. 


Nước mênh mông khắp các địa phương trên địa bàn Thừa Thiên - Huế.


Nước ngập vào các phòng học của trường đại học 
Y Dược Huế. Nhiều học sinh bị mắc kẹt không thể về nhà trọ.

Quảng Ngãi: Một học sinh bị gió đẩy xuống vực sâu

Từ tối ngày 14/11, mưa dồn dập đổ xuống khiến nước tại sông Vệ, Trà Khúc lên rất nhanh, có nơi đến mức báo động 3. Nước dân ngập đường xá, cầu cống, đồng ruộng và tràn vào nhà dân, trường học. Trong ngày hôm nay (15/11), hơn 25.000 người dân có nhà dọc sông Vệ và Trà Khúc phải sơ tán đến những nơi an toàn.

Lúc 6h sáng nay, lốc xoáy cường độ mạnh đã cuốn em Vương Thị Thu Thủy, học sinh lớp 5C, trường tiểu học Nghĩa Hành, đang trên đường đến trường, rơi xuống vực bên cầu Dài. Lúc này nước lũ đang tràn về nên Thủy bị chết đuối. Sự việc chỉ được phát hiện khi người dân đi đường phát hiện chiếc cặp nổi trên mặt nước. 

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nhiều khu vực dân cư ở xã Hành Dũng, Hành Tín Tây... đã ngập sâu trong lũ, giao thông bị chia cắt. Hơn 600 học sinh các cấp ở 2 xã này phải nghỉ học. Tại huyện Sơn Hà, nước trên sông Rin dâng cao gây ngập các tuyến đường, trường học, hơn 3.000 học sinh phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Mưa to đổ xuống miền Trung trong hàng chục giờ.

Các con đường trong TP.Quảng Ngãi chìm trong biển nước.


Nước sông Trà đang dâng cao đến mức báo động 3, gây ngập úng nhiều nơi.


Các huyện ven sông Vệ và Trà Khúc đã sơ tán 
hơn 25.000 người dân đến vùng cao an toàn.

Ảnh: báo Quảng Ngãi

Nước tràn vào nhà dân ở huyện Nghĩa Hành.

Nước tràn khắp con đường, nhà dân ở huyện miền núi Sơn Hà (Ảnh: Độc giả Khoa Anh)

(Ảnh: Khoa Anh)

(Ảnh: Khoa Anh)

Cầu Sông Rinh bị ngập, giao thông tê liệt.


Nhiều ngôi trường tại huyện Nghĩa Hành bị nước tràn vào, học sinh phải nghỉ học. Thống kê sơ bộ, lũ lụt đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản của người dân 13 huyện, thành phố củ Quảng Ngãi. Cụ thể, 1 người chết do nước cuốn trôi là em Vương Thị Thu Thảo ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành), 1 người bị thương do sạt lở núi tại thôn Gò Re, xã Ba Xa (Ba Tơ); 8 nhà bị sập đổ, cuốn trôi và tốc mái; trạm y tế xã Nghĩa An (Tư Nghĩa) bị tốc mái hoàn toàn.

Bình Định, Phú Yên: 1 người chết, 1 mất tích

Nước ở các con sông ông Kỳ Lộ, sông Ba (Phú Yên) dâng cao ngập cầu La Hai (Đồng Xuân) gần 1m. Mọi phương tiện qua đoạn đường này bị phong tỏa, người dân phải đi vòng qua các nơi khác. Nước chảy mạnh cũng đã làm vỡ bờ bao Suối Tre (xã Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu), nhiều nhà dân bị ngập nặng. 

Trong khi đó tại Bình Định lúc 9h sáng nay, anh Trần Thế Giảng (17 tuổi, thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân) khi bơi qua sông Kim Sơn (địa bàn xã Ân Nghĩa) đã bị nước cuốn trôi. Theo người dân sống, sáng 15/11 nước từ thượng nguồn đổ về ào ạt, anh Giảng và một người bạn bơi qua sông để qua bờ bên kia về nhà. Đang bơi giữa dòng, anh đuối sức bị nước cuốn trôi. Người bạn đi cùng may mắn thoát nạn.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống bão lụt và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, ngoài nạn nhân Giảng, thì ông Nguyễn Thanh Sang (41 tuổi, thị trấn Phú Phong, huyện Hoài Nhơn) cũng bị lũ cuốn trôi mất tích.

Trong khi đó, một số địa bàn ở Bình Định cũng bị nước nhấn chìm. Trong ảnh: P.Nhơn Phú, TP.Quy Nhơn bị ngập. Ảnh: Độc giả Ren Thạnh.

Công viên Long Vân (P.Trần Quang Diệu, TP.Quy Nhơn). Ảnh: Độc giả Ren Thạnh.

Đoạn đường Hùng Vương từ Ngã 3 Phú Tài đến Công Viên Long Vân. Nước đang tràn vào nhà người dân ở 2 bên đường. Ảnh: độc giả Ren Thạnh.

Ảnh: Ren Thạnh

Nước đang tràn qua cầu Sông Ngang, mọi phương tiện bị cấm lưu thông. Ảnh: Ren Thạnh

Ảnh: Ren Thạnh

Lực lượng chức năng triển khai công tác ứng cứu người dân trong vùng lũ. Ảnh: Độc giả Ren Thạnh

Người dân P.Nhơn Bình (TP.Quy Nhơn) dọn đồ chạy lũ. Ảnh: Tuổi Trẻ

Quảng Nam: Bơi thuyền trên đường

Ngày 15/11, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết từ 19h ngày 13/11 đến chiều 15/11 trên địa bàn có mưa, lượng mưa phổ biến từ 100 - 150 mm. Nước mưa làm cho hồ chứa của thủy điện Sông Tranh 2 dâng lên đến 165,2m/161m (cao trình ngưỡng tràn) và lưu lượng nước về hồ là 5242,87 m3/s, lưu lượng tự tràn qua ngưỡng tràn và qua các tổ máy là 2789,53 m3/s.

Nước lũ làm ngập sâu ngầm sông Trường nằm trên tuyến giao thông huyết mạch ĐT 615 từ TP.Tam Kỳ đi các huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, làm cho huyện Nam Trà My và xã Trà Tân, Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giáp, Trà Giác và Trà Trà Ka (Bắc Trà Mỳ) bị cô lập hoàn toàn.

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Quảng Nam mực nước các sông Vu Gia, Thu Bồn có khả năng lên mức báo động II, III và trên báo động III vào đêm nay và sáng mai.

UBND huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo phát loa thông tin rộng rãi đến khối phố, xã và thị trấn toàn huyện để cho bà con nhân dân biết để chủ động phòng chống nước lũ dâng cao.

Thị thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc), nước dâng cao gần 1m, người dân phải dùng thuyền bơi trên đường để vận chuyển lúa gạo, vật nuôi, tài sản đến nơi an toàn. 

Đến 21h cùng ngày, mưa vẫn còn rất to tại tất cả các huyện của Quảng Nam.


Mực nước tại các con sông ở Quảng Nam đang lên mức báo động 3.

Tại Giai Lai, cô giáo Nguyễn Thị Hằng Nga (giáo viên hợp đồng Trường mầm non xã Kông Lơng Khơng) và một giáo viên khác đang trên đường từ thị trấn huyện Kbang vào xã Kông Lơng Khơng để đi dạy, khi đi qua đến một ngầm nước đoạn qua xã Đông thì nước đổ về bất ngờ khiến hai cô giáo bị cuốn trôi. Thi thể cô Nga đã được tìm thấy nhưng giáo viên còn lại thì đang mất tích.

Tại Khánh Hòa, anh Nguyễn Xuân Hùng (31 tuổi, ở P.Vĩnh Phước, TP.Nha Trang) vào sáng 14/11, đi xuồng máy đến khu vực Hòn Mát (P.Vĩnh Hòa) để lặn bắt tôm hùm bị nước cuốn trôi mất tích.

Tại Kon Tum, vào sáng nay (15/11), chị Y Hiên (38 tuổi, trú xã Đắk Nên, huyện Kon Plông, Kon Tum) trên đường đi làm rẫy về bị nước lũ đổ về và cuốn mất tích. Đến chiều cùng ngày, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể nạn nhân.

Nhóm PV
Theo Tri Thức

Cả tàu ngựa đau, hai con vẫn thản nhiên ăn cỏ.
Ông Nguyễn Sinh Hùng dự Festival trà tại Thái Nguyên

VTV quay chuyện bão tố, nhà cửa bay lơ lửng trong không trung, sóng đập vào bờ cao như sóng thần và thảm cảnh người chết vô số ở Philippines, khiến cả nước im lặng chia sẻ sự đau khổ của người dân Phi không còn bút mực nào có thể nói hết.

Bão lụt hàng năm tại Phi gây ra không biết bao là thảm nạn. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều nhưng so với Phi thì dân Việt may mắn hơn nhiều. 10 ngàn người có thể bị xóa sạch sau khi cơn bão Haiyan tấn công là ác mộng và khó thể tưởng tượng sau thảm kịch này thì Manila sẽ đứng lên bằng cách nào.
Haiyan tàn khốc, cuồng nộ đã kéo ra khỏi Phi để tới Việt Nam và con đường của nó được cả thế giới theo dõi. Từ rất sớm, Việt Nam đã chuẩn bị tư thế để đối phó với Haiyan dù đối phó với thiên tai không hề là chuyễn dễ dàng. Người dân chỉ biết chắt mót gom góp chút của cải nhỏ bé và hồi hộp chờ đợi sự giận dữ của thiên nhiên. Bão ngày một gần, tâm trạng người dân ngày một bất an. Bão tố chưa tới đất liền nhưng tiếng than khóc thấu trời tại Philippined bay theo truyền thông đến Việt Nam khiến cả nước như ngồi trên đống lửa.

Vây mà có hai người không sợ bão, vẫn ung dung nhàn tản đi thăm Thái Nguyên và Hưng Yên. Người đi thăm và tham dự Festival trà tại Thái Nguyên là ông Nguyễn Sinh Hùng, đương kim Chủ tịch Quốc hội, nơi có đại diện của 64 tỉnh thành, cũng có nghĩa là có cả đại biểu của nhiều tỉnh đang bị bão Haiyan đe dọa. Ông Hùng tới Thái Nguyên vào đêm 9 tháng 11 trong khi người dân các tỉnh miền Trung và miền Bắc đang lo vãi linh hồn cho cơn bão Haiyan.

Ông đọc diễn văn chào mừng trà Thái Nguyên trong khi tại Thanh Hóa, rất gần với Nghệ An nơi sinh quán của ông, gió rít sóng giật như đang cuồng nộ cho hành động đáng xem là đang dẫm lên nỗi đau của quê nhà để "hót lời chím chóc".

Vẫn biết một Festival phải được chuẩn bị nhiều tháng trời trước khi khai mạc. Vẫn biết Festival trà tại Thái Nguyên có tầm quan trọng đến việc quảng bá thương hiệu trà của tỉnh này. Và vẫn biết ban tổ chức cho rằng sự có mặt của ông Chủ tịch Sinh Hùng là có ý nghĩa cho lễ hội này.

Thế nhưng những cái vẫn biết ấy lại nói lên những khía cạnh khác của việc ông Hùng có mặt tại Festival trà.

Ông Chủ tịch Quốc hội có tham gia lễ hội trà thì cũng không làm cho trà Thái Nguyên thơm hơn hay doanh thu của nó vượt thêm được mấy gói. Sự có mặt của ông chỉ mang tính làm dáng và hoàn toàn không cần thiết trong bất cứ lúc nào, nhất là lúc này. Rất tiếc là những người tổ chức cần ông như cần một tấm panô quảng cáo nhưng ông lại không ý thức được thâm ý này.

Sự có mặt của ông là không cần thiết vì với chức vụ Chủ tịch Quốc hội đáng ra ông phải cùng với đồng viện lo cho dân chúng sắp gặp cảnh màn trời chiếu đất, người chết, tài sản tiêu vong. . .

Ông Nguyễn Sinh Hùng còn ham hố mấy tiếng vỗ tay vuốt đuôi trong một cái Festival vô bổ. Đáng ra nếu lợi dụng được cái Festival này để làm những điều ý nghĩa hơn thì ông sẽ có cách lựa chọn khác, mà tốt nhất là dời ngày tổ chức như một trách nhiệm đối với người dân.

Ban tổ chức hoàn toàn có lý do để hoãn lại ngày khai mạc vì "một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ". Hành động can đảm này sẽ làm cho người dân cảm thấy được an ủi và ông Nguyễn Sinh Hùng có lẽ sẽ được người dân nhìn bằng con mắt khác. Bão dù có to mấy thì cũng phải yếu đi nhưng sự trách móc của người dân dù có yếu nhất nhưng lâu dần cũng có thể gom lại để thành bão tố.

Người thứ hai nhàn tản cưỡi ngựa xem hoa tận Hưng Yên, sau ông Chủ tịch Quốc hội một ngày là ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tỉnh Hưng Yên
TTXVN loan báo: ngày 10/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm, làm việc tại tỉnh Hưng Yên, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, giai đoạn 2010-2013.

Không cần đến nơi cũng thấy sự vô bổ của chuyến đi còn hơn Festival trà Thái Nguyên một bậc. Bài báo viết: "Về công tác xây dựng Ðảng, Tổng Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, từng cán bộ, đảng viên cần nhận rõ những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI), kịp thời sửa chữa, khắc phục, nhằm củng cố, tăng cường niềm tin trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân".

Và người ta có thể kết luận ông Trọng chọn lựa việc lo cho đảng của ông bất cần cơn bão Haiyan đang tới.

Không cần thiết phải nói thêm về tính chất vô cảm của cả hai ông, ở đây còn lộ ra một khía cạnh khác của lãnh đạo đất nước chúng tôi, cả hai ông đều biểu hiện sự lệch lạc, nhận thức chính trị kém cỏi trong ứng xử của một lãnh đạo.

Ông Chủ tịch Quốc Hội ngồi xem người ta làm trò tại một Festival nói về trà trong khi cử tri nhốn nháo tìm cách trốn tránh thiên tai như một bày chuột đáng thương cho thấy sự cân đo chính trị của ông là một dấu hỏi thật lớn. Ông không thấy được sự bất bình của dư luận đối với ông khi so sánh hai bài viết cùng đăng trên một trang báo, hình ảnh nhân dân tơi tả trong bão tố, lũ lụt đi kèm bên hình ảnh của ông Chủ tịch Quốc hội và những ông những bà khác như phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương . . . tươi cười ngồi giữa một không gian đầy hoa tươi, cờ xí ngợp trời cùng đèn màu đủ loại!

Trong khi đó ông Tổng Bí thư cũng không chịu kém ông Chủ tịch Quốc hội về khoản nhận thức lòng dân.

Bài báo của TTXVN miêu tả tỉ mỉ chuyến viếng thăm Hưng Yên như trong thời bình, nhất là cái thời vàng son của Đảng Cộng sản Việt Năm vài chục năm về trước. Ông Tổng Bí thư quên rằng từng lời nói, hành động của ông không ít thì nhiều cũng được người dân chú ý. Sự lãnh đạm của ông đối với người dân ven biển không thê lấp liếm bằng lời hiệu triệu đảng viên phải chú ý xây dựng đảng vững mạnh và củng cố niềm tin như ông yêu cầu.

Người đảng viên có lương tâm nào mà không đặt câu hỏi về cách hành xử của ông khi tầm nhìn của một người cao nhất đảng chỉ "thường thường bậc trung" như thế?

Ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đảng viên xây dựng lòng tin và xây dựng đảng tại một nơi cờ xí, ăn uống, hội hè chóng mặt. Đảng viên bao vây ông đầy những lời nịnh hót ngất trời ngay trong bối cảnh người dân các tỉnh khác lầm than trước bão tố thì thử hỏi niềm tin ấy là niềm tin gì và còn mấy ai tin vào sự lãnh đạo của ông nữa?

Đó là chưa nói đến lòng tin của những đảng viên khác, những người đang dầm mưa với nhân dân chằng từng sợi giây, che từng tấm tole để gió không thổi tung nhà của họ lên khi bão tới. Những việc làm của các đảng viên này có được ông tuyên dương như đi tuyên dương mấy ông bà tại Hưng Yên hay không? Cán bộ đảng viên tại những tỉnh có bão lũ sẽ đánh giá lời hiệu triệu của ông như thế nào khi lời nói và việc làm của một Tổng Bí thư lại chưa bao giờ đi đôi với nhau?

Hai hình ảnh, hai cách ứng xử trong bức tranh tiêu điều của bão tố không khác gì hai tiếng cười to không đúng lúc ngay nốt lặng của bản nhạc buồn mang tên Hải Yến.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét