Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

Bỏ dự định cấm cho tặng ngoại tệ

Hôm trước, khi bình luận tin "Muốn tặng USD phải đổi sang VND", tôi không muốn viết dài dòng, chỉ tóm tắt một câu: "Nhìn bản chất sự việc thì đúng là "không quản được thì cấm" chứ còn gì nữa". Hôm nay đã thấy NHNN bỏ ý định này. Đúng là nghiên cứu mãi mới ra được dự thảo Nghị định, nhưng sau 1 tuần đã thay đổi. Vậy đó là thứ nghiên cứu kiểu gì ? Dù sao NHNN biết tiếp thu, chỉnh sửa ý dân cũng là chuyện tốt.
Bỏ dự định cấm cho tặng ngoại tệ
SGTT.VN - Trong dự thảo mới nhất công bố cuối ngày 6.11, Ngân hàng Nhà nước lại thừa nhận quyền cho, tặng ngoại tệ tiền mặt của các cá nhân, sau hơn một tuần đề xuất cấm.
"Trong điều kiện các quy định của Pháp lệnh Ngoại hối cho phép cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được gửi tiết kiệm, nhận gốc, lãi bằng ngoại tệ thì việc sử dụng ngoại tệ để cho, tặng là hợp lý", tổ biên tập dự thảo Nghị định hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối khẳng định trong thông báo đăng tải trên website Ngân hàng Nhà nước cuối ngày 6.11.
Cuối tháng 10, Ngân hàng Nhà nước lần đầu công bố dự thảo nghị định với nhiều điểm mới so với quy định hiện hành, để trưng cầu ý kiến rộng rãi. Thu hút sự quan tâm nhiều nhất là quy định về các quyền cho, tặng ngoại tệ tiền mặt. Dù ban soạn thảo cho rằng mục đích chính của việc cấm cho tặng là nhằm chống đôla hoá, hạn chế các tiêu cực phát sinh, song nhiều ý kiến lo ngại tác động xấu tới thu hút kiều hối và hạn chế quyền chính đáng của người dân.
Theo thông báo phát đi cuối ngày 6.11, tổ biên tập dự thảo thừa nhận các ý kiến đóng góp thời gian qua là hợp lý và xin tiếp thu, chỉnh sửa lại dự thảo.

Điều 14. Sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân
1. Người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, mang theo người, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài phục vụ cho các mục đích hợp pháp, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.
2. Người cư trú là công dân Việt Nam có ngoại tệ tiền mặt được gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi.
(Trích Dự thảo ngày 6.11.2013 Nghị định Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối)

Có nên cấm cho, tặng ngoại tệ?

SGTT.VN - Theo VNEconomy ngày 29.10, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tổ chức lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo quy định về giao dịch hối đoái. Một nội dung đáng chú ý là nội dung không cho phép cá nhân cho, tặng ngoại tệ lẫn nhau trên lãnh thổ Việt Nam.

Báo này cho biết, theo một thành viên tham gia soạn thảo sửa đổi pháp lệnh về ngoại hối, mục đích của việc cấm cá nhân cho, tặng ngoại tệ lẫn nhau là nhằm hạn chế tối đa những giao dịch hoặc trao đổi ngoại tệ trái phép, được trá hình dưới các hình thức cho và tặng theo sở thích cá nhân. Việc cấm này là cần thiết nhằm thực hiện mục tiêu chống đôla hoá mà NHNN đã đề ra. Tuy nhiên, liệu dự định này của NHNN có thực sự là một chính sách hiệu quả hay không, và liệu nó có ảnh hưởng đến những quyền lợi nhất định của cá nhân hay không, là điều thực sự đáng bàn.

Vi phạm quyền sở hữu tài sản của người dân

Như là một loại tài sản, các hành động trao tặng ngoại tệ như việc mừng tuổi, mừng thọ, bố mẹ cho con cái ngoại tệ để đi du học, thậm chí bạn bè trao tặng nhau, đều không thể ngăn cấm. 
Về cơ bản, ngoại tệ là một loại tiền tệ. Nó cũng có những chức năng chung của tiền tệ như là phương tiện thanh toán, phương tiện lưu thông, phương tiện cất trữ giá trị. Trong một quốc gia, chức năng phương tiện thanh toán và phương tiện lưu thông thường bị hạn chế chỉ cho một số mục đích nhất định (như thanh toán cho các hoạt động xuất nhập khẩu và được phép lưu thông tại một số khu vực nhất định chẳng hạn vùng biên giới, trong khách sạn, sân bay, v.v.) Trong khi đó, chức năng cất trữ giá trị của ngoại tệ luôn được mọi quốc gia bảo vệ. Và trong vai trò này, đối với người dân, ngoại tệ có vai trò như là một loại tài sản.

Một trong những đặc điểm để hình thành nên một nền kinh tế thị trường chính là quyền sở hữu tư nhân. Với những tài sản thuộc quyền sở hữu cá nhân, mọi mục đích sử dụng sẽ hoàn toàn do cá nhân đó quyết định, kể cả mục đích cho và tặng người khác, bao gồm trong đó cả những mục đích thưởng công hoặc để thừa kế lại... chính vì vậy, việc NHNN dự định quy định trong pháp lệnh Ngoại hối về việc cấm cho và tặng ngoại tệ, đồng nghĩa với việc cá nhân sẽ bị hạn chế một số quyền đối với tài sản của mình.

Như vậy, dù có vì mục đích hạn chế tình trạng đôla hoá trong nước, thì việc cấm cho, tặng ngoại tệ theo dự thảo của pháp lệnh Ngoại hối vô hình trung đã động chạm đến quyền lợi cá nhân của người dân. Như là một loại tài sản, các hành động trao tặng ngoại tệ như việc mừng tuổi, mừng thọ, bố mẹ cho con cái ngoại tệ để đi du học, thậm chí bạn bè trao tặng nhau, đều không thể ngăn cấm.

Hoạt động cho, tặng ngoại tệ cần thông qua hệ thống ngân hàng

Việc hạn chế giao dịch ngoại tệ hay chống đôla hoá phụ thuộc rất lớn vào niềm tin của người dân vào giá trị của đồng nội tệ. Với việc NHNN thành công trong việc kiềm chế lạm phát ở mức dưới 7% kể từ giữa năm 2012 tới nay, người dân bắt đầu tin tưởng vào việc nắm giữ VND hơn.

Việc NHNN dự định quy định trong pháp lệnh Ngoại hối về việc cấm cho và tặng ngoại tệ, đồng nghĩa với việc cá nhân sẽ bị hạn chế một số quyền đối với tài sản của mình.
Theo số liệu công bố gần đây của NHNN, tỷ lệ giữa tiền gửi ngoại tệ trên tổng phương tiện thanh toán đã giảm từ mức 15,8% cuối năm 2011 xuống còn 12,3% cuối năm 2012, và chỉ còn khoảng 12% vào cuối tháng 8.2013. Một khi người dân nắm giữ ngoại tệ ngày càng ít thì các giao dịch bằng ngoại tệ của người dân cũng sẽ có xu hướng giảm.

Tại Việt Nam, người dân vẫn có nhu cầu mua bán ngoại tệ chủ yếu là bởi vì người dân rất khó mua ngoại tệ trực tiếp từ hệ thống ngân hàng cho các mục đích kinh doanh nhỏ lẻ, khám chữa bệnh ở nước ngoài, hay đi du học. Nếu không có những giải pháp cho phép người dân thuận tiện hơn trong việc mua ngoại tệ trực tiếp từ các kênh chính thức cho các mục đích trên, thì sẽ rất khó giảm được tình trạng giao dịch ngoại tệ ở trong nước.

Để có thể hạn chế các hành vi giao dịch ngoại tệ bất hợp pháp dưới danh nghĩa cho tặng như NHNN lo sợ thì tốt nhất NHNN nên quy định những khoản ngoại tệ trao đổi bắt buộc phải thông qua tài khoản ngân hàng hoặc có khế ước trao tặng kèm theo.

Tuy nhiên, không nhất thiết phải quy định rằng bất cứ khoản cho, tặng nào cũng phải báo cáo hoặc kê khai. NHNN hoàn toàn có thể quy định một mức trần nhất định, và nếu như giá trị ngoại tệ cho hoặc tặng vượt quá mức trần này thì mới cần thông qua kênh ngân hàng hoặc một tổ chức giám sát có thẩm quyền được quy định bởi NHNN. 

Ví dụ như Ấn Độ quy định các khoản quà tặng hoặc tài trợ vượt quá 5.000 USD buộc phải có sự đồng ý của ngân hàng trung ương của nước này.

ĐINH TUẤN MINH VÀ VŨ MINH LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét