Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

(1) Viện PYQĐ công nhận ADN hài cốt Bích Hằng tìm bằng ngoại cảm

Tôi đã viết bình luận sau ở Blog Giao: Khâm phục bác Giao và các cộng sự quá, đã mày mò tìm được đủ thứ để khẳng định chị Hằng làm được. Pháp Y quân đội cũng phải công nhận. Tôi không biết chị Hằng ngoài đời, nhưng tôi cũng có niềm tin ở chị ấy, và riêng chị ấy thôi chứ các nhà ngoại cảm khác thì tôi không biết. Có điều đọc bài của bác dài quá mà không thấy vai trò của quân đội trong việc tìm kiếm di cốt bác Cảnh, bác Lân. Đại tướng Thanh chắc hơi buồn đây, nhưng có lẽ từ chuyện này mà bác ấy mới bảo quân đội không thèm nhờ đám ngoại cảm, còn chúng tìm được thì quân ta cứ công nhận nếu qua giám định ADN thấy đúng.
Hành trình đi tìm mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bằng ngoại cảm
Bài của An ninh Thủ đô (2007), Chủ nhật 11/11/2007 14:40
(ANTĐ) - Sau khi nhận lời đề nghị của Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã quyết định về khu tưởng niệm của vị lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Diêm Điền, Thái Bình bởi chị nghĩ rằng nếu việc tìm cụ có triển vọng là điều tốt nhất, mà dân mong, đồng chí, đồng đội cách mạng lão thành và con cháu đều mong muốn được tri ân với các anh hùng, nếu không thì đây cũng là một lần chị được thắp nén hương tưởng nhớ vị lãnh tụ.
Tấm lòng người cách mạng
Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng cho biết, ngày 4-3-2007 (tức 16-2 âm lịch) chị đã có buổi làm việc đầu tiên ở nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Diêm Điền, Thái Bình.

Tấm lòng, tâm huyết của nhân dân Thái Bình và trực tiếp là của Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình đã làm cho cụ cảm động. Lúc đầu cụ bảo thôi đừng tìm kiếm làm gì, tôi là người đi làm cách mạng mà đã đi làm cách mạng rồi thì chỉ nghĩ rằng mình mang hết nhiệt huyết lý tưởng vì dân vì nước, không bao giờ nghĩ rằng mình được tạc bia đá tượng đồng mà nay lại được thế này là vinh dự lắm rồi.

Đã hơn 70 năm qua đi rồi bây giờ tìm kiếm khác gì bới đất tìm sâu, vạch trời tìm nắng. Tôi bây giờ, xác ở một nơi, hồn ở hai nơi, nhưng cái tâm thì luôn hướng về quê hương. 

Nhưng rồi thấu lời mong mỏi của nhân dân, cụ đã đồng ý để tìm kiếm. Nhưng cụ chỉ mong muốn: nếu đã tìm tôi thì tìm thêm một người đồng chí của tôi.

Đồng chí ấy chết với tôi cùng một giờ, cùng một khắc, cùng được đưa từ Hỏa Lò về chém tại Hải Phòng. Đồng chí ấy là Hồ Ngọc Lân hiện đang nằm cạnh tôi. Trong khi đó, cụ Hồ Ngọc Lân lại từ chối: đồng chí Cảnh là một vị lãnh tụ cao cấp còn Lân tôi chỉ là một đảng viên bình thường nên không dám nhận sự trịnh trọng như vậy.

Nhưng cụ Cảnh lại nói đã đi làm cách mạng thì không có sự phân biệt. Sự phân cấp chỉ là sự phân công trong công việc thôi. Khi trở về với đất với cát bụi, thì cậu với mình cũng là hai con người như nhau thôi. Cùng mất đầu, cùng làm cách mạng, cùng chung một mục đích, cùng chung một lý tưởng, vậy cớ sao lúc này sự tri ân của người đời lại có phân biệt.

Những thông tin từ cuộc tiếp xúc đầu tiên

Những thông tin từ cuộc tiếp xúc đầu tiên cho thấy di hài của hai liệt sĩ đang được chôn ở một nghĩa địa gần pháp trường, sau khu vực một nhà thờ, đi qua phố Dinh, qua một cây cầu đá sang bên kia sông.

Sau mấy chục năm, do làm đường dây điện, có một người tên là Nguyên đào hố làm chân cột điện thấy có hai chiếc hòm gỗ mở ra là hai hài cốt không đầu, nên người đó đã đặt vào tiểu và chôn rời cách chân cột điện mấy mét.

Ngoài ra, khi tiếp xúc, chị Phan Thị Bích Hằng còn nhận được thông tin có một ông tên là đội Long. Ông này đã mang hai đầu đem trình chúa ngục Véc-xi-ni, rồi ném đầu xuống sông Tam Bạc đi qua lâu đài Mác-ti-ni.

Sau khi có thông tin như vậy, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, và Hải Phòng đã tổ chức 3 cuộc hội thảo tại Hải Phòng với sự tham gia của các nhà sử học, các vị cao niên để xác định lại các địa danh, cũng như những người được nhắc đến qua thông tin tâm linh.

Thực tế, Hải Phòng trước đây có phố Dinh, có hai 2 cây cầu đá, trong đó một cây cầu chỉ còn lại mố cầu, còn một cây cầu đá đi trong phố Dinh.

Còn người tên là Long (Long xách tai) qua tìm kiếm đã chết, nhưng được người cháu dâu của ông này cho biết, ngày xưa có nghe nói ông cũng đi làm cho lính Pháp, và thường gọi là ông Long xách tai là bởi sau khi chém người thì ông Long có nhiệm vụ đem tai đến trình quan Pháp và mỗi lần như vậy thì ông được 5 đồng. Còn một ông Nguyên, đã xác định được thời gian làm đường dây điện có một ông tên là Nguyên đào cột điện nhưng không gặp được vì ông đã vào miền Nam sinh sống.

Và những cuộc tìm kiếm không thành


Mặc dù đã xác định được các địa điểm nhưng do địa hình đã biến đổi nhiều nên việc tìm ra chính xác nơi chôn cất di hài liệt sĩ là điều hết sức khó khăn. Sau khi tiền trạm hết các thông tin mà nhà ngoại cảm cung cấp, cuối cùng đã xác định được khu vực nghĩa trang Tam Quán, tại đây cũng có hàng cây, cũng có cột điện, đường đá gần giống với thông tin đã được mô tả.

Nhưng địa điểm này cũng không thỏa mãn đầy đủ các điều kiện được đưa ra. Đoàn tiền trạm lại tiếp tục đến rất nhiều nơi có hàng cột điện, hoặc địa hình tương tự nhưng đều không thu được kết quả.

Chị Phan Thị Bích Hằng nhớ lại chị được chỉ dẫn là mộ nằm ở mép nghĩa địa, gần một cái mương nước. Đường đi vào một nhà máy, có cổng sắt rất to, qua hai cánh cổng sắt, đi sâu vào bên trong, thì thấy một hàng cây to, rẽ vào hàng cây ấy là một con đường đá khấp khểnh, nhìn lên có một chòi gác cao, xung quanh là hàng rào dây thép gai.

Nhưng trong bức tranh ảm đạm ấy lại thấy bừng lên một mái chùa cong vút cao mấy tầng, xuyên qua hàng rào thép gai. Đi tiếp đến chỗ một cây rất to, đó là một cây phong gai, có một cành chết khô chỉ thẳng ra phía trước là một cây cột điện, trước mặt là mấy cây chuối, cây đu đủ.

Đưa thông tin này ra nói chuyện với đoàn đi tìm mộ thì mọi người cho biết ở Hải Phòng có Nhà máy giày Thống Nhất, trước kia khu vực của nhà máy là nghĩa địa An Dương II. Nên đoàn quyết định đến Nhà máy giày Thống Nhất.

Hôm đó là ngày 22-8, lúc này trời đã nhá nhem tối, vừa bước vào cánh cổng sắt, chị Phan Thị Bích Hằng bỗng dưng sững người lại rồi chị cứ thế lao đi trước mọi người.

Đi sâu vào bên trong thì thấy một hàng cây, rồi đường đá khấp khểnh, rồi một cây phong gai... Và thật bất ngờ là không hiểu tại sao nhà máy đã được xây rất hiện đại nhưng cái chòi gác sắt gỉ từ bao nhiêu năm nay vẫn còn nguyên, tường bao cũ kỹ với hàng rào dây thép gai, rồi mái chùa cong vút...

Mọi thứ hoàn toàn trùng khớp với những gì đã được mô tả và trùng khớp với sơ đồ đã vẽ khi có buổi tiếp xúc với các cụ lần đầu tiên tại Diêm Điền.

Niềm vui trọn vẹn


Ban lãnh đạo Nhà máy cho biết đây là khu vực đã bỏ không, nhưng hiện là một bãi rác rậm rạp. Nhà máy sẽ sẵn sàng làm tất cả để tìm kiếm mộ cụ. Nếu để chuyển hết số rác này đi thì phải dùng máy xúc và mất nhiều ngày mới chuyển hết.

Vào thời điểm này cũng là tháng mưa ngâu, nên mọi người quyết định sẽ khai quật vào tháng sau và đề nghị cho phát quang bãi rác. Đến ngày 19-9-2007 (tức 9-8 âm lịch), nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng quyết định cho xe ủi xúc hàng nghìn m3 rác thải ra ngoài.
Sau 3 ngày, khu bãi rác đã quang sạch, nhưng mọi người đào rất sâu mà không thấy tiểu, dùng cả thuốn xuống lòng đất nhưng vẫn bặt vô âm tín, đất vẫn khô cong, trong khi đó mộ cụ lại được báo là nằm ở nơi có nước.

Tiếp tục đào đến giữa trưa, không hiểu sao, nước chảy ra lênh láng. Mọi người mừng khấp khởi khi đụng vào một cái tiểu, nhưng vẫn không phải là hài cốt của cụ Nguyễn Đức Cảnh, đào tiếp thì thấy hai ngôi mộ nữa nhưng vẫn là của người dân.

Và cuộc tìm kiếm vẫn kiên trì được tiếp tục với sự quyết tâm của tất cả mọi người: những cán bộ Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, gia đình cụ Nguyễn Đức Cảnh... Cuối cùng thì họ đã tìm thấy được hai cái tiểu giống nhau, nhưng hai tiểu này lại nằm úp ngược, lật hai chiếc tiểu lên là hai bộ cốt không có đầu...

Mọi người bật khóc. Quá xúc động khi tìm được di hài của liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh, ông Nguyễn Ngọc Đoán, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình cũng bật khóc: “Bố mẹ mình cũng chỉ là một người dân bình thường thôi mà đã được xây mộ đàng hoàng đã chục năm nay.

Một vị lão thành cách mạng đã trăm tuổi rồi, một người khai quốc công thần như thế mà hơn 70 năm nay lại sống ở một nơi như thế này”. Mọi người trào dâng một tình cảm thành kính, xúc động khôn tả. Bao nhiêu năm nay mong mỏi, bây giờ mới tìm lại được các cụ, cũng là phúc dầy của dân, của nước, của Đảng ta.

Đinh Kiều Nguyên

Việc tìm thấy hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân là một tin vui không chỉ đối với người dân Thái Bình mà còn là tin vui đối với nhân dân cả nước.

Tin vui đó lại càng trọn vẹn hơn khi Viện Pháp y quân đội (Hà Nội) một lần nữa khẳng định bằng kết quả giám định ADN. Một bước tiến của khoa học Việt Nam và cũng là lần đầu tiên khoa học tâm linh được kiểm chứng bằng khoa học hiện đại. Hiện tại, Nhà tang lễ Quân khu III - Hải Phòng đã có hơn 4.000 vòng hoa của nhân dân khắp cả nước hàng ngày đến viếng thể hiện lòng biết ơn đối với hai liệt sĩ.

http://giaovn.blogspot.ch/2013/11/vien-phap-y-quan-oi-2007-giam-inh-chinh.html

Nguyễn Đức Cảnh (2 tháng 2 năm 1908 – 31 tháng 7 năm 1932) là một nhà hoạt động cách mạng Việt Nam. Ông là Bí thư đầu tiên của Thành ủy Hải Phòng và là Tổng biên tập đầu tiên của báo Lao Động.
Ông người làng Diêm Điền, tổng Hổ Đội, huyện Thụy Anh (nay thuộc thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình.[1][2]
Cha của ông là cụ ông Nguyễn Đức Tiết, từng tham gia cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Đề đốc Tạ Quang Hiện lãnh đạo. Năm 1888, cụ đỗ Cử nhân khoa Mậu Tý, nhưng không ra làm quan mà ở nhà dạy học. Thân mẫu của ông là cụ bà Trần Thị Thùy, người làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Dương (nay thuộc Hải Phòng)[1]. Ông bà có với nhau 4 người con là Nguyễn Đức Phúc, Nguyễn Thị Lộc, Nguyễn Đức Cảnh và Trần Thị Thừa[3].
Từ nhỏ, ông được thừa hưởng sự giáo dục Nho học của cha. Tuy nhiên, sau khi cha ông qua đời vào năm 1915, ông được Nguyễn Đạo Quán và Trần Mỹ, bạn học của cha, là tri phủ, nhận làm con nuôi và cho đi học trường Hương học[3]. Sau khi học xong bậc tiểu học, năm 1923, ông được cho đi học tiếp ở Trường Thành Chung Nam Định. Tại đây, ông kết thân với một số bạn bè trẻ tuổi, trong đó có Đặng Xuân KhuĐặng Xuân ThiềuNguyễn Danh Đới, Nguyễn Văn Năng.[3]
Chịu ảnh hưởng tư tưởng chống Pháp từ cha, trong thời gian học tại Nam Định, ông cùng nhiều bạn học tham gia các phong trào đòi thả Phan Bội Châu năm (1925), để tang Phan Chu Trinh năm (1926) và vì thế bị đuổi học.[2]
Ông rời Nam Định lên Hà Nội tìm việc làm để tự nuôi sống. Ban đầu, ông làm thư ký cho hiệu ảnh Hưng Ký, rồi làm giáo viên Trường tư Công Ích tại phố Bạch Mai. Do thường xuyên truyền bá tư tưởng yêu nước trong giờ dạy cho học sinh nên Hiệu trưởng nhà trường rất lo sợ, đã yêu cầu ông chỉ được dạy đúng nội dung sách giáo khoa do Nhà nước bảo hộ quy định. Ông bèn thôi việc, vào làm thợ sắp chữ ở nhà in Mạc Đình Tư.[4]
Cuối năm 1926, ông đã có những tiếp xúc đầu tiên với những hạt nhân của Nam Đồng Thư xã, và dần chịu ảnh hưởng chính trị của tổ chức này, dẫn đến việc ông tham gia vào một tổ chức chính trị mà về sau được biết đến với tên gọi là Việt Nam Quốc dân Đảng.[2][4]
Mùa thu năm 1927, ông và Lý Hồng Nhật được tổ chức cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) để tìm hiểu về Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội. Tại đây, ông đã dự thính một lớp huấn luyện chính trị do Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội mở. Điều này đã có ảnh hưởng sâu sắc dẫn đến việc ông và người bạn Lý Hồng Nhật gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội.[3]
Sau khóa huấn luyện tại Quảng Châu, ông về nước. Tháng 2 năm 1928, ông được phân công làm Ủy viên Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, phụ trách khu Duyên hải và trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng[3][5]. Tháng 9 năm 1928, thực hiện chủ trương "Vô sản hóa" của Tổng bộ Thanh niên, ông xin vào làm thợ tại xưởng Caron, và trở thành một trong lãnh đạo công nhân trong các đợt đấu tranh với giới chủ. Cuối năm 1928, ông viết tập tài liệu 16 trang với tiêu đề "Tổ chức công hội" nhằm truyền bá Chủ nghĩa Marx-Lenin, tổ chức bí mật in ấn lưu hành trong công nhân.[1]
Đầu năm 1929, xu hướng Cộng sản hóa bắt đầu phát triển mạnh mẽ trong nội bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hộiTháng 3 năm 1929, 7 đoàn viên trong Kỳ bộ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội Bắc Kỳ gồm:
đã nhóm họp tại nhà 5D Hàm LongHà Nội, quyết định thành lập chi bộ cộng sản và bầu Trần Văn Cung (bí danh Quốc Anh) làm bí thư. Nguyễn Phong Sắc mặc dù vắng mặt do bận công tác đột xuất nhưng vẫn được công nhận là thành viên chính thức[6]. Đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Chi bộ này chủ trương tiến tới thành lập đảng cộng sản. Trên cơ sở đó, chi bộ tích cực chuẩn bị để đi đến thành lập một đảng cộng sản thay thế cho Việt nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội.
Tuy nhiên, tại đại hội lần thứ nhất của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội vào đầu tháng 5 năm 1929 đã xảy ra sự bất đồng giữa các đoàn đại biểu xung quanh việc xúc tiến thành lập đảng cộng sản. Đoàn đại biểu Bắc kỳ (gồm Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự và Nguyễn Tuân) rút khỏi đại hội về nước.
Ngày 17 tháng 6 năm 1929 tại số nhà 312 Khâm Thiên, Hà Nội[7][8], đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở miền bắc họp đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng, thông qua tuyên ngôn, điều lệ của đảng, quyết định xuất bản báo Búa Liềm, cử ra ban chấp hành trung ương lâm thời của đảng gồm: Trịnh Đình CửuNguyễn Đức Cảnh,Ngô Gia TựTrần Văn CungNguyễn Phong SắcTrần Tư Chính, Nguyễn Tuân (Kim Tôn). Tổ chức này phát triển ở Bắc kỳ và cử người vào Trung kỳ, Nam kỳ vận động thành lập đảng trong toàn thể Việt Nam.
Ngày 28 tháng 7 năm 1929, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời về công tác công vận, ông triệu tập Đại hội đại biểu công nhân các tỉnh Bắc kỳ tại 15Hàng Nón (Hà Nội), thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ. Ông được cử làm Hội trưởng lâm thời, phụ trách tờ báo Lao động và tạp chí Công hội đỏ.[2]
Ngày 14 tháng 8 năm 1929, với sự giúp đỡ của một cơ sở Đông Dương Cộng sản Đảng, một tờ báo in bằng bản đất sét, trên giấy Đáp Cầu một mặt ráp một mặt nhẵn, khổ 22x30cm, lấy tên là báo Lao Động đã ra đời trong căn phòng nhỏ 10m2 ở ngõ Thông Phong, phố Hàng Bột (Hà Nội). Nhân sự tờ báo ban đầu do ông làm Tổng biên tập, với 2 nhà báo là Trần Hồng Vận (Trần Học Hải) và một nữ đảng viên tên là Thu Vân.
Tháng 12 năm 1929, ông triệu tập Hội nghị Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, quyết định thống nhất các Tổng Công hội địa phương lên Xứ và bầu Ban trị sự chính thức. Tại Hội nghị này, ông đã đề cử ông Trần Văn Lan, công nhân nhà máy sợi Nam Định, làm Hội trưởng[3].
Tháng 8 năm 1929, Đảng bộ Đông Dương Cộng sản đảng Hải Phòng thành lập. Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời gồm 3 người là Nguyễn Đức Cảnh (Bí thư), Hoàng Văn Đoài và Nguyễn Hữu Căn (Ủy viên).
Đầu tháng 1 năm 1930, ông và Trịnh Đình Cửu được cử làm đại diện của Đông Dương Cộng sản đảng sang Cửu Long (Trung Quốc) để dự Hội nghị hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Sau khi về nước, các ông đã triệu tập Hội nghị tại số nhà 42 Hàng Thiếc (Hà Nội) bàn triển khai Nghị quyết Hội nghị Cửu Long và Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng thời cử ra Ban Chấp hành lâm thời. Ông tuy được giới thiệu vào Trung ương nhưng đã đề cử ông Trần Văn Lan thay thế.
Tháng 5 năm 1930, ông được Trung ương cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Đến cuối tháng 10 năm 1930, ông được Trung ương cử vào tham gia Xứ ủy Trung kỳ và được Hội nghị toàn thể Xứ ủy đã bầu đồng chí vào Ban Thường vụ Xứ ủy và phân công phụ trách công tác tuyên huấn, tham gia chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.[2]
Ngày 9 tháng 4 năm 1931, trên đường từ cuộc họp quan trọng của Xứ ủy Trung kỳ trở về cơ sở, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giữ tại làng Yên Dũng Hạ (nay thuộc phường Hưng Thủy, Vinh), cách thành Vinh chừng vài cây số.[1]. Ông lập tức bị chuyển giải về giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) chờ xét xử.
Tại phiên tòa Hội đồng đề hình của thực dân Pháp mở ngày 15 đến ngày 17 tháng 11 năm 1931 tại Hà Nội, ông bị kết án tử hình. Khi chánh án hỏi có xin ân xá không, ông trả lời khẳng khái: “Đánh đuổi quân cướp nước, giành độc lập cho Tổ quốc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam là không có tội. Đã không có tội, cần gì ân xá”[3].
Trong những ngày cuối cùng trong xà lim án chém, ông đã dồn sức viết nhiều tài liệu như "Gia đình và Chủ nghĩa Cộng sản""Nói chuyện với nước Tàu", và đặc biệt là tập "Công nhân vận động" nêu rõ đặc điểm giai cấp công nhân và kinh nghiệm vận động công nhân. Ông cũng viết bài thơ tuyệt mệnh "Tạ từ ngôn", nhờ anh ruột là Nguyễn Đức Phúc gửi lời vĩnh biệt về cho mẹ và gia đình.
...Một mình trằn trọc canh trường,
Nát lòng muôn việc giữa đường chưa xong.
Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
Xông pha giông tố chỉ mong độ về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây.
Tạ từ vĩnh biệt từ đây,
Cúi xin từ mẫu chóng khuây nỗi buồn![9]
Ngày 30 tháng 7 năm 1932, chính quyền thực dân Pháp đã đưa ông cùng với một đồng chí là Hồ Ngọc Lân từ nhà tù Hỏa Lò Hà Nội xuống nhà lao Sông Lấp Hải Phòng để xử chém. Hai ông thọ hình tại đây vào sáng sớm ngày 31 tháng 7 năm 1932.
Theo lời kể lại thì sau khi thọ hình, thủ cấp của 2 ông được một người lính mang đi để trình chúa ngục rồi sau đó bị ném xuống sông Tam Bạc. Phần con lại của thi hài được chôn trong 2 quan tài gần pháp trường.
Theo thời gian, di thể của 2 ông bị di dời nên thất lạc vị trí trong suốt 74 năm. Đầu năm 2007, nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng được gia đình và Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Bình mời tham gia tìm kiếm di thể. Cuối tháng 8 năm 2007, nhà ngoại cảm xác định di thể của 2 ông được chôn cất tại khu vực Nhà máy giày Thống Nhất (Hải Phòng).
Sau khi tìm được hài cốt 2 ông, Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức lễ viếng và truy điệu 2 ông, sau đó sẽ quy tập về quê hương. Di thể ông Hồ Ngọc Lân được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bắc Ninh. Di thể ông Nguyễn Đức Cảnh được đưa về Khu lưu niệm tại Diêm Điền, nơi ông đã sinh ra.[10]
Tên ông được đặt cho nhiều trường học và đường phố tại Việt Nam.
Ngày 20 tháng 7 năm 1984, Tổng cục Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem “Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28-7-1929 – 28-7-1984)”, mã số 444, trong đó có 1 mẫu tem về Nguyễn Đức Cảnh - người lãnh đạo đầu tiên của Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ (tiền thân của Công đoàn Việt Nam, nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam).[11]
Một khu lăng mộ tưởng niệm ông được xây dựng tại Thị trấn Diêm ĐiềnThái ThụyThái Bình. Năm 2007, di thể của ông sau khi được tìm thấy đã được quy tập về đây. Tại trung tâm thành phố Thái Bình, một bức tượng ông được đặt tại quảng trường 14 tháng 10.
Ở xã An Đồng, huyện An DươngHải Phòng cũng có một đền thờ ông.
Tên ông còn được đặt cho một giải thưởng nhằm tôn vinh những công nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất.
  1. a b c d Nguyễn Đức Cảnh - Người chiến sĩ cộng sản trung kiên
  2. a b c d e Về Diêm Điền thăm khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh
  3. a b c d e f g Khái lược về lịch sử và cuộc đời đồng chí Nguyến Đức Cảnh
  4. a b Nguyễn Đức Cảnh - người chiến sỹ cộng sản lỗi lạc: Những năm đầu thành lập Đảng
  5. ^ Bấy giờ, Tỉnh bộ Hải Phòng phụ trách cả Kiến An, Hải Dương, Quảng Yên và khu mở Hòn Gai Cẩm Phả.
  6. ^ Huyền Thanh, "Hướng tới Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (1010-2010): “Những ngôi nhà lịch sử cách mạng” ở Hà Nội", Báo Xây Dựng. Truy cập 2008-20-10.
  7. ^ Phạm Hồng Chương, "Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và những cống hiến lịch sử thúc đẩy cách mạng Việt Nam", Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập 2008-20-10.
  8. ^ Ngô Văn Phú, "Phố Khâm Thiên", Báo An ninh Thủ đô. Truy cập 2008-20-10.
  9. ^ Kỷ niệm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh 02/02/1908
  10. ^ Hành trình đi tìm mộ đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
  11. ^ Kỷ niệm ngày sinh Nguyễn Đức Cảnh (02-02-1908 – 31-07-1932)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét