Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

(2) Viện PYQĐ công nhận ADN hài cốt Bích Hằng tìm bằng ngoại cảm

"Bộ hài cốt này được mang mã số PYXV.O7. Bằng các phương pháp khoa học, trong thời gian ngắn Viện Pháp y quân đội (Bộ quốc phòng) đã có kết quả giám định ADN và kết luận: Hài cốt trong tiểu quản tại nhà tang lễ Quân khu Ba, thành phố Hải Phòng mang mã số PYXV.07 là hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh".
Viện Pháp y Quân đội (2007): Giám định chính xác hài cốt các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân (hi sinh năm 1932)
1. Tin của tờ Quân đội Nhân dân (2007):
Giám định chính xác hài cốt các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân
QĐND - Thứ Bẩy, 20/10/2007, 9:4 (GMT+7)
Sau một thời gian khẩn trương giám định, Viện Pháp y Quân đội đã công bố và tổ chức lễ trao nhận kết quả giám định hài cốt liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh cho gia đình và tỉnh Thái Bình.



Lá thư của Đại tướng chỉ sau thời gian của cái ảnh trên khoảng 2 tháng

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, sinh năm 1908 tại làng Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Đồng chí tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, là Xứ ủy viên Xứ bộ Bắc kỳ, Bí thư tỉnh bộ thanh niên Hải Phòng (gồm Cẩm Phả, Quảng Yên, Kiến An, Hải Dương), là người tổ chức đón đồng chí Trần Phú về nước, đóng góp ý kiến để để đồng chí Trần Phú khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng năm 1930. Tháng 4-1931, đồng chí bị thực dân Pháp bắt rồi kết án tử hình và bị chúng giết hại tại Hải Phòng ngày 31-7-1932. 


Cùng bị giặc Pháp giết hại với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có đồng chí Hồ Ngọc Lân, sinh năm 1906 tại thị xã Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, là cán bộ tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, tham gia thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.

HẢI LINH

2. Việc tìm thấy hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân là một tin vui không chỉ đối với người dân Thái Bình mà còn là tin vui đối với nhân dân cả nước.


Tin vui đó lại càng trọn vẹn hơn khi Viện Pháp y quân đội (Hà Nội) một lần nữa khẳng định bằng kết quả giám định ADN. Một bước tiến của khoa học Việt Nam và cũng là lần đầu tiên khoa học tâm linh được kiểm chứng bằng khoa học hiện đại. Hiện tại, Nhà tang lễ Quân khu III - Hải Phòng đã có hơn 4.000 vòng hoa của nhân dân khắp cả nước hàng ngày đến viếng thể hiện lòng biết ơn đối với hai liệt sĩ. 


Tổ chức lễ tưởng niệm và di chuyển hài cốt hai đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân

Sáng 9-11, Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức buổi họp nhằm thống nhất kế hoạch tổ chức dâng hương tưởng niệm và di chuyển hài cốt của hai đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân về an táng tại quê nhà.

Hiện tại, hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân đang được quàn tại Nhà tang lễ Quân khu III. Theo kế hoạch, sáng ngày 14-11, hài cốt của hai đồng chí sẽ được di chuyển đến Cung văn hóa Việt-Tiệp. Các cơ quan, đoàn thể cá nhân bắt đầu viếng và dâng hương từ 11h ngày 14-11. Lễ tưởng niệm trọng thể sẽ được tiến hành từ 7h30 sáng 15-11.

Ngay sau lễ dâng hương, hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sẽ được chuyển về Nhà văn hóa công nhân tỉnh Thái Bình làm lễ truy điệu, sau đó được an táng tại khu nhà tưởng niệm III, thị trấn Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình. Hài cốt đồng chí Hồ Ngọc Lân sẽ được di chuyển về Bắc Ninh, an táng tại nghĩa trang liệt sỹ tỉnh.

Tại cuộc họp, các đại biểu cũng đã thống nhất về thành phần ban tổ chức tang lễ, phần nghi lễ, diễn văn tưởng niệm, trang trí khánh tiết buổi lễ cũng như lộ trình di chuyển hài cốt. Khoảng 1.000 người được huy động tham dự buổi lễ dâng hương hai đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân.

An Đô - Có thể xem thêm nguồn thứ cấp, ở đây.


3. Tin của mạng Thái Bình (2007):


Hài cốt liệt sỹ Nguyễn Đức Cảnh đã được xác định


Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 02/02/1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền) huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Cuối năm 1927 đồng chí tham gia tổ chức Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội. Đầu năm 1928 đồng chí tham gia Uỷ viên xứ bộ Bắc kỳ, Bí thư tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong bảy đảng viên chi bộ đầu tiên của Đảng, là một trong những người sáng lập của Đảng ta và nhận trọng trách Bí thư xứ ủy Bắc kỳ. 

Ngày 28/7/1929 tổ chức Công Hội đỏ được thành lập. Đây là tổ chức tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người đứng đầu ttổ chức này. Tháng 10/1930 đồng chí được Trung Ương Đảng điều động vào tham gia ủy viên xứ ủy Trung kỳ để tăng cường lãnh đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Tháng 4/1931 đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị đế quốc Pháp bắt và kết án tử hình ngày 31/7/1932 tại thành phố Hải Phòng.

Với quyết tâm cao của Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh Thái Bình và được sự ủng hộ, tạo điều kiện của các cấp, các ngành trong và ngoài tỉnh, sau 2 năm, di hài liệt sỹ Nguyễn Đức Cảnh đã được tìm thấy tại thành phố Hải Phòng ngày 21-9-2007 và được quản tại nhà tang lễ Quân khu Ba. 

Ngay sau đó, được sự đồng ý của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Ban tổ chức TW, LĐLĐ Thái Bình đã khẩn trương tiến hành trưng cầu giám định ADN. Bộ hài cốt này được mang mã số PYXV.O7. Bằng các phương pháp khoa học, trong thời gian ngắn Viện Pháp y quân đội (Bộ quốc phòng) đã có kết quả giám định ADN và kết luận: Hài cốt trong tiểu quản tại nhà tang lễ Quân khu Ba, thành phố Hải Phòng mang mã số PYXV.07 là hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. Đây là niềm phấn khởi không chỉ của Công nhân viên chức lao động Thái Bình, gia tộc đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mà còn là niềm vui chung của Đảng, chính quyền nhân dân trong tỉnh và nhân dân cả nước.

Hiện nay LĐLĐ Thái Bình đang nỗ lực ngày đêm đẩy nhanh tiến độ thi công, tôn tạo, nâng cấp công trình lăng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy. Đây là một trong những di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, một điểm du lịch hết sức ý nghĩa tại Thái Bình.

Phi Thành

4. Báo Điện tử Đảng Cộng sản (2007)

10:08 | 13/11/2007

Trong tiếng nhạc bi tráng của bài Hồn tử sĩ, dòng người cứ nối nhau lặng lẽ, thành kính tiến vào dâng hương và tưởng niệm trước hài cốt liệt sĩ cách mạng tiền bối Nguyễn Đức Cảnh, nguyên Thư ký Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ kiêm Bí thư Tỉnh bộ Hải Phòng đầu tiên quàn tại Nhà tang lễ Quân khu Ba (thành phố Hải Phòng).

Mọi người kính cẩn, nghiêng mình thắp nén hương thơm bày tỏ niềm thương tiếc, ngưỡng mộ và tự hào về tấm gương hy sinh cao cả của người cộng sản trung kiên Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí của ông.

Cuộc "hành trình tri ân" đi tìm mộ chí, hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được ấp ủ, lặng lẽ từ bao lâu nay của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình và thành phố Hải Phòng, giờ đây trở thành hiện thực. Khó nói hết những khó khăn, vất vả của những người lên đường đi tìm hài cốt của ông. Khi xác định được nơi đặt hài cốt của Nguyễn Đức Cảnh, nhiều đơn vị trên địa bàn Hải Phòng đã tự giác tham gia việc tìm kiếm như: Công ty Mai táng, Công ty Thoát nước, Công ty Cổ phần Giầy Thống Nhất, Công ty THHH một thành viên Điện lực Hải Phòng, Ngân hàng Công thương Lê Chân... 

Các đơn vị này đã huy động hàng trăm lượt người và phương tiện phục vụ việc khai quật, phúng viếng và đưa hài cốt về nơi quàn mới. Suốt 49 ngày đêm kể từ khi đưa hài cốt của hai liệt sĩ Nguyễn Đức Cảnh và Hồ Ngọc Lân về quàn tại Nhà tang lễ Quân khu Ba, đã có gần 5.000 tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội, tôn giáo, quân sự, thân tộc cùng đông đảo nhân dân Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh, Hà Nội...đên dâng hương, tưởng niệm.

Nhiều người không nén được xúc động, rưng rưng lệ. Bao nhiêu điều muốn nói dường như nghẹn lại để rồi trở thành niềm tâm sự chân thành qua những trang lưu niệm. Một cô giáo xúc động viết:" Con là một người dân của thành phố Hải Phòng. Khi được tin tìm được di cốt của bác, con bàng hoàng, cảm động và sung sướng như tìm được người thân của tổ tiên, dòng họ sau bao năm thất lạc. Rồi mai này, bác trở về Thái Bình quê cha, nhưng ở mảnh đất quê mẹ Hải Phòng vẫn luôn hiên diện hình ảnh của người con Nguyễn Đức Cảnh trong lòng những người dân quê hương đất Cảng. Cầu mong cho bác thanh thản trong cõi vĩnh hằng ". 

Tình cảm của người dân thành phố Hải Phòng đối với đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được cảm nhận một cách giản dị, nồng ấm qua những điều thật thiêng liêng, gắn bó hằng ngày. Con đường dài nối từ Hồ Tam Bạc đến trung tâm thành phố được trang trọng mang tên Nguyễn Đức Cảnh. Những ngôi trường được mang tên Nguyễn Đức Cảnh. Tượng đài Nguyễn Đức Cảnh được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong khuôn viên Cung Văn hoá Lao động hữu nghị Việt- Tiệp, ngôi nhà chung của những công nhân, lao động thành phố...

Thân thế và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh không chỉ được ghi đậm trong các bộ chính sử của Đảng, Nhà nước ta thời kỳ đầu thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn được trân trọng lưu ghi trong nhiều bộ lịch sử Đảng, các tổ chức chính trị- xã hội và chương trình sách giáo khoa dạy học sinh của thành phố Hải Phòng. Nơi đồng chí Nguyễn Đức Cảnh hy sinh (nay là trụ sở Ngân hàng Công thương Lê Chân) cùng địa điểm bí mật hoạt động (nay là Bệnh viện Đa khoa Việt- Tiệp) đều có ban thờ tưởng nhớ tới Người.

Tỏ lòng thành kính tưởng nhớ liệt sĩ cách mạng tiền bối Nguyễn Đức Cảnh, Thành uỷ Hải Phòng đang chỉ đạo các cấp, các ngành chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của đồng chí, phối hợp với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình trang trọng tổ chức lễ tiễn đưa hài cốt của Người về an táng tại quê nhà sau 75 năm lưu lạc. 

Ngày 14/11 tới, hài cốt đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được đưa về quàn tại Cung Văn hoá- Lao động hữu nghị Hải Phòng để giai cấp công nhân, nhân dân lao động thành phố và các tỉnh đến dâng hương, phúng viếng, tưởng niệm trước khi đưa về an táng tại quê hương Thái Bình. Trong ký ức của những người lao động, công nhân Hải Phòng, mãi mãi không bao giờ phai hình ảnh của người liệt sĩ cách mạng tiền bối, trung kiên Nguyễn Đức Cảnh- người đã có công lao to lớn đối với Đảng bộ, nhân dân và phong trào công nhân thành phố Cảng trong những năm đầu cách mạng./.

BTK-TTX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét