Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Phùng Chí Kiên: Vị tướng quân đầu tiên của QĐNDVN

Phùng Chí Kiên: Vị tướng quân đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Từ lâu tôi đã nghe nói Phùng Chí Kiên được đào tạo quân sự rất sớm, rất bài bản, sau đó trở thành nhà chỉ huy quân sự đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và ông cũng là cha của một vị lãnh đạo cấp rất cao mới thôi chức sau 2 nhiệm kỳ, nhưng không biết thực hư thế nào.
Theo wiki, tháng 10 năm 1926, Phùng Chí Kiên cùng một số Hội viên sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức rồi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ năm 1930, trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp cả chục năm.

Từ năm 1933 đến năm 1934, ông học tại Trường Đại học Phương Đông ở Moskva. Năm 1934 ông được Đại hội Đảng lần 1 bầu vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương (Bộ Chính trị). Năm 1941, ông được cử trực tiếp tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, thành lập và chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1, tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn. Tiếp đó ông chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu, phá một số trận càn lớn của Pháp rồi hy sinh.

Đáng buồn là sau này nhà nước ta chỉ truy tặng ông Huân chương Chiến công hạng ba (quá thấp, gần như hạng bét, chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ là được tặng, không cần lập chiến công) và vào tháng 11-2003, Trung ương Đảng, Chính phủ đã ra quyết định công nhận đồng chí Phùng Chí Kiên là “Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng khóa I, cán bộ lãnh đạo quân đội cấp Tướng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong chiến đấu”, nhưng không ghi rõ ông là Đại tướng, Thượng tướng, Trung tướng hay chỉ là Thiếu tướng. Lưu ý đây là công nhận một sự thật ông đã là 
cán bộ lãnh đạo quân đội cấp Tướng chứ không phải bây giờ mới phong hay truy tặng ông quân hàm cấp tướng.

Nhưng dù vậy, về mặt chính thức, Đảng và Nhà nước đã công nhận đồng chí Phùng Chí Kiên là vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Vậy ai mới thực sự là anh Cả của lực lượng vũ trang Quân đội nhân dân Việt Nam ?

Phùng Chí Kiên (1901-1941): Vị tướng quân đầu tiên và cái thủ cấp đáng ba tạ muối

Blog GiaoKhoảng giữa năm 2009, lúc sửa nhà, tôi hay phải ra mua vật liệu ngành nước (ống nhựa Tiền Phong, ống nhựa nhiệt, van nước các cỡ, tê và cút các loại, thoát sàn,...) ở một công ty đóng trên đường Phùng Chí Kiên. Ra nhiều đến độ thành quá quen với giám đốc và kế toán công ty, đôi khi ngồi uống nước và nói chuyện phiếm.Một hôm, giám đốc công ty ấy hỏi, giọng rất chân thật: "Công ty đã ở đây hơn ba năm rồi, nhưng mình không rõ Phùng Chí Kiên là ông nào. Có công trạng gì nhỉ ?". 
Lúc ấy, tôi giật mình, hiểu ra rằng: vị tướng quân đầu tiên của cách mạng này hầu như rất ít được biết đến. Người dân bình thường đã không còn biết đến ông.

Trước câu hỏi của giám đốc, tôi trả lời nửa đùa nửa thật: "Để biết Phùng Chí Kiên là ai, một là bác đến hỏi thăm trực tiếp ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hai là bác vào hỏi Giáo sư Gu-gờ".

Có một sự thực mà hầu như đã vào phạm trù của quên lãng
Phùng Chí Kiên là vị tướng quân đầu tiên của cách mạng, là người thực sự theo nghiệp võ, được trang bị kiến thức quân sự một cách bài bản ở Trung Quốc và Nga Xô. Ông vừa là đồng hương, vừa là đồng chí nếm mật nằm gai với Nguyễn Ái Quốc từ thưở ban đầu. Ông chính thực là người đầu tiên tổ chức và huấn luyện đội quân cách mạng. Nguyễn Ái Quốc đã rất đau buồn khi biết tin Phùng Chí Kiên bị quân Pháp sát hại năm 1941 (sau một trận đánh).

Bản thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời cũng từng tâm sự :"Cứ mỗi khi nghĩ đến anh Phùng Chí Kiên là tôi lại muốn khóc" (Tiền Phong, 2009). Vẫn theo Tiền Phong, Đại tướng có cho biết: "bọn địch khi ấy treo thưởng cho thủ cấp của Nguyễn Ái Quốc là năm tạ muối, của Phùng Chí Kiên là ba tạ muối."

http://giaovn.blogspot.ch/2013/10/phung-chi-kien-1901-1941-vi-tuong-quan.html
Phùng Chí Kiên trên wikipédia:

Phùng Chí Kiên, tên khai sinh là Nguyễn Vĩ, còn có tên khác là Mạnh Văn Liễu, sinh năm 1901 tại làng Mỹ Quan, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Tuy nhà nghèo, nhưng ông vẫn được cha mẹ cho đi học sớm.

Năm 1925, Phùng Chí Kiên ra làm thuê cho một thương nhân người Hoa ở ga Yên Lý, thuộc huyện Diễn Châu, nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội-Sài Gòn.

Thời kỳ tại Trung Quốc 1925-1927

Thời kỳ 1925-1927, Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã cử Hội viên về Nghệ Tĩnh hoạt động. Nhiều thanh niên, học sinh được đưa sang Quảng Châu học tập.

Tháng 10 năm 1926, Phùng Chí Kiên cùng một số Hội viên được giới thiệu sang Quảng Châu, dự lớp huấn luyện đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc tổ chức rồi vào học Trường Quân sự Hoàng Phố.

Năm 1927, Tưởng Giới Thạch khủng bố cộng sản, nhà trường bị đóng cửa. Phùng Chí Kiên cùng với một số cán bộ Việt Nam gia nhập quân cộng sản và tham gia khởi nghĩa Quảng Châu (ngày 12 tháng 12 năm 1927) do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, làm Đại đội trưởng Hồng quân công nông Trung Quốc. Cuộc bạo động thất bại, quân cách mạng rút về xây dựng khu Xô viết ở hai huyện Hải Phong và Lục Phong.

Ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930.

Sang Liên Xô

Tháng 2 năm 1931, được sự giới thiệu của Nguyễn Ái Quốc, Phùng Chí Kiên sang học trường đại học Phương Đông của Quốc tế cộng sản. Nhưng khi đến Mãn Châu, ông bị phát xít Nhật bắt giam gần một năm. Ra tù, Phùng Chí Kiên đổi tên là Can rồi tiếp tục lên đường sang Liên Xô học.

Từ năm 1933 đến năm 1934, ông học tại Trường Đại học Phương Đông ở Moskva.
Năm 1934, ông về Hương Cảng, tham gia Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương, cùng Lê Hồng Phong và Hà Huy Tập chuẩn bị triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất tổ chức tại Áo Môn (Trung Quốc) vào năm 1935; được Đại hội bầu vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương phụ trách công tác Đảng ở nước ngoài.

Năm 1936, Phùng Chí Kiên về Sài Gòn hoạt động cùng Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng ở Đông Dương theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII của Quốc tế cộng sản và Nghị quyết hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 16/7/1936, nhằm đòi tự do dân chủ, cơm áo và hoà bình.

Năm 1937, Phùng Chí Kiên sang Hương Cảng công tác với tấm thẻ căn cước mang tên Phùng Nguôn Vĩnh, sau bị cảnh sát Anh bắt và trục xuất.

Năm 1938, Phùng Chí Kiên tham gia Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương và xuất bản báo Đồng thanh ở Côn Minh (Trung Quốc).
Đầu năm 1940, Phùng Chí Kiên hoạt động với Nguyễn Ái Quốc ở Côn Minh và nhiều lần đưa Nguyễn Ái Quốc đến các nơi như Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn, Chi Thôn... thuộc tỉnh Vân Nam.

Tháng 6 năm 1940, Phùng Chí Kiên cùng Nguyễn Ái Quốc về Tĩnh Tây, một thị trấn thuộc tỉnh Quảng Tây giáp biên giới Trung Quốc-Việt Nam để chuẩn bị về nước khi có thời cơ.

Cuối năm 1940, ông tham gia huấn luyện 40 cán bộ cốt cán của Việt Nam tại Quảng Tây (Trung Quốc).

Về Việt Nam

Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Phùng Chí Kiên cùng Hồ Quang về Pác Bó, tỉnh Cao Bằng. Ông tổ chức các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ Việt Minh cho các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn và các tỉnh miền xuôi. 

Ông tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5 năm 1941) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương; được cử trực tiếp tổng chỉ huy Khu căn cứ Bắc Sơn, thành lập và chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1, tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn.

Chống càn và tử trận

Cuối tháng 6 năm 1941, chính quyền thực dân Pháp huy động tới 4.000 quân, tổ chức thành ba mũi tấn công mở cuộc càn quét lớn vào khu căn cứ nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não của Việt Minh và lực lượng vũ trang mới hình thành. Các cơ sở bí mật của Trung ương Đảng và Cứu quốc quân bị uy hiếp nghiêm trọng. Trong cuộc họp khẩn cấp tại Khuổi Nọi (xã Vũ Lễ), Ban chỉ huy Cứu quốc quân quyết định cử một tổ bảo vệ và dẫn các cán bộ lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản qua Tràng Xá về xuôi an toàn.

Phùng Chí Kiên chỉ huy đội Cứu quốc quân Bắc Sơn chiến đấu, phá một số trận càn lớn của Pháp. Do chênh lệch lực lượng và vũ khí, Ban lãnh đạo căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai quyết định để lại một tiểu đội chặn đối phương, còn hai tiểu đội phá vòng vây, rút lên Cao Bằng để bảo toàn lực lượng.

Ngày 19 tháng 8 năm 1941, cánh quân của Phùng Chí Kiên và Lương Văn Tri qua Pò Kép (châu Na Rì, Bắc Kạn) thì bị đối phương phục kích nhưng thoát được.

Ngày 21 tháng 8 năm 1941, đơn vị lại bị phục kích và bị bao vây tại xã Bằng Đức trên đường đi Cao Bằng. Lương Văn Tri bị thương rồi hy sinh. Mặc dù bị thương nặng, Phùng Chí Kiên vẫn bắn chặn quân đối phương để đồng đội thoát khỏi vòng vây. Bắn hết viên đạn cuối cùng, ông bị đối phương bắt.

Ngày 22 tháng 8 năm 1941, đối phương chặt đầu ông rồi đem cắm ở đầu cầu Ngân Sơn để hòng uy hiếp tinh thần cán bộ, nhân dân địa phương.

Năm 1990, một phần hài cốt của ông được đưa từ Bắc Cạn về Nghĩa trang Mai Dịch - Hà Nội, sau đó được chuyển về quê an táng. Tháng 5 năm 2008, một phần hài cốt (phần đầu) ông do nhân dân huyện Ngân Sơn mai táng trước đây, đã được tìm thấy tại tiểu khu 1, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn [1]. Tuy nhiên sau khi giám định đó không phải là hài cốt của ông [2].

Năm 1994, Phùng Chí Kiên được truy tặng Huân chương Chiến công hạng ba [3]. Hơn 62 năm sau ngày mất, tháng 11 năm 2003, Phùng Chí Kiên được Chính phủ Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam ra quyết định phong là cán bộ quân đội cấp tướng [1].

Tên của ông được đặt cho một con đường ở Hà Nội.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%B9ng_Ch%C3%AD_Ki%C3%AAn
Huân chương Chiến công (tiếng Anh:Feat Order) là một loại huân chương của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), được đặt ra lần đầu theo Sắc lệnh số 50-SL ngày 15 tháng 5 năm 1947 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đặt ra lần hai theo Luật Thi đua - Khen thưởng (ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2003). Trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), Huân chương Chiến công còn gọi là Huân chương Chiến sỹ.
Huân chương Chiến công để tặng cho đơn vị, tặng và truy tặng cho cá nhân trong các Lượng lượng vũ trang nhân dân lập được chiến công. Vào những dịp tổng kết, Huân chương Chiến công để tặng cho những đơn vị và cá nhân có nhiều công lao trong sự nghiệp xây dựng Lực lượng vũ trang nhân dân, củng cố quốc phòng.
Huân chương Quân công có ba hạng được phân biệt bằng số sao đính trên dải và cuống huân chương: hạng nhất có 3 sao, hạng nhì có 2 sao, hạng ba có 1 sao. Trong bậc thang khen thưởng, Huân chương Chiến công ở dưới Huân chương Quân công. Thẩm quyền tặng, truy tặng Huân chương Quân công do Chủ tịch nước quyết định.

Huân chương Chiến công hạng nhất[sửa]

1. Để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân công tác trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Dân quân tự vệ và trong các tầng lớp nhân dân, đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Lập được chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không vi phạm khuyết điểm lớn;
b) Chủ động, mưu trí, sáng tạo, đạt hiệu quả cao trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia hoặc tấn công tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý và các loại tội phạm khác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao;
c) Thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương trong toàn quốc, được Nhà nước ghi nhận.
2. Để tặng cho tập thể trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Dân quân tự vệ và trong các tầng lớp nhân dân, đạt các tiêu chuẩn sau đây:
a) Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh,
b) Trung thành với Tổ quốc và nhân dân; chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, đạt hiệu quả cao trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia hoặc tấn công tội phạm hình sự, kinh tế, ma tuý và các loại tội phạm khác, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao;
c) Thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương trong toàn quốc, được Nhà nước ghi nhận.

Huân chương Chiến công hạng nhì[sửa]

1. Để tặng cho cá nhân công tác trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Dân quân tự vệ và trong các tầng lớp nhân dân, đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Lập được chiến công xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không vi phạm khuyết điểm lớn;
b) Chủ động, mưu trí, dũng cảm, đạt hiệu quả cao trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia hoặc tấn công tội phạm hình sự, kinh tế và các loại tội phạm khác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
c) Thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương trong toàn quân hoặc toàn lực lượng công an nhân dân, được cấp Bộ, ngành, địa phương ghi nhận.
2. Để tặng cho tập thể trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Dân quân tự vệ và trong các tầng lớp nhân dân, đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh;
b) Trung thành với Tổ quốc và nhân dân; chủ động, sáng tạo, mưu trí, đạt hiệu quả cao trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia hoặc tấn công tội phạm hình sự, kinh tế và các loại tội phạm khác, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
c) Thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương trong toàn quân, được cấp Bộ, ngành, địa phương ghi nhận.

Huân chương Chiến công hạng ba[sửa]

1. Để tặng cho cá nhân công tác trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Dân quân tự vệ và trong các tầng lớp nhân dân, đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Đã dũng cảm mưu trí, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, không vi phạm khuyết điểm lớn;
b) Mưu trí, dũng cảm, đạt hiệu quả cao trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia hoặc tấn công tội phạm hình sự, kinh tế và các loại tội phạm khác, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
c) Thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương trong toàn quân khu, quân chủng, quân đoàn, tổng cục, được cấp có thẩm quyền ghi nhận.
2. Để tặng cho tập thể trong Quân đội Nhân dân, Công an Nhân dân, Dân quân tự vệ và trong các tầng lớp nhân dân, đạt các tiêu chuẩn sau:
a) Lập được thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, nội bộ đoàn kết, tổ chức Đảng, đoàn thể trong sạch, vững mạnh;
b) Trung thành với Tổ quốc và nhân dân; chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, đạt hiệu quả trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia hoặc tấn công tội phạm hình sự, kinh tế và các loại tội phạm khác, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao;
c) Thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương trong toàn quân khu, quân chủng, quân đoàn, tổng cục, được cấp có thẩm quyền ghi nhận.

http://vi.wikipedia.org/wiki/Hu%C3%A2n_ch%C6%B0%C6%A1ng_Chi%E1%BA%BFn_c%C3%B4ng

2 nhận xét:

  1. Ông Phùng Chí Kiên chết năm 1941, không đúng vì có tài liệu nói ông được Bác Hồ phong Tướng vào năm 1947. Tôi đề nghị xem lại.

    Trả lờiXóa
  2. ông Phùng Chí kiên được Bác truy phong bạn ạ, ông bị bắt và xử chém năm 1941

    Trả lờiXóa