Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Sài Gòn câu đêm

Sài Gòn câu đêm
SGTT.VN - 5 giờ chiều, tranh thủ lúc nghỉ ca, một nhóm công nhân xây dựng tại công trình Everich II, quận 7 háo hức rủ nhau xách cần câu ra một miệng cống trên đường Đào Trí. Ngày nước lên, cái ao trước miệng cống rộng chừng 20m2 đối diện công trình ngầu đục, phủ kín lục bình, vậy mà thập diện mai phục đến hơn chục chiếc cần câu máy, câu rút, câu trúc các kiểu.
Câu đêm ở cầu Tân Thuận. Ảnh chụp lúc 11 giờ đêm 9.10.
Một tiếng rưỡi sau, dãy đèn cao áp trước khối chung cư đang xây dang dở được bật sáng, là lúc nhóm công nhân ngồi phân công người đi mua rau, gia vị, mấy xị rượu cho bữa lẩu hơn 2kg cá đồng đủ loại: rô, trê, lóc... họ vừa giật được.

Một đêm, một xe máy một cần câu

Cách đó chừng một cây số, nhánh nước thải khu dân cư quanh miễu Bà Cố đổ vào con rạch cạnh khu Nam Long ngày nước rút rậm rịt muỗi mòng, bốc mùi hôi “điếc mũi” vậy mà hôm nước lên, cũng tụ tập mấy tay câu đêm. Tú, 32 tuổi, nhà ở đường Nguyễn Văn Quỳ, quận 7 vừa gỡ con cá lau kiếng mới cắn câu, vừa lầm bầm: “Sao cái rạch này giờ toàn cá lau kiếng. Có hôm ngồi một chút giật năm con”. Theo kinh nghiệm của Tú, thì mấy ông mê nhậu thích con cá lau kiếng. Vì chế biến cực chút, nhưng nếu biết cách, thịt nó thơm và dai như thịt gà.

Tú là thợ sửa xe, cả ngày loay hoay, chân tay lấm lem dầu nhớt, vậy mà chiều về, có khi không kịp tắm rửa, đã ôm cần, cưỡi xe đi tìm một khúc sông, rạch nước nào đó buông câu. “Vì chuyện mê câu đêm mà vợ chồng tui lục đục suốt. Nhưng đã mê rồi khó bỏ”, Tú nói.

Mắt sáng rỡ, đầy hứng khởi, Tú say sưa kể chuyện tuần trước giằng co với con cá bông lau ba ký dưới chân cầu Phú Mỹ, tháng trước giật được con cá tra muốn gãy cần câu ở rạch gần cầu Phú Xuân, vài tháng trước, ông bạn câu của anh “quất” được con cá chẻm nặng 5kg ở sông Nhà Bè... Chuyện câu kéo với dân mê câu đêm như Tú, nếu chịu khó ngồi lại nghe, sẽ nhiều tập như chuyện... ngàn lẻ một đêm.

Cũng như Tú, nhiều người Sài Gòn ngày bận rộn trăm công ngàn việc mưu sinh, đêm mới được nuông chiều cơn ghiền câu kéo. Dọc bến Bạch Đằng (quận 1) cho đến bờ kè đại lộ Đông Tây, những khúc kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè sáng đèn cho đến các chân cầu kênh Tẻ, cầu Bình Triệu... đâu đâu cũng thấy những tay câu đêm lọ mọ tẩn mẩn với mồi giun, mồi dế, mồi tự chế, ra tay sát cá. “Câu không có thì buồn, câu được con cá lên thì mừng. Mà mấy hôm câu trúng nhiều cá, xách về nhà còn bị vợ la, lại mất công đem đi cho hàng xóm. Vậy mà mê không bỏ được. Chắc tại nó cho mình sự thoải mái đầu óc”, Việt, một nhân viên văn phòng đang buông câu ở chân cầu Khánh Hội, nói.

Tính sơ sơ, ba chiếc cần câu máy, mấy phụ kiện như vợt, ghế xếp... Việt đầu tư gần một triệu rưỡi. “Cái chính là vui”, Việt nói, “Nhiều lúc làm việc căng thẳng, chỉ trông đêm xuống để kiếm lon bia, xách cái cần ra sông ngồi cho nó thanh thản”.

Nhậu hay không nhậu?


Nhưng chuyện một mình uống lon bia ngồi ngắm phố lên đèn, chờ cá cắn câu như Việt xem ra hơi cá biệt. Vì mười người câu đêm thì đến chín nói rằng, đi câu phải có bạn, có nhóm mới vui. Câu cá cũng là một kiểu tụ tập đàn đúm.

Ông Ba, nhà ở phường 3, quận 8, người đi câu đêm thường xuyên hai năm nay ở khu vực cầu kênh Tẻ và dọc đại lộ Đông Tây kể rằng, ngày nào ông ở nhà là y như rằng, bạn bè chòm xóm kéo đến rủ nhậu đến quắc cần câu. Cho nên, với ông, đi câu là cách trốn nhậu. “Nhưng rồi ra đây cũng đâu có thoát. Đi một nhóm chục mạng, nhiều khi trải bạt ngồi nói chuyện một lúc thấy nhạt miệng, kêu mấy đứa bán bia dạo lại, làm vài lon, vậy là sương sương. Có khi mê nhậu không ngó, giở cần câu lên thì con cá cắn câu đã chết ngạt”, ông nói.

Ông Ba phàn nàn rằng, thấy dân câu đêm dọc đại lộ Đông Tây ngày càng đông, các cặp trai gái hẹn hò ngày càng nhiều, nhu cầu càphê, nước ngọt, bia bọt ngày càng lớn, những người bán hàng dạo ở đây tha hồ “chém đẹp”. Không như mấy quán càphê cóc quen dọc bờ bên kênh Tẻ mà ông và nhóm bạn hay lui tới, bao nhiêu năm rồi không tăng giá, có khi để đèn cho dân câu ngồi đến 2, 3 giờ sáng.

“Ngày câu trúng cũng được hai, ba ký. Gặp con nước thuận, cá say mồi, ngồi lại đến trời sáng mới về. Nhưng nay, như ở rạch Bến Nghé, Tàu Hũ, cá to ngày càng hiếm. Kể cả cá phóng sanh, cũng bị chích điện, vớt hết sạch. Nhiều khi mấy mạng mà câu từ 3 giờ chiều đến 9 giờ đêm, không có con nào. Được cái, chỗ nào hay lui tới, dân câu đêm gặp lờn mặt, khi mồi điếu thuốc, lúc xin con giun, rồi quen biết nhau hết à”, ông Ba nói.

Tối 9.10 là một buổi câu không may mắn của ông Ba. Dù vậy, ông cũng vui vẻ. Vì trong lúc câu, ông tranh thủ trải bạt ngồi bấm được nửa ký khuyên nhựa phụ bà vợ làm nghề ráp đồ chơi cho trẻ con.

11 giờ đêm, nhìn con nước rạch Bến Nghé bắt đầu dậy mùi hôi, rác rến lềng bềnh rút về hướng sông Sài Gòn, ông Ba nói: “Cũng nhờ câu kéo mà biết nhiều chuyện, ví dụ thuộc lòng giờ giấc con nước lên xuống ra sao, chứ không câu kéo, thì quan tâm chi chuyện đó”.

Gia vị cho hẹn hò

Dọc bến Vân Đồn, đại lộ Đông Tây hay bên cầu ông Cậy (Thủ Thiêm) là những điểm đêm về dập dìu hò hẹn, hóng gió, tâm sự. Cái cảnh từng cặp từng cặp ngồi tâm sự trên xe máy nhìn ra dòng nước lừ lừ trước mặt hình như sẽ thi vị hơn nếu có thêm một... chiếc cần câu. Quả thật là gần đây nhiều cặp trai gái hò hẹn đã “trang bị” thêm chiếc cần câu cắm hờ hững trước mặt. Chiếc cần câu suốt đêm không được thay mồi. Chúng chỉ đóng vai trò gia vị cho cuộc hẹn khi cả chàng và nàng đều là dân mê câu kéo.

Hẳn là chàng và nàng cũng ngầm hiểu với nhau rằng, chiếc cần câu cắm hờ trong cuộc hẹn hò tình tứ khuya khoắt thì không dùng vào việc câu cá mà để... “câu” thứ khác.

BÀI VÀ ẢNH: NGUYỄN VINH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét