Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Lấy bằng tiến sĩ

Tiến Sĩ là học vị cao nhất tại Việt Nam (và có lẽ, cũng của thế giới, vì hình như chưa thấy học vị nào cao hơn). Do vậy, người xưa gọi là bác học, nghĩa là học rộng, học thâm sâu, học hơn người. Và cũng do vậy, khó lấy bằng Tiến sĩ, trên nguyên tắc.
Trong mục từ Tiến Sĩ trên Tự Điển Bách Khoa Mở Wikipedia, mình thấy giải thích thế này: Tiến sĩ (Doctor of Philosophy thường được viết tắt là PhD). Tại một số quốc gia ở Mỹ và Châu Âu, tiến sĩ là một học vị do trường đại học cấp cho nghiên cứu sinh sau đại học, công nhận luận án nghiên cứu của họ đã đáp ứng tiêu chuẩn bậc tiến sĩ, là hoàn toàn mới chưa từng có ai làm qua. 

Thời gian để hoàn thành luận án tiến sĩ có thể từ 2 đến 5 năm hay dài hơn, tùy thuộc vào tình hình hay điều kiện khác nhau của từng nghiên cứu sinh, có thể làm bán thời (part-time) hay toàn thời (full-time). Có trường hợp nghiên cứu sinh không thể hoàn thành luận án của mình vì lý do nào đó và xin rút lui.”(ngưng trích)


Nghĩa là, cao siêu lắm. Vì “nghiên cứu hoàn toàn mới, chưa ai làm qua.” Làm sao như thế? Thế mới gọi là khó.

Cũng trong Tự Điển này, nói về Tiêu chuẩn cho học vị Tiến sĩ, có giải thích:

“...nghiên cứu sinh cũng cần phải công bố vài bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế trước khi viết luận án. Công bố quốc tế là một hình thức tốt nhất vì qua đó mà đồng nghiệp khắp thế giới có thể thẩm định chất lượng của công trình nghiên cứu và luận án của nghiên cứu sinh. Công bố quốc tế là một điều gần như tất yếu trong quá trình học tiến sĩ ở các đại học ở châu Âu, Hoa Kỳ và Úc. Tại những nơi này, nghiên cứu sinh được khuyến khích hoặc gần như bắt buộc phải công bố vài bài báo khoa học trước khi viết luận án tiến sĩ. Ở một số nước Bắc Âu, luận án tiến sĩ thực chất là tập hợp một số bài báo khoa học đã công bố trên các tập san quốc tế. Ngày nay, các đại học lớn ở Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan,... cũng có qui định tương tự.”(ngưng trích)


Nghĩa là, phải viết vài bài báo khoa học trên các tập san khoa học quốc tế trước khi viết luận án. Nghĩa là, phải giỏi tiếng Anh, hay tiếng Pháp... Thế giới đều theo tiêu chuẩn như thế. Việt Nam theo tiêu chuẩn nào?

Báo Tuổi Trẻ kể chuyện từ Sài Gòn và từ Hà Nội có thể học lấy bằng Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh từ một Đại Học Philippines, mà không cần giỏi tiếng Anh... vì có người phiên dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt...


Báo Tuổi Trẻ kể, Đại học cấp bằng Tiến sĩ đó là qua chương trình tiến sĩ của ĐH Bulacan State (Philippines), và tuyển sinh từ Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.SG) và Trường ĐH Đại Nam (Hà Nội).

Báo Tuổi Trẻ kể:

“Nhiều chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ với nước ngoài tuyển sinh khá dễ dãi. Không yêu cầu ngoại ngữ đầu vào, thậm chí có người thông dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt trong quá trình học, bảo vệ luận án bằng tiếng Việt.


Trong vai một giảng viên ĐH có nhu cầu học tiến sĩ quản trị kinh doanh, chúng tôi đã liên hệ với Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) hỏi về chương trình tiến sĩ tại ĐH Bulacan State (Philippines). Nhân viên trung tâm tư vấn giáo dục quốc tế của ĐH này tư vấn: chương trình đã tuyển sinh rất nhiều khóa. Ứng viên theo học chương trình sẽ học tại Hong Kong hay các cơ sở của ĐH Bulacan ở Philippines hay các quốc gia khác. Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tuy nhiên trong suốt quá trình giảng dạy sẽ có người phiên dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt. Khóa mới sẽ bắt đầu học vào tháng 11-2013.”(ngưng trích)

Bulacan State University Guinhawa, Malolos City

Thế rồi làm luận án Tiến sĩ ra sao? Có cần viết tiếng Anh hay tiếng Tây, tiếng Tàu... gì không?

Một viên chức nói rằng nếu học viên kém tiếng Anh, “thì có thể chọn người hướng dẫn là giảng viên người Việt. Khi bảo vệ luận án, có thể nhờ phiên dịch và phải chịu chi phí này!”

Một số trường Đaị học khác của VN cũng có liên kết những chương trình tương tự.

Nghĩa là, Tiến sĩ tại Việt Nam sẽ không giống ai trên thế giới cả.

Nhưng bạn thử suy nghĩ xem, có cái gì ở nước mình bây giờ giống ai đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét