Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

(9) CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD

CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD
     2) Đảm bảo tính khớp nhau trong các dự báo cung và dự báo cầu
Trong mục trên, chúng ta đã xem xét các nhân tố xác định tiêu dùng tư nhân, đầu tư tư nhân, đồng thời xem xét một số khía cạnh trong dự báo tiêu dùng và đầu tư chính phủ.  Nếu bổ sung thêm các dự báo xuất và nhập khẩu các hàng hoá và dịch vụ thì sẽ thu được dự báo tổng cầu các hàng hoá và dịch vụ.
Bước tiếp theo là phải phối hợp các dự báo tổng cầu với các dự báo tổng cung, nhằm đảm bảo sự khớp nhau cả về mặt kế toán lẫn mặt kinh tế của các dự báo này (sự khớp đúp hay kép).
Về phương diện kế toán, cần phải đảm bảo có sự cân bằng giữa sản xuất xác định từ khâu dự báo cung và cầu xác định ở trên. Nếu dự báo cung xuất phát từ tổng cầu thì việc cân đối sẽ tự động được thực hiện. Trong trường hợp ngược lại, khi dự báo cung không đi từ cầu mà đi từ các nhân tố đầu vào xác định cung, thì việc kiểm tra sẽ khó khăn hơn.

Mặt khác, cũng cần kiểm tra xem tốc độ tăng cung dự kiến có vượt quá tiềm năng không ? Nếu đề ra yêu cầu quá cao, sẽ không thể thực hiện được và gây ra các mất cân đối trong tương lai.
Về phương diện kinh tế, cần phải đảm bảo các dự báo đầu tư tương thích với các dự báo sản xuất. Nếu hai loại dự báo này tách rời nhau (thường xảy ra trong dự báo không theo mô hình), khó có khả năng có hiện tượng tương thích ngay.
Nhìn chung, để đảm bảo tính cân đối, một thành phần nào đó của tổng cung hoặc tổng cầu phải được tính bằng cách lấy tổng trừ đi các thành phần khác. Ví dụ nếu quyết định giữ lại các dự báo sản xuất, đầu tư nhà nước và tư nhân, xuất và nhập khẩu, tiêu dùng chính phủ, thì tiêu dùng tư nhân sẽ được tính bằng cách lấy tổng cung (sản xuất + nhập khẩu) trừ đi đầu tư nhà nước và tư nhân, xuất khẩu và tiêu dùng chính phủ. Sau khi đã tính được tiêu dùng tư nhân, cần phải kiểm tra xem tiến triển của nó có phù hợp với hành vi tiêu dùng và tiết kiệm trong quá khứ của khu vực tư nhân không ?
3) Phân tích và dự báo giá cả:
2.1) Những nhân tố chính xác định giá cả:
Đối với một sản phẩm trên thị trường, giá cả được xác định căn cứ vào quan hệ cung cầu; khi cầu vượt cung thì giá hạ và ngược lại mặc dù quá trình này có thể bị ngăn lại hoặc chậm lại do những can thiệp hành chính hoặc do các cam kết đã quy định trong hợp đồng. Việc tăng giá một loại hàng hoá nào đó trên thị trường cũng có thể xuất phát từ thay đổi cơ cấu cung và cơ cấu cầu chứ không phải kéo theo tăng mặt bằng giá chung.
Ở tầm kinh tế vĩ mô, tăng mặt bằng giá là phản ảnh của những phi cân bằng kinh tế vĩ mô, vì những phi cân bằng vĩ mô này được thể hiện chủ yếu thông qua thị trường hàng hoá và dịch vụ và thị trường tiền tệ.
Định nghĩa lạm phát: Cũng như nhiều khái niệm kinh tế khác, lạm phát (inflation) có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau tuỳ theo các trường phái kinh tế căn cứ theo lập luận của mỗi trường phái về đặc trưng, nguyên nhân và hậu quả của lạm phát. Tuy nhiên, ở đây, chúng tôi không đi sâu vào vấn đề đang còn được tranh luận này mà sử dụng khái niệm lạm phát được sử dụng tương đối phổ biến nhất trong 3 thập kỷ qua của trường phái trọng tiền.
Theo quan điểm này, lạm phát là quá trình chuyển động dai dẳng theo hướng tăng lên của mặt bằng giá chung của nền kinh tế. Định nghĩa này bao hàm một số nội dung quan trọng sau:
Thứ nhất, lạm phát là sự tăng lên của mặt bằng nói chung giá chứ không phải của từng loại giá riêng biệt. Nếu chỉ có giá của một hoặc một số rất ít loại hàng hóa tăng lên thì chưa chắc đã phải là lạm phát vì giá của đông đảo các loại hàng hoá và dịch vụ khác không thay đổi, thậm chí có thể giảm đi.
Thứ hai, định nghĩa này không chỉ nói về tình trạng tăng lên hiện tại của mặt bằng giá (lạm phát mở) mà còn bao hàm cả sự tăng lên tiềm năng của mặt bằng giá (lạm phát bị kìm hãm). Thực tế không ít chính phủ trong bối cảnh lạm phát cao đã thực hiện các biện pháp quản lý hành chính nghiêm ngặt để duy trì sự ổn định của giá, nhưng lại dẫn đến nhiều mâu thuẫn khác trong nền kinh tế. Định nghĩa này bao gồm cả trường hợp lạm phát trên; trong đó giá mặc dù ổn định, nhưng do áp dụng các biện pháp “đông cứng” giá một cách hành chính và nếu không áp dụng  các biện pháp này thì giá sẽ tăng lên.
Thứ ba, sự tăng lên (hiện tại hoặc tiềm năng) của mặt bằng giá phải có tính dai dẳng. Như vậy nếu sự tăng giá chỉ diễn ra trong một số khoảng thời gian và do một số nguyên nhân khách quan rõ ràng rồi lại giảm xuống khi những nguyên nhân này chấm dứt thì đây chưa phải là lạm phát. Hoặc nếu tại một thời điểm nào đó mà giá tất cả các loại hàng hoá đều đồng loạt tăng lên, nhưng tiếp đến lại ổn định trong một khoảng thời gian dài (nhiều tháng là đủ), thì đây cũng không phải là tình trạng lạm phát.
Ví dụ nếu mặt bằng giá tăng lên do sự tăng lên lúc giáp hạt của giá một số loại lương thực thực phẩm cơ bản, hoặc do lũ lụt hạn hán dẫn tới tăng giá một số hàng nông sản, hoặc giá một vài loại hàng hoá như xăng dầu, thuốc lá tăng lên do chính sách tăng thuế hay giảm trợ cấp của chính phủ... thì chưa phải là lạm phát mặc dù mặt bằng giá chung đã tăng lên. Đó là vì chưa có sự tăng lên dai dẳng của mặt bằng giá chung. Trong trường hợp đầu, giá lương thực thực phẩm sẽ giảm khi vụ thu hoạch bắt đầu. Trường hợp thứ hai cũng tương tự như trường hợp đầu vì sau những vụ mùa thất bát lại sẽ có những vụ mùa bội thu; khi đó giá nông sản sẽ lại giảm. Trong trường hợp thứ ba, khi môi trường kinh tế trong nước và quốc tế thay đổi, chính phủ có thể thực hiện chính sách theo chiều ngược lại (giảm thuế hoặc tăng trợ cấp), làm cho mặt bằng giá lại giảm đi; hoặc nếu môi trường không đổi thì giá sẽ ổn định chứ không có xu hướng tăng tiếp.
Thứ tư, khi nói rằng lạm phát là quá trình chuyển động dai dẳng theo hướng tăng lên của mặt bằng giá chung của nền kinh tế, thì cũng không nên hiểu rằng mặt bằng giá phải liên tục tăng lên. Dĩ nhiên, nếu giá liên tục tăng lên qua các năm, các quý thì đó chắc chắn đó là thời kỳ lạm phát theo định nghĩa ở đây; nhưng nếu có những quý mặt bằng giá giảm đi mà xu hướng chuyển động tăng lên của nó vẫn dai dẳng thì đó vẫn là một thời kỳ lạm phát.
Trong thời kỳ lạm phát, giá một số loại hàng hoá có thể tăng nhanh hơn giá một số loại hàng hoá khác; do đó lạm phát đi đôi với biến đổi giá tương đối hay cơ cấu giá trong nền kinh tế.
Bên cạnh khái niệm lạm phát, cần chú ý phân biệt một số khái niệm khác được sử dụng khá phổ biến trong nghiên cứu lạm phát, như giảm phát và thiểu phát.
- Giảm phát (disinflation) là quá trình chuyển động dai dẳng theo hướng của tỷ lệ lạm phát mặc dù lạm phát vẫn diễn ra;
- Thiểu phát (deflation) là quá trình chuyển động dai dẳng theo hướng giảm xuống của mặt bằng giá chung của nền kinh tế.
Mặc dù định nghĩa trên được sử dụng khá rộng rãi trong nghiên cứu kinh tế, nhưng nó vẫn còn nhiều bất cập. Vì theo định nghĩa trên, có nhiều trường hợp mặt bằng giá chung tăng lên (ví dụ tăng thuế của chính phủ, tăng giá đi kèm với tăng chất lượng hàng hoá và dịch vụ,
Chọn chỉ tiêu đo lường lạm phát
Theo định nghĩa lạm phát nêu trên, việc đo lường lạm phát đặt ra ba vấn đề cần giải quyết:
(i) Vấn đề chọn chỉ số giá đại diện cho "mặt bằng giá chung";
(ii) Vấn đề đo lường thay đổi tốc độ chuyển động đi lên tại từng thời kỳ cụ thể của chỉ tiêu vừa chọn;
(iii) Phương pháp tính chỉ số giá.
a) Việc chọn chỉ số giá đại diện cho mặt bằng giá chung rất khác nhau giữa các nước. Một số chỉ tiêu sau thường được đưa ra để phân tích, lựa chọn:
   (i) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI)
  (ii) Một vài thành phần của CPI; ví dụ chọn một số nhóm hàng tiêu biểu nhất;
  (iii) Chỉ số giá bán buôn (WPI) hoặc một vài thành phần của nó;
  (iv) Chỉ số giá GNP (deflator of GNP);
  (v) Chỉ số giá GDP ( deflator of GDP);
  (vi) Chỉ số giá của một nhóm các hàng hoá và dịch vụ đưa vào tính tổng chi tiêu quốc gia (Gross national expenditure - GNE).
Mỗi một chỉ tiêu nêu trên đều có ưu, nhược điểm trong việc đại diện cho mặt bằng giá chung; do đó trong nghiên cứu kinh tế, người ta phải sử dụng đồng thời nhiều loại chỉ số giá. Tuy nhiên, đối với một chỉ tiêu lý tưởng, để có cơ sở cho sự lựa chọn, gần đây, người ta đã đề ra một số tiêu chuẩn, trong đó 4 tiêu chuẩn quan trọng nhất là:
(i) Chỉ tiêu đó chỉ phản ánh những hàng hoá sản xuất trong nền kinh tế; do vậy, các chỉ số giá có chứa giá hàng hoá nhập khẩu không phải là chỉ số lý tưởng dùng để đo lường lạm phát;
(ii) Chỉ số giá lý tưởng phải mang tính toàn diện, tức là chứa đựng giá tất cả các hàng hoá và dịch vụ sản xuất trong nền kinh tế. Như vậy, chỉ số giá hàng hoá bán lẻ chưa phải là chỉ tiêu lý tưởng vì nó chỉ chứa đựng giá các hàng hoá do người tiêu dùng mua sắm trên thị trường;
(iii) Chỉ số giá lý tưởng phải phản ảnh được việc cải tiến chất lượng hàng hoá và dịch vụ, tức là với chỉ số giá này, ít nhất sau 10 đến 15 năm sự tăng lên danh nghĩa của giá của hàng hoá và dịch vụ không vượt quá tình trạng tăng lên thực sự của giá. Thực tế giá nhiều hàng hoá tăng lên nhưng chất lượng của nó cũng tăng lên tương ứng; trường hợp đó không phải là lạm phát.
(iv) Cuối cùng, chỉ số giá lý tưởng phải đảm bảo không bị tác động bởi những đợt tăng giá tạm thời và lại quay về giá ban đầu khi tình hình thay đổi. Ví dụ sự tăng giá do điều kiện thời tiết không thuận hoặc tăng giá do thay đổi chính sách thuế của chính phủ.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang sử dụng chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng làm thước đo lạm phát. Tuy nhiên, chỉ tiêu này vẫn chưa phải là chỉ tiêu lý tưởng vì chưa thoả mãn các tiêu chuẩn trên. Nhiều hàng hoá nhập khẩu vẫn được đưa vào tính trong giá CPI. Mặt khác, chỉ số này vẫn chỉ đo được sự biến động của giá bán lẻ một số loại hàng hoá và dịch vụ chứ chưa phải toàn bộ chi tiêu gộp của người tiêu dùng, tức là chưa mang tính toàn diện. Ngoài ra, chỉ chỉ số này còn bao hàm các loại lương thực thực phẩm quan trọng và tất cả các loại hàng hoá có giá nhạy cảm với thay đổi chính sách thuế; tức là bị tác động bới những tăng giá tạm thời mà đã được loại khỏi định nghĩa lạm phát nêu trên. Cuối cùng, chỉ số giá tiêu dùng cũng không phản ảnh được việc cải tiến chất lượng hàng hoá và dịch vụ sau một khoảng thời gian tương đối dài.
b) Việc đo lường thay đổi tốc độ chuyển động đi lên tại từng thời kỳ cụ thể của chỉ tiêu đại diện cho lạm phát thường được thực hiện bằng phương pháp đơn giản nhất, tức là tính phần trăm thay đổi giữa thời điểm cuối và thời điểm đầu.
Tuy nhiên, lạm phát trong thời kỳ 1990-2000 là 100% và lạm phát trong thời kỳ 2001-2003 là 8% không có nghĩa là lạm phát trong thời kỳ đầu  nghiêm trọng hơn nhiều so với lạm phát trong thời kỳ sau vì sự thực là thời kỳ đầu kéo dài tới 10 năm trong khi thời kỳ sau chỉ kéo dài 3 năm. Do vậy, để có thể so sánh mức độ lạm phát giữa các thời kỳ, người ta thường phải quy về tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm thay vì tính tỷ lệ lạm phát chung cho một khoảng thời gian dài.

Sự tăng lên theo tỷ lệ phần trăm của chỉ tiêu được chọn để đo lường lạm phát giữa các năm hoặc quý được gọi là tỷ lệ lạm phát; và sự tăng lên theo tỷ lệ phần trăm tính chung bình theo các quý, các năm được gọi là tỷ lệ lạm phát trung bình. Lúc đầu, công thức dùng để xác định tỷ lệ lạm phát trung bình như sau:
trong đó r là tỷ lệ lạm phát trung bình, Po và Pn lần lượt là giá trị đầu và giá trị cuối của chỉ tiêu đo lường lạm phát.
Phương pháp đo lường lạm phát nêu trên có một số nhược điểm quan trọng, trong đó nổi bật là nó chỉ tính toán dựa trên điểm đầu và điểm cuối của chỉ số mà không tính đến các điểm trung gian. Do vậy, kết quả tính theo phương pháp này thay đổi rất mạnh khi thay đổi điểm đầu và điểm cuối; ví dụ tỷ lệ lạm phát trung bình có thể thay đổi rất mạnh nếu tính cho thời kỳ 1990-2000 và thời kỳ 1989-2000.
Để hạn chế điểm yếu trên, từ nhiều năm nay, các nước và tổ chức kinh tế tài chính quốc tế đã đưa vào sử dụng phương pháp phức tạp hơn dựa trên kỹ thuật kinh tế lượng.
Phương trình trên tương đương với phương trình Pn = (1 + r)n * P0
Lấy logarit hai vế của phương trình này, chúng ta có:
            Log(Pn) = n * Log(1+r ) + Log(P0)
tương đương với phương trình:   Y  =  B * n + A                 
trong đó n là biến thời gian, B = Log(1+r) là độ nghiêng của đường hồi quy. Tính Y = Log(P) theo các giá trị quan sát rồi ước lượng hàm hồi quy Y  =  B * n + A, sẽ tìm ra hệ số B. Vì Log(1+r) = B nên (1+r) = exp(B), tức là:
r = exp(B) - 1
Như vậy, phương pháp này đã sử dụng tất cả các quan sát theo thời gian của chỉ số xác định lạm phát.
Để tính tỷ lệ lạm phát dưới dạng phần trăm, người ta nhân r với 100.
c) Về phương pháp tính chỉ số giá: Thông thường, người ta chọn ra khoảng 250-300 sản phẩm tiêu dùng đại diện cho tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của các hộ gia đình; các sản phẩm này chiếm khoảng 85-90% khối lượng hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng của các hộ gia đình.
Tiếp đến, ở bước 2, người ta tiến hành điều tra giá cả các mặt hàng đó tại những điểm cần thiết và tính toán thay đổi của giá cả từng mặt hàng đó theo thời gian.
Để xác định tỷ lệ lạm phát quốc gia, trong bước 3, người ta tính trung bình của các chỉ số giá của các mặt hàng theo trọng số là khối lượng tiêu dùng của từng mặt hàng trong tổng tiêu dùng của các hộ gia đình.
Chỉ số giá tiêu dùng thường được thống kê theo tháng và trở thành một trong những công cụ quan trọng nhất trong phân tích kinh tế. Tuy nhiên, cũng như những công cụ khác, nó vẫn có những hạn chế nhất định; ví dụ, không tính được những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của các hộ gia đình (vì trọng số cố định), hoặc khó khăn khi xuất hiện các mặt hàng, dịch vụ mới.
Một số lưu ý khi phân tích và dự báo lạm phát tại các nước đang phát triển:
- Khi lạm phát xảy ra, tức là giá liên tục tăng lên, có thể do các nguyên nhân sau đây:
+ Các nguyên nhân của hiện tượng phi cân bằng kinh tế chưa được xử lý, do đó vẫn kéo dài dai dẳng và làm giá cả tiếp tục tăng lên;
+ Cơ cấu của nền kinh tế có vấn đề, do đó đã tạo ra sức ỳ làm kéo dài tác động của một số sốc lúc khởi đầu. Ví dụ trong trường hợp lạm phát bất ngờ tăng lên do giá dầu mỏ hay dịch cúm gà bùng phát tại Việt Nam vừa qua, dù đến nay đã 6 tháng trôi qua kể từ khi giá dầu mỏ giảm xuống đồng thời dịch cúm gà chấm dứt, song giá vẫn tiếp tục tăng lên. Trong trường hợp, cơ cấu kinh tế có vấn đề nên không tự điều chỉnh thích nghi được để ổn định giá trở lại.
- Dưới góc độ cân bằng trên thị trường hàng hoá và dịch vụ, một sự tăng lên của mặt bằng giá là phản ánh hiện tượng cầu vượt so với cung. Một sự phi cân bằng như vậy có thể xuất phát từ tăng cầu hoặc giảm cung bất ngờ, ngoài các dự báo. Tuy nhiên, việc tăng cầu kèm theo tăng giá thường chỉ xảy ra khi nền kinh tế đã tiến sát tới tình trạng khai thác hết năng lực sản xuất. Trong trường hợp ngược lại, tăng cầu thường kéo theo việc tăng cung để thoả mãn cầu.
Do vậy, cần phân loại các nhân tố giải thích tiến triển của mặt bằng giá thành hai loại, tuỳ theo chúng tác động đến tổng cầu hay tác động tới giá thành sản xuất và tổng cung.
a) Các nhân tố tác động lên tổng cầu:
Trong số các nhân tố chính tác động lên tổng cầu, người ta đặc biệt quan tâm đến nhân tố chính sách tài chính và nhân tố chính sách tiền tệ.
Thực vậy, một sự tăng lên của chi tiêu ngân sách hoặc một sự giảm xuống của thuế suất đều dẫn đến tăng tổng cầu. Hơn nữa, chúng còn làm trầm trọng hơn mức độ thâm hụt ngân sách, mà trong nhiều trường hợp thâm hụt này sẽ được tài trợ bằng phát hành tiền tệ, gây ra lạm phát.
Trong một nền kinh tế mở với chế độ tỷ giá cố định, tiến triển của mặt bằng giá trong nước một phần được xác định từ tiến triển của giá quốc tế bởi vì hàng hoá trong và ngoài nước có thể trao đổi với nhau. Tuy nhiên cầu nội địa cũng vẫn đóng vai trò quan trọng, có thể nói là chủ yếu. Các chính sách tài chính, tiền tệ theo hướng mở rộng thường kéo theo việc tăng giá hàng hoá và dịch vụ không thương mại quốc tế được (tức là những hàng hoá và dịch vụ chỉ có thể giao dịch được trong thị trường nội địa). Hơn nữa, chúng có thể kéo theo tăng nhập khẩu và làm cạn kiệt nguồn dự trữ quốc tế, dẫn tới phá giá tỷ giá danh nghĩa và làm tăng giá đầu vào nhập khẩu tính theo nội tệ.
Trong chế độ tỷ giá mềm, các chính sách tài chính, tiền tệ quá mở rộng sẽ dẫn tới phá giá tỷ giá kèm theo lạm phát.
Các chính sách kinh tế theo hướng kích cầu đồng thời cũng có thể gây ra lạm phát do hiệu ứng cơ cấu khu vực của chúng. Nếu chúng kéo theo nhu cầu một số sản phẩm tăng lên vượt cung thì dĩ nhiên sẽ dẫn tới tăng giá. Giá của các sản phẩm khác cũng có thể tăng lên nếu việc tăng lương và tăng các loại chi phí sản xuất khác trong khu vực cầu vượt cung có khả năng lan toả sang toàn nền kinh tế.
b) Các nhân tố tác động lên tổng cung:
Nhìn chung, các nhân tố chủ yếu tác động lên tổng cung là các nhân tố tác động tới chi phí sản xuất. Nếu thời tiết không thuận, vụ mùa thất thu sẽ có tác động bất lợi tới cân đối cung cầu lương thực thực phẩm trên thị trường, làm cho giá cả không chỉ những sản phẩm bị tác động trực tiếp tăng lên mà giá của những sản phẩm thay thế, sản phẩm liên quan... cũng lên theo. Sự tăng giá này cũng có thể kéo theo sự tăng giá của toàn nền kinh tế nếu như sự tăng giá ban đầu xảy ra ở những sản phẩm có quy mô tiêu thụ lớn và kéo theo việc tăng lương để bù đắp tăng giá.
Khi một sốc bên ngoài xảy ra do tăng giá một số sản phẩm đầu vào (ví dụ như tăng giá dầu), các hoạt động sản xuất sẽ trở nên kém sinh lợi khi tính theo mặt bằng cũ của giá nội địa. Hậu quả là sản xuất sẽ bị thu hẹp đồng thời mặt bằng giá sẽ tăng lên. Hiện tượng tương tự cũng diễn ra khi chi phí tiền lương tăng nhanh hơn năng suất lao động do áp lực của các phong trào công đoàn.
Khi thị trường không đủ tính cạnh tranh, các tổ chức độc quyền sẽ có cơ hội phát triển, gây ra hiệu ứng vừa kìm hãm phát triển sản xuất, vừa đẩy giá lên cao. Các khó khăn cơ cấu về tăng cung và cơ chế thị trường méo mó tại nhiều nước đang phát triểtn cũng làm tăng giá do cầu tăng nhanh hơn cung dưới áp lực của tăng dân số và nhu cầu cải thiện đời sống theo tiêu chuẩn phương Tây. Người ta cũng thấy hiện tượng đôi khi cung cũng khá ỳ, tức là nó chỉ phản ứng yếu ớt và rất trễ so với tăng cầu hoặc tăng giá. Sự khó tăng này thường do các nhân tố như dự trữ ngoại tệ quá ít không đủ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu đầu vào, cơ sở hạ tầng yếu kém, chính sách cơ cấu và chính sách thể chế chưa thích hợp...
2.2) Một số mô hình dự báo giá cả:
a) Lạm phát do cầu vượt:
Để kiểm tra giả thuyết rằng lạm phát do cầu hàng hoá và dịch vụ tăng nhanh hơn cung, cần phải nghiên cứu tìm quan hệ giữa các biến này. Tiếp cận được sử dụng phổ biến là đường cong Philip của học thuyết tân Keynes. Đường cong này nguyên gốc phản ánh quan hệ âm giữa tỷ lệ biến động của tiền lương và tỷ lệ thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp được dùng để đại diện cho chỉ tiêu chênh lệch giữa sản xuất thực tế và sản xuất khi sử dụng hết lao động. Phương trình được dùng để giải thích và dự báo lạm phát theo lý thuyết này như sau:

trong đó p là tỷ lệ lạm phát; P là mặt bằng giá chung; GAPP là chênh lệch giữa GDP thực so với giá trị xu thế của nó, tính bằng phần trăm của GDP thực. Giá trị GDP xu thế có thể tính từ ước lượng phương trình:
                     log(GDP) = a + b * t.

Để tính đến vai trò của yếu tố dự báo lạm phát của người dân, đo lường một cách đơn giản là lạm phát của thời kỳ trước, có thể đưa vào phương trình trên một biến bổ sung, đi tới phương trình:
b) Lạm phát do tiền tệ:
Trong điều kiện cân bằng dài hạn, sản xuất luôn luôn nằm trên trục tăng trưởng cố định tương ứng với tiềm năng của nó; các lãi xuất thực cố định và tỷ lệ lạm phát được dự báo đầy đủ, thì tỷ lệ lạm phát sẽ đúng bằng tốc độ tăng trưởng tiền tệ trừ đi tốc độ tăng trưởng GDP thực; tức là:
                               p = m - g
trong đó m là tỷ lệ tăng trưởng tiền tệ, g là tốc độ tăng trưởng GDP.
Tuy nhiên, cân bằng dài hạn này không bao giờ đạt được, do đó người ta dùng phương pháp xấp xỉ, tức là ước lượng phương trình:
                               p = a * m + b * g + c
với b < 0.
Phương trình này cũng được suy ra từ lý thuyết vòng quay tiền tệ trong học thuyết cổ điển. Để đưa vào yếu tố dự báo thích nghi, chúng ta thêm biến chênh lệch tỷ lệ lạm phát của 2 năm trước, nghĩa là:
                     p = a * m + b * g + c * (p(t-1) - p(t-2)) + d
trong đó a, b, c, d là các tham số, cụm cuối cùng được sử dụng làm xấp xỉ cho các dự đoán hợp lý về lạm phát.
c) Lạm phát do những nhân tố nước ngoài:
Để đưa vào ảnh hưởng của các nhân tố nước ngoài phản ánh tác động của giá nhập khẩu, người ta có thể sử dụng phương trình:
                     p = a * m + b * g + c * (DPm/Pm) + d * GAPPt + e
Sử dụng phương trình giá loại này xuất phát từ ý tưởng cho rằng mặt bằng giá (được đo bằng chỉ số giá GDP hoặc chỉ số giá tiêu dùng) là trung bình trọng số của giá nước ngoài được thể hiện bằng tiền trong nước (ở đây là Pm) và giá nội địa (đối với các hàng hoá và dịch vụ không thương mại quốc tế được); trong đó giá nội địa chịu tác động chủ yếu bởi chính sách tiền tệ và tỷ lệ sử dụng khả năng sản xuất. Các nghiên cứu thực nghiệm trong thập kỷ 90 còn đưa vào biến tỷ lệ lạm phát của thời kỳ trước để phản ánh sức ỳ của hiện tượng lạm phát hoặc để tính đến những dự báo hợp lý về lạm phát (nếu như giả thiết các dự đoán lạm phát được hình thành từ quá trình thích nghi).
d) Lạm phát do cơ cấu:
Theo thuyết cơ cấu, nguyên nhân lạm phát là do thiếu hụt của cung, tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao và thiếu hụt ngoại tệ. Phương trình theo thuyết này như sau:
                     p = a * D/GDP + b * log(GDP) + c * log(e) + d
trong đó D / GDP là tỷ lệ thâm hụt ngân sách; e là tỷ giá.
e) Mô hình hỗn hợp:
Trong thực tế, lạm phát ở một nước có thể do sự tồn tại đồng thời của nhiều nhân tố cung, cầu, cơ cấu, tiền tệ... Do đó, có thể đưa tất cả các biến của các mô hình trên vào cùng một mô hình và ước lượng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét