CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD
4)
Kinh nghiệm dự báo cung cầu trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
hàng năm của Việt Nam:
Kế hoạch hàng năm là cụ thể hoá của kế
hoạch 5 năm, do đó nó phải lấy định hướng của kế hoạch 5 năm làm cơ sở. Quy
trình xây dựng kế hoạch năm có nhiều điểm tương đồng với quy trình xây dựng kế
hoạch 5 năm nhưng giảm phần phân tích, đánh giá dài hạn mà đi vào chi tiết hơn.
Trong quy trình xây dựng kế hoạch năm, việc phân tích và dự báo có vai trò hết
sức quan trọng. Khâu này bao gồm phân tích dự báo tình hình thực hiện kế hoạch
năm hiện tại và phân tích dự báo tình hình trong nước và quốc tế sẽ diễn ra
trong năm tới. Dưới đây xin liệt kê các bước tiếp theo của quy trình (không
nhắc lại những nội dung đã nêu trong quy trình xây dựng kế hoạch 5 năm).
Việc xây dựng và tổng hợp kế hoạch
hàng năm được thực hiện qua 4 bước chính sau:
a) Bước 1: Trên tầm vĩ mô, Bộ
Kế hoạch và Đầu tư xác định các chỉ tiêu tổng hợp phát triển kinh tế xã hội
trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm trước và những dự báo mang
tính liên ngành có xét đến những điều kiện phát triển của các ngành, các lĩnh
vực, các vùng lãnh thổ trong năm kế hoạch.
Ở
bước này, ít nhất, cũng sẽ phải xác định:
- Tổng giá trị GDP của năm kế hoạch
(theo giá so sánh và giá hiện hành), trong đó có dự báo GDP cho công nghiệp,
nông nghiệp và dịch vụ. Xác định tốc độ tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế nói
chung và GDP từng ngành nói riêng. Xác định cơ cấu GDP.
Dự báo giá trị sản xuất nông lâm ngư
nghiệp được tính trên cơ sở dự báo kết quả sản xuất 27 sản phẩm nông nghiệp chủ
yếu gồm thóc, ngô, cao su, chè búp khô, cà phê nhân, hạt điều khô, hạt tiêu,
bông xơ, lạc vỏ, đỗ tương, thuốc lá, mía cây, đay cói, thịt lợn hơi, thịt trâu
hơi, thịt gia cầm, trứng, sữa, mật ong, diện tích trồng rừng, gỗ khai thác,
đánh cá biển, tôm khai thác, cá nuôi, tôm nuôi. Giá trị sản xuất của 27 sản
phẩm này so với giá trị sản xuất toàn ngành đạt khoảng 85%. Trước tiên xác định
tốc độ tăng trưởng của nhóm những sản phẩm này; tiếp đến dự báo tốc độ tăng
trưởng của nhóm những sản phẩm còn lại; cuối cùng dự báo tốc độ tăng trưởng của
toàn ngành nông lâm ngư nghiệp.
Tương tự, dự báo giá trị sản xuất công
nghiệp được tính trên cơ sở 73 sản phẩm công nghiệp chủ yếu, trong đó có 5 sản
phẩm công nghiệp nặng, 7 sản phẩm công nghiệp vật liệu xây dựng, 5 sản phẩm
thuộc công nghiệp hoá chất, 7 sản phẩm phân bón, 5 sản phẩm cao su, 8 loại hoá
phẩm khác, 13 sản phẩm hoá dầu, 8 sản phẩm công nghiệp nhẹ, 4 sản phẩm công
nghiệp chế biến thực phẩm và 10 sản phẩm cơ khí, điện và điện tử. Tỷ lệ quét
của 73 sản phẩm này đạt khoảng 71% giá trị sản xuất toàn ngành.
Sau khi xác định được tỷ lệ tăng
trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp, theo quan hệ kinh tế vĩ mô, sẽ
tính được tỷ lệ tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực dịch vụ nói chung và một
số ngành cụ thể nói riêng, như giao thông vận tải, dịch vụ, du lịch, bưu
điện...
Trên cơ sở các chỉ tiêu sản xuất, dựa
vào dự báo thay đổi của tỷ lệ chi phí trung gian trong giá trị sản xuất, sẽ
tính được giá trị gia tăng của các ngành và tổng sản phẩm trong nước (GDP).
- Xác định các cân đối lớn, gồm cân
đối tích luỹ - tiêu dùng, cân đối ngân sách nhà nước, cân đối xuất nhập khẩu,
cân đối cán cân thanh toán quốc tế, cân đối vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cân đối
kết quả sản xuất và nhu cầu vật tư hàng hoá phục vụ quá trình sản xuất, cân đối
cung cầu một số sản phẩm chính.
Trong khâu này, phải xác định tổng sản
phẩm trong nước theo giá hiện hành, đây là cơ sở để dự báo thu chi ngân sách
nhà nước, quỹ tiêu dùng và quỹ tích luỹ, đặc biệt là vốn đầu tư xây dựng cơ bản
toàn xã hội. Do vậy cần dự báo chỉ số giá GDP; chỉ số này được dự báo căn cứ
vào quan hệ của nó với chỉ số giá tiêu dùng.
Dự báo xuất nhập khẩu được xây dựng
căn cứ vào danh mục các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu. Để chuyển sang nội tệ,
cần dự báo thay đổi của tỷ giá. Trên cơ sở GDP theo giá hiện hành và chênh lệch
xuất nhập khẩu, sẽ xác định được tổng nguồn cho tích luỹ và tiêu dùng.
- Xác định một số mục tiêu về xã hội,
môi trường như tăng trưởng dân số, khả năng tạo thêm việc làm, thành tích y tế,
giáo dục, đổi mới công nghệ và bảo vệ môi trường để duy trì khả năng phát triển
bền vững.
Như vậy, trong tính toán cân đối vĩ mô
kế hoạch hàng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đi theo đồng thời hai tiếp cận: Tiếp
cận cung và tiếp cận cầu. Theo cách tiếp
cận cầu, trước tiên, dự kiến các khả năng tăng trưởng tiêu dùng bình quân
đầu người, nhân với dự báo khả năng tăng trưởng dân số để xác định tốc độ tăng
trưởng và giá trị tuyệt đối của quỹ tiêu dùng.
Căn cứ vào dự báo tiến triển của cơ
cấu giữa tích luỹ và tiêu dùng, và từ quỹ tiêu dùng đã xác định ở bước 1, sẽ
ước tính được quỹ tích luỹ và tổng nhu cầu tích luỹ, tiêu dùng, gọi là nhu cầu
nội địa, trong kế hoạch 5 năm tới.
Dự báo khả năng thay đổi cơ cấu giữa
nhu cầu nội địa, gồm quỹ tích luỹ và quỹ tiêu dùng, với nhu cầu từ bên ngoài,
thể hiện bằng chỉ tiêu chênh lệch xuất nhập khẩu. Từ cơ cấu này và nhu cầu nội
địa tính ở bước 2, sẽ xác định được tổng giá trị GDP toàn nền kinh tế theo công
thức:
GDP
= Tích luỹ + Tiêu dùng + Chênh lệch xuất nhập khẩu
Từ tổng giá trị GDP, sẽ tính ra tốc độ tăng trưởng GDP hàng
năm và chung cho cả kế hoạch 5 năm tới.
Tính toán phân tích hiệu quả sử dụng
vốn đầu tư: Từ tổng quỹ tích luỹ tính được trong bước 2, căn cứ vào dự báo thay
đổi cơ cấu giữa tích luỹ tài sản cố định và tích luỹ tài sản lưu động, sẽ ước
tính được giá trị tích luỹ tài sản cố định hàng năm và tổng nhu cầu vốn đầu tư
toàn xã hội. Từ đây, tính được hệ số tỷ suất vốn ICOR để phân tích thay đổi
hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Theo
cách tiếp cận cung, ở
bước 1, cần xác định khả năng tăng trưởng các sản phẩm và khu vực chính trong
ba ngành kinh tế tổng hợp là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Trong bước
hai, sẽ dự báo sự phát triển của ba ngành gộp này và tổng hợp lại thành phương
án tăng trưởng GDP. Theo cách tiếp cận cung, không dự kiến thay đổi cơ cấu mà
tính trực tiếp từ dự báo khả năng phát triển sản xuất từng ngành, từng loại sản
phẩm chính.
Tiếp đến là khâu ước tổng hợp nhu cầu
vốn cho phát triển các sản phẩm và các ngành kinh tế, sau đó so sánh với giá
trị ICOR dự báo cho ngành để cân đối lại nhu cầu vốn. Cũng trong bước này, sẽ
ước tính tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội, trong đó chia ra nguồn vốn từ ngân
sách, nguồn vốn tín dụng nhà nước, vốn doanh nghiệp tự đầu tư và vốn đầu tư
trực tiếp nước ngoài. Dự báo cung và cầu vốn ODA cũng được thực hiện trong bước
này.
Sau khi xây dựng các phương án phát
triển theo hai tiếp cận cung và cầu, cần phải lựa chọn phương án đảm bảo sự
khớp nhau theo hai cách tiếp cận. Chính trong bước này, đã chọn được phương án
phát triển có tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 7-7,5%, cao hơn bình quân
5 năm 1996-2000 khoảng 1% (phương án 1 trong bản định hướng). Theo phân tích,
phương án tăng trưởng 7-7,5% / năm được đánh giá là phương án tăng trưởng hợp
lý nhất, đảm bảo được tính phát triển bền vững, đồng thời cũng đáp ứng được các
nhu cầu cải thiện điều kiện sống, giảm thất nghiệp và ổn định cán cân thanh
toán quốc tế. Không nên đặt vấn đề tăng trưởng nhanh hơn vì khi tăng trưởng nhanh,
khó kiểm soát nền kinh tế, dễ dẫn tới khủng hoảng.
Tuy nhiên, trong kế hoạch phát triển,
cần có phương án dự phòng các tình huống thuận hoặc không thuận có thể xảy ra.
Chính vì vậy, đã chọn phương án tăng trưởng thấp hơn làm phương án dự phòng. Vì
tăng sản xuất khó hơn tăng tiêu dùng nên khi xây dựng phương án thấp, cần lấy
cung làm gốc để điều chỉnh tiêu dùng. Đây là phương án tính từ cung, với giả
định khả năng tăng trưởng của các ngành thấp hơn. Từ đây, sẽ tiến hành điều
chỉnh lại các chỉ tiêu tích luỹ, tiêu dùng... trong cân đối kinh tế vĩ mô.
Sau giai đoạn dự báo khả năng phát
triển và các cân đối lớn trong đó có dự báo đầu tư, sẽ chuyển sang thực hiện
các dự báo chi tiết hơn gồm dự báo xuất nhập khẩu, dự báo thu chi ngân sách, dự
báo cung cầu tiền tệ...
Về xuất nhập khẩu và cán cân thanh
toán quốc tế: Dự báo tổng giá trị xuất khẩu dựa vào dự báo khả năng xuất khẩu
các sản phẩm chính trong khi khả năng này được dự báo căn cứ vào dự báo phát
triển sản xuất các sản phẩm dùng để xuất khẩu đã thực hiện theo cách tiếp cận
cung. Dự báo giá trị nhập khẩu được thực hiện căn cứ vào nhu cầu nhập từng loại
hàng hoá phục vụ các phương án phát triển.
Về cân đối ngân sách, dự báo nguồn thu
căn cứ vào dự báo tỷ lệ huy động thuế và phí trên GDP trong khi tỷ lệ này được
dự báo căn cứ vào chính sách thu ngân sách sẽ áp dụng. Dự báo nguồn chi căn cứ
vào nhu cầu chi ngân sách cho đầu tư phát triển đã xác định trong bước xác định
nguồn vốn đầu tư, và nhu cầu chi thường xuyên, trong đó thành phần chínhlà chi
tiền lương...
b) Bước 2: Sau khi tính toán
cân đối tổng thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức hội nghị toàn ngành để hướng
dẫn và thông báo cho các Bộ, Ngành, Tổng công ty, và các địa phương những thông
tin về dự kiến kế hoạch tổng thể phát triển toàn quốc, để các Bộ, Ngành, Tổng
công ty và Địa phương, trên cơ sở đánh giá lại nguồn lực phát triển của ngành,
địa phương mình, sẽ xây dựng kế hoạch phát triển của ngành, địa phương, có kèm
theo các bước thực hiện cụ thể.
c) Bước 3: Sau khi các Bộ,
Ngành, Tổng công ty, và các địa phương xây dựng xong kế hoạch, các văn bản kế
hoạch sẽ được gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở các kế hoạch này, Bộ
KH-ĐT sẽ tổng hợp, phân tích, lựa chọn các giải pháp tối ưu để hình thành kế
hoạch toàn diện phát triển nền kinh tế quốc dân và toàn xã hội, trình chính phủ
đưa ra quốc hội để thông qua. Sau khi có sự phê chuẩn của Quốc hội, sẽ định
hướng phân bổ chỉ tiêu cho các Bộ, Ngành, Tổng công ty, và các địa phương thực
hiện.
d) Bước 4: Xây dựng kế hoạch
điều hành trong năm và cụ thể cho từng quý, trong đó xác định rõ cơ chế điều
hành, phân công phân cấp việc điều hành và theo dõi việc triển khai kế hoạch.
Xây dựng các báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch hàng tháng, hàng quý, dự báo
tình hình quý sau và đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tiếp tục thực hiện
tốt kế hoạch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét