CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD
B) Dự báo tài chính công:
1)
Những vấn đề chung về dự báo tài chính công:
Tài chính công ảnh hưởng rất mạnh đến
sản xuất và tổng cầu của một nền kinh tế, thể hiện dưới các khía cạnh:
- Chính sách thuế ảnh hưởng đến hoạt động
và quyết định chi tiêu của khu vực tư nhân.
- Chính sách chi tiêu và chuyển giao
công cộng ảnh hưởng tới tổng chi tiêu toàn xã hội và phân bố lại thu nhập giữa
các tầng lớp.
- Chính sách tài chính cho thâm hụt ngân
sách có ảnh hưởng đến lạm phát và lãi suất.
- Xét về quy mô ngày càng lớn, các hoạt
động ngân sách có ảnh hưởng mạnh tới các khu vực khác của nền kinh tế.
Vì vậy, đánh giá, dự báo thu, chi và
bù đắp thâm hụt ngân sách tương lai đóng vai trò rất quan trọng trong phân tích
và dự báo tiến triển của toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt, các dự báo thu thuế có
liên quan chặt chẽ tới dự báo các khu vực khác của nền kinh tế quốc dân, như
khu vực thực (GDP...), khu vực ngoại thương, khu vực tài chính tiền tệ...
Vì tất cả những lý do trên, dự báo tài
chính công là một trong những thành phần cơ bản trong tất cả các mô hình kinh
tế lượng vĩ mô.
Dự
báo tài chính công phụ thuộc rất lớn vào các giả thiết về chính sách tài chính
của Nhà nước, được phản ảnh trong quy mô và cơ cấu của thu, chi ngân sách và
phương thức bù đắp cho thâm hụt ngân sách dự báo. Điều này khác với dự báo khu vực
thực (sản xuất, ngoại thương, lãi suất, lạm phát...) vì khu vực này chỉ phụ
thuộc phần nào vào hoạt động của chính phủ trong khi hoạt động của khu vực ngân
sách gắn chặt với mọi quyết định cụ thể, rời rạc của chính phủ, nhất là trong
lĩnh vực chi tiêu.
Nếu như thu ngân sách phụ thuộc rất
lớn vào kết quả hoạt động của nền kinh tế thì các chi ngân sách lại chịu ảnh
hưởng rất lớn vào các quyết định của chính phủ. Đặc biệt, ở tầm ngắn hạn, chính
phủ có thể quay ngoặt chính sách 180 độ, chuyển từ thặng dư ngân sách sang thâm
hụt cao và bắt các khu vực khác của nền kinh tế phải gánh vác việc bù lỗ cho
thâm hụt ngân sách.
Dự báo tài chính công được thực hiện
qua nhiều giai đoạn. Trước tiên, người ta dự báo thu ngân sách trên cơ sở giả
định là các quy định về thuế không thay đổi, trong đó thu ngân sách phụ thuộc
chủ yếu vào các biến kinh tế vĩ mô như GDP, tiêu dùng và nhập khẩu.
Sang bước 2, cũng với giả thiết chính
sách tương lai không thay đổi, người ta dự báo chi ngân sách bằng cách tách
riêng từng thành phần ổn định hoặc gần như đã được xác định trước của chi ngân
sách (ví dụ như tiền lương và dịch vụ nợ). Bước cuối cùng là dự báo thâm hụt
ngân sách bằng cách lấy thu ngân sách trừ đi chi ngân sách. Cơ cấu tài chính
cho thâm hụt ngân sách được xây dựng theo cơ cấu đã thực hiện trong quá khứ.
Đây là phương án hay kịch bản dự bảo cơ sở.
Nếu qua quá trình dự báo qua mô hình
theo cách trên mà đi đến những phi cân bằng không thể chấp nhận được thì phải
xem xét lại mô hình dự báo.
Đối với một số trường hợp đặc biệt như
tình hình hiên nay ở nước ta, khi nhà nước chủ động án định trước một tỷ lệ
thâm hụt ngân sách và danh toàn bộ số chênh lệch thu – chi ngân sách thường
xuyên - trả nợ cho tiêu đầu tư phát triển thì phải cải tiến một số phương trình
cho phù hợp.
Điều quan trọng cần ghi nhận là trong
dự báo thu ngân sách, đối tượng thu là những cá nhân, doanh nghiệp có suy nghĩ,
tính toán nên phản ứng tự nhiên của họ là hạn chế thấp tới mức có thể các khoản
thuế phải nộp. Do đó phải tính đến hiệu ứng con người trong các chính sách áp
dụng với người nộp thuế.
Ví dụ nếu tăng gấp đôi thuế suất thuế
tiêu thụ đặc biệt đánh trên thuốc lá thì có thể người hút thuốc sẽ giảm lượng
hút xuống (đây chính là mục tiêu chủ yếu của biện pháp này), nhưng lại có thể
kéo theo việc giảm thu ngân sách hoặc tốc độ tăng thu không tỷ lệ với tăng thuế
suất.
Các doanh nghiệp cũng có thể có phản
ứng tương tự khi thay đổi chính sách thuế đối với lợi nhuận doanh nghiệp. Khi
thuế suất trở nên quá cao, các doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để lậu thuế, trốn
thuế, gian lận thuế... Do đó, không thể dự báo thu ngân sách một cách máy móc
(tức là đúng theo các tỷ lệ tăng thuế suất).
2)
Dự báo thu ngân sách:
2.1) Phân loại thu ngân sách:
Có nhiều loại mô hình khác nhau có thể
được sử dụng trong dự báo thu ngân sách. Do đó, tại nhiều nước phương tây,
người ta xây dựng nhiều mô hình, thực hiện nhiều dự báo rồi so sánh, đối chiếu
tìm ra những dự báo đáng tin cậy nhất. Để dự báo thu ngân sách, cần phải nắm
được những thông tin sau:
- Hiểu hệ thống kinh tế và hệ thống
thuế;
- Có đủ các loại số liệu thống kê cần
thiết, nhất là các chuỗi thời gian cho việc ước lượng các phương trình;
- Đã có các dự báo kinh tế vĩ mô khác để
có những biến kinh tế vĩ mô khác (trong trường hợp mô hình tài chính độc lập
với nền kinh tế).
Nói chung, hệ thống thuế gồm một số
loại thuế và mức thuế. Việc dự báo chi tiết tình hình thu thuế phụ thuộc vào
khả năng thu thập được số liệu và các thuế suất. Nhưng ngay trong những dự báo
chi tiết nhất, người ta cũng không dự báo các loại thuế chiếm tỷ lệ dưới 3%
tổng thu nhập thuế vì dù có mất công xây dựng các phương pháp tinh vi thế nào
để dự báo được chúng thì cũng không làm tăng đáng kể độ chính xác của dự báo
tổng thu nhập thuế.
Thông thường, người ta nhóm các loại
thuế có cùng xu hướng biến động (tăng, giảm) và tương đối đồng nhất làm một
nhóm để dự báo dù rằng các thuế suất và đối tượng thu thuế có khác nhau. Nếu
hai loại thuế có tổng giá trị thu biến động rất khác nhau thì nên tách riêng để
dự báo nhằm đưa được tính khác nhau đó vào các phương trình dự báo. Tuy nhiên,
tất cả đều phụ thuộc rất lớn vào nguồn số liệu thống kê, hơn nữa, cần tránh
chia các loại thuế quá chi tiết vì các chuỗi thống kê có nguy cơ không ổn định
và do vậy không thể dự báo được.
2.2) Cơ sở thu thuế và thuế suất:
Trong luật thuế, đã xác định tương đối
rõ ràng những hoạt động gì sẽ bị thu thuế. Nói đến thu thuế, trước hết được
hiểu là thu đánh vào các hoạt động kinh tế như sản xuất của một doanh nghiệp,
xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ, bán nhà, có nguồn thu nhập cao... Tuy nhiên,
cũng có nhiều loại thuế đánh vào những đối tượng không có tính kinh tế như thuế
đánh vào công suất các động cơ ô tô, vào đăng ký ô tô xe máy...
Những thông tin sau đây đều có trong
luật thuế: (i) các đối tượng phải nộp thuế, (ii) các phương thức đánh giá giá
trị để tính thuế, (iii) Miễn, giảm thuế nếu có, (iv) Các thuế suất được áp
dụng.
Các
thuế suất được áp dụng theo hai cách:
Một là, theo giá khi nhận hàng hoá hoặc theo giá chính thức (giá thương mại).
Hai là theo khối lượng bán hàng hoặc kết quả sản xuất (các thuế suất đặc thù).
Để
xây dựng các dự báo thu thuế, người ta phải dự báo tiến triển của cơ sở thu
thuế (nguồn thu) và các thuế suất sẽ được áp dụng. Cơ sở đánh thuế lý tưởng là cơ sở đã
được quy định trong luật, nhưng trên thực tế rất khó sử dụng nó một cách trực
tiếp vì nhiều nguyên nhân. Một mặt, một số chỉ tiêu không tồn tại đủ theo chuỗi
thời gian, nên không thể dự báo những cơ sở này. Mặt khác, thông tin liên quan
thường rất chậm. Ví dụ khi dự báo thu thuế VTA đối với các mặt hàng cao cấp, cơ
sở thu thuế là tiêu dùng các mặt hàng cao cấp của các hộ gia đình. Ngay cả khi
người ta biết chính xác cơ sở thu thuế (danh mục những sản phẩn xác định trong
luật) và các thuế suất, cũng rất khó dự báo tổng thu thuế VAT vì không dự báo
được tiêu dùng tương lai các loại sản phẩm này.
Để xử lý khó khăn này, cách hợp lý
nhất là thay cơ sở đánh thuế trong luật bằng một cơ sở khác, gọi là cơ sở thay
thế, với lập luận lô gíc là hai loại cơ sở này tương quan chặt với nhau. Cơ sở
thay thế thường là một biến kinh tế vĩ mô có tương quan, liên hệ chặt chẽ với
cơ sở đánh thuế nhưng chúng ta có đủ số liệu về nó trong quá khứ cũng như dễ dàng
dự báo cho tương lai.
Các cơ sở thay thế thông thường được
chọn trong số những chỉ tiêu gộp của hệ thống tài khoản quốc gia và tài khoản
quan hệ quốc tế. Khi sử dụng các cơ sở thay thế, cần xem lai cách phân loại các
loại thuế cần dự báo cho phù hợp. Bảng dưới đây cung cấp một số gợi ý chọn cơ
sở thay thế khi thực hiện các dự báo thu thuế:
Bảng
25: Một số loại cơ sở thay thế cho cho sở đánh thuế
Loại thuế
|
Cơ sở đánh
thuế thay thế
|
Thuế thu nhập và lợi nhuận
|
- Tổng sản phẩm trong nước theo giá
nhân tố
- Thu nhập quốc gia sẵn có
- Tiền lương của những khu vực chính
- Lợi nhuận của các công ty
|
Thuế đánh vào hàng hoá và dịch vụ
|
- Tiêu dùng tư nhân
- Cầu nội địa
- Tổng sản phẩm trong nước
- Thu nhập quốc gia sẵn có
- Sản xuất của khu vực chế biến
|
Thuế nhập khẩu
|
Giá trị và khối lượng nhập khẩu tính
bằng tiền quốc gia
|
Thuế xuất khẩu
|
Giá trị và khối lượng xuất khẩu tính
bằng tiền quốc gia
|
Thuế khác
|
- Tổng sản phẩm trong nước
- Thu nhập quốc gia sẵn có
|
2.3) Thời gian trễ khi thu thuế:
Trễ trong thu thuế là một đặc điểm rất
phổ biến trong phần lớn các hệ thống thuế vì cần có thời gian thích hợp để thu
thập đủ những thông tin liên quan nhằm tính ra cơ sở thuế, tiếp đến thu số thuế
phải nộp. Trong thực tế, cần phải chấp nhận sự tồn tại của thời gian trễ trong
thu thuế do hai lý do: Một là, khi có thời gian trễ thì có thể dự báo dễ dàng
hơn vì khi đó chúng ta có nhiều thông tin hơn và các thông tin chính xác hơn
lien quan đến cơ sở thu thuế. Hai là trong điều kiện lạm phát, giá trị thực của
số thuế thu được sẽ giảm khi có thời gian trễ do yếu tố mất giá của đồng tiền;
thời gian thu thuế càng dài, tỷ lệ lạm phát càng lớn, thì mức độ giảm giá trị
thực càng cao. Đó là do thuế được xác định cố định theo giá trị danh nghĩa của
loại thuế, ví dụ dưới dạng một tỷ lệ của thu nhập trong thời kỳ trước.
Một nghiên cứu cho 18 nước đang phát
triển gần đây cho thấy thời gian trễ trong thu thuế là đáng kể. Đối với thu
thường xuyên, độ trễ là 6,5 tháng; thu thuế: 6 tháng; thu thuế thu nhập, lợi
tức, lợi nhuận và giá trị thặng dư: 6,3 tháng; thu thuế về bán hàng, doanh thu
hoặc giá trị gia tăng: 5,4 tháng; thu thuế tiêu thụ đặc biệt: 8,3 tháng; thu
thuế nhập khẩu: 8,0 tháng. Như vậy, mức dao động từ 5 đến 8 tháng. Đặc biệt,
thu thuế nhập khẩu có độ trễ lớn nhất trong khi nó chiếm tỷ trọng khá lớn trong
tổng thu nhập thuế.
2.4) Xử lý các số liệu thống kê
liên quan đến thuế
Tăng thu nhập thuế hàng năm có thể
được thực hiện qua hai cách: Hoặc mở rộng cơ sở đánh thuế (với các thuế suất
không đổi), hoặc thay đổi rời rạc trong hệ thống thuế (danh mục loại hàng phải
chịu thuế...). Nếu hệ thống thuế ổn định trong nhiều năm, thu ngân sách hàng
năm sẽ tự động tăng lên do cơ sở thuế tăng lên theo đà phát triển sản xuất,
tăng thu nhập và mở rộng ngoại thương. Nhưng thu ngân sách cũng có thể thay đổi
khi thay đổi thuế suất hoặc thay đổi các quy tắc thuế (định nghĩa cơ sở thuế,
miễn thuế, giảm thuế...). Thu thuế còn phụ thuộc vào năng lực của bộ máy thu
thuế trong từng thời kỳ.
Như
vậy, biến động tình hình thu ngân sách năm này qua năm khác khi thuế suất không đổi, là kết quả tổng hợp của hai
loại biến động: biến động tự động của cơ sở thu thuế và biến động rời rác liên
quan đến thay đổi phương thức tính thuế. Nếu phương thức tính thuế thay đổi thường
xuyên hoặc nếu như ảnh hưởng của nó rất lớn tới từng loại thuế tương ứng, thì
phải xây dựng lại các chuỗi số liệu thống kê quá khứ trước khi đưa vào xây dựng
mô hình và tiến hành các dự báo. Nói cách khác, phải xây dựng lại các thu nhập
thuế để phản ảnh đúng giá trị của nó nếu như không có những biến động rời rạc.
Các chỉ tiêu thu thuế mới được xây dựng lại này được gọi là thu ngân sách hữu
hiệu.
Cách làm đơn giản nhất như sau: Chọn
một năm cơ sở, gọi là năm t, rồi điều chỉnh số liệu các năm khác theo chế độ
thuế của năm cơ sở. Để hợp lý nhất cho mục tiêu dự báo, năm cơ sở được chọn là
năm cuối cùng trước khi bắt đầu dự báo, ví dụ năm 2004 nếu chúng ta muốn dự báo
từ năm 2005 trở đi.
2.5) Hệ số co dãn tổng hợp và hệ số
co dãn tự động
Khi xây dựng được quan hệ giữa những
biến động của thu ngân sách hữu hiệu, người ta có thể đo lường đồng thời hiệu
quả của tăng trưởng tự động và tăng trưởng từ những thay đổi rời rạc. Hệ số thu
được theo cách làm này được gọi là hệ số co dãn tổng hợp, tức là phần trăm của
biến động thu thuế
hữu hiệu chia cho phần trăm biến động cơ sở thu thuế.
trong đó Eg là hệ số co dãn tổng hợp, DTAX và DBASE là
phần trăm của biến động thu thuế hữu hiệu (thực tế có thể thu được) và phần
trăm biến động cơ sở thu thuế.
Ví dụ nếu số thuế nhập khẩu thu được
năm 2002 là 100, năm 2003 là 120, tương ứng với kim ngạch nhập khẩu là 1000 và
1100. Khi đó hệ số co dãn tổng hợp sẽ bằng:
[(120-100)/100]
/ [(1100-1000)/1000] = 0,2 / 0,1 = 2
tức là khi cơ sở thu thuế nhập khẩu
tăng 1% thì số thuế thu được sẽ tăng tới 2%.
Tuy
nhiên, hệ số trên thường không có giá trị dùng để dự báo vì nó phản ảnh kết quả
tổng hợp của nhiều nhân tố. Để có thể sử dụng nó vào mục tiêu dự báo, người ta
phải ngầm giả định là những biến đổi rời rạc của hệ thống thuế sẽ còn tiếp tục
kéo dài trong tương lai và chúng sẽ sinh ra một khoản thu thuế bằng mức trung
bình mà những biến động trong quá khứ đã tạo ra. Nếu những biến động rời rạc là
chuyện thường xuyên (ví dụ trong nền kinh tế chuyển đổi như ở nước ta) và nếu
tác dụng của chúng ổn định như trong quá khứ (cùng khuynh hướng), thì có thể dự
báo theo hệ số co dãn tổng hợp trên. Tuy nhiên, người ta thây rằng tốt nhất vẫn
nên dự báo căn cứ vào một hệ số chỉ phản ảnh tăng trưởng tự động của cơ sở thu
thuế mà thôi.
Hệ số cho phép đo lường quan hệ giữa tăng trưởng tự động của thu thuế và tăng trưởng tự động của cơ sở thu thuế được gọi là hệ số co dãn tự động. Hệ số này được định nghĩa là phần trăm biến động của thu thuế khi hệ thống thuế không đổi, chia cho phần trăm biến động của cơ sở thu thuế.
Việc xác định hệ số này tương đối phức
tạp vì thực tế không mấy khi có được những hệ thống thuế ổn định trong thời
gian dài khi mô hình hoá. Tuy nhiên, người ta có thể ước lượng hệ số co dãn tự
động theo cách đơn giản sau:
+
Ước tính ảnh hưởng hàng năm của những thay đổi rời rạc trong hệ thống thuế ổn
định (DREd). Các cơ quan thuế phải thực hiện
các ước tính này, và thường đã được dự kiến ngay khi chuẩn bị các thay đổi trong
hệ thống thuế.
+
Tính biến động tự động của thu thuế bằng cách lấy biến động của tổng thu trừ đi
ảnh hưởng của những biến động rời rạc:
DREa = DRE - DREd
trong đó Dd là ảnh
hưởng của những biến động rời rạc.
Từ đây suy ra:
DRE = DREa + DREd
(ví dụ ?)
Hệ số co dãn tự động của hệ thống thuế
trong các nước đang phát triển nói chung rất thấp, thậm chí dưới 1, vì các thuế
ít co dãn lại chiếm tỷ trọng cao, ví dụ thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc
biệt. Việc mở rộng cơ sở thuế không làm tăng đáng kể thu nhập thuế vì các loại
thuế trên thường rất đặc thù, đánh vào một danh mục hàng hoá đã cố định.
2.6) Một số công cụ dự báo mức thu
thuế đơn giản:
Dự báo thu thuế thường dựa trên quan
hệ định lượng giữa thu thuế và cơ sở thay thế. Để tính nhanh, người ta có thể
đơn giản hoá cách tính bằng cách xác định một tỷ lệ hay một hệ số co dãn từ
những số liệu của thời kỳ gần nhất. Nhưng chúng ta cũng có thể xây dựng các mô
hình phức tạp hơn trong đó các hệ số được ước lượng theo kỹ thuật kinh tế
lượng. Các quan hệ hàm số như thế này có thể được xây dựng thông qua phân tích
hồi quy các chuỗi thời gian sẵn có nếu như các chuỗi đủ dài và các hệ số đủ ổn
định trong thời kỳ nghiên cứu. Tuy nhiên, dù theo phương pháp nào, khi đưa ra
các kết quả dự báo, đều phải phân tích lại, kết hợp với những thông tin định
tính liên quan tới hệ thống thuế và hành vi của các tác nhân kinh tế. Đặc biệt,
các phương pháp dự báo thường đưa ra những kết quả rất tế nhị, nhạy cảm khi hệ
thống thuế thường xuyên bị biến động trong thời kỳ nghiên cứu.
Quan hệ giữa thu thuế và cơ sở đánh
thuế thay thế có thể được lượng hoá theo các hàm số sau:
-
Tỷ lệ thuế thay thế
Tỷ lệ thuế thay thế là tỷ lệ giữa thuế
hữu hiệu (RE) và cơ sở thay thế (Fa):
ta
= RE / Fa
Hệ số này có thể tính cho một hoặc
nhiều thời kỳ và cho tất cả các loại thuế. Thí dụ, trong trường hợp thuế thu
nhập hoặc thuế nhập khẩu, hệ số này phản ánh số thuế thu được trung bình trên
một giá trị thu nhập đã biết, hay số thuế trung bình thu được từ hoạt động nhập
khẩu.
-
Hệ số co dãn
Hệ số co dãn (e) là tỷ lệ giữa phần
trăm biến động của thu thuế (DR/R) và phần trăm biến động của cơ sở
thay thế (DFa/Fa):
e
= (DRE/RE)
/ (DFa/Fa)
Hệ số co dãn cho phép đo lường khả
năng phản ứng của hệ thống thuế trước những biến động của cơ sở đánh thuế. Khi
hệ số co dãn cao hơn đơn vị (1), thì có nghĩa là thu thuế tăng nhanh hơn mở
rộng quy mô cơ sở đánh thuế, và ngược lại, khi hệ số nhỏ hơn đơn vị thì tốc độ
tăng chậm hơn. Khi hệ số co dãn bằng đúng đơn vị thì tỷ lệ RE/Fa sẽ cố định
-
Hàm quan hệ tuyến tính
Hàm thuế đơn giản nhất là hàm tuyến
tính, nối thu thuế (RE) với cơ sở thay thế (Fa). Đó là:
RE
= a * Fa
Hàm này tương đương với phương trình
ta = RE/Fa. Tuy nhiên, có thể tăng độ chính xác của quan hệ bằng cách bổ xung
một hằng số (b):
RE
= a * Fa + b
Khi xây dựng những hàm số tuyến tính như
trên, luôn phải nhớ là chúng ta đã ngầm giả thiết rằng tỷ lệ thuế cận biên (a)
không thay đổi. Trong trường hợp hằng số b có giá trị dương thì tỷ lệ thuế
trung bình là một hàm giảm của cơ sở thu thuế (Fa):
RE
/ Fa = a + b / Fa
Vì b / Fa > 0 nên tỷ lệ thuế cận
biên (a) sẽ nhỏ hơn tỷ lệ thuế trung bình (a + b/Fa). Bản chất của vấn đề là tỷ
lệ thuế trung bình có xu hướng giảm dần khi cơ sở thu thuế tăng lên.
-
Hàm quan hệ logarit
Có thể chính xác hơn nữa mối quan hệ
giữa thu thuế và cơ sở thu thuế bằng một hàm log tuyến tính. Phương trình cần
phải ước lượng như sau:
log
RE = f * log Fa + g
trong đó hệ số f là hệ số co dãn của
RE theo Fa vì f = dlogRE/dlogFa khi chỉ có những biến động thấp thì tương đương
với (DRE/RE) / (DFa/Fa).
Phương trình này giả thiết ngầm phía sau là hệ số co dãn phải ổn định theo thời
gian. Nếu e = 1, chúng ta lại trở về trường hợp tỷ lệ thuế trung bình cố định.
-
Hàm quan hệ tuyến tính động
Để đưa ảnh hưởng của độ trễ trong thời
gian thu thuế vào phương trình quan hệ, trong tất cả các phương trình nêu trên,
đều có thể chuyển biến Fa thanh biến năm trước Fa(t-1); tức là:
RE(t)
= a * Fa(t-1) + b.
2.7)
Một số gợi ý về dự báo thu ngân sách ngoài thuế:
Nếu như các công cụ nêu trên được áp
dụng rộng rãi cho phần thu ngân sách thì rất khó đem áp dụng cho phần thu ngân
sách ngoài thuế vì tính chất đặc thù của các nguồn thu này. Thu ngoài thuế
nhiều khi rất lớn và quan trọng, nhất là đối với những nước có nguồn thu chủ
yếu dựa vào xuất khẩu dầu mỏ, khoáng sản và những tài nguyên thiên nhiên khác;
hoặc khi các chính phủ cố tình duy trì cố định hệ thống giá trong nước của
những sản phẩm cơ bản xuất khẩu hoặc nhập khẩu.
Vì đặc trưng của nguồn thu ngoài thuế
rất khác nhau nên phải có những thông tin chi tiết cần thiết trước khi chuẩn bị
các công cụ dự báo. Những biến giải thích chủ yếu trong trường hợp này là tổng
sản phẩm trong nước, khối lượng xuất khẩu, nhập khẩu, giá thị trường thế giới
của những sản phẩm liên quan và giá đảm bảo trong nước. Đặc biệt, nếu nguồn thu
ngoài thuế chủ yếu dựa vào chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế thì chúng
có nguy cơ biến động rất mạnh.
Nói chung các công cụ dự báo phần thu
ngân sách ngoài thuế ít và chưa được công thức hoá chặt chẽ. Thông thường,
người ta tách rời những thành phần quan trọng nhất có liên quan đến những sản
phẩm hay cơ chế cụ thể như ví dụ xuất khẩu dầu mỏ hoặc chênh lệch giá nêu trên,
sau đó tiến hành xây dựng quan hệ giữa chúng, rồi dư báo những thành phần này.
đối với bộ phân còn lại, nếu chiếm tỷ trọng dưới 3% tổng thu ngân sách thì
không cần xây dựng các phương trình dự báo mà chỉ cần đưa ra các kịch bản dựa
vào kỹ thuật phân tích hợp lý.
2.8) Các phương trình hồi quy đơn
giản thường được sử dụng trong dự báo thu ngân sách
Như đã nói ở trên, việc xây dựng các
phương trình hồi quy nhằm mục tiêu dự báo thu ngân sách trên cơ sở đã dự báo
tiến triển của một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô... là một nhiệm vụ khá tế nhị.
Trên thực tế, hệ thống thuế thay đổi thường xuyên đã ảnh hưởng rất đáng kể tới
quan hệ giữa một bên là thu thuế và bên kia là các biến kinh tế vĩ mô như GDP,
tiêu dùng, nhập khẩu...
Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể ước
lượng một số phương trình đơn giản cho một số loại thuế quan trọng nhất bằng
phương pháp bình phương cực tiểu.
-
Thuế thu nhập và lợi nhuận (td):
td
= 0,035 * GDP + 53,428
log(td)
= 0,81 log(GDP) - 1,460
-
Thuế hàng hoá và dịch vụ (ti):
ti
= 0,063 GDP + 55,42
log(ti) = 0,09 log(GDP) - 1,78
log(ti) = 0,458 log(ti(-1)) + 0,475
log(GDP) - 0,794
- Thuế xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ (txn):
log(txn) = 0,234 log(IMPOR)
- Tổng thu ngân sách của Nhà nước (rec):
rec = 0,301* GDP + 57.01
log(rec) = 1,095 * log(GDP) - 1,997
log(rec) = 0,966 * log(GDP) - 0,850
(theo phương pháp Cochrane - Orcutt)
log(rec)
= 0,563 * log(rec(-1)) + 0,427 * log(GDP) - 0,360
(hệ số 0,427 chưa phản ảnh đúng,
phải đưa về quan hệ dài hạn)
rec/GDP = 0,723 * [rec/GDP][-1]
+0,091
3) Dự báo chi ngân sách:
3.1)
Dự báo chi ngân sách rời rạc
Chi
ngân sách thường phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của các chính phủ. Trong số các
mục chi thường xuyên có nhiều mục được xem như là những khoản chi rời rạc, nhất
là chi vật liệu, trang thiết bị, bảo dưỡng và chi tiêu quân sự. Nhiều mục khác
lại phụ thuộc rất lớn vào chính sách hay cách làm tồn tại từ lâu của chính phủ:
đi lại, đại diện ở nước ngoài, tiếp tân... Trong những trường hợp này, ước
lượng tốt nhất là lấy số cực đại mà chính phủ có ý định chi trong thời kỳ dự
báo. Tuy nhiên, vì đây là những số ước lượng nên cần thay bằng các số kế hoạch
mỗi khi sát đến năm thực hiện kế hoạch vì khi đó đã có số kế hoạch chính thức.
Đối
với chi vốn, tình hình cũng gần giống như vậy, nhất là vào đầu kỳ kế hoạch. Rõ
ràng mỗi dự án khi đã được triển khai thì sau đó ngân sách phải tiếp tục tài
trợ. Mặt khác, khác với chi thường xuyên, chi ngân sách cho đầu tư không chỉ
hạn chế trong thời kỳ dự báo ngắn hạn mà còn kéo dài hơn vì các khoản tín dụng
do ngân sách chi hoặc bảo lãnh kéo dài trong suốt thời gian tồn tại của dự án.
Thêm nữa, chi tiêu ngân sách thực tế còn phụ thuộc vào tốc độ giải ngân của các
dự án nên số chi tiêu thực thường cao hơn hoặc thấp hơn so với chi dự đoán. Vì
vậy, rất khó dự báo chi ngân sách cho đầu tư trong tương lai.
Trong
nhiều trường hợp, chi đầu tư của chính phủ phụ thuộc vào nguồn viện trợ từ bên
ngoài trong khi nguồn này khá bấp bênh. Hơn nữa, khi tình hình đột nhiên khó
khăn do nhiều nguyên nhân khách quan như kinh tế thế giới suy thoái hiện nay,
chính phủ cũng có thể chủ động tăng thâm hụt ngân sách và dùng thêm hụt này để
đầu tư. Như vậy việc dự báo theo quan hệ xu thế quá khứ sẽ không thể chính xác.
3.2)
Dự báo chi ngân sách không rời rạc
Ngoài
những khoản chi ngân sách nêu trên, còn có những khoản chi khác mà chính phủ
không có quyền can thiệp, ví dụ như những khoản chi đã được ghi trong Luật Ngân
sách hoặc những cam kết đã có, như chi phí cho y tế, giáo dục, người về hưu,
trả nợ trong nước và nước ngoài... Đối với những loại chi này, việc dự báo có
thể căn cứ vào quan hệ quá khứ, vai trò của nhân tố tăng trưởng dân số và tình
hình kinh tế.
Trợ
cấp và chuyển giao lợi nhuận giữa chính phủ và khu vực doanh nghiệp Nhà nước
cũng có thể coi là một khoản chi không rời rạc quan trọng. Việc dự báo chúng
phải căn cứ vào các biện pháp của chính phủ nhằm hỗ trợ cho khu vực công cộng,
vào quản lý giá tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ thiết yếu, vào quản lý giá sản
xuất các nông sản chính. Nếu trong giai đoạn ngắn, chính sách kinh tế không
thay đổi đáng kể, thì việc thanh toán và chuyển giao sẽ phụ thuộc vào khối
lượng hàng hoá và dịch vụ được yêu cầu hoặc được sản xuất, giá thị trường trong
nước và giá thế giới của hàng xuất hoặc nhập.
Khối lượng tiền lương cũng có thể được xem là
một khoản chi không rời rạc trong dự báo ngắn hạn. Nó phụ thuộc vào các nhân tố
kinh tế như tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ tăng lương trong khu vực tư nhân. Tuy
nhiên, dù chính sách tiền lương có thể ổn định ở tầm ngắn hạn; vẫn có thể thay
đổi nó ở tầm trung hạn, tức là chi lương được xem là không rời rạc ở tầm ngắn
hạn, những có thể lại trở thành rời rạc ở tầm trung hạn.
3.3)
Chi trả nợ
Chi
trả nợ nước ngoài có liên quan chặt chẽ tới cán cân thanh toán quốc tế. Thông
thường, các chính phủ đều biết tổng số nợ đến hạn phải trả và số lãi kèm theo.
Tình hình tương tự đối với nợ trong nước. Do đó, trong mô hình, thường xây dựng
một lịch trình trả nợ của chính phủ trên cơ sở các thông tin nợ tồn đọng, từ đó
tính ra số tiền ngân sách phải chi cho mục đích này. Vì vậy dự báo chi trả nợ
không đặt ra nhu cầu phải xây dựng các mô hình kinh tế lượng.
4) Dự báo tài chính bù đắp thâm hụt ngân sách:
Một
trong những nội dung phải làm khi kết thúc các phân tích, dự báo tài chính công
là dự báo thâm hụt ngân sách và phương thức bù đắp thâm hụt ngân sách. Đối với thâm hụt ngân sách, có thể xác
định theo một số cách như sau:
-
Dự báo thu, chi ngân sách và tính thâm hụt ngân sách bằng chênh lệch thu - chi
ngân sách.
-
Dự báo thu ngân sách, chi ngân sách thường xuyên và chi trả nợ. Xây dựng kịch
bản chi đầu tư; tính tổng chi ngân sách rồi áp dụng cách trên để thu được tổng
thâm hụt ngân sách.
-
Xây dựng kịch bản tỷ lệ thâm hụt ngân sách, tính ngược trở lại để thu được chi
ngân sách cho đầu tư...
Đối với tài chính cho thâm hụt ngân sách,
thông thường dùng 1 trong ba hoặc kết hợp ba cách sau đây:
-
Vay từ nước ngoài;
-
Vay trong nước;
-
Phát hành tiền tệ để bù đắp.
Để phân tích dự báo khả năng thu hút
được các nguồn tiền trên vào mục tiêu bù đắp thâm hụt ngân sách, cần phải lưu ý
xem xét một số vấn đề sau:
+
Khả năng vay của chính phủ phụ thuộc rất lớn vào khả năng và tâm lý của khu vực
nước ngoài và trong nước
+
Khả năng vay nước ngoài phụ thuộc chủ yếu vào dự báo tiến triển của cán cân
thanh toán quốc tế vì người nước ngoài cần được đảm bảo rằng họ sẽ được thanh
toán cả vốn và lãi khi đến hạn.
+
Khả năng vay khu vực tư nhân trong nước phụ thuộc vào sức khoẻ của nền kinh tế,
lãi suất thực của các trái phiếu, tín phiếu phát hành và uy tín của chính phủ.
+
Khi sử dụng phát hành tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách, thường sẽ xuất hiện
nguy cơ lạm phát gây mất ổn định kinh tế và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế.
Nhiều nước đã ban hành những đạo luật cấm phát hành tiền bù đắp thâm hụt ngân
sách. Khi đó, chính phủ phải chấp nhận chi tiêu trong phạm vi thu nhập và khả
năng vay được. Thậm chí không được phép vay quá nhiều, nếu không sẽ rơi vào
hoàn cảnh nợ chính phủ trở nên quá cao, đến khi không trả được nợ thì kinh tế
sẽ khủng hoảng.
Vì có những hạn chế trong việc vay bù
đắp cho thâm hụt ngân sách nên rất cần
phân tích kỹ các kết quả dự báo thâm hụt ngân sách. Nhờ công cụ mô hình hoá, có
thể kéo dài thời gian dự báo cho 3 - 5 năm; thông qua đó, những mất cân đối
ngân sách sẽ được khuyếch đại ngày càng cao. Nếu dự báo cho thấy những tỷ lệ
thâm hụt ngân sách tương lai quá cao thì phải có những biện pháp hạn chế chi
tiêu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét