Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

(8) CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD

CÁC CÂN ĐỐI VÀ QUAN HỆ VĨ MÔ CHỦ YẾU CỦA NỀN KTQD
     III-  CÁC PHƯƠNG PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ DỰ BÁO CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ VĨ MÔ QUAN TRỌNG NHẤT
 Trên cơ sở nhiều tài liệu khác nhau, chúng tôi chọn ra những phương pháp tương đối đơn giản và hay được sử dụng nhất trong dự báo kinh tế. Các phương trình này thường được sử dụng để dự báo các nhóm chỉ tiêu sau:
- Nhóm các chỉ tiêu về cung, cầu và giá cả (khu vực thực);
- Nhóm các chỉ tiêu tài chính;
- Nhóm các chỉ tiêu tiền tệ;
- Nhóm các chỉ tiêu xuất nhập khẩu và cán cân thanh toán quốc tế.
Sau khi xây dựng các dự báo, cần phải tập hợp chúng lại thành một hệ thống để đảm bảo sự khớp nhau. Dưới đây là nội dung cụ thể của các phương pháp dự báo các vấn đề trên.

A) Dự báo cung, cầu và giá cả
1) Dự báo khả năng sản xuất và nhu cầu:
1.1) Yêu cầu khớp nhau giữa các dự báo:
Kết quả sản xuất trong thời kỳ dự báo phụ thuộc đồng thời vào khả năng sản xuất sẵn có và tiêu thụ (trong và ngoài nước); trong đó tiêu thụ là điều kiện để xác định sản xuất. Do vậy các dự báo sản xuất phải tương thích đồng thời với các dự báo về khả năng sản xuất và tổng cầu.
Mặt khác, dự báo các chỉ tiêu gộp tầm quốc gia phải phù hợp với dự báo phát triển của các ngành kinh tế. Theo kinh nghiệm, có thể đảm bảo sự khớp nhau này qua hai cách: Một là, dự báo phát triển của các ngành rồi tổng hợp các kết quả lại để có dự báo cho toàn nền kinh tế. Hai là, dự báo chung cho toàn bộ nền kinh tế rồi phân chia cho từng ngành cụ thể; phương pháp này có thể đòi hỏi phải thực hiện nhiều bước lặp để tạo sự khớp nhau và các kết quả có thể được chấp nhận.
Tuy nhiên, theo bất cứ cách nào, cũng phải luôn đảm bảo các dự báo sản xuất không vượt quá dự báo khả năng sản xuất và dự báo tổng cầu, trong khi hai dự báo này được thực hiện qua các mô hình khác.
1.2) Dự báo khả năng sản xuất và tổng cung:
a) Các yếu tố xác định chính:
Khả năng sản xuất được hiểu là mức sản xuất tối đa có thể thực hiện được tại từng thời điểm, có tính đến các yếu tố ràng buộc về cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn, lao động và các điều kiện sản xuất khác. Nói chung sản xuất không thể vượt quá khả năng sản xuất, nhưng trong một thời kỳ ngắn, sản xuất có thể tạm thời vượt quá khả năng.
Ở tầm trung hạn, khả năng sản xuất có thể tăng lên nhờ tăng năng suất mặc dù những điều kiện vật chất không thay đổi; đó là nhờ yếu tố con người. Trên thực tế, mặc dù không đo được khả năng sản xuất, nhưng có thể ước tính thông qua chỉ tiêu khả năng sản xuất hữu hiệu, quan sát được, và tỷ lệ sử dụng khả năng sản xuất.
Các nhân tố chính xác định khả năng sản xuất gồm:
  - Số lượng và chất lượng nguồn lao động sẵn có;
  - Tổng tài sản cố định hiện có và thời gian đã sử dụng;
  - Kỹ năng công nghệ sẵn có;
  - Các điều kiện khí hậu, nhất là trong một nước có nền nông nghiệp chiếm tỷ trọng quan trọng trong nền kinh tế như nước ta.
Bên cạnh những nhân tố phổ biến trên, còn có những nhân tố đặc thù tuỳ theo từng nước cũng ảnh hưởng rất lớn tới khả năng sản xuất. Ví dụ nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào hay nghèo nàn, cơ cở hạ tầng giao thông, điện nước...
Để dự báo khả năng sản xuất, phải tính đến tiến triển của tất cả các nhân tố đặc thù ảnh hưởng tới những khu vực quan trọng nhất của nền kinh tế. Cách tốt nhất để đưa được các nhân tố này vào mô hình dự báo tăng trưởng GDP là xây dựng các dự báo theo từng khu vực rồi tổng hợp lại cho toàn nền kinh tế. Khi đó, cân bằng trong dự báo tổng thể sẽ được đảm bảo.
Thí dụ, các điều kiện khí hậu có ảnh hưởng rất lớn tới dự báo sản xuất nông nghiệp, nhưng do đặc điểm của chúng, rất khó dự báo những yếu tố này. Khi đó, người ta giả thiết các điều kiện tương lai sẽ là trung bình của tình hình đã diễn ra trong quá khứ; trên cơ sở đó sẽ dự báo khả năng phát triển nông nghiệp. Mặt khác, tăng trưởng nhanh của một khu vực không thể tách rời tăng trưởng của các khu vực khác; ví dụ tăng trưởng của khu vực vận tải phải phụ thuộc vào tăng trưởng mong đợi của khu vực sản xuất khác. Vì vậy, nếu dự báo theo ngành, rồi tổng hợp chung cho toàn nền kinh tế thì chính xác hơn.
b) Các phương pháp dự báo:
Số phương pháp dự báo tổng cung tương đối nhiều, người ta thường chia ra làm hai loại lớn: các phương pháp dựa trên phân tích xu hướng phát triển trong quá khứ của biến cần dự báo, và các phương pháp dựa trên phân tích quan hệ giữa biến cần dự báo với các nhân tố chính xác định nó.
Trong thực tế, dự báo kinh tế vĩ mô thường gặp những trở ngại rất lớn về phương pháp luận và thực nghiệm. Tính thiếu chính xác, không đầy đủ của thông tin, dữ liệu là một trong những hạn chế quan trọng nhất. Điều này giải thích tại sao người ta phải áp dụng các phương pháp dự báo đơn giản nhất, vì không thể sử dụng các lý thuyết kinh tế cũng như những kỹ thuật kinh tế lượng tinh vi khi mà không thể thu thập được những số liệu cần thiết. Dưới đây, xin giới thiệu hai loại phương pháp trên:
(1) Dự báo dựa trên phân tích xu thế trong quá khứ:
Để dự báo tiến triển tương lai của tổng cung, tức là dự báo GDP, người ta có thể ước lượng tỷ lệ tăng trưởng trong một thời kỳ đã qua trong quá khứ, và đặt giả thiết rằng tỷ lệ này sẽ được duy trì trong thời kỳ dự báo. Đây là phương pháp dự báo dựa trên tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng vì tỷ lệ tăng trưởng trong một thời gian dài thường được coi là tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của một nền kinh tế; và tỷ lệ tăng trưởng hàng năm có xu hướng hội tụ về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng. Bên cạnh dự báo trực tiếp tổng cung theo phương pháp này, có thể sử dụng nó để dự báo cho các khu vực của nền kinh tế rồi cộng lại để có tổng cung.
Để tính toán tỷ lệ tăng trưởng trung bình cho một thời kỳ đã qua, trước tiên phải chọn thời kỳ điển hình, phù hợp nhất. Có thể chọn thời kỳ căn cứ vào chu kỳ của sản xuất. Đặc biệt, có thể sử dụng phương pháp sau: Coi khoảng thời gian giữa hai đỉnh cao nhất gần nhất là một chu kỳ phản ánh tương đối tốt tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của thời kỳ dự báo, tính tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng theo phương pháp hàm log cho thời kỳ này; coi đó là tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của thời gian tới.
Trong bước 2, sẽ tiến hành tính toán tỷ lệ tăng trưởng của tổng cung (hoặc cung của từng khu vực). Có ba phương pháp để thực hiện:
- Tính trên cơ sở điểm đầu, điểm cuối:
Chúng ta biết:       Y(t) = Y(o) * (1+r)^t                                    (1)
trong đó:      Y(t) là GDP theo giá cố định của năm t,
                      Y(o) là GDP theo giá cố định của năm gốc,
                     r là tỷ lệ tăng trưởng trung bình của kỳ
                     t là chỉ số thời gian, chỉ khoảng thời gian giữa
                               năm đầu và năm cuối.
Thực hiện một số phép biến đổi đơn giản, chúng ta đi tới công thức:

Phương pháp trên có nhược điểm rất lớn là phụ thuộc vào điểm đầu và điểm cuối. Nếu như những năm đó tăng trưởng diễn ra không bình thường thì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trung bình tính theo phương pháp này sẽ không phản ảnh đúng tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng. Để giảm nhược điểm trên, người ta đã cải tiến bằng cách thay những điểm đầu, cuối bằng trung bình trọng số của GDP tại ba năm gần nhất. Tuy nhiên, cải tiến này vẫn không cải thiện đáng kể được tình hình vì những số liệu, thông tin của những năm còn lại vẫn chưa được tính đến.
- Phương pháp dựa trên hàm tuyến tính:
Theo phương pháp này, người ta hồi quy tuyến tính biến GDP theo thời gian. Phương trình hồi quy như sau:
                               Y(t) = a * t + b
Sau khi có đường thẳng Y, người ta tính giá trị của Y  tại điểm t và điểm o, rồi sử dụng phương pháp trên để tính ra tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng.
- Phương pháp dựa trên hàm logarit:
Cùng theo nguyên tắc trên, nhưng thay vì sử dụng hàm tuyến tính, người ta sử dụng hàm log để có độ chính xác cao hơn. Cách làm như sau: logarit hoá hai vế phương trình (1), chúng ta có:
                     log(Y(t)) = t * log(1+r) + log(Y(o))
hay               Z(t) = a * t + b               ;  với a = log(1+r)
Ước lượng hàm Z trên với Z(t) = log(Y(t)), sau khi có được hệ số a, chúng ta tính tỷ lệ tăng trưởng kinh tế tiềm năng r theo công thức:
                               r = exp (a) - 1
Phương pháp thứ ba được coi là có cơ sở khoa học nhất và được sử dụng rộng rãi nhất tại các nước công nghiệp, các tổ chức tài chính quốc tế, và tổ chức Liên Hợp Quốc.
(2) Mô hình hoá quan hệ giữa tổng cung cần dự báo và các nhân tố chính xác định nó:
Dự báo tổng cung thường là dự báo dài hạn vì việc thay đổi sản xuất phụ thuộc rất lớn vào đầu tư mới. Để xây dựng các phương trình, cần phải nghiên cứu các lý thuyết kinh tế nhằm nhận dạng các biến chính có ảnh hưởng tới sản xuất. Sau đó sử dụng kỹ thuật kinh tế lượng để kiểm định lại các quan hệ trong mô hình và ước lượng các tham số.
Nói chung, các mô hình dự báo tổng cung đều dựa trên mô hình tăng trưởng, trong đó khả năng sản xuất là hàm số của các nhân tố sản xuất cơ bản chủ yếu gồm vốn cố định và lao động. Phương trình để ước lượng thường là:
                               y  =  f (K, L)
trong đó K là vốn cố định, L là lao động sẵn có. Có thể ước lượng hàm trên dạng tuyến tính hoặc dạng log (hàm Cobb-Douglas). Trong trường hợp không có số liệu về biến vốn cố định, có thể thay thế hàm trên bằng một hàm tương đương sau:
                     dy / y = a * (IN / y) + b * dL / L
trong đó IN là vốn đầu tư. Theo phương trình trên, tỷ lệ tăng trưởng khả năng sản xuất là hàm của tỷ lệ đầu tư và tỷ lệ tăng trưởng lao động. Các hệ số a và b phản ánh đồng thời vai trò và hiệu quả của việc sử dụng các nguồn lực. Đặc biệt, thay đổi chính sách cơ cấu kinh tế sẽ làm thay đổi các hệ số a và b. Do đó, người ta thường phải nói trước rằng giả thiết là chính sách kinh tế tương lai không thay đổi lớn, thì các hệ số sẽ ổn định ở tầm trung hạn; từ đây có thể thực hiện các phân tích kinh tế và dự báo trên cơ sở mô hình. Khi các chính sách điều chỉnh cơ cấu được thực hiện, hiệu quả sử dụng các nguồn lực tăng lên, thì hệ số a sẽ tăng lên.
1.3) Dự báo tổng cầu:
a) Vai trò của tổng cầu:
Để xác định vai trò của tổng cầu, cần phân biệt hai trường hợp:
- Trường hợp 1: khi đã sử dụng hết khả năng sản xuất và muốn tăng trưởng thêm thì phải hoặc tăng khả năng sản xuất, hoặc tăng năng suất. Khi đó, dự báo tổng cầu có lợi ích lớn là cho phép đảm bảo sự khớp nhau giữa các giả thuyết đặt ra, có tính đến những thông tin sẵn có về hành vi của các tác nhân kinh tế. Nói chính xác hơn, tăng trưởng sản xuất (xác định bởi cung) phải tương thích với một bên là nhịp độ đầu tư, và bên kia là tăng trưởng cầu trong và ngoài nước (tương thích về kế toán và về hành vi của các tác nhân kinh tế).
- Trường hợp 2: khi chưa sử dụng hết khả năng sản xuất. Khi đó chính cầu sẽ xác định mức sản xuất. Tuy nhiên, đến lượt mình, sản xuất sẽ ảnh hưởng tới thu nhập sẵn có, một trong những nhân tố chính xác định tiêu dùng tư nhân, và cũng là một trong những thành phần quan trọng nhất của cầu. Chính quan hệ chu trình này là nguồn gốc của khái niệm nhân tử trong học thuyết Keynes. Hầu hết các mô hình kinh tế lượng được sử dụng tại các nước công nghiệp để xây dựng các mô phỏng và dự báo đều dựa trên sơ đồ tiếp cận Keynes và sử dụng một nhân tử kiểu này để xác định mức sản xuất.
b) Các thành phần của tổng cầu:
Tổng cầu của các hộ gia đình, các doanh nghiệp, bộ máy nhà nước và bên ngoài có thể gộp thành tiêu dùng cuối cùng, đầu tư vốn cố định (kể cả thay đổi dự trữ) và xuất khẩu. Tuy nhiên, có một bộ phận của tổng cầu này được thoả mãn bằng nhập khẩu. Do đó, đối với bộ máy sản xuất trong nước, tổng cầu chính bằng tổng của tiêu dùng cuối cùng, đầu tư, xuất khẩu trừ nhập khẩu các hàng hoá và dịch vụ.
Tiến triển của tổng cầu phụ thuộc vào hành vi của các tác nhân kinh tế, trong khi hành vi này lại phụ thuộc vào một số nhân tố ngoại sinh và những chính sách kinh tế, nhất là chính sách tài chính, tiền tệ và tỷ giá.
Thực vậy, chính sách tài chính tác động trực tiếp tới cầu của khu vực công cộng và hiệu quả gián tiếp tới thu nhập sẵn có, cuối cùng cũng tới tổng cầu của khu vực tư nhân. Hơn nữa, tác động này còn phụ thuộc vào ohương thức tài chính cho thâm hụt ngân sách của chính phủ. Tương tự, chính sách tiền tệ cũng tác động tới tổng cầu của khu vực công cộng và tư nhân thông qua biến đổi lãi suất và cung tín dụng. Chính sách tỷ giá có tác động trực tiếp tới giá tương đối trong - ngoài nước, từ đó gián tiếp tới cán cân xuất nhập khẩu và thanh toán quốc tế.
c) Nguyên tắc dự báo tổng cầu:
Để dự báo tổng cầu, cần phải lần lượt dự báo các thành phần của tổng cầu. Một số thành phần của tổng cầu như tiêu dùng và đầu tư của chính phủ có thể được xem như ngoại sinh nếu như đã biết kế hoạch cụ thể của chính phủ. Các thành phần khác phải được dự báo trên cơ sở phân tích kinh tế và thống kê những hành vi của các tác nhân kinh tế và những giả thiết và phương hướng tương lai của các chính sách kinh tế cũng như tiến triển của môi trường kinh tế quốc tế.
Sau khi có các dự báo thành phần, tổng hợp lại sẽ có dự báo tổng cầu. Nhưng các dự báo tổng cầu không độc lập với dự báo các hoạt động của các khu vực khác trong nền kinh tế; do đó phải tiến hành các nghiên cứu lặp nhiều vòng để đảm bảo cân bằng giữa tổng cầu, tổng cung, khu vực tài chính, khu vực cán cân thanh toán quốc tế và thành phần khác trong nền kinh tế.
Cân bằng tổng cung - tổng cầu hay nguồn - sử dụng các hàng hoá và dịch vụ được thể hiện bằng phương trình:
                     GDP = Cp + Ip + Cg + Ig + X - M
trong đó:
GDP   : Tổng sản phẩm trong nước;
Cp       : Tiêu dùng cuối cùng tư nhân;
Ip        : Đầu tư tư nhân;
Cg       : Tiêu dùng cuối cùng của chính phủ;
Ig        : Đầu tư chính phủ;
X         : Xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ không nhân tố;
M        : Nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ không nhân tố;
Cân bằng này được tính theo giá so sánh và theo giá hiện hành. Trong công thức trên, tiêu dùng và đầu tư tư nhân thường chiếm tỷ lệ cao trong tổng cầu và trong GDP, do đó ảnh hưởng mạnh tới toàn nền kinh tế. Việc xác định giá trị tương lai của chúng có ý nghĩa quan trọng trong dự báo kinh tế vĩ mô.
d) Các yếu tố xác định tổng cầu và phương pháp dự báo:
Để xây dựng các dự báo cho những thành phần chính của tổng cầu, nhất là tiêu dùng và đầu tư tư nhân, trước tiên phải sử dụng các lý thuyết kinh tế để chọn ra những biến giải thích tốt nhất có thể; sau đó sử dụng những phương pháp thống kê để ước lượng và chọn mô hình dự báo tốt nhất. Trong trường hợp không có số liệu hoặc chuỗi số liệu không đủ dài thì có thể tìm các chỉ tiêu thay thế hoặc chọn một số hệ số quan hệ tỷ lệ của thời kỳ được coi là hợp lý hơn cả.
(1) Xác định tiêu dùng tư nhân:
Phân tích hành vi của tiêu dùng tư nhân ở tầm kinh tế vĩ mô thường dựa vào học thuyết cầu của Keynes, trong đó tiêu dùng tư nhân phụ thuộc chủ yếu vào thu nhập sẵn có hiện tại; về mặt toán học nghĩa là:
                               Crp = a + b * RNDrp
trong đó:
       Crp là tiêu dùng cuối cùng thực của khu vực tư nhân (hộ gia đình)
       RNDrp là thu nhập sẵn có thực của khu vực tư nhân
                     với:   a > 0 và 0 < b < 1
Tiết kiệm tư nhân thực Srp được xác định như sau:
                     Srp = RNDrp - Crp
Bằng cách thay Crp trong phương trình trên vào, chúng ta có:
            Srp = RNDrp - (a + b RNDrp)  = (1-b) * RNDrp - a
Phương trình nguyên gốc trên thường được sử dụng trong các mô hình kinh tế vĩ mô rất gộp. Đối với những mô hình chi tiết hơn, nó đã được biến đổi cho phù hợp với những phân tích, nghiên cứu thực nghiệm về tiêu dùng và sự phát triển gần đây của lý thuyết về hành vi của tiêu dùng và tiết kiệm tư nhân. Hai lý thuyết chính có tác động lớn tới phương trình dự báo tiêu dùng tư nhân là lý thuyết chu kỳ sống và lý thuyết thu nhập thường xuyên. Theo các lý thuyết này, tăng tiêu dùng sẽ ảnh hưởng tới tiết kiệm tư nhân, từ đó ảnh hưởng tới tiêu dùng tương lai. Phương trình của lý thuyết chu kỳ sống do Modigliani, Brumberg và Ando đưa ra như sau:
                     Crp = a * RNDrp + b * PATrp
trong đó PATrp là giá trị thực của tổng tài sản của khu vực tư nhân. Theo lý thuyết này, người dân muốn ổn định chi tiêu trong toàn cuộc đời, kể cả khi về hưu, do đó tiêu dùng tư nhân không chỉ phụ thuộc vào thu nhập hiện tại mà còn cả tổng giá trị tài sản tích luỹ của họ.
Theo lý thuyết thu nhập thường xuyên do Milton Friedman khởi xướng, gia đình có mong muốn tiêu dùng ổn định, nhưng thu nhập không ổn định. Hậu quả là tiêu dùng không chỉ là hàm cua thu nhập hiện tại mà còn là hàm của thu nhập trung bình thực mong đợi trên một khoảng thời gian dài; chỉ tiêu đại diện là thu nhập thường xuyên. Căn cứ vào quá trình thích nghi trong dự báo kinh tế, có thể thấy thu nhập thường xuyên là trung bình trọng số của thu nhập sẵn có quá khứ với trọng số giảm dần. Sau một số phép tính, chúng ta đi đến mô hình sau:
                     Crp(t) = a * RNDrp(t) + b * Crp(t-1)
trong đó Crp(t-1) là tiêu dùng tư nhân thực của năm trước.
Hệ số a là giá trị cận biên của tiêu dùng ngắn hạn; còn a/(1-b) là giá trị cận biên của tiêu dùng dài hạn.
Ngoài 2 phương trình trên, còn một phương trình khác cũng được sử dụng khá phổ biến, được xây dựng từ phân tích thuế. Đó là:
                     Crp(t) = a * (GDP - TAX)
trong đó TAX là thuế nộp vào ngân sách nhà nước. Theo tiếp cận này, sẽ không phải tính thu nhập thường xuyên hoặc hiện tại, mà việc thu thập số liệu tính hai chỉ tiêu này rất khó khăn.
(2) Xác định đầu tư tư nhân:
- Nhu cầu đầu tư:
Cũng như cầu tiêu dùng tư nhân, cầu đầu tư tư nhân phải được dự báo bằng các phương trình hành vi. Theo lý thuyết kinh tế vi mô, đầu tư chịu tác động rất mạnh của tỷ suất lợi nhuận của vốn. Lợi nhuận càng cao thì đầu tư càng nhiều; đầu tư chỉ được thực hiện nếu tỷ suất lợi nhuận cao hơn đủ tầm so với chi phí vốn. Nói chung, cầu đầu tư sẽ càng thấp nếu như lãi suất càng cao...
Trong thực tế, chi tiêu đầu tư biến động rất mạnh so với chi tiêu tiêu dùng do người ta có thể điều chỉnh đầu tư theo ý muốn dễ dàng hơn nhiều so với điều chỉnh tiêu dùng. Hơn nữa, tỷ lệ đầu tư trên GDP cũng rất biến động và cũng rất khác nhau giữa các nước.
Do đó để giải thích và dự báo tiến triển của vốn đầu tư, các mô hình thường được xây dựng theo lý thuyết nhân tử gia tăng. Theo lý thuyết nhân tử gia tăng đơn giản, tích luỹ vốn thực của khu vực tư nhân (Krpt*) phụ thuộc vào trình độ mong đợi của sản xuất thực (Yt*); điều này có thể được công thức hoá như sau:
                               Krpt*  =  g . Yt*
trong đó g là tỷ lệ vốn/sản xuất. Hệ số này phụ thuộc vào nhiều biến như chi phí vốn... nhưng trên thực tế, người ta coi như nó tương đối ổn định.
Nếu giả sử tổng lượng vốn cố định (tài sản cố định) được giữ thường xuyên ở mức mong muốn (tức là Krpt = Krpt*) thì đầu tư thực ròng năm t của khu vực tư nhân (tức là biến động của tài sản cố định - INrp) có thể được xác định như sau:
                               INrpt  = Krpt - Krpt-1
Gọi dep là tỷ lệ khấu hao tài sản cố định hàng năm thì đầu tư thực (đầu tư kể cả phần bù đắp khấu hao tài sản cố định) của khu vực tư nhân sẽ được xác định như sau:
                     Irpt  = INrpt  + dep . Krpt-1
hay:              Irpt  = Krpt - Krpt-1 + dep . Krpt-1
                     Irpt  =  g . Yt* -  g . Yt-1 + dep . Krpt-1
                      Irpt  =  g . (Yt* - Yt-1)  + dep . Krpt-1
hay trong thực tế chúng ta thực hiện:
                     Irpt = g  * (GDPt - GDPt) + dep * Krpt-1
Theo cơ chế nhân tử đơn giản trong mô hình này, một sự tăng lên của sản xuất sẽ kéo theo một sự tăng lên của đầu tư; một sự giảm sút hay chậm lại của sản xuất cũng kéo theo sự giảm sút hay chậm lại của đầu tư.
Nếu tính đến thời gian trễ cần thiết để quyết định đầu tư, để triển khai các thủ tục đầu tư..., thì sẽ có tình trạng chênh lệch tạm thời giữa đầu tư thật và đầu tư mong muốn. Trong trường hợp này, người ta sử dụng cơ chế điều chỉnh từng phần để mô hình hoá hành vi đầu tư, được gọi là mô hình nhân tử gia tăng mềm. Công thức cụ thể như sau:
                     Krpt - Krpt-1l . (Krpt* - Krpt-1)
với 0 £ l £ 1
Hệ số điều chỉnh l phản ánh hành vi của các nhà đầu tư tư nhân khi môi trường đầu tư thay đổi, nhất là khi giá vốn (lãi suất vốn) thay đổi.
Để mở rộng mô hình đầu tư nhằm đưa vào ảnh hưởng của các nhân tố khác, nhất là các chi phí sản xuất tới tỷ lệ vốn/sản xuất, khả năng thay thế lẫn nhau giữa vốn và lao động... Điều này đòi hỏi phải bổ sung các loại chi phí này trong phương trình xác định đầu tư.
- Đầu tư tư nhân trong các nước đang phát triển:
Trong các nước đang phát triển, nhiều yếu tố về thể chế và cơ cấu chưa hoàn thiện như ở các nước công nghiệp. Đặc biệt, tại các nước này, thị trường vốn rất kém phát triển; vai trò của Nhà nước trong đầu tư rất quan trọng, những méo mó không theo nguyên tắc cạnh tranh của cơ chế kinh tế thị trường còn rất nhiều, tình trạng thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hoá phục vụ đầu tư khá trầm trọng... Mặt khác, ngay cả khi chúng ta muốn phân tích, xác định nhu cầu đầu tư thường xuyên thì việc thu thập các số liệu liên quan tới tài sản cố định rất khó khăn, thường không đủ cả về định tính lẫn định lượng để có thể thu được các kết quả ước lượng đáng tin cậy.
Do vậy, việc sử dụng các mô hình xác định cầu đầu tư theo nguyên lý nhân tử gia tăng nêu trên cũng như theo một số nguyên lý khác (như nguyên lý tối ưu hoá theo thời gian) bị hạn chế.
Một điểm đáng chú ý là hầu hết các nghiên cứu cho trường hợp các nước đang phát triển đều cho thấy khó khăn lớn nhất trong đầu tư của khu vực tư nhân là khả năng tiếp cận nguồn vốn rất hạn chế chứ không phải chi phí vốn cao hoặc thiếu vốn. Điều này được giải thích chủ yếu là do lãi suất thực được duy trì rất thấp làm nản lòng những người có nhu cầu gửi tiết kiệm, do đó nền kinh tế không động viên được vốn cung cấp cho nhà đầu tư. Hiện tượng này rất phổ biến và được gọi là sự kìm hãm tài chính (financial repression).
Nguyên nhân của hiện tượng kìm hãm tài chính là những can thiệp mang tính hành chính của Nhà nước vào thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
Chính vì vậy, không như nhiều người suy tưởng, sự tăng lên của lãi suất thực thường lại có tác dụng rất tích cực tới đầu tư vì nó cho phép huy động được những nguồn tài chính tiềm tàng tích luỹ trong dân vào hệ thống ngân hàng để tài trợ cho các dự án đầu tư. Như vậy, việc áp dụng chính sách đầu tư ở các nước đang phát triển khác với ở các nước công nghiệp vì theo phân tích ở trên, các nước công nghiệp bắt đầu từ xác định nhu cầu đầu tư chứ không phải từ cung, tức là dựa trên các lý thuyết về phân tích cầu).
Nguồn vốn đầu tư của khu vực tư nhân tại các nước đang phát triển được hình thành chủ yếu từ tín dụng của hệ thống ngân hàng, lợi nhuận thu được qua quá trình kinh doanh và vốn huy động từ nước ngoài, trong đó tín dụng ngân hàng thường chiếm vị trí quan trọng nhất. Do có thể tác động tới tổng cung tín dụng cho nền kinh tế, chính sách tiền tệ tại các nước đang phát triển có thể có tác động trực tiếp tới tổng lượng đầu tư.
Mặt khác, đầu tư nhà nước chiếm tỷ trọng cao trong nhiều nước đang phát triển, do đó nó cũng ảnh hưởng mạnh tới đầu tư tư nhân. Tuy nhiên đầu tư nhà nước thường có thể ảnh hưởng đến đầu tư tư nhân qua hai cơ chế khác nhau:
(i) Tăng đầu tư nhà nước có ảnh hưởng tích cực tới đầu tư tư nhân vì nó tạo ra các thuận lợi cho đầu tư tư nhân, nhất là thông qua đầu tư của nhà nước nhằm phát triển kết cấu hạ tầng.
(ii) Tăng đầu tư nhà nước có ảnh hưởng tiêu cực tới đầu tư tư nhân vì nó chiếm thêm vốn của khu vực tư nhân. Đây là hiệu quả loại trừ trực tiếp, tức là người này được thì người kia mất và ngược lại. Thực tế nguồn vốn của các nước đang phát triển rất hạn chế; nếu nhà nước sử dụng vị trí quan trọng của mình để huy động thêm vốn đưa vào đầu tư thì phần vốn còn lại trên thị trường để phục vụ khu vực tư nhân sẽ giảm.
Hiệu quả tổng hợp của đầu tư nhà nước tới đầu tư tư nhân và đầu tư toàn nền kinh tế tại các nước đang phát triển còn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu định lượng trên thế giới cho thấy đầu tư nhà nước có ảnh hưởng tích cực, một số cho rằng tiêu cực. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều thống nhất cho rằng đầu tư của Nhà nước vào khu vực doanh nghiệp nhà nước thì sẽ đem lại hiệu quả tiêu cực.
Chúng tôi đã sử dụng một mô hình thử đánh giá ảnh hưởng của các thành phần trong đầu tư nhà nước tới đầu tư tư nhân ở Việt Nam và nhận thấy trong khi đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách có vai trò tích cực, thì đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi không có ảnh hưởng đáng kể tới đầu tư tư nhân. Ngược lại, đầu tư của khu vực doanh nghiệp nhà nước có ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt tới đầu tư tư nhân. Điều này cũng phù hợp với trường hợp các nước đang phát triển.
- Dự báo đầu tư tư nhân
Để có thể dự báo được đầu tư tư nhân, trước tiên cần phải đánh giá vai trò của cầu đầu tư của người sản xuất. Cầu đầu tư này phụ thuộc vào tỷ suất lợi nhuận đầu tư mà nhà đầu tư mong đợi (chứ không phải tỷ suất lợi nhuận quá khứ hoặc hiện tại), vào những ràng buộc tiềm năng liên quan đến thị trường tài chính, vào tổng lượng vốn dự báo có thể huy động được, vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của nhà nước...
Trong trường hợp dự báo thấy cầu đầu tư có thể được thoả mãn, thì việc dự báo đầu tư trở thành dự báo triển vọng phát triển kinh tế vì cầu đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào nhân tố này.
Trong trường hợp ngược lại, tức là dự báo cầu đầu tư rất lớn mà cung không thể đáp ứng đủ cầu, vấn đề dự báo đầu tư trở thành dự báo khả năng huy động nguồn vốn.
Nguyên nhân của việc thiếu hụt vốn đầu tư thường do tồn tại quá nhiều khâu hẹp, vướng mắc trong nền kinh tế, ví dụ như nhiều dự án có tiềm năng sinh lợi cao nhưng không thể triển khai được vì kết cấu hạ tầng phục vụ quá kém, không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư tư nhân. Khi đó, không chỉ cần vốn đầu tư cho dự án mà cần cả vốn đầu tư để phát triển các kết cấu hạ tầng liên quan. Ví dụ khác là đầu tư của nhà nước quá lớn đã thu hút phần lớn vốn của nền kinh tế nên không còn vốn phục vụ khu vực tư nhân (Nhà nước tăng tỷ lệ thâm hụt ngân sách để đầu tư, do đó phải vay dân bù đắp, tức là làm giảm lượng tiền dư thừa để có thể đầu tư của khu vực tư nhân).
Những thông tin trên rất quan trọng để hình thành sơ bộ các dự báo về đầu tư. Ngoài ra còn phải tính đến việc đầu tư tư nhân, nhất là đầu tư của tư nhân nước ngoài, đặc biệt nhạy cảm với sự ổn định chính trị của đất nước.
Một lưu ý khác là ảnh hưởng của đầu tư tư nhân tới nền kinh tế. Nếu đầu tư tư nhân là nhân tố giải thích tiến triển của tăng trưởng kinh tế thì ảnh hưởng của nó là rõ ràng; sự hạn chế của nó sẽ ảnh hưởng bất lợi tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, khi nền kinh tế đang tình trạng chưa sử dụng hết công suất thiết kế, khả năng tăng trưởng của nền kinh tế có thể sẽ không tương ứng với sự giảm xuống hay tăng lên mạnh mẽ của đầu tư của khu vực tư nhân, ít nhất là trong thời gian ngắn.
Để dự báo đầu tư tư nhân, có thể sử dụng một mô hình khá phổ biến do Khan và Blejer xây dựng cho các nước đang phát triển. Mô hình này cho phép tính đến ảnh hưởng của nhiều nhân tố tới cầu đầu tư và các ràng buộc liên quan như thiếu nguồn tín dụng cần thiết hoặc sự tham gia của đầu tư nhà nước. Trong mô hình, cầu đầu tư được xác định theo cơ chế liên kết mức đầu tư mong muốn với tăng trưởng mong đợi của sản xuất, hiệu quả loại trừ trực tiếp của đầu tư nhà nước và bối cảnh kinh tế hiện tại. Phương trình rút gọn của mô hình như sau:
            Irpt  =  a0 . (Yt - dep Yt-1) + a1 . GAP + a2 . DCIRrpKrpt
                     + a3 . Irgt  +  a4 . Irpt-1
trong đó:
Irpt  là vốn đầu tư thực của khu vực tư nhân;
Y là GDP thực;
dep là tỷ lệ khấu hao của tài sản cố định;
GAP là chênh lệch của GDP thực so với các giá trị xu hướng của nó;
DCIRrpKrpt là biến động của tín dụng thực dành cho khu vực tư nhân cộng
            với các khoản vốn khác của khu vực tư nhân (vốn ròng);
Irgt là vốn đầu tư của khu vực nhà nước.
Chúng ta dự báo các hệ số a0 (nhân tử gia tăng), a2 (ràng buộc tài chính) và a4 (điều chỉnh theo xu hướng) sẽ dương, trong khi các hệ số a1 (hiệu quả chu kỳ) và a3 (đầu tư của nhà nước) sẽ chưa rõ dương hay âm.
Nếu hệ số a3 âm thì rõ ràng đã có hiệu quả loại trừ, tức là đầu tư của nhà nước đã tác động tiêu cực tới đầu tư tư nhân. Ngược lại, nếu a3 dương thì đầu tư của nhà nước đã tác động tích cực tới đầu tư tư nhân, do đó có hiện tượng thiếu hụt nguồn vốn cho đầu tư nhà nước. Trong trường hợp a3 dương, người ta nói rằng đầu tư nhà nước đã có tác dụng bổ sung, hỗ trợ đầu tư tư nhân, đồng thời hiệu quả phối hợp, bổ sung cho nhau của 2 loại đầu tư đã lấn át hiệu quả loại trừ.
Ngoài những mô hình phức tạp, còn có nhiều mô hình đơn giản hơn. Một số biến thường được đưa vào mô hình xác định đầu tư tư nhân của các nước đang phát triển là thu nhập của dân cư (đại diện bằng GDP - TAX), tín dụng ngân hàng (cho khu vực tư nhân), lãi suất, và tỷ suất lợi nhuận. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm một số biến khác như chênh lệch tăng trưởng GDP so với xu thế và đầu tư của khu vực nhà nước như trong mô hình trên.
(3) Tiêu dùng và đầu tư của khu vực nhà nước:
- Tiêu dùng và đầu tư của khu vực nhà nước tại các nước đang phát triển thường xuất phát từ các quyết định riêng của Chính phủ các nước này. Các quyết định này hầu như không gắn với các ràng buộc như trong trường hợp tiêu dùng và đầu tư của khu vực tư nhân, và cũng không dựa trên các quy tắc điều chỉnh hành vi kinh tế của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Chính phủ không tính đến những cân đối liên quan, nhất là cân đối giữa đầu tư và tiêu dùng.
Thông thường Chính phủ đặt ra các mục tiêu và phân tích các ràng buộc để sắp xếp hoặc điều chỉnh để đảm bảo tính cân đối. Ví dụ các chi phí bảo dưỡng phải gắn liền với đầu tư đã thực hiện trong quá khứ, và trong tương lai phải đảm bảo đủ kinh phí để bảo dưỡng số tài sản cố định sẽ được đầu tư. Hoặc chỉ lương phải gắn với chính sách tiền lương và chính sách cán bộ đã được xây dựng từ trước. Tất cả các yếu tố này đều phải được tính đến trong dự báo các khoản chi tiêu của Chính phủ.
- Đối với các nước đang phát triển, tiêu dùng chính phủ thường là biến ngoại sinh, do đó không cần dự báo theo quy luật của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, cần phải dự báo nó để làm đầu vào cho mô hình dự báo vĩ mô. Việc dự báo tiêu dùng chính phủ có thể được tiến hành theo hai cách: Đi từ dự báo gộp xuống dự báo các thành phần chi tiết hoặc dự báo các thành phần chi tiết rồi tổng hợp lại.
Dự báo tiêu dùng chính phủ có thể được thực hiện theo các phương pháp sau: (i) Dự báo căn cứ vào các chủ trương tiêu dùng sắp tới của Chính phủ đã được đưa vào các báo cáo chính thức; (ii) Dự báo căn cứ theo xu thế có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình sắp tới; (iii) Dự báo theo một mô hình riêng, chi tiết; (iv) Dự báo theo phương pháp chuyên gia. Thông thường, phải xây dựng các kịch bản đối với dự báo tiêu dùng chính phủ vì thực tế Chính phủ có rất nhiều khả năng để lựa chọn phương án tiêu dùng.
- Dự báo đầu tư chính phủ thường được xác định qua cân đối ngân sách hoặc một hàm số. Đối với một số nước, có thể xác định đầu tư chính phủ dễ dàng bằng cách lấy tổng chi ngân sách dự kiến trừ đi phần tiêu dùng đã dự báo ở trên (tiêu dùng thường ổn định hơn nên được dự báo trước).
Trường hợp phải xây dựng hàm số là khi tính cả đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư Chính phủ (khi đó được gọi là đầu tư nhà nước). Khi đó, các loại đầu tư có tính thị trường như đầu tư bằng vốn tự có hình thành từ lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước, tín dụng ưu đãi của nhà nước... chiếm vai trò quan trọng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét